1. Bốn dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích
Tội cố ý gây thương tích được quy định cụ thể từ Điều 134 đến 136 Bộ luật Hình sự với từng mức độ và từng hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, tội cố ý gây thương tích được cấu thành bởi bốn yếu tố: mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể và khách thể.
1.1. Khách thể
Tội cố ý gây thương tích xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ về sức khỏe, của con người, của công dân. Tuy nhiên, khách thể của tội cố ý gây thương tích phải là sức khỏe, thân thể của người khác. Hành vi tự làm tổn thương, tổn hại sức khỏe của bản thân không cấu thành tội cố ý gây thương tích.
1.2. Chủ thể phạm tội
Hành vi cố ý gây thương tích xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người khác nên mức độ nguy hiểm của hành vi tương đối lớn. Do đó, pháp luật quy định chủ thể cấu thành tội cố ý gây thương tích phải là người từ đủ 14 tuổi trở lên nếu đủ cấu thành tội theo khoản 3,4 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và từ đủ 16 tuổi trở lên đối với mọi hành vi cố ý gây thương tích cho người khác.
Ngoài ra, chủ thể cấu thành tội cố ý gây thương tích phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Nghĩa là, người đó phải nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, có khả năng điều khiển hành vi nhưng lựa chọn hành vi gây thương tích cho người khác, không bị ép buộc, cưỡng ép. Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, người đó không bị mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất năng lực hành vi.
Cần lưu ý rằng, một người chỉ được xem là mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định của Tòa án tuyên người đó mất năng lực hành vi dân sự.
1.3. Mặt chủ quan
Đối lập với mặt khách quan, mặt chủ quan cấu thành tội cố ý gây thương tích là những đặc điểm bên trong, thể hiện yếu tố tâm lý, tinh thần của tội phạm, biểu hiện thông qua lỗi, mục đích và động cơ.
Lỗi của tội cố ý gây thương tích là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thực được hành vi của mình là gây nguy hiểm cho người khác, thấy trước được hậu quả là khiến người khác bị thương tích nhưng lại mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra, làm cho nạn nhân bị thương tích;
Động cơ, mục đích của tội cố ý gây thương tích rất đa dạng như vì trả thù, chỉ vì sự nóng giận bộc phát, do lỗi của nạn nhân,…
1.4. Mặt khách quan
Mặt khách quan là những yếu tố bên ngoài, được thể hiện ra bên ngoài qua hành vi phạm tội, hậu quả, công cụ, phương tiện phạm tội, thời gian và địa điểm phạm tội:
Hành vi của tội cố ý gây thương tích là hành vi tác động của người này vào cơ thể người khác khiến họ bị thương. Người gây thương tích có thể sử dụng tay không hoặc thực hiện với sự hỗ trợ của công cụ, phương tiện (như vũ khí, axit,…).
Hậu quả của hành vi gây thương tích là làm cho nạn nhân bị tổn hại thương tích từ 11% trở lên. Trường hợp hành vi gây thương tích để lại hậu quả tỷ lệ thương tật dưới 11% thì phải thuộc các trường hợp sau:
- Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; dùng axit nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
- Nạn nhân là người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người già yếu, ốm đau hoặc không thể tự vệ; ông bà, cha mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình; người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
- Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Có tính chất côn đồ;
- Đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Thuê người khác hoặc được thuê gây thương tích cho người khác;
Riêng đối với tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì tỷ lệ thương tật do hành vi đó gây ra phải từ 31% trở lên mới đủ cấu thành tội cố ý gây thương tích.
Ngoài ra, thời gian, địa điểm, công cụ, phương tiện phạm tội là một trong những yếu tố để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, là tình tiết để định khung, định tội trong quá trình xử phạt để đảm bảo khách quan, chính xác, đúng người, đúng tội.
