Luật Ánh Ngọc

Quyền lợi của người lao động và nghĩa vụ của người sử dụng lao động

Tư vấn luật lao động | 2024-10-13 17:06:53

Trong bất kỳ nền kinh tế nào, quan hệ lao động chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất định đến sự thịnh vượng và công bằng xã hội. Đối với người lao động, đó là hệ thống pháp lý bảo vệ quyền lợi và đảm bảo điều kiện làm việc an toàn. Đối với nhà tuyển dụng, đó là một tập hợp các quy định phức tạp mà họ cần tuân thủ để duy trì môi trường làm việc hiệu quả và hợp pháp. Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng thay đổi cách làm việc và sản xuất, việc hiểu rõ về "Quyền lợi của người lao động và nghĩa vụ của người sử dụng lao động" trở nên cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong thời đại xã hội năng động và phát triển ngày nay.

Bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ chi tiết về các quyền lợi mà người lao động được hưởng theo luật lao động cũng như nghĩa vụ mà nhà tuyển dụng phải tuân thủ.

Vai trò quyết định của pháp luật lao động

Pháp luật lao động không chỉ là một tập hợp các quy định pháp lý mà còn đại diện cho sự cân bằng và công bằng giữa người lao động và nhà tuyển dụng. Nó định rõ quyền lợi mà người lao động nên nhận được và nghĩa vụ mà nhà tuyển dụng phải tuân thủ.

(Hình ảnh minh họa người lao động và người sử dụng lao động)

Tại sao bạn nên quan tâm về nội dung quyền và lợi ích?

Vậy, bạn đã bao giờ tự hỏi về quyền lợi của mình trong quan hệ lao động? Hay bạn có thắc mắc về doanh nghiệp phải tuân thủ những quy định nào khi sử dụng lao động? 

Nếu bạn là người lao động, hiểu rõ về quyền lợi của mình có thể giúp bạn đảm bảo sự an toàn, công bằng trong công việc và tìm kiếm được môi trường làm việc phù hợp với bản thân.

Nếu bạn là doanh nghiệp, tuân thủ đúng quy định luật lao động không chỉ giúp bạn tránh rủi ro pháp lý mà còn tạo ra môi trường làm việc tích cực, thuận lợi cho sự phát triển của công ty.

1. Quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động

1.1. Quyền lợi của người lao động

Lựa chọn nghề nghiệp và công việc và được bình đẳng trước pháp luật và không bị phân biệt đối xử trái với luật pháp

Người lao động được tự do lựa chọn việc làm mà họ muốn thực hiện, dựa trên năng lực và sở thích cá nhân, không bị phân biệt đối xử dựa trên giới tính, tuổi tác, tôn giáo, nguyên tắc sắc tộc, hoặc các yếu tố không liên quan đến khả năng làm việc. Điều này tạo điều kiện cho sự tự do nghề nghiệp và sự linh hoạt trong việc thay đổi công việc nếu cần thiết.

Quyền về lương thưởng, quyền bảo vệ an toàn và sức khỏe trong quá trình làm việc

Bộ Luật Lao Động quy định về mức tối thiểu của lương và các khoản phụ cấp, thưởng, và các phúc lợi khác mà người lao động có quyền nhận theo quy định của pháp luật. Do đó, người lao động có quyền được hưởng mức lương hợp lý và phù hợp với công việc và năng lực của họ. Điều này đảm bảo rằng họ không bị trả mức lương thấp hơn so với công việc và kỹ năng của mình. Bên cạnh lươngbảo hiểm xã hội, người lao động cũng có quyền nhận các phúc lợi khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, phụ cấp thâm niên, và các quyền lợi tài chính khác theo quy định của pháp luật và hợp đồng lao động.

Người lao động còn có quyền được làm việc trong môi trường lành mạnh và an toàn, báo cáo và yêu cầu biện pháp an toàn từ người sử dụng lao động khi cần thiết, hoặc trong trường hợp nguy hiểm đến sức khỏe tính mạng của chính mình, người lao động được phép từ chối không tiếp tục thực hiện công việc đó. Bên canh đó, người lao động còn có quyền được hưởng các quy định về giờ làm việc, thời gian nghỉ và các chế độ nghỉ phép theo luật lao động.

