1. Căn cứ pháp lý của tội cố ý gây thương tích
Tội cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì sẽ bị coi là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi phạm tội này của mình.
Trong điều luật quy định có 6 khoản, trong đó quy định cụ thể các tình tiết định khung cơ bản, các tình tiết định khung tăng nặng và các khung hình phạt đối với tội phạm. Ngoài ra, tại khoản 6 của điều luật còn quy định về trường hợp chuẩn bị phạm tội là người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích cho người khác thì cũng có thể bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ.
2. Các khái niệm về hình phạt và tội cố ý gây thương tích cho người khác
2.1. Khái niệm hình phạt
Trong đời sống hằng ngày khi nghe đến từ “hình phạt” chúng ta có thể nghĩ ngay đến đây là các biện pháp xử lý, dạy dỗ người có hành vi trái với pháp luật, trái với đạo đức có thể là phạt đánh, phạt chép lại bài, phạt đứng, phạt lao động,…Trong pháp luật hình sự cũng vậy, hình phạt cũng dùng để trừng trị, giáo dục những người, pháp nhân phạm tội và chúng ta có khái niệm về hình phạt như sau:
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật hình sự, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại phạm tội.
Theo quy định của Bộ luật hình sự thì hình phạt gồm có hình phạt chính và hình phạt bổ sung, với mỗi tội phạm có thể bị áp dụng cả hai loại hình phạt này. Hình phạt chính là những hình phạt được tuyên độc lập và đối với mỗi tội phạm, Tòa án chỉ có thể áp dụng một hình phạt chính, các hình phạt chính gồm phạt tiền, phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, trục xuất, phạt tù có thời hạn, tù chung thân hoặc tử hình. Vì vậy không thể vừa áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ vừa phạt tù có thời hạn, hoặc phạt tù có thời hạn và phạt tiền cùng một tội phạm thì hình phạt tiền được coi là hình phạt bổ sung. Còn hình phạt bổ sung là hình phạt không được tuyên độc lập mà chủ có thể tuyên kèm với hình phạt chính đối với mỗi tội phạm, bao gồm: phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính), cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, cấm làm công việc nhất định, quản chế, tịch thu tài sản, tước một số quyền công dân, trục xuất (khi không áp dụng là hình phạt chính).
2.2. Khái niệm tội cố ý gây thương tích
Chúng ta có thể hiểu cố ý gây thương tích cho người khác là hành vi của một người dùng sức mạnh vật chất (dùng công cụ, phương tiện, hung khí,…) nhằm gây ra các vết thương trên cơ thể của người khác một cách cố ý.
Mà tội phạm là những hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự như quy định tại Điều 8 Bộ Luật hình sự 2015. Đồng thời căn cứ vào khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích, Luật Ánh Ngọc đưa ra khái niệm về tội cố ý gây thương tích theo Bộ luật hình sự như sau:
Tội cố ý gây thương tích là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, người phạm tội có hành vi cố ý dùng sức mạnh vật chất tác động lên cơ thể của người khác, gây ra cho người đó dấu vết tổn thương nhất định trên cơ thể mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự.
3. Các hình phạt đối với tội cố ý gây thương tích
Mặc dù quy định của pháp luật hình sự có hai loại hình phạt là hình phạt chính và hình phạt bổ sung, nhưng theo Điều 134 Bộ luật hình sự thì người phạm tội cố ý gây thương tích chỉ bị áp dụng các hình phạt chính mà không bị áp dụng hình phạt bổ sung. Các hình phạt chính có thể được áp dụng khi người phạm tội cố ý gây thương tích gồm: phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn và phạt tù chung thân.
3.1. Hình phạt cải tạo không giam giữ
Cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật hình sự quy định mà đang có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định mà xét thấy không cần thiết phải cách ly họ ra khỏi xã hội. Với các điều kiện này thì hình phạt này chỉ có thể được áp dụng khi người phạm tội cố ý gây thương tích vi phạm tại khoản 1 và khoản 6 Điều 134 và đang có nơi làm việc hoặc nơi cư trú rõ ràng, đồng thời phải xét thấy không cẩn phải cách ly ra khỏi xã hội. Theo khoản 1 thì người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ từ 06 tháng đến 03 năm, còn theo khoản 06 thì người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ từ 06 tháng đến 02 năm.
Để xác định có nơi cư trú rõ ràng tức là người phạm tội có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú và sinh sống ổn định. Xác định nơi làm việc ổn định là khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội có nơi làm việc cụ thể và không bị thay đổi trong một khoảng thời gian dài. Với điều kiện là “xét thấy không cần thiết cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội” thì cần căn cứ vào các yếu tố như nhân thân, tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu,…từ đó Tòa án xem xét, đánh giá và đưa ra quyết định.
