1. Xin C/O cho hàng xuất khẩu sang Mỹ
C/O hay Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là là chứng từ pháp lý do cơ quan, tổ chức thuộc nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa cấp dựa nhằm chỉ rõ nguồn gốc của hàng hóa đó.
“Xin C/O cho hàng xuất khẩu sang Mỹ” là một bước quan trọng trong quá trình xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Đặc biệt Mỹ là một thị trường xuất khẩu nhạy cảm cũng như gia tăng tần suất điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập từ Việt Nam nhằm chống gian lận xuất xứ. Vậy thương nhân cần chuẩn bị những gì trước khi thực hiện thủ tục xin cấp C/O?
2. Hồ sơ xin C/O cho hàng xuất khẩu sang Mỹ gồm những gì?
2.1. Bộ hồ sơ xin C/O cho hàng xuất khẩu sang Mỹ lần đầu hoặc sản phẩm không cố định
Căn cứ theo Điều 15 Nghị định 31/2018/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp C/O bao gồm:
- Chứng từ xuất khẩu:
- Đơn đề nghị cấp C/O được trích xuất từ hệ thống đăng ký điện tử COMIS
- Mẫu C/O được khai hoàn chỉnh
- Hóa đơn thương mại (Invoice) có ký, đóng dấu sao y bản chính của thương nhân
- Tờ khai hải quan xuất khẩu
- Vận tải đơn (Bill of Lading) hoặc Bản sao chứng từ vận tải tương đương có sao y bản chính của thương nhân trừ trường hợp xuất khẩu hàng hóa có hình thức giao hàng không sử dụng vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải khác.
- Chứng từ chứng minh nguồn gốc gồm:
- Bản định mức tiêu hao nguyên liệu
- Bản gốc C/O của nguyên liệu
- Phiếu đóng hàng (Packing list)
- Bản kê khai chi tiết hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí xuất xứ ưu đãi hoặc xuất xứ không ưu đãi
- Bản giải trình quy trình sản xuất
- Hóa đơn VAT
- Bảng kê thu mua
- Các chứng từ khác
2.2. Hướng dẫn chuẩn bị một số tài liệu trong bộ hồ sơ
Trong hồ sơ xin cấp C/O, mẫu C/O cần xin và Bản kê khai chi tiết hàng hóa xuất khẩu là hai tài liệu quan trọng cần chuẩn bị chính xác, đầy đủ để đảm bảo hồ sơ xin cấp C/O hợp lệ và được thông qua. Dưới đây là các bước tiến hành để xây dựng bản kê khai chi tiết hàng hóa xuất khẩu và mẫu C/O cần xin:
Bước 1: Xác định mã hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ cần xin C/O theo thông tin trong tờ khai hải quan xuất khẩu (mã số HS của hàng hóa)
Bước 2: Đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ, hiện nay Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI chỉ cấp Chứng nhận xuất xứ hàng hóa không ưu đãi C/O mẫu B. Do đó, trong trường hợp này, mẫu C/O cần xin là C/O mẫu B và chịu sự điều chỉnh của Thông tư 05/2018/TT-BCT.
Bước 3: Xác định tiêu chí xuất xứ hàng xuất khẩu
Từ mã HS của hàng hóa, tra cứu thông tin mặt hàng tại Phụ lục I – Quy tắc cụ thể mặt hàng PSR để xác định quy tắc xuất xứ hàng hóa:
- Trường hợp hàng hóa có mã HS thuộc quy tắc cụ thể hàng hóa thì Bảng kê khai chi tiết hàng hóa phải thực hiện theo tiêu chí được yêu cầu tại Cột 3 “Quy tắc cụ thể mặt hàng”;
- Trường hợp mã HS của hàng hóa không thuộc “Quy tắc cụ thể mặt hàng PSR” thì thương nhân được lựa chọn tiêu chí xuất xứ hàng hóa mà hàng xuất khẩu đáp ứng được. Thứ tự ưu tiên đối với tiêu chí này như sau: Tiêu chí xuất xứ thuần túy (WO)-> Tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC) -> Tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực RVC (LVC).
Bước 4: Kê khai C/O mẫu B bằng tiếng Anh và đánh máy, cụ thể:
- Reference No. là số tham chiếu của C/O
- Ô số 1 – Goods consigned from: Tên giao dịch của thương nhân xuất khẩu, địa chỉ, tên nước xuất khẩu
- Ô số 2 – Goods consigned to: Tên người nhận hàng, địa chỉ, tên nước nhập khẩu
- Ô số 3 – Means of transport and route (as far as known): ngày khởi hành, tên phương tiện vận tải
- Nếu gửi bằng đường hàng không thì khai báo “BY AIR”, số hiệu chuyến bay, tên cảng hàng không gỡ hàng
- Nếu gửi bằng đường biển thì khai báo “BY SEA”, tên tàu và tên cảng dỡ hàng.
