Luật Ánh Ngọc

Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước hiện nay

Tư vấn luật hình sự | 2024-03-11 22:27:48

1. Quyền tự do dân chủ là gì? Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước là gì?

Hiến pháp là đạo luật cơ bản của mỗi quốc gia, xác định thể chế chính trị, cách thức tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và bảo vệ các quyền con người, quyền công dân. Các quyền tự do, dân chủ đã được quy định trong Hiến pháp 2013, bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình.

Tự do ngôn luận: việc bày tỏ các quan điểm, ý kiến của bản thân với một vấn đề nào đó trong xã hội.

Tự do báo chí: tự do sáng tác tác phẩm báo chí, thực hiện in ấn sản phẩm báo chí. Quyền này bao hàm cả quyền tiếp cận thông tin: công dân được phép đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin và được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời.

Tự do lập hội: được phép thành lập các nhóm, các tổ chức và gia nhập các nhóm, các tổ chức.

Tự do là một quyền cơ bản và quan trọng của con người và là quyền không thể tách rời của con người bởi nó xuất hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống như chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội. Tự do là một khái niệm không cần phải hiểu một cách cầu kỳ, phức tạp. Nó đơn giản được hiểu là tình trạng một cá nhân có thể và có khả năng hành động theo ý chí, nguyện vọng của mình phù hợp với các quy phạm pháp lý và đạo đức trong một xã hội dân chủ mà không bị cản trở bởi bất cứ chủ thể hay yếu tố nào.

Luật quốc tế đề cập đến "tự do cơ bản" cũng được diễn giải trên các khía cạnh nêu trên như đã quy định trong Hiến pháp 2013.

Như vậy, có thể hiểu các quyền tự do dân chủ là quyền con người được phép thể hiện tư tưởng, quan điểm và biểu đạt bằng nhiều phương thức như lời nói, hành động, thông qua các phương tiện như báo chí, truyền thông, internet,...

Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước là việc cá nhân, tổ chức lợi dụng các quyền nêu trên để vi phạm đến lợi ích của nhà nước.

 

Ví dụ về Tội lợi dụng quyền tự do dân chủ?

Ví dụ: A lợi dụng quyền tự do ngôn luận của mình mà vu khống, phán tán các thông tin sai sự thật về nhà nước trên mạng xã hội. Như vậy A đã phạm vào tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của nhà nước.

Các quyền tự do dân chủ của con người được nhà nước bảo vệ và nhà nước sẽ xử lý nếu ai có hành vi xâm phạm, nhưng không được lợi dụng các quyền ấy, biến tướng các quyền đó để xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích của các cá nhân khác. Con người có Quyền tự do ngôn luận và trách nhiệm pháp lý đi kèm.

2. Cấu thành tội phạm của Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước?

Căn cứ pháp lý: Tội phạm này được quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015

Khách thể của tội phạm: Khách thể của tội phạm này là lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. 

Khách quan: Người phạm tội có hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tội giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Các quyền tự do, dân chủ nêu trên là những quyền cơ bản của con người được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ. Đa số mọi công dân đều sử dụng các quyền này để bảo vệ lợi ích của mình nhưng không xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân khác.

Chủ quan: Là lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp).  Động cơ, mục đích không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Vì thế, nếu hành vi này kèm theo mục đích “chống chính quyền nhân dân” thì phải bị truy cứu về tội phạm tương ứng.

Chủ thể: Bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.

Hình phạt: Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu tội phạm này gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. 

Ví dụ: A là công dân Việt Nam, có đủ năng lực hành vi và năng lực trách nhiệm hình sự. A có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, được nhà nước bảo vệ. Do đó, lợi dụng quyền này, A đã phán tán những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội nhằm câu like và gây sự chú ý của công chúng. Như vậy, hành vi của A đã đạt đủ cấu thành tội phạm và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Trên đây là những vấn đề liên quan đến Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước. Quý khách hàng cần sự hỗ trợ, vui lòng liên hệ đến Luật Ánh Ngọc để được tư vấn và giải đáp.


Bài viết khác