1. C/O và vai trò của C/O đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ
C/O hay còn gọi là Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là văn bản có giá trị pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với hàng hóa xuất khẩu sang nước ngoài nhằm mục đích chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Thông qua giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thương nhân không chỉ có căn cứ xác định xuất xứ hàng hóa mà còn có thể:
- Xác định hàng hóa xuất khẩu có thuộc diện được ưu đãi (ưu đãi thuế quan, các biện pháp phi thuế quan);
- Để thực thi các biện pháp thương mại hoặc công cụ thương mại như chống bán phá giá, thuế đối kháng, biện pháp tự vệ;
- Để phục vụ công tác thống kê thương mại như xác định số lượng xuất khẩu và trị giá xuất khẩu từ từng nguồn khác nhau.
Hiện nay, đối với thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam thực hiện xin C/O cho hàng xuất khẩu sang Mỹ theo mẫu B và được cấp bởi Liên đoàn Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI.
2. Khi xin C/O cho hàng xuất khẩu sang Mỹ phải đáp ứng tiêu chí gì?
Tương tự như hàng hóa xuất khẩu sang các nước khác, trước khi "xin cấp C/O cho hàng xuất khẩu sang Mỹ", hàng hóa đó phải đáp ứng được một trong các tiêu chí xuất xứ hàng hóa thì mới được cấp C/O bao gồm: tiêu chí xuất xứ thuần túy (WO) và tiêu chí xuất xứ không thuần túy (tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa, tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực)
2.1. Tiêu chí xuất xứ thuần túy
Hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ thuần túy (Wholly Obtained -WO) là hàng hóa có xuất xứ thuần túy được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ, bao gồm:
- Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại một nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ đó;
- Động vật và các sản phẩm từ động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại một nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ đó;
- Các sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại một nước, nhóm các nước hoặc vùng lãnh thổ đó;
- Các sản phẩm lấy từ nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của một nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thuộc quyền khai thác của một nước, nhóm các nước, vùng lãnh thổ theo quy định của pháp luật quốc tế;
- Các sản phẩm đánh bắt và các hải sản khác đánh bắt từ vùng biển bằng tàu có treo cờ và được đăng ký ở một nước, nhóm các nước hoặc vùng lãnh thổ đó;
- Các sản phẩm được chế biến hoặc được sản xuất ngay trên tàu từ sản phẩm đánh bắt, hải sản khác đánh bắt từ vùng biển được đăng ký ở nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ đó và được phép treo cờ của nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ đó;
- Phế thải, phế liệu từ hoạt động sản xuất trong nước
- Các hàng hóa thu được hoặc được sản xuất từ các sản phẩm nêu trên tại nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ đó.
Để có thể xác định hàng hóa có đáp ứng được tiêu chí này hay không, thương nhân cần có bảng kê thu mua có xác nhận của địa phương nơi mà hàng hóa được nuôi trồng, đánh bắt hay sản xuất.
2.2. Tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa
Căn cứ theo Khoản 9 Điều 4 Nghị định 31/2018/NĐ-CP, chuyển đổi mã số hàng hóa là sự thay đổi về mã số HS của hàng hóa được tạo ra ở một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ trong quá trình sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ của nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ này.
Tiêu chí chuyển đổi mã HS (Change in Tariff Classification – CTC) là tiêu chí áp dụng đối với nguyên liệu không có xuất xứ, thể hiện bằng sự thay đổi về mã HS của hàng hóa ở cấp 2 số, bốn số hoặc 6 số so với mã HS của nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ (bao gồm nguyên liệu nhập khẩu và nguyên liệu không xác định được xuất xứ) dùng để sản xuất ra hàng hóa đó:
- Tiêu chí chuyển đổi mã số HS ở cấp độ chương (Chapter Change - CC) là việc chuyển đổi 02 số đầu tiên của mã HS từ nguyên liệu đầu vào khác với mã HS của thành phẩm;
- Tiêu chí chuyển đổi mã số HS ở cấp độ nhóm (Change of Tarrif Hamonization – CTH) là việc chuyển đổi 4 số đầu tiên của mã HS từ nguyên liệu đầu vào khác với mã HS của sản phẩm cuối cùng;
- Tiêu chí chuyển đỗi mã số HS ở cấp độ phân nhóm (Change of Tariff SubHeading – CTSH) là việc chuyển đổi 06 số đầu của mã HS của nguyên liệu đầu vào khác với mã HS của thành phẩm.