- Ô số 4 – Competent authority: Tên cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O, địa chỉ, tên nước (Vietnam Chamber of Commerce and Industry -VCCI).
- Ô số 5 – For official use (dành cho cơ quan hải quan tại cảng hoặc địa điểm nhập khẩu)
- Ô số 6 – Marks, numbers and kind of packages; description of goods: mô tả hàng hóa và mã HS, ký hiệu và số hiệu của kiện hàng
- Ô số 7 – Gross weight or other quantity (trọng lượng cả bì của hàng hóa và số lượng khác)
- Ô số 8 – Number and date of invoices (số và ngày phát hành hóa đơn thương mại)
- Ô số 9 – Certification: dành cho VCCI
- Ô số 10 – Declaration by exporter: Địa điểm, ngày/tháng/năm đề nghị cấp C/O và chữ kí của thương nhân đề nghị cấp C/O.
Bước 5: Làm Bản kê khai chi tiết hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí xuất xứ ưu đãi hoặc xuất xứ không ưu đãi
Căn cứ vào tiêu chí xuất xứ hàng hóa mà thương nhân đã xác định tại bước 3, thương nhân đề nghị cấp lựa chọn bản kê khai phù hợp:
- Trường hợp nguyên liệu được thu mua trong nước để sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhưng không có hóa đơn giá trị gia tăng thì sử dụng bảng kê khai hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí “Xuất xứ thuần túy” (WO) theo mẫu tại Phụ lục II hoặc Phụ lục III nếu có hóa đơn VAT;
- Trường hợp nguyên liệu không có xuất xứ có sự chuyển đổi mã số HS ở các cấp độ chương, nhóm và phân nhóm thì thương nhân sử dụng bảng kê khai hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí “Chuyển đổi mã số hàng hóa” CTC theo mẫu tại Phụ lục V;
- Trường hợp nguyên liệu không có xuất xứ không đạt tiêu chí CTC nhưng đạt tiêu chí DMI – Tỷ lệ nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (De Minimis) theo mẫu tại Phụ lục VI;
- Trường hợp nguyên liệu không có xuất xứ đạt tiêu chí “Tỷ lệ phần trăm giá trị” hoặc “Hàm lượng giá trị khu vực” thì thương nhân sử dụng Bảng kê khai hàng hóa xuất khẩu theo mẫu Phụ lục VII hoặc Bảng kê đạt tiêu chí “Hàm lượng giá trị khu vực” RVC theo mẫu Phụ lục VIII;
- Trường hợp hàng hóa đáp ứng tiêu chí “Hàng hóa được sản xuất toàn bộ tại một nước thành viên từ các nguyên liệu có xuất xứ của một hoặc nhiều nước thành viên” (PE) thì sử dụng bảng kê khai hàng hóa theo mẫu tại Phụ lục IX.
3. Một số lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ xin cấp C/O
- Trường hợp thương nhân lần đầu thực hiện thủ tục xin cấp C/O thì trước khi cấp C/O thương nhân cần thực hiện hồ sơ thương nhân trên trang điện tử của Bộ Công thương hoặc VCCI;
- Trường hợp không có bản sao hóa đơn thương mại và tờ khai hải quan xuất khẩu thì thương nhân được phép nộp sau nhưng không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày được cấp C/O. Nếu sau thời hạn này thương nhân không cung cấp thì sẽ bị thu hồi hoặc hủy C/O;
- Trường hợp thương nhân đề nghị cấp C/O không phải là nhà sản xuất thì yêu cầu nhà sản xuất kê khai, cấm kết xuất xứ hàng hóa và cung cấp chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa để hoàn thiện hồ sơ;
- Trường hợp nhiều mặt hàng không thể kê khai trên cùng một C/O thì thương nhân có thể sử dụng tờ khai bổ sung C/O mẫu B của Việt Nam.
Trên đây là hướng dẫn những tài liệu, giấy tờ cần thiết cần chuẩn bị trước khi xin C/O cho hàng xuất khẩu sang Mỹ. Là một công ty có kinh nghiệm nhiều năm trong việc xin cấp C/O, Luật Ánh Ngọc tự hào mang đến dịch vụ xin cấp C/O uy tín, nhanh gọn, tiết kiệm thời gian và chi phí.