1. Bản chất của hành vi vay tiền không trả
Về bản chất, hành vi vay tiền là quan hệ dân sự thể hiện qua việc thỏa thuận của hai bên trong đó bên cho vay giao tiền cho bên vay và khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay toàn bộ số tiền gốc và lãi (nếu có).
Trong trường hợp người vay tiền không trả thì hai bên trong quan hệ vay tiền sẽ phát sinh tranh chấp dân sự về thanh toán nợ quá hạn. Khi đó, người vay tiền không trả chỉ bị khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự, buộc người vay tiền phải hoàn trả số tiền nợ, tiền lãi trong thời kỳ vay (nếu có) và lãi trong thời gian chậm trả.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người vay tiền không trả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị áp dụng hình phạt tù.
2. Vay tiền không trả có bị đi tù không?
Để có thể trả lời cho câu hỏi “Vay tiền không trả có bị đi tù không?”, trước tiền cần phải xác định được hành vi vay tiền không trả là quan hệ dân sự hay quan hệ hình sự.
Do đó, để xác định được, chúng ta cần phải xem xét mục đích vay tiền của người vay. Trường hợp bên vay có những hành vi gian dối như hứa hẹn, khất lần, quanh co, cung cấp thông tin không đúng, bỏ trốn khỏi nơi cư trú,.. với mục đích trốn tránh không phải trả nợ và chiếm đoạt toàn bộ số tiền vay thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, người vay tiền không trả có thể bị xử lý hình sự và bị đi tù. Liên quan đến hành vi vay tiền không trả, một số tội danh có thể kể đến như:
2.1. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS)
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự, hành vi vay tiền không trả có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu có các đặc điểm sau:
- Mục đích vay tiền là thủ đoạn gian dối. Người vay tiền không có khả năng chi trả, không có mục đích là sẽ trả nợ nhưng vẫn vay tiền để sử dụng bằng việc đưa ra những thông tin gian dối. Tuy nhiên, để chứng minh được ý chí của bên vay khi vay tiền trong trường hợp này không đơn giản;
- Người vay tiền từ đủ 16 tuổi trở lên và tại thời điểm vay tiền, người vay không mắc các bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác dẫn đến mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi;
- Thực hiện hành vi bằng lỗi cố ý với mong muốn chiếm đoạt tiền của bên cho vay;
- Số tiền vay từ 2.000.000 đồng trở lên. Trường hợp số tiền vay dưới 2.000.000 đồng thì người vay tiền phải thuộc một trong các trường sau:
- Đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã từng bị kết án về một trong các tội xâm phạm sở hữu (Từ Điều 168 đến Điều 173, Điều 175 Bộ luậ Hình sự) hoặc phạm tội sử udnjg mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản;
- Hành vi vay tiền gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
2.2. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự, hành vi vay tiền không trả kèm theo một trong các hành vi sau thì sẽ bị xử lý hình sự:
- Sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tiền hoặc đến thời hạn trả tiền mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố ý không trả;
- Sử dụng tiền đã vay vào mục đích bất hợp pháp (đánh bạc,..) dẫn đến không có khả năng trả lại tiền.
Ngoài ra, người vay tiền không trả trong trường hợp này phải từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự và không mắc các bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi;
Khác với hành vi vay tiền không trả nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền vay đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản phải từ 4.000.000 đồng trở lên. Trường hợp dưới 4.000.000 đồng thì người vay tiền phải từng bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án về các tội liên quan đến sở hữu, chiếm hữu tài sản (Từ điều 168 đến Điều 174, Điều 290 Bộ luật Hình sự).
3. Vay tiền không trả đi tù bao nhiêu năm?
Căn cứ theo Điều 174 và Điều 175 Bộ luật Hình sự, người thực hiện hành vi vay tiền không trả có thể bị phạt tù với khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc từ 12 năm tù đến 20 năm tù nếu phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể:
Trên thực tế, không ít các vụ án hình sự Tòa án các cấp đã xét xử mà ban đầu giữa bị cáo và người bị hại là quan hệ dân sự: nguyên đơn và bị đơn trong vụ việc tranh chấp quan hệ vay tài sản.
Ví dụ: Từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2019, Nguyễn Thị M1 (SN: 1980) đã nhiều lần vay tiền, cụ thể:
- Tháng 9/2018, M1 vay của ông Phạm Văn T1 số tiền 500.000.000 đồng, không tính lãi suất và không ghi giấy biên nhận nhưng thống nhất với nhau trả tiền sau 4-5 tháng.
- Đến tháng 2/2019, ông T hẹn gặp M1 để lấy lại tiền thì M1 đưa ra nhiều lý do khất nợ không trả. Ông T1 sau đó đã gặp chị M1 và đưa Giấy nhận vay tiền cho chị M1, chị M1 đồng ý hẹn trả ngày 05/02/2020.
- Đến đầu tháng 3/2020, ông T1 nhiều lần liên lạc với chị M1 nhưng không liên lạc được, đến nhà M1 thì không thấy M1 ở nhà.
- Đầu tháng 01/2019, M1 vay chị Trần Thị Hồng D1 số tiền 10.000.000 đồng. Chị D1 nhờ chị T4 trực tiếp mang tiền đến nhà đưa cho M1. Hai bên nhận tiền không viết giấy biên nhận;
- Khoảng tháng 8/2019, M1 tiếp tục hỏi vay tiền chị D1 số tiền 300.000.000 đồng. Chị D1 đồng ý và đưa tiền cho M1. Hai bên không có giấy biên nhận, không thỏa thuận lãi suất và hẹn vài tháng sẽ trả. Sau đó, chị M1 đã vay tiền chị T1 thông qua chị D4 số tiền 300.000.000 đồng có giấy vay tiền không ghi thời hạn trả và không ghi lãi suất nhưng thỏa thuận cho vay 02 tháng sẽ trả. Đồng thời, chị M1 trả cho chị D1 số tiền 160.000.000 đồng để khấu trừ khoản vay 300.000.000 đồng M1 vay tháng 8/2019. Tổng số tiền chị M1 vay của chị D1 là 950.000.000 đồng.
Đến khoảng tháng 3/2020, do việc làm ăn thua lỗ, không có khả năng thanh toán, chị M1 cùng con trai bỏ trốn khỏi địa phương.
Theo Bản án hình sự sơ thẩm số 41/2021/HS-ST của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình, chị M1 bị Tòa án xử phạt 13 năm tù và phạt bổ sung số tiền 10.000.000 đồng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Khoản 4, Khoản 5 Điều 175 Bộ luật hình sự.
Kết luận : Từ những thông tin chị P cung cấp và từ những phân tích nếu trên, có thể thấy, hành vi vay tiền không trả hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người vay tiền có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Đối với trường hợp của chị P, có thể hiểu chị không trả được nợ do chị đang gặp khó khăn về tài chính nhưng vẫn mong muốn thanh toán toàn bộ khoản nợ. Vì vậy, để tránh việc bị khởi kiện hoặc bị xử lý hình sự, chị nên trực tiếp trao đổi với bên cho vay về lý do chưa thể trả nợ, đồng thời chủ động đề nghị bên cho vay tiền được gia hạn thời gian thanh toán và/hoặc kèm theo phương án trả nợ.