Luật Ánh Ngọc

Thừa kế theo pháp luật và vấn đề pháp lý liên quan

Tư vấn luật dân sự | 2024-08-04 13:16:58

1. Sự khác biệt giữa thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc?

Căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự, cá nhân có quyền sở hữu đối với tài sản của mình, và sau khi chết, tài sản đó được chia đều cho những người thừa kế. Do đó, có thể hiểu, quyền thừa kế là quyền của cá nhân để lại di sản của mình cho người khác sau khi mất, tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Hiện nay, Bộ luật dân sự 2015 quy định về 02 hình thức hưởng thừa kế:

- Thừa kế theo di chúc;

- Thừa kế theo pháp luật.

Tuy nhiên, đây là hai hình thức riêng biệt nên có sự khác nhau giữa các quy định về hai hình thức thừa kế như sau:

Tiêu chí Thừa kế theo pháp luật Thừa kế theo di chúc
Định nghĩa Là việc thừa kế theo hàng thừa kế, tuân theo các điều kiện, trình tự, thủ tục thừa kế được quy định tại Bộ luật dân sự. Thừa kế theo di chúc là quyền lập di chúc để định đoạt di sản của mình thông qua di chúc. Người đáp ứng được các điều kiện theo quy định được quyền hưởng di sản đó.
Hình thức Người thừa kế phải làm văn bản thỏa thuận/ khai nhận di sản thừa kế tại phòng công chứng

- Di chúc miệng;

- Di chúc bằng văn bản: có thể là di chúc có người làm chứng, di chúc không người làm chứng, di chúc có công chứng hoặc di chúc không có công chứng.

(Điều 627, Điều 628 Bộ luật dân sự 2015)

Chủ thể hưởng thừa kế Tuân theo quy định về hàng thừa kế tại Điều 651 Bộ luật dân sự

- Người được người để lại di sản chỉ định trong di chúc;

- Cha, mẹ, vợ chồng, con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động.

Các trường hợp hưởng thừa kế

Các trường hợp quy định tại Điều 650 Bộ luật dân sự 2015:

- Không có di chúc hoặc phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

- Di chúc không hợp pháp hoặc phần di sản liên quan đến di chúc không có hiệu lực pháp luật;

- Người được chỉ định hưởng di sản cũng như phần di sản liên quan đến những người này không có quyền hưởng, từ chối nhận di sản hoặc bị truất quyền nhận di sản.

Người được hưởng di chúc do người để lại di chúc chỉ định
Các quy định liên quan khác Ngoài ra, đối với thừa kế theo pháp luật còn có các quy định về thừa kế thế vị, thừa kế trong quan hệ hôn nhân giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, con riêng với bố dượng, mẹ kế, quan hệ ly hôn,... Quy định liên quan về nội dung di chúc, người làm chứng, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc, hiệu lực của di chúc,...

2. Thứ tự hưởng thừa kế theo pháp luật

Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm để lại di sản cho người khác sau khi mất. Do đó, pháp luật ưu tiên và khuyến khích việc chia thừa kế theo di chúc.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng được tiến hành chia theo di chúc. Điều 650 Bộ luật dân sự quy định các trường hợp di sản sẽ được phân chia theo pháp luật.

Khi đó, việc hưởng di sản thừa kế theo pháp luật được tiến hành chia theo thứ tự được quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015.

 

Thứ tự hàng thừa kế được xác định như sau

- Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai gồm có ông bà (bao gồm cả ông bà nội, ông bà ngoại), anh, chị em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông bà nội, ông bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Cần lưu ý rằng, việc hưởng thừa kế theo pháp luật được tuân theo nguyên tắc sau:

+ Những người ở cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản là bằng nhau;

+ Việc hưởng thừa kế được thực hiện theo thứ tự hàng thừa kế, người thừa kế ở hàng sau chỉ được hưởng thừa kế nếu hàng thừa kế trước không còn ai hưởng do đã chết, do bị truất quyền thừa kế, do không có quyền hưởng thừa kế hoặc do từ chối nhận di sản thừa kế;

+ Trường hợp thừa kế thế vị: Theo quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự, trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

3. Thực tiễn về tranh chấp thừa kế theo pháp luật

3.1. Tranh chấp chia thừa kế theo pháp luật

Câu hỏi: Cha mẹ tôi mất không để lại di chúc. Nhà tôi có 04 chị em gái đi lấy chồng xa, hiện tại đất của bố mẹ do chú thím quản lý và sử dụng nhưng không chịu bàn giao lại cho 4 chị em tôi. Vậy tôi có được kiện đòi lại phần đất của chúng tôi không?

Luật sư Ánh Ngọc trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 thì các con của người để lại di sản thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên đều được hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau. Anh chị em của người mất thuộc hàng thừa kế thứ hai. Vì vậy, pháp luật ưu tiên chia theo thứ tự hàng thừa kế thứ nhất trước. 

Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể khởi kiện để đòi lại tài sản và yêu cầu chia di sản thừa kế đối với toàn bộ di sản bố mẹ bạn để lại.

3.2. Ví dụ về tranh chấp thừa kế giữa bố mẹ chồng và con dâu

Vợ chồng anh H và chị C kết hôn từ năm 2015, anh chị cùng nhau lập nghiệp đi lên từ hai bàn tay trắng và đã có đất đai, nhà ở, oto. Tuy nhiên, năm 2022, anh H bị tai nạn giao thông và qua đời. Sau khi anh H qua đời, bố mẹ chồng chị C đòi chia phần tài sản anh H để lại nhưng chị C không đồng ý vì cho rằng tài sản này do vợ chồng anh chị tạo nên. Hai bên xảy ra tranh chấp và đều cho rằng ý kiến của mình là đúng. Vậy trong trường hợp này, chị C đúng hay bố mẹ chồng chị đúng?

Luật Ánh Ngọc trả lời: Căn cứ theo quy định về thừa kế tại Bộ luật dân sự 2015 quy định:

- Trường hợp anh H để lại di chúc nhưng không có phần của bố mẹ: Căn cứ theo quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự, bố, mẹ của anh H vẫn được hưởng một phần di sản thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

- Trường hợp anh H mất không để lại di chúc: Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự thì bố mẹ là hàng thừa kế thứ nhất nên vẫn được hưởng 01 suất thừa kế theo quy định.

Như vậy, cho dù chia thừa kế theo pháp luật hay chia thừa kế theo di chúc thì bố mẹ chồng chị C vẫn được hưởng phần di sản do anh H để lại. Vì vậy, ý kiến của chị C là sai quy định pháp luật. 

3.2. Tranh chấp thừa kế thế vị

Câu hỏi: Ông bà em đã mất không để lại di chúc, tài sản của ông bà để lại là 500 m2 đất và 01 căn nhà trên đất. Nay các bác, các cô chú chia đất của ông bà nhưng nhà em không được chia vì bố em đã mất trước ông bà. Vậy, luật sư cho em hỏi việc các cô chú chia đất như vậy có đúng pháp luật không?

Luật Ánh Ngọc trả lời:

Theo quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự, trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ được hưởng. Điều này có nghĩa là, nếu bố bạn đã mất trước ông bà thì các con của bố bạn sẽ được hưởng phần di sản đó thay cho bố bạn theo thừa kế thế vị.

Nếu các anh chị em của bố bạn không chia phần đất cho gia đình bạn là trái quy định và bạn có thể khởi kiện để được chia lại phần di sản của ông bà bạn để lại. 

Xem thêm: Trẻ sơ sinh có được quyền thừa hưởng di sản thừa kế hay không?

4. Luật sư tư vấn về thừa kế 

Các vấn đề liên quan đến thừa kế rất phức tạp và đòi hỏi kiến ​​thức pháp lý chuyên sâu để đảm bảo rằng quy trình được thực hiện đúng cách và theo quy định pháp luật.

Luật Ánh Ngọc cung cấp dịch vụ luật sư tư vấn thừa kế bao gồm không giới hạn các nội dung:

- Tư vấn trọn gói về các quy định liên quan đến thừa kế như các quy định việc chia tài sản, quyền lợi và nghĩa vụ của người thừa kế theo pháp luật hiện hành;

- Hỗ trợ lập di chúc (quyền di chúc): Chúng tôi có thể hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng lập di chúc hoặc điều chỉnh di chúc hiện tại của mình để đảm bảo di chúc được thực hiện theo đúng pháp luật;

- Tư vấn về việc quản lý tài sản và các khoản nợ của người qua đời: Điều này có thể bao gồm xác định và quản lý tài sản, giải quyết các khoản nợ của người đã qua đời;

- Đại diện pháp lý trong quá trình thừa kế: Luật sư Ánh Ngọc sẽ đại diện theo ủy quyền cho khách hàng trong quá trình phân chia di sản thừa kế, các tranh chấp phát sinh trong quá trình thừa kế,  bao gồm đối thoại với các bên liên quan, giải quyết tranh chấp và làm các thủ tục pháp lý cần thiết;

- Tư vấn về thuế liên quan đến thừa kế: Chúng tôi cung cấp thông tin về các vấn đề thuế liên quan đến thừa kế và giúp khách hàng tối ưu hóa các khoản thuế;

- Giải quyết tranh chấp thừa kế: Trong trường hợp có tranh chấp hoặc mâu thuẫn về thừa kế, luật sư Ánh Ngọc có thể giúp khách hàng giải quyết các vấn đề pháp lý và đại diện cho khách hàng trong các vụ kiện liên quan.


Bài viết khác