Luật Ánh Ngọc

Tội vứt bỏ con mới đẻ bị xử phạt thế nào theo pháp luật hiện hành

Tư vấn luật hình sự | 2024-03-19 11:58:20

Tình huống pháp lý: Gia đình tôi có con tên là Phương Anh, sinh năm 2000, lấy chồng được 01 năm và sinh con cách đây 05 ngày. Tuy nhiên, cháu tôi khi sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Điều này khiến con gái tôi bị trầm cảm vì bị gia đình chê cười, bạn bè dị nghị. Và cháu đã mang đứa trẻ vứt bỏ đứa trẻ trong bụi cây bên đường. Sau khi gia đình tôi biết chuyện, liền đi tìm đứa bé nhưng đứa trẻ đã chết do sức khỏe yếu và không được bú sữa mẹ. Vậy trong trường hợp trên, con gái tôi có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Và khung hình phạt cho hành vi vứt bỏn con mới đẻ là bao nhiêu? Mong được anh/chị giải đáp thắc mắc. 

1.Tội vứt bỏ con mới đẻ là gì theo quy định của pháp luật?

Tội vứt bỏ con mới đẻ

1.1 Tội vứt bỏ con mới đẻ là gì?

Tội vứt bỏ con mới đẻ là hành vi của người mẹ do bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con mình đẻ ra dưới 07 ngày tuổi dẫn đến đứa trẻ chết.

+ Ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu là ảnh hưởng bởi những tư tưởng, tập quán, lối sống cũ, lỗi thời, không cò phù hợp với xã hội hiện nay. Ví dụ như: tảo hôn, trọng nam khinh nữ, phân biệt chủng tộc,...

+ Hoàn cảnh khách quan đặc biệt: ví dụ như con bị dị tật, khuyết tật bẩm sinh, người mẹ không có khả năng nuôi con,...

Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

1.2 Cấu thành tội vứt bỏ con mới đẻ

Để xác định chị Phương Anh có phạm tội vứt bỏ con mới đẻ hay không, chúng ta cần dựa vào cấu thành tội vứt bỏ con mới đẻ. Theo quy định của pháp luật hình sự, bốn yếu tố cấu thành tội vứt bỏ con mới đẻ như sau:

- Mặt chủ thể:

Chủ thể của hành vi vứt bỏ con mới đẻ là chủ thể đặc biệt:

+ Là người mẹ của đứa trẻ

+ Có năng lực chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Nếu vì lý do khác mà người mẹ vứt bỏ con do mình mới đẻ ra thì không thuộc trường hợp phạm tội này. 

- Mặt khách thể:

+ Tội phạm xâm phạm đến quan hệ nhân thân của con người, quyền được sống của con người.

+ Đối tượng của hành vi ở đây là con được sinh ra trong vòng 07 ngày tuổi. Trường hợp đối tượng không phải là con trong vòng 07 ngày tuổi thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác.

- Mặt chủ quan:

+ Lỗi: Lỗi của người phạm tội trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp. Người mẹ nhận thức được hành vi của mình là là nguy hiểm cho xã hội, hành vi vứt bỏ con của mình có thể dẫn đến hậu quả chết người, tuy không mong muốn xảy ra hậu quả chết người nhưng đã bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Nếu hành vi này có lỗi cố ý trực tiếp thì cấu thành tội giết con mới đẻ. 

+ Mục đích: nhằm tước đoạt mạng sống của con mới đẻ hoặc bỏ mặc cho hậu quả đó xảy ra đối với con mới đẻ.

- Mặt khách quan:

+ Về hành vi: Người mẹ có hành vi cố tình vứt bỏ con do mình đẻ ra trong vòng 07 ngày ở bất kỳ địa điểm nào, dẫn đến đứa trẻ chết. 

+ Về hậu quả: làm con mới đẻ chết là hậu quả bắt buộc. Nếu đứa trẻ không có hậu quả chết thì không cấu thành tội vứt  bỏ con mới đẻ. 

Như vậy, trong tình huống trên, hành vi của chị Phương Anh  đã đáp ứng đầy đủ các yếu tố cấu thành của tội vứt bỏ con mới đẻ về cả bốn mặt khách quan, chủ quan, chủ thể và khách thể. Đó là hành vi vì lý do khách quan đặc biệt là đứa con sinh ra bị dị tật bẩm sinh nên đã vứt con mới đẻ trong 07 ngày ở bụi cây bên đường khiến không ai thấy dẫn đến hậu quả đứa trẻ bị chết. Đây là hành vi cố ý, chị Phương Anh có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, chị Phương Anh sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình theo quy định của pháp luật. 

2. Tội vứt bỏ con mới đẻ bị xử phạt như thế nào?

Trường hợp vứt bỏ con mới đẻ là trường hợp phạm tội nhẹ hơn tội giết  con mới đẻ. Nên khung hình phạt nhẹ hơn. Căn cứ vào quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định:

" Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm."

Như vậy, đối với trường hợp của chị Phương Anh, tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như thái độ thành khẩn, nhân thân của chị mà chị có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định xử phạt hành chính đối với trường hợp vứt bỏ con mới đẻ nhưng đứa trẻ không chết tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 130/2021/NĐ-CP:

" Phạt tiền từ 20.000.000 đến 25.000.000 đồng đối với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em."

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội vứt bỏ con mới đẻ

 Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật Hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 1 Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 thì trường hợp phạm tội vứt bỏ con mới đẻ là tội phạm ít nghiêm trọng.

"Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm."

Vì vậy, thời hiệu truy tố trách nhiệm hình sự đối với tội vứt bỏ con mới đẻ được xác định theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 như sau: 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng. 

Hiện nay, mặc dù xã hội đã phát triển, tư tưởng của con người cũng đã được nâng cao, những tư tưởng lạc hậu cũng dần biến mất trong đời sống con người. Tuy nhiên, thực tế vẫn len lỏi những suy nghĩ, tư tưởng lạc hậu từ xa xưa, những tàn dư của chế độ cũ, đặc biệt là những vùng dân tộc thiểu số. Chính vì lẽ đó, tình trạng giết hay vứt bỏ con mới đẻ vẫn là một trong những vấn đề đáng được quan tâm và cần phải lên án. Việc pháp luật quy định xử phạt đối với hành vi này nhằm giáo dục người mẹ có trách nhiệm đối với con mình đẻ ra, chống lại tư tưởng đó. 

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn những vấn đề pháp lý về tội vứt bỏ con mới đẻ hay các vấn đề khác một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Cảm ơn sự lựa chọn và đồng hành của quý khách hàng.


Bài viết khác