1. Tình tiết giảm nhẹ khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự gồm những gì?
Nhằm thể hiện tính nhân đạo và chính sách khoan hồng của pháp luật, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được áp dụng làm giảm mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, thể hiện khả năng cải tạo, giáo dục trở thành công dân có ích của người phạm tội.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ. Như vậy, có thể hiểu, tình tiết giảm nhẹ Khoản 2 Điều 51 gồm đầu thú và tình tiết khác.
1.1. Đầu thú
Theo quy định tại Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền (cơ quan công an) về hành vi phạm tội của mình. Khi đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành lập biên bản về việc người phạm tội đầu thú. Đây cũng là căn cứ để người phạm tội có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ khoản 2 Điều 51 với tình tiết “người phạm tội đầu thú”.
Cần lưu ý có sự khác biệt giữa tình tiết đầu thú và tình tiết giảm nhẹ tự thú theo điểm r khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Sự khác biệt cơ bản là thời điểm bị phát hiện hành vi phạm tội:
- Đầu thú là việc người phạm tội đã bị phát hiện hành vi phạm tội của mình, biết không thể trốn tránh được nên đến trình diện;
- Trong khi đó, tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo trước khi bị phát hiện, chưa bị ai phát giác hoặc đã bị phát giác nhưng chưa xác định được ai là người thực hiện hành vi phạm tội.
1.2. Tình tiết khác
Hiện nay, pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể về tình tiết khách theo quy định tại Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, căn cứ theo Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc của Tòa án nhân dân tối cao và Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì tình tiết khác bao gồm:
- Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước;
- Bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con (con đẻ hoặc con nuôi), anh, chị, em ruột là liệt sỹ;
- Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
- Người bị hại cũng có lỗi.
- Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;
- Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;
- Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;
- Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.
Ngoài ra, khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.
Như vậy, không có quy định cụ thể về các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Tùy thuộc vào từng vụ việc cụ thể cũng như sự phát triển của điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, Tòa án có thể xem xét để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ khác nhưng phải ghi rõ trong bản án.
2. Trường hợp nào sẽ áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự
Như đã phân tích ở trên, việc áp dụng tình tiết đầu thú hoặc tình tiết khác không phải là quy định bắt buộc. Nghĩa là Tòa án có thể căn cứ vào từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể mà cân nhắc áp dụng hoặc không áp dụng các tình tiết giảm nhẹ khoản 2 Điều 51 trên nhưng phải ghi rõ trong bản án. Điều này tạo tính linh hoạt, chủ động trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan tư pháp.
Ví dụ: Áp dụng tình tiết “người bị hại cũng có lỗi”
Khoảng 22 giờ ngày 28/8/2021, tại gia đình ông Tải Văn Xạ (Thôn Mác H, xã Tân T, huyện Q, tỉnh Hà Giang), ông Hộ dùng tay chỉ vào mặt Nguyễn Văn T và nói về việc T không đưa mẹ về, sau đó, ông Hộ dùng tay phải cầm vào cổ T, tay trái cầm vào cổ áo T đồng thời ngáng chân phải qua người T để quật ngã Tuân nhưng T không ngã mà ông Hộ bị mất thăng bằng và tự ngã xuống đất, khi đứng dậy, ông Hộ tiếp tục dùng tay tóm vào cổ T, khiến T bực tức vung tay ra và chạy ra ngoài sân nhà ông Xạ cầm 01 đoạn gỗ dài 113,7 cm quay lại chỗ ông Hộ đang đứng, vung đoạn gỗ từ dưới lên trên vụt một phát từ trên xuống dưới trúng vào đỉnh đầu ông Hộ, làm ông Hộ ngã ngửa ra sau bất tỉnh, đầu chảy máu. T bỏ về, ông Hộ được đi cấp cứu. Đến ngày 30/8/2021, ông Hộ chết tại gia đình.
Theo Bản án số 18/2021/HS-ST của TAND tỉnh Hà Giang và Bản án phúc phẩm số 533/2022/HS-PT của TAND tối cao tại Hà Nội, bị cáo Nguyễn Văn T được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, s Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự và tình tiết giảm nhẹ Khoản 2 Điều 51 “nguyên nhân bị hại cũng có một phần lỗi”.
Áp dụng điểm n Khoản 1 Điều 123, điểm b, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51, Điều 38 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 15 năm tù về tội “Giết người”.
Ngoài các tình tiết khác quy định trên, trên cơ sở thực tiễn áp dụng pháp luật, một số tình tiết khác nằm ngoài Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP được áp dụng và được chọn làm nguồn án lệ. Đó là Án lệ số 48/2021/AL đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ khác “bị can, bị cáo nộp lại tiền thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội”.
Theo Án lệ, việc nộp lại tiền thu lợi bất chính không phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (tương ứng điểm b Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) mà là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (tương ứng Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Như vậy, việc áp dụng tình tiết khác ở đây tương đối linh hoạt nhưng phải đảm bảo tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội và vai trò của người phạm tội trong quá trình phạm tội. Đồng thời, việc giảm nhẹ hình phạt phải đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Nói tóm lại, không có một căn cứ hay quy chuẩn cụ thể để xác định trường hợp nào được áp dụng tình tiết giảm nhẹ Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Không phải tình tiết nào như án lệ, hoặc vụ án, sự kiện tương tự đều có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ và khung hình phạt giống nhau bởi sự ảnh hưởng của các tình tiết giảm nhẹ trong từng vụ việc không giống nhau và mức độ ảnh hưởng cũng khác nhau.