1. Tử hình là gì?
Trước hết, theo nghĩa thông thường trong từ điển tiếng Việt, tử hình được coi là hình phạt phải chịu tội chết. Tiếp đó, theo từ điển luật học, tử hình là hình phạt tước bỏ quyền sống của người bị kết án. Khoản 1 Điều 40 của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 cũng quy định về khái niệm tử hình, theo đó, tử hình được coi “là hình phạt đặc biệt…”.
Có thể thấy rằng tử hình là hình phạt chính và đồng thời cũng là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt của pháp luật Hình sự Việt Nam.
2. Đặc điểm của hình phạt tử hình
Như ở trên đã đề cập, tử hình là loại hình phạt có tính chất “đặc biệt”. Sự đặc biệt này được thể hiện ở những đặc điểm của hình phạt tử hình mà những loại hình phạt khác không có. Theo đó, hình phạt tử hình có những đặc điểm sau:
Đầu tiên, tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất, làm cho người bị kết án này bị tước mất tính mạng và phải chết, trong hệ thống hình phạt của pháp luật Hình sự Việt Nam không có loại hình phạt nào có được khả năng giống như vậy. Có thể thấy rằng theo Luật Hiến pháp năm 2013, quyền được sống là quyền cơ bản, quyền tự nhiên và quan trọng nhất của mỗi con người, mỗi công dân. Tuy nhiên hình phạt tử hình sẽ tước bỏ đi quyền quan trọng và cơ bản đó. Đồng thời khi hình phạt tử hình được thi hành đối với người phạm tội thì sự sống cũng như sự tồn tại của họ trong đời sống xã hội sẽ bị loại bỏ và biến mất hoàn toàn để có thể bảo đảm và bảo vệ được quyền và lợi ích chung của mọi người đang sinh sống.
Thứ hai, tử hình là hình phạt có tính chất không thể khắc phục được một khi đã được thi hành. Thật vậy, có thể dễ dàng nhận thấy đối với các loại hình phạt khác, trường hợp khi phát hiện có sai sót trong quyết định, phán quyết đã tuyên dẫn đến kết tội sai người, người bị kết tội phải gánh chịu oan sai thì có thể khắc phục, xử lý được hậu quả (Ví dụ: đối với hình phạt tù, người bị đi tù oan khiến họ bị mất danh dự, thời gian, công việc, tiền bạc,… thì họ sẽ được Nhà nước bồi thường tiền theo quy định của pháp luật). Tuy nhiên, riêng đối với hình phạt tử hình, một khi đã thi hành xong án tử hình đối với người phạm tội thì dù thời gian sau đó lại có đủ căn cứ chứng minh họ vô tội thì cũng hoàn toàn không có cách nào có thể khôi phục lại được quyền sống và sự sống của họ, bởi trên thực tế họ đã chết.
Thứ ba, tử hình là hình phạt không đặt ra mục đích cải tạo cũng như giáo dục cho người bị kết án. Tuy nhiên hình phạt tử hình vẫn có mục đích, ý nghĩa phòng ngừa riêng của nó bởi hình phạt này hoàn toàn loại bỏ khả năng tái phạm, phạm tội lại của người bị kết án, đồng thời khi hình phạt tử hình được áp dụng đối với một người thì sẽ tạo ra sự ảnh hưởng, tác động đến suy nghĩ, ý thức của những người khác trong xã hội, răn đe họ để từ đó họ cố gắng sống, học tập và rèn luyện đạo đức thật tốt để không vi phạm pháp luật mà nặng nhất là phải chịu án tử hình.
