1. Xác định tội phá hoại tài sản trên 2 triệu như thế nào?
Là một trong những tội phạm sở hữu không có mục đích vụ lợi, tội phá hoại tài sản trên 2 triệu là tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo Điều 178 Bộ luật Hình sự.
Một hành vi đủ cấu thành tội phá hoại tài sản trên 2 triệu phải đáp ứng đầy đủ 04 dấu hiệu sau:
- Có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên:
- Hủy hoại tài sản là hành vi làm cho tài sản bị mất hoàn toàn giá trị hoặc bị tiêu hủy hoàn toàn, khiến tài sản không còn hoặc không có khả năng khôi phục lại như ban đầu, ví dụ như đập, phá, đốt,..
- Cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi làm tài sản bị mất giá trị sử dụng ở mức độ nhất định nhưng vẫn có thể khôi phục lại được.
- Đối tượng tác động của hành vi là tài sản. Căn cứ theo Bộ luật Dân sự, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tuy nhiên, không phải mọi tài sản theo Bộ luật Dân sự đều là đối tượng của tội phá hoại tài sản trên 2 triệu. Theo Điều 178 Bộ luật Hình sự, tài sản đối với tội danh này phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Tài sản bị phá hoại là tài sản có giá trị;
- Tài sản đó được đầu tư sức lao động của con người, là thước đo giá trị lao động và phải thỏa mãn được các nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người;
- Là tài sản chưa bị chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu;
- Tài sản phá hoại không phải là các công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về quốc gia, an ninh.
- Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi của mình là nguy hiểm, có khả năng hủy hoại hoặc khiến tài sản của người khác bị hư hỏng nhưng mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra.
- Người phạm tội có thể từ đủ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, Cần lưu ý rằng người phá hoại tài sản từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị truy cứu về tội phá hoại tài sản nếu tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên.
2. Hình phạt đối với tội phá hoại tài sản trên 2 triệu
Tùy thuộc vào giá trị của tài sản mà hình phạt đối với người phạm tội phá hoại tài sản trên 2 triệu được quy định thành 04 khung hình phạt chính như sau:
- Nếu tài sản có trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì người phạm tội bị áp dụng một trong ba hình phạt:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm;
- Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
- Nếu tài sản có trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì người phạm tội bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Đối với khung hình phạt này, ngoài giá trị tài sản, người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt 02 năm đến 07 năm tù đối với các trường hợp sau:
- Phá hoại tài sản có tổ chức;
- Tài sản là bảo vật quốc gia. Theo quy định tại Điều 4 Luật Di sản văn hóa, bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về văn hóa, lịch sử, khoa học. Hiện nay, nước ta có 265 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia.
- Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác. Chất nguy hiểm về cháy, nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn hoặc hàng hóa, vật tư dễ xảy ra cháy, nổ, VD: xăng, dầu,..
- Phá hoại tài sản để che giấu tội phạm khác. Đây là trường hợp trước khi phá hoại tài sản, người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội khác và để che giấu tội phạm đó nên người phạm tội đã phá hoại tài sản. Giữa hành vi phá hoại tài sản và tội phạm trước đó phải có mối liên hệ với nhau.
- Phá hoại tài sản vì lý do công vụ của người bị hại;
- Tái phạm nguy hiểm.
- Nếu tài sản có trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì người phạm tội bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm;
- Nếu tài sản có trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bên cạnh việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với phần tài sản bị thiệt hại. Căn cứ theo Điều 589 Bộ luật Dân sự, người phạm tội có thể thỏa thuận với người bị hại giá trị bồi thường. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định như sau:
- Giá trị tài sản bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng xác định theo giá thị trường của tài sản cùng loại/cùng tính năng/tiêu chuẩn kỹ thuật/tác dụng/mức độ hao mòn; số tiền bị mất, hư hỏng hoặc giá trị của các giấy tờ bị mất, bị hư hỏng/chi phí khôi phục các giấy tờ bị mất, hư hỏng tại thời điểm giải quyết bồi thường hoặc chi phí sửa chữa, khôi phục lại tình trạng tài sản trước khi hư hỏng;
- Lợi ích gắn liền với sử dụng, khai thác tài sản được xác định là hoa lợi, lợi tức tính theo giá thực tế đang thu, nếu chưa thu thì theo giá thị trường hoặc bằng trung bình 01 tháng của các loại tài sản cùng loại/cùng tiêu chí kỹ thuật/tính năng/chất lượng;
- Chi phí ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại là chi phí để thực hiện các biện pháp cần thiết để không phát sinh thêm thiệt hại; chi phí sửa chữa, khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản;
- Chi phí bồi thường thiệt hại khác.
3. Một số câu hỏi liên quan
3.1. Phá hoại tài sản, đã bồi thường thiệt hại cho người bị hại và người bị hại rút đơn thì có bị truy cứu về tội phá hoại tài sản trên 2 triệu không?
Căn cứ theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự, có 9 tội phạm được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại gồm:
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác (Từ Điều 134 đến Điều 136 BLHS);
- Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (từ Điều 138 đến Điều 139 BLHS);
- Tội hiếp dâm (Điều 141 BLHS);
- Tội cưỡng dâm (Điều 143 BLHS);
- Tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS);
- Tội vu khống (Điều 156 BLHS);
Như vậy, tội phá hoại tài sản trên 2 triệu không thuộc trường hợp này nên dù người bị hại đã rút đơn thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp này, người bị hại có thể làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội. Khi cơ quan tố tụng xem xét khung hình phạt, người phạm tội có thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” và tình tiết giảm nhẹ theo Khoản 2 Điều 51 BLHS.
3.2. Định giá tài sản trong tội phá hoại tài sản trên 2 triệu như thế nào?
Căn cứ theo Nghị định 30/2018/NĐ-CP, việc định giá tài sản được thực hiện thông qua Hội đồng thẩm định giá.
- Đối với tài sản bị hủy hoại, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ, nhưng vẫn có khả năng khôi phục lại tình trạng của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng, giá trị tài sản được xác định dựa trên cơ sở chi phí khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ hoặc một phần;
- Đối với tài sản bị hủy hoại, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ thì xác định giá trị thiệt hại của tài sản theo hồ sơ tài sản trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản cần định giá;
- Đối với tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường, tài sản là kim khí quý, đá quý, cổ vật, di vật hoặc vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, lịch sử thì giá trị xác định dựa trên kết quả giám định, ý kiến đánh giá của cơ quan có thẩm quyền và chuyên gia về lĩnh vực này hoặc giá trị ghi trong hồ sơ, tài liệu của tài sản.
Trên đây là toàn bộ quy định của pháp luật về tội phá hoại tài sản trên 2 triệu. Người thực hiện hành vi phá hoại tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cao nhất lên đến 20 năm tù.