Luật Ánh Ngọc

Quan hệ hợp đồng là gì?

Tư vấn luật dân sự | 2024-07-15 08:52:38

1. Hợp đồng là gì? Phân loại hợp đồng theo quy định hiện hành

Tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa khái niệm hợp đồng như sau: 

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Hiện nay, Bộ luật Dân sự 2015 phân loại hợp đồng thành 06 loại hợp đồng chủ yếu và được quy định tại Điều 402 như sau: 

- Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau

Ví dụ: hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng vay tài sản, …

- Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ với bên còn lại

Ví dụ: Hợp đồng tặng, cho tài sản, …

Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ. Nội dung của hợp đồng chính thường thể hiện các vấn đề quan trọng và cơ bản của đối tượng.

Ví dụ: Hợp đồng gia công, hợp đồng cầm cố tài sản, …

- Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính.

Thông thường, hợp đồng phụ sẽ là những thỏa thuận, cam kết kèm theo giữa các bên để chi tiết hóa các nội dung của hợp đồng chính. 

Ví dụ: Hợp đồng thỏa thuận về chất lượng hàng hóa gia công, hợp đồng thỏa thuận về việc thanh toán chi phí bảo quản tài sản cầm cố, …

- Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó.

Ví dụ: A và B giao kết hợp đồng vận chuyển, theo đó, A phải giao hàng cho C. Trong hợp đồng này, C chính là người thứ 3 được hưởng lợi ích. 

- Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.

Ví dụ: A và B ký hợp đồng bán nhà và thỏa thuận hợp đồng bán nhà chỉ có hiệu lực khi căn nhà đó hoàn tất việc thi công.  

Caption

2. Quan hệ hợp đồng là gì?

Quan hệ hợp đồng là một dạng của quan hệ pháp luật được xây dựng dựa trên cơ sở hợp đồng. 

Trong đó, quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội được xác lập, tồn tại, phát triển hay chấm dứt trên cơ sở quy định của các quy phạm pháp luật.

Hiểu đơn giản hơn, quan hệ hợp đồng là mối quan hệ pháp lý giữa hai hay nhiều bên được xác lập, tồn tại, phát triển hoặc chấm dứt thông qua hợp đồng và các quy định pháp luật điều chỉnh về mối quan hệ hợp đồng tương ứng. 

Trong quan hệ hợp đồng, mỗi bên đều có trách nhiệm tuân thủ các điều khoản mà họ đã thỏa thuận tại hợp đồng và các quy định pháp luật liên quan. 

Ví dụ: A và B ký hợp đồng mua bán đất thì quan hệ giữa A và B chính là quan hệ hợp đồng. Theo đó, A và B phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với nhau, theo thỏa thuận tại hợp đồng. 

3. Khi nào quan hệ hợp đồng được pháp luật công nhận

Quan hệ hợp đồng chỉ được pháp luật công nhận khi hợp đồng mà các bên trong quan hệ hợp đồng giao kết phải là hợp đồng có hiệu lực pháp luật. 

Theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng chính là một hình thức thể hiện của giao dịch dân sự

Do đó, để hợp đồng có hiệu lực thì phải tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. 

Các điều kiện này đã được nhà làm luật liệt kê tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm: 

- Chủ thể giao kết hợp đồng phải là có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. 

Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán nhà thì người bán phải là người từ đủ 18 tuổi và căn nhà đó phải thuộc quyền sở hữu của người bán hoặc được ủy quyền từ chủ sở hữu. 

- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Ví dụ: Hợp đồng thỏa thuận về chia lợi nhuận khi mua bán ma túy thì được coi là hợp đồng vô hiệu vì mua bán ma túy là hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, hình thức của hợp đồng cũng là một điều kiện điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp luật có quy định. 

Ví dụ: Đối với hợp đồng mua bán/ chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì pháp luật yêu cầu phải thể hiện bằng hình thức văn bản và có công chứng/ chứng thực. 

Do đó, nếu hợp đồng này được giao kết bằng lời nói hoặc bằng văn bản nhưng không có công chứng/ chứng thực thì có thể bị vô hiệu.

Nếu hợp đồng không đảm bảo những điều kiện nêu trên thì được xác định là hợp đồng vô hiệu, khí đó, giữa các bên không tồn tại quan hệ hợp đồng. 


Bài viết khác