Luật Ánh Ngọc

Khi tình yêu biến thành bi kịch: hậu quả pháp lý đánh ghen tạt Axit

Tư vấn luật hình sự | 2024-03-17 17:27:27

Ở Việt Nam đã từng có rất nhiều vụ đánh ghen gây chấn động đặc biệt là các vụ "đánh ghen tạt axit".  Đó là những bi kịch đáng buồn xảy ra ở Việt Nam. Đến hiện tại vẫn còn tồn tại các tình huống đánh ghen, nhưng xã hội ngày càng phát triển, muôn kiểu đánh ghen của chị em từ đó mà cũng văn minh và nhân tính hơn so với thời trước.

Hậu quả của hành vi đánh ghen tạt axit thường vô cùng nghiêm trọng. Những người bị tấn công không chỉ phải chịu nỗi đau về thể xác mà còn là nỗi đau tinh thần. Đây là tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Nhờ vào pháp luật, các nghi phạm thường phải đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc nhằm đảm bảo sự công bằng và công lý cho nạn nhân. 

Luật Ánh Ngọc gửi tới bạn đọc bài viết tìm hiểu về hậu quả pháp lý của hành vi đánh ghen tạt axit cũng như bài học về sự cần thiết của việc tôn trọng và bảo vệ lẫn nhau trong mối quan hệ con người.

1. Hành vi đánh ghen tạt axit

Như chúng ta đã biết, axit là một một hợp chất hóa học đóng vai trò quan trọng trong hóa học, công nghiệp, và cuộc sống hàng ngày. Nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người nghiêm trọng nếu cơ thể tiếp xúc một lượng lớn trong điều kiện không an toàn.

 

(Hậu quả pháp lý của hành vi đánh ghen tạt axit)

 

Khi cơ thể con người bị tạt axit mạnh như axit sulfuric hoặc axit clohidric, nó có thể gây ra vết bỏng nặng, cháy da, ăn mòn các cơ quan khác trên cơ thể, và thậm chí là mất thị lực nếu tiếp xúc với mắt. Điều này có thể dẫn đến hậu quả là người bị tấn công phải chịu đau đớn vô cùng, bị tổn thất sức khỏe đặc biệt về ngoại hình, nặng thì có thể dẫn đến tử vong, kèm theo đó sự ám ảnh về tinh thần đến về sau. Đa số các vụ đánh ghen tạt axit hung thủ mong muốn gây thương tích cho nạn nhân chứ không có ý định tước đoạt mạng sống của họ, thông thường là hủy hoại nhan sắc, thẩm mỹ phía bên ngoài cơ thể nạn nhân. Ngoài ra, một số vụ đánh ghen tạt axit còn gây cháy nổ, hủy hoại nghiêm trọng đến tài sản.

Pháp luật Việt Nam không có quy định chính thức về hành vi đánh ghen tạt axit hay các biện pháp cụ thể xử lý hành vi này. Ta có thể hiểu đánh ghen là việc một người sử dụng lời nói, hành động bạo lực hoặc thực hiện các hành vi trái đạo đức đối với một cá nhân đang can thiệp đến đời sống tình cảm cũng như gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hôn nhân vợ chồng của người đó.

2. Hậu quả pháp lý của hành vi đánh ghen tạt axit

Trong Hiến pháp năm 2013 nêu rõ mọi cá nhân đều được tôn trọng về thân thể và được đảm bảo bởi pháp luật về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm không bị áp đặt tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hoặc bất kỳ hình thức đối xử nào khác vi phạm về thân thể, sức khỏe, hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Do đó, hành vi đánh ghen tạt axit là một hành động rất tàn nhẫn khi mà người nào đó đã có ý định tấn công người khác bằng cách ném hoặc tạt axit lên cơ thể của họ nhằm gây tổn thương thể chất và tinh thần cho nạn nhân, tức là đã cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác và là một hành vi phạm tội nghiêm trọng. 

Hành vi đánh ghen tạt axit được xem là tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017

 

(Trích dẫn Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác)

 

Các mức hình phạt đối với hành vi đánh ghen tạt axit sẽ được quyết định dựa vào tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi và các tình tiết định khung tăng nặng cùng với hậu quả tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân. Nạn nhân chỉ cần có tỷ lệ tổn thương cơ thể 1% do hành vi tạt axit gây ra thì đã có đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.  

