1. Làm giả giấy tờ xe là gì?
Khi tham gia giao thông trên đường, mỗi người chúng ta đều phải mang bên mình các loại giấy tờ xe gồm giấy đăng ký xe máy, giấy phép lái xe và giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc TNDS được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, một số đối tượng đã có hành vi làm giả các loại giấy tờ trên. Có thể thấy, hành vi làm giả giấy tờ xe là hành vi của người không có thẩm quyền cấp giấy phép đó đã tạo ra các con dấu, giấy tờ xe của cơ quan, tổ chức (Công an, Giao thông vận tải,...) bằng cách khắc, in, vẽ hoặc các kỹ thuật khác,... để tạo ra các loại giấy tờ xe giả giống như các loại tài liệu, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức đang sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
2. Làm giả giấy tờ xe bị xử lý ra sao?
Hành vi làm giả giấy tờ xe là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, ảnh hưởng đến quản lý an toàn, trật tự của cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay, đối với hành vi làm giả giấy tờ xe, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ theo Khoản 4 Điều 13 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nào làm giả con dấu thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Trường hợp hành vi làm giả giấy tờ xe đã đủ cấu thành tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt nghiêm khắc hơn:
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm đối với hành vi làm giả 01 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
- Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm đối với các hành vi làm giả giấy tờ xe:
- Có tổ chức. Người phạm tội thay vì hoạt động đơn lẻ thì có sự bàn bạc, câu kết chặt chẽ từ 02 người trở lên, có sự chuẩn bị, lên kế hoạch để cùng thực hiện hành vi làm giả giấy tờ xe;
- Phạm tội 02 lần trở lên là trường hợp người phạm tội trước đó đã thực hiện hành vi làm giả giấy tờ xe nhưng chưa bị xét xử. Có nghĩa là người phạm tội đã phạm tội ít nhất 02 lần về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và cả hai lần đó đều chưa bị xét xử;
- Làm giả từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
- Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
- Tái phạm nguy hiểm;
- Trường hợp người phạm tội làm giả từ 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Cần lưu ý trong trường hợp người phạm tội vừa có hành vi làm giả giấy tờ xe vừa sử dụng giấy tờ xe giả đó thì bị truy tố về 02 tội danh độc lập là tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", sau đó tổng hợp hình phạt của hai tội danh trên.
Vậy trường hợp nào làm giả giấy tờ xe thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Một người làm giấy tờ xe giả bị xử lý hình sự khi có đủ các yếu tố sau:
- Người làm giả giấy tờ xe là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự và tại thời điểm làm giả giấy tờ, người này không bị mắc các bệnh tâm thần hoặc các bệnh làm mất khả năng nhận thức, điều kiện hành vi;
- Người phạm tội thực hiện hành vi in, vẽ, đúc,... để làm giấy tờ xe giả giống với giấy tờ mà cơ quan có thẩm quyền ban hành một cách cố ý;
- Hành vi làm giả giấy tờ xe xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính của nhà nước trong lĩnh vực con dấu, xâm phạm đến hoạt động quản lý của cơ quan có thẩm quyền.
Ví dụ: Khoảng tháng 7/2022, thông qua mạng xã hội Facebook, anh T lên mạng tìm hiểu việc làm giấy phép lái xe để làm giấy phép lái xe. Sau đó, T sử dụng facebook để quảng cáo nhận làm giấy phép lái xe và bán lại để hưởng số tiền chênh lệch. Thấy việc làm giấy phép lái xe dễ dàng nên đến tháng 8/2022, T đặt mua 02 máy in màu và phôi giấy phép lái xe trên mạng internet để trực tiếp in ấn làm giả giấy phép lái xe, đồng thời lên mạng thuê đăng bài quảng cáo làm giấy phép.
Từ cuối tháng 8/2022 đến cuối tháng 9/2022, T đã nhận làm 11 giấy phép lái xe mô tô hàng A1 trên địa bàn, thu lợi bất chính số tiền 9.700.000 đồng.
Tại bản án xét xử sơ thẩm số 29/2023/HS-ST ngày 19/6/2023 của TAND tỉnh Hà Giang, bị cáo T bị truy tố về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” với mức phạt 04 năm tù căn cứ theo điểm a Khoản 3 Điều 341, Điều 17, Điều 58, điểm g,h Khoản 1 Điều 52, điểm s Khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 38 Bộ luật Hình sự.
Xem thêm bài viết: Pháp luật về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức
3. Giải đáp một số thắc mắc
3.1. Nhờ người làm giả giấy tờ xe, sau đó sử dụng giấy tờ xe đó để tham gia giao thông thì có bị xử lý về tội làm giả giấy tờ xe không?
Trường hợp người đó không phải là người trực tiếp làm giả giấy tờ xe mà chỉ nhờ người khác làm giả giấy tờ xe thì người đó chỉ bị xử lý về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm mà không cấu thành tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
3.2. Làm sao để biết giấy tờ xe giả?
Hiện nay, do sự phát triển của công nghệ kỹ thuật, thủ đoạn làm giả giấy tờ xe càng trở nên tinh vi, khó phân biệt bằng mắt thường mà phải có sự can thiệp của các thiết bị chuyên dụng. Vậy làm sao để biết được giấy tờ xe có làm giả không?
- Đối với giấy đăng ký xe, giấy đăng ký xe thật sẽ có hoa văn trên phối, huy hiệu ngành được in sắc nét, dễ nhìn, huy hiệu ngành hơi nổi lên, thông tin trên giấy khi in lần hai sẽ được in kim và khoanh màu vàng và có 01 sợi kim tuyến nhỏ, phải quan sát kỹ mới thấy. Trong khi đó, thông tin trên giấy đăng ký xe giả chỉ được in laser, hoa văn, huy hiệu mờ, sơ sài, sợi kim tuyến to, thô và dễ dàng nhìn thấy.
- Giấy phép lái xe hiện nay được làm bằng chất liệu PET, hoa văn màu vàng rơm có công nghệ Hologram và IPI. Trên giấy phép lái xe, khi nhìn nghiêng tem dán hình tròn trên góc phía dưới bên phải sẽ có dòng chữ “Đường bộ Việt Nam” lấp lánh trên tem. Giấy phép lái xe giả sẽ không có các đặc điểm này.
- Để được cấp giấy phép lái xe, người lái xe phải thực hiện học và thi (gồm thi lý thuyết và thi sát hạch) tại các trung tâm đào tạo lái xe được cấp phép đúng quy định. Không có trường hợp không phải thi mà có bằng lái xe.
- Ngoài ra, để kiểm tra giấy phép lái xe, người lái xe có thể tra cứu trên Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc thông qua tin nhắn SMS: TC [dấu cách] [Số GPLX] [Số seri] gửi đến 0936 081 778 hoặc 0936 083 578.
Từ những phân tích ở trên có thể thấy, mọi hành vi làm giả giấy tờ xe đều bị xử phạt với khung hình phạt cao nhất là 07 năm tù. Nếu độc giả còn bất kì vấn đề thắc mắc về hành vi làm giả giấy tờ xe, hình thức xử lý,... xin vui lòng liên hệ để được hỗ trợ.