Khi quyết định áp dụng hình phạt này, Tòa án cần phải chú trọng trong việc tính thời hạn cải tạo không giam giữ trong trường hợp người phạm tội đã bị tạm giữ, tạm giam, theo đó 01 ngày tạm giữ, tạm giam tính bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ.
3.2. Hình phạt tù có thời hạn
Tù có thời hạn là buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định. Người phạm tội sẽ bị cách ly khỏi xã hội, môi trường sinh sống, sinh hoạt bình thường của họ. Hình phạt này nghiêm khắc hơn cải tạo không giam giữ. Tòa án quyết định áp dụng hình phạt khi xét thấy nếu không cách ly họ ra khỏi xã hội, không buộc họ phải chấp hành hình phạt trong các cơ sở giam giữ thì không thể phòng người họ phạm tội mới cũng như không thể đạt được mục đích của tội phạm là trừng trị, giáo dục, cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội. Mức tối thiểu của hình phạt này là 03 tháng và mức tối đa là 20 năm.
Tại Điều 134, hình phạt tù có thời hạn có thể được áp dụng nếu người phạm tội cố ý gây thương tích vi phạm tất cả các khoản, tuy nhiên khung hình phạt tại mỗi khoản sẽ có sự khác nhau. Trong đó, nếu vi phạm khoản 1 thì người phạm tội bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Nếu vi phạm khoản 2, người phạm tội bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm; Nếu vi phạm khoản 3, người phạm tội bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm; Nếu vi phạm khoản 4, người phạm tội bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm; Nếu vi phạm khoản 5, người phạm tội bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm; còn nếu chuẩn bị phạm tội theo khoản 6 thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Khi tính thời gian chấp hành án phạt tù của người phạm tội thì Tòa án cần phải trừ đi thời gian mà người phạm tội đã bị tạm giữ, tạm giam, trong đó 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù.
Xem thêm>>: Phạm tội nào sẽ bị đi tù? Cần làm gì để tránh bị phạt tù
3.3. Hình phạt tù chung thân
Tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình. Đây là hình phạt đặc biệt, có tính chất nghiêm khắc cao hơn hình phạt tù có thời hạn, điều này thể hiện ở chỗ hình phạt này tước đi quyền tự do của người bị kết án không thời hạn, cách ly vĩnh viễn họ ra khỏi xã hội, môi trường sống bình thường của họ để cải tạo trong cơ sở giam giữ. Với các điều kiện áp dụng hình phạt này thì Tòa án chỉ quyết định áp dụng nếu người phạm tội vi phạm khoản 5 Điều 134 Bộ luật hình sự là trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và sẽ không áp dụng nếu chủ thể là người dưới 18 tuổi.
Mặc dù Điều 134 Bộ luật hình sự đã quy định các khung hình phạt tại các khoản, trong đó mỗi khung đều có mức thấp nhất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp Tòa án có thể quyết định mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, những trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 54 Bộ luật hình sự như có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, phạm tội lần đầu là vai trò giúp sức trong vụ án đồng phạm có vai trò không đáng kể. Tùy mỗi trường hợp mà Tòa án quyết định hình phạt trong khung liền kề hoặc không liền kề trong cùng một điều luật hoặc dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhẹ nhất hoặc chuyển sang một loại hình phạt khác nhẹ hơn như hình phạt tiền, cảnh cáo. Vậy là, trong nhiều trường hợp thỏa mãn những điều kiện trên thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, quy định này thể hiện rõ nét tính nhân đạo của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, Tòa án khi áp dụng quy định này cũng cần phải chú ý với những hình phạt cụ thể có mức thấp nhất, vậy nên nếu quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất thì có thể chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, ví dụ hình phạt cải tạo không giam giữ mức thấp nhất là 06 tháng, hình phạt tù có thời hạn mức thấp nhất là 03 tháng.
Xem thêm>>: Hình phạt trong luật hình sự: Các loại hình phạt và nguyên tắc áp dụng
Vừa rồi Luật Ánh Ngọc đã cùng các bạn tìm hiểu các hình phạt đối với tội cố ý gây thương tích, nếu bạn còn có câu hỏi, thắc mắc nào chủ đề này nói riêng hoặc về pháp luật nói chung, vui lòng liên hệ đến Luật Ánh Ngọc để được đội ngũ luật sư nhiều năm kinh nghiệm hỗ trợ.