Luật Ánh Ngọc lấy ví dụ như sau:

Biết chồng mình cặp bồ với chị Minh H, không những thế còn bị chị Minh H thách thức, chị Ngọc M đã lên kế hoạch để dằn mặt tiểu tam, do đó chị M chuẩn bị sẵn axit trực sẵn trước nhà để tạt vào mặt chị H. Khi chị H vừa ra khỏi nhà, chị M liền tạt vào vào người chị H. Chị M sau khi tạt axit lên người chị H xong thì phóng xe chạy đi nên tạt axit vung vãi lên người chị H, qua giám định thì bị tổn thương cơ thể 3%. Hành vi của chị M sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo đó, căn cứ vào Điều 134 Bộ luật hình sự thì hành vi của chị M là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho người khác tức chị H bằng cách sử dụng axit nguy hiểm gây ra tỷ lệ tổn thương cơ thể của chị H dưới 11% thì chị M bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Bên cạnh đó, với những đau đớn mà chị H phải chịu, chị M còn phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho chị H.

Ngoài ra, thêm các trường hợp về các hình phạt khác nhau đối với hành vi đánh ghen tạt axit của chị M:

Trường hợp 1: nếu tỷ lệ tổn hại cơ thể của chị H được giám định từ 31% đến 60% thì bị phạt từ 02 đến 06 năm.

Trường hợp 2: nếu tỷ lệ tổn hại cơ thể của chị H được giám định từ 61% trở lên mà vùng mặt của chị H không bị biến dạng thì chị M phải chịu mức phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Trường hợp 3: nếu hành vi đánh ghen tạt axit của chị M chính xác vào mặt chị H làm chị H bị biến dạng khuôn mặt với tỷ lệ thương tật cao hơn 61% thì chị M có thể đối diện với mức phạt tù cao nhất là 14 năm.

Ngoài ra, thông qua hành vi đánh ghen tạt axit có thể xác định một số yếu tố như xem xét đến thái độ, tâm lí, trạng thái tinh thần kích động của người phạm tội để đánh giá mức độ hành vi, xem xét các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ như thế nào từ đó đưa biện pháp xử lý và hình phạt phù hợp. 

Hành vi đánh ghen tạt axit không chỉ bị lên án về mặt đạo đức mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời gian qua, có nhiều vụ án bị khởi tố hình sự hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính bắt nguồn từ nguyên nhân “đánh ghen” này. Chủ yếu mâu thuẫn khi có vợ hoặc chồng ngoại tình với người thứ ba. Tuy nhiên, họ không biết rằng một khi thực hiện hành vi đánh ghen thì hậu quả rất khó lường. Chỉ để thỏa mãn cơn nóng giận nhất thời, họ không những làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, mà còn phải gánh chịu những hậu quả pháp lý. Chúng ta có thể thấy rằng pháp luật quy định những mức phạt nghiêm khác dành cho người có hành vi tạt axit để đánh ghen là hợp lý và răn đe đối với những ai có ý định vì tạt axit sẽ để lại những biến chứng to lớn đến sức khỏe và đời sống bình thường, có thể hủy hoại cả tương lai phía trước của các nạn nhân xấu số.

Tuy không có quy định cụ thể về hành vi đánh ghen tạt axit nhưng một khi đã xâm phạm đến thân thể, sức khỏe của người khác thì là hành vi mất nhân tính, trái với đạo đức xã hội, vừa để lại vết sẹo trên cơ thể mà còn là vết sẹo tinh thần cho nạn nhân mãi về sau. Ghen tuông có thể là bản năng trong chuyện hôn nhân tình cảm nhưng nên nhớ rằng mọi việc liên quan đều nằm dưới sự quản lý của pháp luật, do vậy khi làm bất cứ điều gì trái đạo đức cũng nên suy nghĩ đến việc pháp luật có xử lý hành vi của mình hay không. Bởi ghen tuông mù quáng có thể làm mất lý trí con người và dẫn tới những bi kịch đáng tiếc không thể lường trước, gây hoang mang cho xã hội và dư luận, thậm chí còn có thể vướng vào vòng lao lý!

Trên đây là bài viết tìm hiểu về Khi tình yêu biến thành bi kịch: hậu quả pháp lý đánh ghen tạt Axit của công ty Luật Ánh Ngọc gửi bạn đọc tham khảo. Nếu bạn có thắc mắc hay muốn tìm hiểu sâu về vấn đề này, vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ chúng tôi.


Bài viết khác