Thưa Luật sư Luật Ánh Ngọc, vừa rồi tôi tổ chức sinh nhật có mời bạn bè đến nhà chơi và chúng tôi có uống rượu. Trong đám bạn thì có 2 người thường xuyên được chúng tôi đẩy thuyền , gán ghép với nhau. Sau khi tàn tiệc hai bạn đấy về chung 1 xe, lúc đầu tưởng bạn nam tên H (19 tuổi) chở bạn nữ tên T (19 tuổi) về nhà T, nhưng hôm sau mới biết là hai bạn đã vào nhà nghỉ và có quan hệ tình dục với nhau. Hôm sau T về và cho rằng H hiếp dâm mình, muốn tố cáo hành vi lên cơ quan chức năng, H thì cho rằng lúc đó là H và T đều tự nguyện, nên không thể là hiếp dâm. Vậy, Luật sư hãy giải thích cho tôi trường hợp này là như thế nào, có phải là hiếp dâm không, vì lúc đó và H và T đều say rượu, thiếu tỉnh táo.
1. Khi nào hành vi giao cấu, quan hệ tình dục khác với người khác bị coi là hiếp dâm
1.1. Căn cứ pháp lý của tội hiếp dâm
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Tội hiếp dâm được quy định tại Điều 141 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Người phạm tội này đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác được luật hình sự bảo vệ, hơn nữa những người thực hiện hành vi này đã thực hiện với lỗi cố ý, vì vậy nó bị coi là tội phạm.
Điều 141 Bộ luật hình sự quy định về tội hiếp dâm với 5 khoản, trong đó có quy định các cấu thành tội phạm cụ thể về cơ bản và tăng nặng, các mức hình phạt của hình phạt chính và hình phạt bổ sung.
1.2. Dấu hiệu xác định có phạm tội hiếp dâm hay không
Với quy định tại Điều 141 Bộ luật hình sự, chúng ta có thể hiểu, hành vi hiếp dâm phải thỏa mãn các điều kiện sau:
Thứ nhất, về chủ thể phạm tội. Hành vi này phải do người từ đủ 14 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự và thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Trong đó, theo Điều 12 Bộ luật hình sự về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, vì vậy theo Điều 141 này thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu phạm tội thuộc khoản 2, 3 và 4 Điều 141. Đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với tất cả các khoản.
Thứ hai, về hành vi phạm tội. Theo Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì “hành vi giao cấu” là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào. “Hành vi quan hệ tình dục khác” là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: Ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.
Người phạm tội thực hiện được một trong hai hành vi trên thì đã dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng trạng thái không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác để thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó:
- Dùng vũ lực là dùng sức mạnh vật chất tác động lên cơ thể nạn nhân để thực hiện hành vi giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác: vật ngã, trói, giữ tay chân,…
- Đe dọa dùng vũ lực là dùng lời nói, cử chỉ, hành động đe dọa sẽ dùng sức mạnh vật chất để xâm hại tính mạng, sức khỏe của nạn nhân làm cho họ không dám phản kháng: đe dọa sẽ giết, đánh đập…
- Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của nạn nhân là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng nạn nhân lâm vào một trong những hoàn cảnh như bị tai nạn, bị ngất, bị khuyết tật; bị say rượu, bia, thuốc ngủ, thuốc gây mê, ma túy, thuốc an thần, thuốc kích thích, bị bệnh tâm thần,… dẫn đến không thể chống cự, không thể điều khiển hành vi của mình.
- Dùng thủ đoạn khác là dùng thủ đoạn không phải dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân mà các thủ đoạn khác như đầu độc nạn nhân, cho nạn nhân uống thuốc ngủ, chuốc rượu nạn nhân làm cho họ bị lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi; hoặc hứa hẹn sẽ cho nạn nhân lợi ích gì đó để thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ ba, về thái độ của người bị hại. Việc người phạm tội thực hiện hành vi giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác là trái với ý muốn của nạn nhân. Tức là bị hại không đồng ý, phó mặc hoặc không có khả năng biểu lộ ý chí của mình với hành vi quan hệ tình dục cố ý của người phạm tội.