Quyền được gia nhập, tham gia các hoạt động của tổ chức, công đoàn

Ngoài những quyền trên, người lao động có thể thành lập và tham gia các hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp hoặc các tổ chức khác. Tham gia đối thoại, đàm phán để trao đổi, thương lương về quyền với lợi ích hợp pháp củ mình, đồng thời thực hiện các quy chế dân chủ. Mặt khác, người lao động còn có thể tham gia vào việc quản lý theo nội quy cùng với người sử dụng lao động để thắt chặt cơ cấu quản lý và thúc đẩy sự phát triển của cho công ty.

Những quyền trên đảm bảo rằng người lao động có sự tự do và bảo vệ cần thiết để tham gia vào thị trường lao động một cách công bằng và an toàn.

(Hình ảnh minh họa người lao động và người sử dụng lao động)

1.2. Nghĩa vụ của người lao động

Thực hiện, tuân thủ hợp đồng lao động và các quy định của công ty 

Người lao động phải thực hiện các nội dung trong hợp đồng lao động (tham khảo các bài viết liên quan đến hợp đồng lao động), thực hiện công việc của mình một cách nghiêm túc và đảm bảo rằng công việc được giao được hoàn thành đúng hẹn và đạt hiệu quả. Đồng thời chấp hành nội quy và chính sách bao gồm giờ làm việc, thời gian nghỉ, nội dung công việc ... các quyền và nghĩa vụ khác được quy định bởi công ty và tuân thủ theo sự quản lý, giám sát của người sử dụng lao động.

Bảo mật thông tin

Người lao động có nghĩa vụ bảo mật thông tin và bí mật thương mại của công ty mà họ làm việc. Không được tiết lộ thông tin này cho bất kỳ người nào khác nếu không có sự cho phép của công ty, điều này sẽ được thỏa thuận khi giao kết cùng với Hợp đồng lao động. Việc cam kết bảo mật thông tin giữa người lao động và doanh nghiệp sẽ đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin quan trọng của cá nhân, tổ chức cho công ty và tránh những sai phạm không đáng tiếc xảy ra dẫn đến có tranh chấp 

Tham gia các hoạt động ngoài giờ

Người lao động có thể có nghĩa vụ tham gia các khóa đào tạo và hội thảo mà công ty tổ chức để nâng cao năng lực làm việc và cập nhật kiến thức chuyên môn.

Trong một số trường hợp, công ty có thể yêu cầu người lao động tham gia vào các hoạt động cộng đồng hoặc các chương trình xã hội mà công ty tổ chức để thể hiện trách nhiệm xã hội của mình.

Báo cáo về các vấn đề liên quan đến sự an toàn cá nhân

Khi có vấn đề xảy ra, người lao động phải báo cáo mọi sự cố, tai nạn lao động hoặc vấn đề an toàn mà họ gặp phải trong quá trình làm việc. Đây cũng chính là cơ sở để người sử dụng lao động đảm bảo rằng các biện pháp an toàn thích hợp được thực hiện để bảo vệ người lao động.

Những nghĩa vụ trên giúp đảm bảo mối quan hệ công bằng giữa người lao động và công ty, đồng thời đảm bảo hiệu suất và an toàn trong môi trường làm việc. Người lao động nên thường xuyên đọc và hiểu rõ nghĩa vụ của họ theo quy định của Bộ luật Lao động và hợp đồng làm việc để đảm bảo tuân thủ đúng quy định và tránh các vấn đề pháp lý.

2. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động

2.1. Quyền của người sử dụng lao động

Lựa chọn và tuyển dụng người lao động

Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn và tuyển dụng người lao động  để tìm kiếm được những ứng viên có kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp nhất cho sự phát triển của công ty.

Người sử dụng lao động có quyền đề xuất điều kiện làm việc, bao gồm thời gian làm việc, mức lương, và các chế độ làm việc khác. Tuy nhiên, các đề xuất này phải tuân thủ các quy định về tiền lương, giờ làm việc, và các quyền lợi của người lao động được quy định và phù hợp với Bộ luật Lao động.

