1. Quy định chung về cách tính thời gian xóa án tích
Căn cứ theo Điều 73 Bộ luật hình sự, thời hạn để xóa án tích căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên. Dựa vào hình phạt chính mà Tòa án đã tuyên trong bản án là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, án treo, tù có thời hạn mà việc xác định thời hạn để xóa án tích là khác nhau.
Cần lưu ý rằng hình phạt chính đã tuyên là hình phạt được thể hiện trong bản án đã có hiệu lực pháp luật. Nếu vụ việc đã được kháng cáo, kháng nghị thì hình phạt chính đã tuyên phải được hiểu là hình phạt tuyên trong bản án cuối cùng có hiệu lực pháp luật.
Sau đây là cách tính thời gian xóa án tích trong một số trường hợp với điều kiện người bị kết án đã chấp hành xong bản án, quyết định của Tòa án và không phạm tội mới.
2. Trong trường hợp đương nhiên xóa án tích
Theo quy định tại Điều 71 Bộ luật hình sự, thời hạn để xóa án tích đối với trường hợp đương nhiên được xóa án tích được tính như sau:
- 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng cho hưởng án treo;
- 02 năm trong trường hợp phạt tù đến 05 năm;
- 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
- 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án;
- Trường hợp hình phạt bổ sung như quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn chấp hành dài hơn thời hạn trên thì thời hạn xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người bị kết án chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Như vậy, sau khi hết thời hạn nêu trên, người phạm tội được coi là chưa bị kết án và không có án tích.
Ví dụ: Bị cáo N bị Tòa án nhân dân quận K xử phạt 03 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích cho người khác”, phải bồi thường cho bị hại 15.000.000 đồng và nộp án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 đồng. Đến ngày 22/2/2024, N chấp hành xong hình phạt chính và đã nộp án phí theo biên lai thu tiền số A trước đó. Ngày 29/2/2024, N mới bồi thường cho bị hại số tiền 15.000.000 đồng.
Trong trường hợp này, thời hạn xóa án tích được tính từ ngày chấp hành xong hình phạt là 22/2/2024. Do N bị xử phạt 03 năm tù thuộc khoản 2 Điều 70 BLHS nên thời hạn là 02 năm, tức ngày 22/2/2026. Như vậy, hết ngày 22/2/2026, N được xem là không có án tích.
3. Trong trường hợp theo quyết định của tòa án
Tương tự như cách tính thời hạn xóa án tích trong trường hợp đương nhiên xóa án tích, thời hạn để người bị kết án có thể được xóa án tích được tính như sau:
- 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
- 03 năm trong trường hợp phạt tù đến 05 năm;
- 05 năm trong trường hợp phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
- 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Tuy nhiên, khác với trường hợp đương nhiên xóa án tích, trong trường hợp này, mặc dù người bị kết án đã thỏa mãn điều kiện về thời hạn xóa án tích nhưng không xin xóa án tích hoặc có đơn xin xóa án tích nhưng bị bác đơn xin xóa án tích thì không được xóa án tích.
Trường hợp bị bác đơn xin xóa án tích thì sau một năm kể từ ngày bị bác đơn xin xóa án tích lần đầu và sau mỗi 02 năm kể từ ngày bị bác đơn lần thứ 02 trở đi, người bị kết án mới có thể xin xóa án tích. Như vậy, thời gian xóa án tích có thể kéo dài hơn.
Ví dụ: K bị TAND tỉnh Đ xử phạt 5 năm tù về Tội phá rối an ninh, bị phạt quản chế 04 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính. Đến ngày 15/11/2022, K chấp hành xong án phạt tù. K đang chấp hành hình phạt bổ sung từ ngày 16/11/2022.
Theo khoản 2 Điều 71 Bộ luật hình sự, thời hạn xóa án tích là 03 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù, tuy nhiên, thời gian quản chế dài hơn nên đến ngày 16/11/2026, K mới đủ điều kiện về thời gian được xóa án tích. Khi đó, K phải làm đơn xin xóa án tích. Trường hợp tòa án bác đơn xin án tích, K phải đợi đến sau ngày 16/11/2027 mới được tiếp tục xin xóa án tích. Nếu lần thứ hai K vẫn không đủ điều kiện xóa án tích thì đến sau ngày 16/11/2029, A mới có thể xin xóa án tích.
4. Cho người phạm tội dưới 18 tuổi
Theo quy định tại Điều 107 Bộ luật hình sự, thời hạn xóa án tích của người phạm tội dưới 18 tuổi được tính từ thời điểm chấp hành xong hình phạt chính đến:
- 06 tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo;
- 01 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
- 02 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
- 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm.
Ví dụ: H bị Tòa án xử phạt 05 năm tù về tội Cố ý gây thương tích cho người khác. Tại thời điểm bị kết án, H 17 tuổi 06 tháng. Đến ngày 10/10/2023, H chấp hành xong hình phạt.
Như vậy, đến ngày 10/10/2024, H được đương nhiên xóa án tích nếu trong thời gian từ 10/10/2023 đến 10/10/2024, H không phạm tội mới.
5. Trong các trường hợp khác
- Trường hợp người bị kết án chưa được xóa án tích mà phạm tội mới thì thời hạn xóa án tích được tính lại từ ngày người đó chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách của bản án mới;
- Trường hợp người bị kết án phạm nhiều tội mà có tội được đương nhiên xóa án tích, có tội thuộc trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án thì thời hạn xóa án tích sẽ căn cứ vào thời hạn xóa án tích trong trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án.
- Trong trường hợp người bị kết án có biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị thì thời hạn xóa án tích có thể được rút ngắn chỉ còn 1/3 thời hạn quy định.
Trên đây là toàn bộ cách tính thời hạn xóa án tích theo quy định mới nhất. Nếu quý độc giả còn bất kì điều gì thắc mắc hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ xin xóa án tích, xin vui lòng liên hệ để được hỗ trợ.