Trên đây là căn cứ pháp lý và phân tích quy định về tội hiếp dâm theo Điều 141 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
2. Trường hợp H có hành vi giao cấu, quan hệ tình dục khác với T có phải là hiếp dâm không?
Theo thông tin mà bạn cung cấp, thì thời điểm H và T xảy ra giao cấu với nhau thì cả hai đều say rượu, có thể được coi là trong trạng thái mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Ngoài ra H và T thường xuyên được đẩy thuyền, tức là hai bên cũng đã quen biết nhau từ trước. Vì vậy, hành vi của H đối với T có thể là hiếp dâm hoặc không, vì nó phải thỏa mãn các điều kiện về cấu thành tội phạm như Luật Ánh Ngọc đã phân tích ở trên. Chúng ta không thể chỉ nghe lời một bên để phán xét mà phải căn cứ vào các yếu tố khác liên quan một cách toàn diện như: mối quan hệ giữa hai người; thủ đoạn thực hiện; hoàn cảnh xảy ra sự việc; thái độ của nạn nhân trước và sau khi bị giao cấu hoặc thực hiện hành vi tình dục khác.
2.1. Hành vi giao cấu, quan hệ tình dục khác trong trường hợp này là hiếp dâm?
Hành vi giao cấu mà H thực hiện với T sẽ bị coi là phạm tội hiếp dâm nếu nó có những dấu hiệu sau đây:
- Mặc dù thường được mọi người gán ghép, đẩy thuyền giữa H và T nhưng hai người không có tình cảm gì với nhau, thậm chí T còn có biểu hiện chán ghét khi bị gán ghép và không thích H.
- Thời điểm đến ăn sinh nhật, H có hành động là chuốc say rượu cho T hoặc T uống say không còn tỉnh táo nên khi H yêu cầu đưa về thì không từ chối và để H đưa về.
- H đã có ý đồ xấu với T từ trước hay không bằng cách xem xét các hành vi trước đó, chẳng hạn H thích T nhưng T lại không thích; H thường có những hành động đụng chạm thân thể với T tại bữa tiệc sinh nhật mà H đã tỏ ra không thích,…
- Khi H đưa về, T không hề hay biết việc H đưa mình vào nhà nghỉ, khi H thực hiện hành vi giao cấu với T thì T hoàn toàn không đủ tỉnh táo để từ chối hoặc có hành động kháng cự. Hoặc mặc dù T đã tỉnh để kháng cự nhưng bị H bắt ép, giữ buộc và không thể chống lại lực của H và bị H ép phải quan hệ mình.
- Việc H đưa T vào nhà nghỉ và thực hiện hành vi giao cấu với T là khi lợi dụng T say sỉn không biết gì và không còn khả năng chống cự và H biết rõ là T không tự nguyện nếu T có tỉnh táo.
- Sau khi thực hiện hành vì giao cấu xong thì thái độ của H và T như nào, nếu T đã tỉnh táo hơn thì có cự tuyệt, khóc lóc, hay đòi về hay nói chuyện này với ai chưa, có thể hiện sự buồn bã, bất lực không.
Nếu có những dấu hiệu trên trong hành vi của H và trạng thái tâm lý của T thì có thể kết luận rằng hành vi của H là hiếp dâm.
2.2. Hành vi giao cấu, quan hệ tình dục khác trong trường hợp này không phải là hiếp dâm?
Ngược lại với các dấu hiệu trên, nếu có các dấu hiệu dưới đây khi mà được xem xét một cách toàn diện:
- H và T có tình cảm với nhau trước, thường xuyên trêu đùa, đi cùng nhau, nói chuyện vui vẻ, hai người đều có ý với nhau. Hoặc trước đó T và H đã từng quan hệ tình dục với nhau. Hoặc mặc dù không có tình cảm nhưng cũng không tỏ ra chán ghét nhau.
- Tại bữa tiệc sinh nhật, hai người luôn quan tâm nhau, không ai có ý đồ chuốc rượu để thực hiện hành vi xấu, nhất là H, H luôn chăm sóc, lo lắng cho T khi T uống và say rượu.
- Lúc đến ăn sinh nhật, H đến đón T nên lúc về hai người cùng đi hoặc không đón nhưng khi về so T say nên H chủ động đưa T về và T cũng đồng ý. Tuy nhiên, hai người lại muốn đi nhà nghỉ với nhau, mặc dù cả hai đều trong trạng thái say rượu nhưng H và T đều hiểu là tự nguyện thông qua lời nói, hành động, cử chỉ lúc đó của cả H và T. Quá trình thực hiện hành vi giao cấu T không hề có ý phản kháng, né tránh mặc dù T vẫn đủ tỉnh táo.
- Sau khi quan hệ thì hai người đã ở lại ngủ nghỉ đến sáng hôm sau mới dậy.
Nếu xem xét toàn diện các yếu tố này mà thấy được rằng T không phải bị ép buộc trái ý muốn, mặc dù say rượu có thể không nhận thức được hành vi của mình nhưng trước đó nếu có thể chống cự nhưng T không chống cự, hoặc nếu xét trường hợp hai người hoàn toàn tỉnh táo thì việc giao cấu sẽ là tự nguyện thì hành vi của H không phải là hiếp dâm.
3.Thực hiện hành vi giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác với người đang trong trạng thái say rượu thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Hành vi giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác với người đang trong trạng thái say rượu chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi này là trái với ý muốn của nạn nhân mà đã chứng minh được. Nếu chứng minh được là nạn nhân tự nguyện, hành vi giao cấu này không trái với ý muốn của nạn nhân thì người thực hiện hành vi giao cấu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên cần hiểu đây là trường hợp họ tự mình uống rượu, bia mà không bị ai bắt ép, hoặc mặc dù có thể từ tối nhưng không từ chối. Như H và T, H mặc dù cũng say rượu, thực hiện hành vi giao cấu với T trong tình trạng say rượu dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi, nhưng do H tự nguyện uống rượu trong bữa tiệc sinh nhật đó nên H vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu xác định đây là hành vi hiếp dâm. Nhưng nếu H bị ép uống, không thể từ chối khi bị ép uống như bị giữ chân tay và bắt uống dẫn đến sảy sỉn, mất khả năng nhận thức hoặc điểu khiển hành vi thì H không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu gây ra hành vi phạm tội trong tình trạng này.
Hơn nữa, theo quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì H sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi của H chỉ vi phạm khoản 1 Điều 141 Bộ luật hình sự và T không có đơn yêu cầu khởi tố đến cơ quan có thẩm quyền.
Vậy có thể kết luận rằng, hành vi hiếp dâm người đang trong tình trạng say rượu có thể sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi của họ vi phạm khoản 1 Điều 141 BLHS và người bị hại không có yêu cầu khởi tố vụ án. Sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm các khoản 2, 3, 4 Điều 141, phạm tội tại khoản 1 Điều 141 và bị hại có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự hoặc trường hợp đã hết Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là bao lâu theo quy định.
Trên đây là tư vấn của Luật Ánh Ngọc đối với thắc mắc của bạn, để xác định H có hiếp dâm T hay không thì các bạn cần phải có thêm các thông tin liên quan và phải đánh giá chúng trong mối quan hệ tổng thể liên quan đến nhau, để xác định hành vi của H thực hiện với T có trái với ý muốn của nạn nhân hay không. Nếu bạn còn vấn đề nào chưa rõ hoặc còn những thắc mắc khác liên quan đến hành vi giao cấu, quan hệ tình dục với người say rượu có phải là hành vi hiếp dâm không?, xin vui lòng liên hệ với Luật Ánh Ngọc, Luật Ánh Ngọc với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc một cách nhanh chóng nhất.