3. Tử hình áp dụng đối với trường hợp nào?
Theo khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây ra mối nguy hại lớn cho xã hội, thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định như: các tội phá hoại hòa bình, chống loài người, tội khủng bố, tội phạm chiến tranh,…
4. Trường hợp nào không phải đối diện với án tử hình?
Quy định tại khoản 2 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta. Theo đó, hình phạt tử hình sẽ không áp dụng đối với 07 đối tượng sau:
+ Người dưới 18 tuổi khi phạm tội
+ Phụ nữ có thai khi phạm tội
+ Phụ nữ có thai khi xét xử
+ Phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội
+ Phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi xét xử
+ Người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội
+ Người đủ 75 tuổi trở lên khi xét xử.
Tiếp đó, theo khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015, án tử hình sẽ không được thi hành đối với người bị kết án tử hình thuộc 01 trong 04 đối tượng sau:
+ Phụ nữ có thai
+ Phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi
+ Người đủ 75 tuổi trở lên
+ Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Trong trường hợp không thi hành án tử hình theo khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hình phạt tử hình sẽ được ân giảm xuống thành tù chung thân. Và người bị kết án tử hình có quyền được xin Chủ tịch nước ân giảm án, trường hợp nếu được ân giảm thì hình phạt tử hình sẽ chuyển thành tù chung thân (căn cứ theo khoản 4 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Như vậy, từ những nội dung đã đề cập ở trên có thể rút ra được một người sẽ không phải đối diện với án tử hình khi:
+ Người đó thuộc một trong 07 đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình quy định tại khoản 2 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015
+ Người đó là người bị kết án tử hình nhưng thuộc một trong 04 trường hợp không thi hành án tử hình theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015
+ Người đó là người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm theo quy định tại khoản 4 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015.
5. Thời hiệu thi hành bản án tử hình
Căn cứ vào khoản 1 Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về khái niệm thời hiệu thi hành bản án hình sự có thể rút ra được khái niệm thời hiệu thi hành bản án tử hình như sau:
Thời hiệu thi hành bản án tử hình là thời hạn do Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mà khi hết thời hạn này thì người bị kết án tử hình sẽ không phải chấp hành bản án tử hình đã tuyên.
Vậy thời hiệu thi hành bản án tử hình đối với người bị kết án tử hình được quy định là bao lâu? Điểm d khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định thời hiệu sẽ là 20 năm đối với trường hợp xử phạt tử hình.
Tiếp đó, theo nguyên tắc, thời hiệu thi hành bản án tử hình sẽ được tính từ ngày bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, tuy nhiên:
+ Nếu trong thời hạn 20 năm, người bị kết án tử hình lại thực hiện hành vi phạm tội mới thì thời hiệu thi hành bản án tử hình sẽ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới (theo khoản 4 Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015).
+ Nếu trong thời hạn 20 năm, người bị kết án tử hình cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì thời hiệu sẽ được tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ (theo khoản 5 Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về thời hiệu thi hành bản án (tử hình) là như vậy, tuy nhiên cũng sẽ có trường hợp không áp dụng thời hiệu thi hành bản án (tử hình). Theo đó, tại Điều 61 của Bộ luật này, có thể thấy rằng các trường hợp không áp dụng thời hiệu thi hành bản án (tử hình) là:
+ Các tội quy định tại Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) của Bộ luật Hình sự năm 2015
+ Các tội quy định tại Chương XXVI (các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) của Bộ luật Hình sự năm 2015
+ Khoản 3 và khoản 4 Điều 353 (tội tham ô tài sản) của Bộ luật Hình sự năm 2015
+ Khoản 3 và khoản 4 Điều 354 (tội nhận hối lộ) của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Như vậy, đối với các tội nêu trên thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu thi hành bản án (tử hình) thì khi bản án đã được tuyên, người phạm các tội đó sẽ phải vĩnh viễn chấp hành bản án (tử hình) đã tuyên. Bởi không áp dụng thời hiệu thi hành bản án có nghĩa là sẽ không thể có trường hợp hết thời hạn luật định thì người bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên. Hơn nữa, pháp luật hình sự quy định các tội nêu trên không áp dụng thời hiệu thi hành bản án tử hình cũng bởi vì các tội đó có tính chất đặc biệt nguy hiểm vô cùng cao, gây dư luận xấu trong xã hội cũng như thuộc các trường hợp cần phải xử lý vô cùng nghiêm khắc.