2. Hình phạt đối với người đủ cấu thành tội cố ý gây thương tích?
Tùy thuộc vào từng trường hợp thực hiện tội cố ý gây thương tích, người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt như phạt tiền, phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân.
- Đối với tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì mức phạt cao nhất là phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
- Đối với tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội thì khung hình phạt cao nhất là từ 01 năm đến 03 năm tù;
- Đối với tội cố ý gây thương tích còn lại thì người phạm tội có thể bị áp dụng khung hình phạt cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
3. Ví dụ về cấu thành tội cố ý gây thương tích
Khoảng 05 giờ 30 phút ngày 28/10/2023, ông Nguyễn Quốc C (Sinh năm 1961) đang tập thể dục tại bờ Hồ Hoàn Kiếm, khi đi đến đoạn đối diện số nhà A thì gặp anh Nguyễn Trọng K (sinh năm 1989).
K đã dùng chân tay không đánh vào mặt, vào đầu ông C khiến ông C bất tỉnh và ngã ra đất. Khi thấy ông C ngã ra đất, K không có ý định dừng lại mà tiếp tục dùng tay đập đầu ông C liên tiếp xuống nền gạch vỉa hè cho đến khi người dân xung quanh hô hoán, căn ngăn đưa ông C đi cấp cứu, K bỏ đi đâu không rõ. Tại kết luận giám định xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của ông C là 19%.
Từ hành vi trên, có thể thấy, hành vi của anh K có đủ dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích:
- Về mặt khách quan:
- Anh K có hành vi dùng tay không đánh vào mặt, vào đầu ông C, dùng tay đập đầu ông C xuống nền gạch vỉa hè dẫn đến hậu quả là ông C bị thương với tỷ lệ thương tật là trên 11% (19%).
- Thời gian, địa điểm, công cụ phạm tội: tại số nhà A, không có công cụ, phương tiện phạm tội
- Về mặt chủ quan: Anh K thực hiện với lỗi cố ý.
- Chủ thể: Tại thời điểm phạm tội, anh K đã 34 tuổi và không bị mất năng lực hành vi dân sự hay bị hạn chế khả năng điều khiển hành vi.
- Khách thể: Hành vi của anh K đã xâm phạm đến sức khỏe, thân thể của ông C.
4. Một số câu hỏi liên quan:
4.1. Không đủ cấu thành tội cố ý gây thương tích thì có bị xử lý không?
Căn cứ Khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, trong trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người có hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có thể bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, đồng thời phải bồi thường toàn bộ thiệt hại (như viện phí, thuốc men,…) cho người bị thương tích.
4.2. Phân biệt cấu thành tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người với tội giết người
Trên thực tế xảy ra một số trường hợp người phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Trong trường hợp này, về mặt chủ quan, người phạm tội chỉ có mong muốn gây thương tích cho nạn nhân, không muốn nạn nhân chết. Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội không nhận thức được hậu quả chết người xảy ra.
Do đó, người phạm tội chỉ cố ý đối với việc gây thương tích, không cố ý giết người. Thương tích gây ra cho nạn nhân làm nạn nhân chết.
Để có thể phân biệt được, phải xác định đúng lỗi của người phạm tội, rằng người đó có thấy trước được hậu quả chết người hoặc buộc phải thấy trước hậu quả không? Nếu thấy trước được thì có mong muốn hoặc phó mặc cho hậu quả xảy ra không hay tự tin nạn nhân sẽ không chết?
Để xác định được, phải xác định tình tiết khách quan, tính nguy hiểm của công cụ, phương tiện phạm tội; vị trí cơ thể nạn nhân bị tấn công, thời gian, không gian phạm tội, nhân thân tội phạm,..
Trên đây là tổng hợp bốn dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích theo pháp luật hiện hành. Để xác định chính xác hành vi gây thương tích có cấu thành tội cố ý gây thương tích hay không, bên cạnh xác định hành vi còn phải xác định nhân thân, độ tuổi, lỗi của người phạm tội.