Quản lý, giám sát và xử lý vi phạm

Người sử dụng lao động có quyền quản lý và giám sát công việc của người lao động để đảm bảo sự hiệu quả và an toàn trong quá trình làm việc bằng các quyết định về tổ chức công việc và phân công nhiệm vụ.

Trong trường hợp vi phạm nội quy và quy định của công ty, người sử dụng lao động có quyền thực hiện các biện pháp kỷ luật như cảnh cáo, trừ lương, hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, tuân theo quy định của pháp luật và hợp đồng. 

Ngoài ra, người sử dụng lao động có quyền thực hiện các biện pháp bảo vệ cho người lao động trong trường hợp vi phạm an toàn và sức khỏe lao động hoặc các quy định về điều kiện làm việc. 

Quyền về khen thưởng

Khi người lao động đạt được những thành tựu, thành tích nhất định trong công ty, người sử dụng lao động có thể khen thưởng để thúc đẩy năng suất làm việc và tạo môi trường làm việc tích cực bằng các cách như thêm ngày nghỉ, tăng phụ cấp, tăng lương, khen ngợi và chứng nhận bằng giấy khen,...

Trao đổi, đối thoại với tổ chức đại diện người lao động

Người sử dụng lao động có quyền tham gia vào quá trình trao đổi, đàm phán tập thể về các vấn đề quan trọng trong quan hệ lao động, chẳng hạn như điều kiện làm việc, lương bổng, và quyền lợi. Công đoàn thường là tổ chức đại diện người lao động trong quá trình này. Mục đích chính là để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, thúc đẩy năng suất và hiệu quả làm việc của người lao động.

(Hình ảnh minh họa người lao động và người sử dụng lao động)

2.2. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động

Thực hiện hợp đồng lao động, các thỏa thuận đã ký kết

Sau khi ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải thực hiện các nghĩa vụ của mình thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động và theo quy định của pháp luật, ví dụ như người sử dụng lao động phải cung cấp môi trường làm việc an toàn và lành mạnh cho người lao động bằng cung cấp thiết bị bảo hộ, đào tạo về an toàn, và tuân thủ các quy tắc về an toàn lao động...

Đặc biệt, người sử dụng lao động không được phân biệt đối xử dựa trên giới tính, tuổi, tôn giáo, chủng tộc, hoặc khuyết tật mà phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động.

Thiết lập cơ chế, thực hiện đối thoại

Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động, cũng như thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, là một phần quan trọng của quản lý lao động và tuân thủ luật lao động. Nó giúp tạo ra một môi trường làm việc cân bằng, minh bạch và tạo sự tin tưởng đảm bảo rằng quyền và quyền lợi của cả người lao động và người sử dụng lao động được bảo vệ và thực thi một cách hiệu quả.

Đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người lao động

Người sử dụng lao động có nghĩa vụ cung cấp các cơ hội đào tạo và tài liệu bồi dưỡng để giúp người lao động phát triển và nâng cao trình độ của họ trong công việc. Đối với nhân viên mới thì sẽ được người sử dụng lao động đào tạo bài bản ban đầu cho người lao động.

Việc đào tạo bồi dưỡng cho người lao động không chỉ nâng cao hiệu quả, năng suất lao động mà còn tạo điều kiện cho người lao động phát triển, cải thiện khả năng cạnh tranh và xây dựng được lòng trung thành và sự cống hiến cho công ty.

Chấp hành Bộ luật Lao động và các quy định khác

Người sử dụng lao động có nghĩa vụ chấp hành tất cả các quy định của Bộ Luật Lao Động và các quy định pháp luật khác liên quan đến việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động và thực hiện các biện pháp phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Trên đây là bài viết tìm hiểu về "Quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động" của Luật Ánh Ngọc. Nếu bạn có bất kì câu hỏi nào hoặc muốn tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây, Luật Ánh Ngọc với đội ngũ luật sư dày dặn kinh nghiệm sẽ hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho bạn.


Bài viết khác