Bên cạnh ba tiêu chí xuất xứ hàng hóa trên, tiêu chí SP là một tiêu chí thường áp dụng cho hàng hóa là dệt may. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng được yêu cầu về công đoạn gia công, chế biến hàng hóa cụ thể, đơn giản tại một nước thì mới được coi là hàng hóa có xuất xứ.
2.3. Tiêu chí tỷ lệ phần trăm LVC
LVC là tên viết tắt của Local Value Content – tiêu chí hàm lượng giá trị nội địa được xác định bằng tỷ lệ phần trăm mà hàng hóa phải đạt được thì mới được xem là hàng hóa có xuất xứ. Tùy thuộc vào từng loại hàng hóa mà tỷ lệ LVC khác nhau.
Có hai cách tính LVC:
- LVC trực tiếp = [(Trị giá CIF nguyên liệu, phụ tùng hoặc hàng hóa có xuất xứ FTA + Chi phí nhân công + Chi phí phân bổ trực tiếp + Chi phí khác)/ Trị giá FOB] *100%
- LVC gián tiếp = [ (Trị giá FOB – Trị giá CIF nguyên liệu, phụ tùng, hàng hóa không có xuất xứ FTA) / Trị giá FOB] *100%.
Trong đó,
- Trị giá FOB = Chi phí nguyên liệu (chi phí mua nguyên vật liệu, chi phí vận tải và bảo hiểm) + Chi phí nhân công trực tiếp + Chi phí phân bổ trực tiếp + Lợi nhuận + các chi phí khác.
- Chi phí nhân công trực tiếp = Lương + Khoản thưởng + Khoản phúc lợi khác có liên quan trong quá trình sản xuất
- Chi phí phân bổ trực tiếp = Chi phí nhà xưởng liên quan đến quá trình sản xuất ( bảo hiểm nhà xưởng, chi phí thuê và thuê mua nhà máy, khấu hao nhà xưởng,…) + Khoản thuê mua và trả lãi của nhà máy + An ninh nhà máy + Bảo hiểm + Các khoản chi phí khác (nghiên cứu, bản quyền sáng chế, lưu trữ, xử lý chất thải…)
- Chi phí khác như chi phí vận tải nội địa, chi phí lưu kho, chi phí tại cảng, phí hoa hồng, dịch vụ,…
3. Một số câu hỏi liên quan đến xác định tiêu chí C/O
3.1. Trường hợp mã HS của hàng hóa trùng với mã nguyên liệu thì hàng hóa đó có xuất xứ không?
Trường hợp hàng hóa không thỏa mãn một trong ba tiêu chí chuyển đổi mã số HS nhưng tỷ lệ phần trăm nguyên liệu trùng mã HS đáp ứng quy tắc tỷ lệ không đáng kể - De Minimis (DMI) thì vẫn được xem là hàng hóa có xuất xứ. Căn cứ theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP, tỷ lệ DMI là 15%.
3.2. Quy trình, thủ tục xin C/O cho hàng xuất khẩu sang Mỹ như thế nào?
Thủ tục xin cấp C/O bao gồm các bước sau:
- Chuẩn bị hồ sơ xin cấp C/O gồm chứng từ xuất khẩu và chứng từ chứng minh nguồn gốc;
- Khai báo đăng ký hồ sơ thương nhân (trường hợp chưa đăng ký);
- Khai báo C/O trên trang điện tử của VCCI hoặc nộp trực tiếp tại trụ sở của VCCI;
- VCCI kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, trình hồ sơ cho người có thẩm quyền ký cấp C/O;
- Cán bộ VCCI đóng dấu, vào sổ và trả C/O cho thương nhân.
Xem thêm bài viết: Dịch vụ xin cấp C/O cho hàng xuất khