Tái phạm nguy hiểm trong pháp luật hình sự Việt Nam mới nhất?


Tái phạm nguy hiểm trong pháp luật hình sự Việt Nam mới nhất?
Khi nghe đến tái phạm nguy hiểm, có thể hiểu được đây là sự lặp đi lặp lại hành vi phạm tội, việc này có tính chất nguy hiểm cho xã hội cao, thể hiện người phạm tội là một người khó cải tạo. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự mới nhất quy định như thế nào về “Tái phạm nguy hiểm”, hãy cũng Luật Ánh Ngọc tìm hiểu trong bài viết này.

1. Quy định của pháp luật về tái phạm nguy hiểm

Quy định của pháp luật về tái phạm nguy hiểm
Quy định của pháp luật về tái phạm nguy hiểm

Tái phạm nguy hiểmtình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự, cụ thể được quy định tại khoản 2 Điều 53 Bộ luật hình sự, ngoài ra đây còn là tình tiết định khung tăng nặng được quy định trong mỗi loại tội phạm cụ thể. Theo đó, tái phạm nguy hiểm gồm hai trường hợp:

  • Người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
  • Người phạm tội đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý.

1.1. Tái phạm nguy hiểm theo điểm a khoản 2 Điều 53

Điểm a khoản 1 Điều 53 quy định tái phạm nguy hiểm là trường hợp mà người phạm tội trước đó đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.

Theo quy định của bộ luật hình sự, tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm mà có mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm mà có mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt từ 15 năm tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Vì vậy nếu người phạm tội phạm các tội mà Điều luật về tội đó quy định mức hình phạt như trên thì là phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Phạm tội do cố ý là xét về mặt chủ quan, nhận thức, ý chí của người phạm tội khi thực hiện hành vi, họ cố ý phạm tội tức là họ biết hành vi của mình là hành vi trái pháp luật, biết rằng nó sẽ gây ra hoặc có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi để đạt được hậu quả hoặc bỏ mặc cho hậu quả nguy hiểm xảy ra mà không có ý thức ngăn chặn, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội.

Chưa được xóa án tích được hiểu là hành vi trước đó đã bị kết án, nhưng chưa được xóa án tích. Xóa án tích được quy định tại Chương X Bộ luật hình sự 2015, theo đó đối với các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích là từ 03 năm đến 05 năm kể từ hi chấp hành xong hình phạt chính và không thực hiện tội phạm mới trong thời hạn này. Còn đối với các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia và nhóm các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh thì việc xóa án tích của người bị kết án do Tòa án quyết định.

Bởi vậy mà người đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, khi mà chưa hết thời hạn được đương nhiên xóa án tích hoặc chưa có quyết định xóa án tích của Tòa án mà lại phạm tội mới là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do cố ý thì được coi là tái phạm nguy hiểm.

Xem thêm: Hình phạt nào cho người có hành vi cố ý truyền HIV cho người khác

1.2. Tái phạm nguy hiểm theo đểm b khoản 2 Điều 53

Điểm b khoản 2 Điều 53 quy định tái phạm nguy hiểm là trường hợp mà người phạm tội đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

Trường hợp này là trường hợp mà hành vi phạm tội trước đó đã bị Tòa án xác định là tái phạm. Tái phạm là trường hợp mà đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Khi người phạm tội trước đó đã bị áp dụng tình tiết tái phạm, thì hành vi phạm tội sau chỉ cần được thực hiện với lỗi cố ý kể cả là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng thì vẫn bị áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm.

Còn về dấu hiệu cố ý phạm tội, hay thời hạn xóa án tích thì cũng tương tự như đã phân tích đối với điểm a khoản 2 Điều 53 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, thời hạn đương nhiên xóa án tích đối với trường hợp đã bị kết án mà bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo là 01 năm; nếu bị phạt tù đến 05 năm thì thời hạn là 02 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo và đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án mà không phạm tội mới.

1.3. Hình phạt áp dụng đối với người phạm tội có tình tiết "Tái phạm nguy hiểm"

Vì tình tiết tái phạm nguy hiểm là tình tiết làm tăng thêm mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi nên các hình phạt chính được áp dụng khi người phạm tội có tình tiết này là tù có thời hạn, chung thân hoặc tử hình. Theo quy định của Bộ luật hình sự, đối với tù có thời hạn mà người phạm tội bị phạt dưới 03 năm tù thì có thể được áp dụng án treo để thay thế cho hình phạt tù. Mặc dù án treo không phải là một loại hình phạt mà nó là một biện pháp thay thế cho hình phạt tù có thời hạn khi mà người phạm tội đạt được những điều kiện nhất định quy định trong Bộ luật hình sự và Tòa án xét thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi xã hội. Tuy nhiên, đối với người phạm tội, ngay cả khi họ chỉ bị áp dụng hình phạt tù dưới 03 năm nhưng trong bản án xác định họ có tình tiết tái phạm nguy hiểm trong hành vi phạm tội thì người đó sẽ không được áp dụng chế định án treo để thay thế hình phạt tù trong khi có các điều kiện khác thỏa mãn. Vậy là, án treo sẽ không được áp dụng đối với người phạm tội tái phạm nguy hiểm.

2. Các trường hợp áp dụng tình tiết “Tái phạm nguy hiểm”

Các trường hợp áp dụng tình tiết
Các trường hợp áp dụng tình tiết "Tái phạm nguy hiểm"

2.1. Áp dụng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hay áp dung tiết định khung tăng nặng?

Trường hợp này thường hay nhầm lẫn khi mà trong Điều luật của tội phạm có quy định tình tiết định khung hình phạt là “Tái phạm nguy hiểm”. Mà quy định của pháp luật về các dấu hiệu của tình tiết “Tái phạm nguy hiểm” trong tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết định khung hình phạt tăng nặng là như nhau, bởi vậy mà xác định đúng ranh giới áp dụng của các tình tiết này là rất quan trọng.

Tình tiết định khung tăng nặng là tình tiết mà có nó trách nhiệm hình sự sẽ nặng hơn so với trách nhiệm được mô tả trong cấu thành tội phạm cơ bản. Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, Tòa án phải xác định được hành vi của người đó có phạm tội không, phạm tội nào. Sau đó xác định hành vi thực hiện thuộc trường hợp nào của các khung hình phạt trong điều luật quy định về tội đó. Tiếp sau là xác định các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự để cân nhắc mức hình phạt.

Như vậy có thể hiểu, tình tiết định khung hình phạt tăng nặng là tình tiết được sử dụng để định tội, quyết định khung hình phạt được áp dụng. Còn tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là có ỹ nghĩa trong quyết định hình phạt, việc quyết định hình phạt chỉ nằm trong một khung hình phạt quy định.

Theo nguyên tắc, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự sẽ được áp dụng sau khi đã áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng. Vì vậy, trong cùng một trường hợp phạm tội, khi đã áp dụng tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung tăng nặng thì không không được áp dụng tình tiết này như một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Xem thêm: Truy cứu trách nhiệm hình sự là gì? Khi nào bị truy cứu trách nhiệm?

2.2. Trường hợp trước đó đã từng thuộc trường hợp tái phạm nhưng trong bản án trước Tòa án không áp dụng tình tiết tái phạm trong bản án

Trong số các căn cứ được coi là tái phạm nguy hiểm, trường hợp người phạm tội đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý. Với quy định này trên thực tiễn xảy ra hai trường hợp, thứ nhất việc tái phạm của người phạm tội đã xảy ra trên thực tế và được xác định trong bản án của Tòa án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý; thứ hai, hành vi tái phạm của người phạm tội đã xảy ra trên thực tế, thỏa mãn tình tiết tái phạm nhưng Tòa án khi xét xử lại không áp dụng tình tiết “Tái phạm” vào trong bản án, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội. Vậy, trong hai trường hợp này, trường hợp nào thì tình tiết “tái phạm” sẽ được sử dụng làm căn cứ để áp dụng tình tiết “Tái phạm nguy hiểm” trong lần phạm tội sau đó?

Theo Luật Ánh Ngọc tìm hiểu, thì quy định này chúng ta cần phải làm rõ các yếu tố như “đã bị kết án”, “chưa được xóa án tích”, “phạm tội” thì phải dựa trên cơ sở là bản án của Tòa án đã có hiệu lực chứ không phải dựa trên diễn biến thực tế của hành vi phạm tội. Điều này cũng dễ hiểu vì một trong những nguyên tắc của pháp luật hình sự Việt Nam là nguyên tắc suy đoán vô tội, tức là một người chỉ coi là tội phạm khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Chính vì vậy mà sẽ áp dụng tình tiết "tái phạm" để làm cơ sở áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” khi đã được bản án có hiệu lực trước đó xác định và ghi trong bản án. Để có thể xác định chính xác trường hợp này, cần phải phân biệt giữa "Tái phạm" và "Tái phạm nguy hiểm".

2.3. Tái phạm nguy hiểm áp dụng như thế nào đối với người dưới 16 tuổi phạm tội?

Vì sao Luật Ánh Ngọc lại đề cập đến đối tượng này, bởi lẽ hiện nay vẫn còn 02 luồng quan điểm trái chiều nhau. Một nguyên tắc nữa được quy định trong Bộ luật hình sự là án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi thì không tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Nhưng là áp dụng đối với người phạm tội mà khi thực hiện hành vi phạm tội người đó chưa đủ 16 tuổi hay là thời điểm tuyên án người đó chưa đủ 16 tuổi.

Hai cách hiểu này sẽ dẫn đến các hậu quả khác nhau. Nếu áp dụng theo cách thứ nhất, tức là án đã tuyên đối với người dưới 16 tuổi thực hiện hành vi phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi, theo đó sẽ có lợi hơn đối với người bị kết án, chỉ cần hành vi phạm tội được thực hiện khi người đó chưa đủ 16 tuổi thì việc tuyên án được thực hiện ở thời điểm nào thì vẫn không bị tính là tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Còn nếu áp dụng theo cách hiểu thứ hai, đối tượng áp dụng nguyên tắc này là người bị kết án duối 16 tuổi theo đó việc tuyên án phải xảy ra khi người phạm tội chưa đủ 16 tuổi, còn sau khi đã đủ 16 tuổi mới tuyên án thì bản án này sẽ được dùng để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm, điều này sẽ gây bất lợi cho người bị tuyên án, vì có những vụ án có tính chất rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng có thời hạn điều tra rất lâu. 

Còn với quan điểm của Luật Ánh Ngọc, cũng như phần lớn các nhà áp dụng pháp luật thì áp dụng quan điểm thứ nhất vẫn là hợp lý nhất, bởi lẽ việc xác định theo thời điểm phạm tội mới phản án đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho hành vi và đảm bảo được ý nghĩa trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên và quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự khi áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm.

3. Tình huống minh họa tái phạm nguy hiểm

Dưới đây là một số tình huống để chúng ta cùng nhau phân tích làm rõ về tái phạm nguy hiểm:

Trường hơp 1:

Ngày 19/11/2016, Tạ Ngọc Quang bị Tòa án nhân dân thành phố Lai Châu kết án tội trộm cắp tài sản theo điểm c khoản 2 Điều 173 BLHS xử phạt 03 năm 06 tháng tù với tình tiết “Tái phạm nguy hiểm”. Đến ngày 06/08/2020, Tạ Ngọc Quang bị bắt về tội Trộm cắp tài sản, tổng giá trị tài sản là 5.700.000 đồng.

Giải quyết: Có thể thấy, ngày 19/11/2016, Tạ Ngọc Quang bị Tòa án nhân dân thành phố Lai Châu kết án tội trộm cắp tài sản và đã bị áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm, vì vậy theo quy định tại khoản điểm b khoản 2 Điều 53 Bộ luật hình sự, ngày 06/08/2020, Tạ Ngọc Quang bị bắt về tội Trộm cắp tài sản, tổng giá trị tài sản là 5.700.000 đồng, lúc này Quang chưa được xóa án tích (do mới chấp hành xong bản án, chưa hết thời hạn đương nhiên được xóa án tích là 02 năm), mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới do cố ý (bởi lẽ hành vi trộm cắp phải thực hiện với lỗi cố ý, không ai lại vô ý trộm cắp tài sản của người khác, hành vi trộm cắp tài sản là hành vi lén lút, bí mật chiếm đoạt, chuyển tài sản của người khác thành của mình) nên sẽ bị áp dụng tình tiết “Tái phạm nguy hiểm” trong lần phạm tội năm 2020 này.

Trường hợp 2:

Ngày 06/7/2010, Lường Văn Kiên bị Tòa án nhân dân huyện Mường Chà, Điện Biên xử phạt 08 năm 06 tháng tù về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy. Ngày 29/12/2016 chấp hành xong về địa phương. Đến ngày 26/12/2019 bị bắt và truy tố về tội Mua bán trái phép chất ma túy, khối lượng thu giữ là 1.18 gam, loại Methamphetamine.

Giải quyết: Ngày 06/7/2010, Lường Văn Kiên bị Tòa án nhân dân huyện Mường Chà, Điện Biên xử phạt 08 năm 06 tháng tù về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy, đây thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng. Ngày 29/12/2016 chấp hành xong về địa phương. Đối với tội phạm bị xử phạt từ trên 05 năm đến dưới 15 năm thì thời hạn được đương nhiên xóa án tích là 03 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính mà không phạm tội mới, tuy nhiên với Kiên, đến thời điểm bị bắt, mới chỉ được 02 năm 11 tháng 28 ngày, chưa được 03 năm kể từ ngày chấp hành xong án mà đã phạm tội Mua bán trái phép chất ma túy, khối lượng thu giữ là 1.18 gam, loại Methamphetamine, là tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý nên vẫn phải bị áp dụng tình tiết “Tái phạm nguy hiểm”.

Trường hợp 3:

Ngày 20/9/2021, Hà Ngọc Anh bị Tòa án xử phạt 01 năm 3 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích, mặc dù trong diễn biến hành vi phạm tội của Anh đã thỏa mãn tình tiết “Tái phạm” nhưng Tòa án lại không tuyên trong bản án. Đến ngày 20/12/2023, sau khi chấp hành án xong, Anh lại tiếp tục có hành vi Cố ý gây thương tích cho người khác.

Giải quyết: Ngày 20/9/2021, Hà Ngọc Anh bị Tòa án xử phạt 01 năm 3 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích. Đến ngày 20/12/2023, sau khi đã chấp hành án xong, Anh lại tiếp tục có hành vi Cố ý gây thương tích cho người khác. Mặc dù trong diễn biến hành vi phạm tội của Anh xảy ra ngày 20/9/2021 đã thỏa mãn tình tiết “Tái phạm” nhưng Tòa án lại không tuyên trong bản án, vì vậy đến ngày 20/12/2023, mặc dù chưa hết thời hạn đương nhiên được xóa án tích, Anh lại thực hiện hành vi phạm tội mới do cố ý, mặc dù có dấu hiệu của việc tái phạm nguy hiểm, vì trên thực tế hành vi phạm tội này Anh đã thực hiện nhiều lần, nhưng vì bản án trước đó không xác định Anh tái phạm, mà lần này lại phạm tội ít nghiêm trọng do cố ý nên không thể áp dụng tình tiết “Tái phạm nguy hiểm” theo khoản 2 Điều 53 đối với Anh.

Trên đây quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tái phạm nguy hiểm, nếu các bạn còn có những vấn đề thắc mắc liên quan hoặc các vấn đề pháp luật khác cần được hỗ trợ, tư vấn xin vui lòng liên hệ đến Luật Ánh Ngọc, với đội ngũ Luật sư nhiều năm kinh nghiệm, Luật Ánh Ngọc sẽ mang đến cho bạn những tư vấn về pháp luật một cách đầy đủ, cập nhật mới nhất.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.