6. Hình phạt tử hình được tiến hành như thế nào?
Trước hết, Chương IV Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã có quy định chi tiết về việc thi hành án tử hình và Nghị định 43/2020/NĐ-CP quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Như vậy, căn cứ vào các văn bản này có thể thấy án tử hình sẽ được tiến hành theo trình tự, thủ tục như sau:
6.1. Trước khi thi hành án tử hình
Để đảm bảo sự chắc chắn, chính xác rằng án tử hình được thi hành đúng người bị kết án tử hình thì trước khi thi hành án, Hội đồng thi hành án tử hình phải tiến hành kiểm tra các tài liệu như: danh bản, chỉ bản, hồ sơ lý lịch của người chấp hành án tử hình. Trường hợp nếu người chấp hành án tử hình là nữ thì Hội đồng phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện không thi hành án tử hình theo quy định của Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Và trước khi người chấp hành án tử hình bị đưa ra thi hành án thì họ có quyền được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói để gửi lại cho thân nhân của mình. Điều này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta.
6.2. Thi hành án tử hình
Đầu tiên, người chấp hành án tử hình sẽ được Cảnh sát thi hành án hình sự, hỗ trợ tư pháp hoặc Vệ binh hỗ trợ tư pháp áp giải đến nơi làm việc của Hội đồng thi hành án tử hình theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, căn cứ theo quy định của luật, các cán bộ chuyên môn thuộc Công an nhân dân hoặc Quân đội nhân dân sẽ tiến hành lăn tay, kiểm tra danh bản, chỉ bản, đối chiếu với hồ sơ, tài liệu có liên quan đồng thời chụp ảnh, ghi hình quá trình làm thủ tục lăn tay, kiểm tra và lập biên bản sau đó báo cáo Hội đồng thi hành án tử hình về kết quả kiểm tra.
Sau khi nắm được báo cáo từ các cán bộ về kết quả kiểm tra trên, Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình sẽ công bố các quyết định quan trọng sau: quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình.
Ngay sau khi các quyết định trên được công bố, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp hoặc Vệ binh hỗ trợ tư pháp sẽ giao các quyết định trên cho người chấp hành án tử hình để người đó tự mình đọc. Trong trường hợp người chấp hành án tử hình không biết chữ, không biết tiếng Việt hoặc không tự mình đọc được thì Hội đồng thi hành án tử hình sẽ chỉ định người đọc hoặc phiên dịch các quyết định trên cho người đó nghe. Quá trình công bố và đọc các quyết định trên phải được chụp ảnh, ghi hình, ghi âm một cách cẩn thận để lưu vào hồ sơ thi hành án tử hình.
Tiếp đó, cán bộ chuyên môn do cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu chỉ định sẽ thực hiện việc thi hành án và báo cáo kết quả cho Chủ tịch Hội đồng theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình.
Theo Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và Nghị định 43/2020/NĐ-CP, thi hành án tử hình sẽ được thực hiện bằng tiêm thuốc độc. Quy trình tiêm thuốc độc được tiến hành như sau:
(1) Người bị thi hành án tử hình sẽ được cố định vào giường với tư thế nằm ngửa, bảo đảm không làm cản trở sự lưu thông máu.
(2) Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình sẽ chuẩn bị thuốc để tiêm cho người chấp hành án tử hình. Thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình phải được Hội đồng thi hành án tử hình kiểm tra, mở niêm phong và lập biên bản theo quy định. Và các cán bộ sẽ phải:
+ Chuẩn bị đủ 03 liều thuốc để tiêm (trong đó có 02 liều dự phòng)
+ Xác định tĩnh mạch của người chấp hành án tử hình để tiêm; nếu không xác định được tĩnh mạch thì báo cho Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch
+ Đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định theo các quy trình sau:
Bước 1: Tiêm thuốc làm mất tri giác. Sau khi tiêm thuốc, cán bộ chuyên môn thi hành án tử hình phải kiểm tra, nếu người chấp hành án tử hình chưa mất tri giác thì tiếp tục tiêm cho đến khi họ mất tri giác
Bước 2: Tiêm thuốc làm liệt hệ vận động
Bước 3: Tiêm thuốc làm ngừng hoạt động của tim. Sau khi tiêm thuốc, các cán bộ chuyên môn phải kiểm tra hoạt động tim của người bị thi hành án tử hình qua máy điện tâm đồ. Nếu sau mười phút mà người chấp hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để ra lệnh tiếp tục sử dụng liều thuốc dự phòng.
(3) Mỗi lần tiêm thuốc sau mười phút mà người chấp hành án tử hình vẫn chưa chết thì cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để ra lệnh tiếp tục sử dụng liều thuốc dự phòng để tiêm lần thứ hai, lần thứ ba. Nếu tiêm hết liều thuốc thứ ba sau mười phút mà người chấp hành án tử hình vẫn chưa chết thì Đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình ra quyết định tạm dừng việc thi hành án tử hình.
Cần lưu ý rằng việc thực hiện xác định tĩnh mạch, đưa kim tiêm vào tĩnh mạch và kiểm tra hoạt động tim như đã đề cập ở trên có thể được tiến hành theo phương pháp tự động hoặc trực tiếp.
(4) Bác sĩ pháp y sẽ tiến hành kiểm tra, xác định tình trạng của người chấp hành án tử hình và báo cáo kết quả cho Hội đồng theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình.
(5) Sau khi người chấp hành án tử hình được bác sĩ pháp y kết luận là đã chết thì theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, cán bộ thi hành án tử hình sẽ ngừng truyền và đưa kim tiêm, đường ống dẫn ra khỏi người chấp hành án tử hình.
6.3. Sau khi thi hành án tử hình
Sau khi hoàn tất các quy trình, thủ tục thi hành án tử hình ở mục trên, Hội đồng thi hành án tử hình sẽ lập biên bản thi hành án; báo cáo về quá trình, kết quả thi hành án tử hình cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan quản lý thi hành án hình sự. Và Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu sẽ tiến hành làm thủ tục khai tử cho người chấp hành án tử hình tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thi hành án tử hình.
Đối với Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thì sẽ có trách nhiệm bảo quản tử thi, tổ chức mai táng, vẽ sơ đồ mộ người đã chấp hành án tử hình. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mai táng có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu trong việc mai táng và quản lý mộ của người đã chấp hành án tử hình.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thi hành án tử hình, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải thông báo cho thân nhân của người đã chấp hành án tử hình biết, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 83 của Luật Thi hành án tử hình.
(Căn cứ pháp lý: Điều 82 Luật Thi hành án hình sự năm 2019; Điều 6 Nghị định Nghị định 43/2020/NĐ-CP quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc)
Ngoài ra, người nhà, thân nhân, người đại diện của người chấp hành án tử hình có quyền được nhận tử thi theo Điều 83 Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Các vấn đề liên quan khác về giải quyết thủ tục sau khi người chấp hành án tử hình chết, việc nhận tử thi, chi phí mai táng cũng như các vấn đề khác về việc thi hành án tử hình đều được quy định rõ tại Luật thi hành án hình sự năm 2019 và Nghị định 43/2020/NĐ-CP.
Có thể bạn quan tâm:
Bài viết trên đây đã làm rõ vấn đề quy định của pháp luật về án tử hình, khi nào thì không phải đối diện với án tử hình và một số vấn đề pháp luật khác liên quan đến tử hình cũng như thi hành án tử hình. Bạn đọc còn thắc mắc về vấn đề liên quan hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng: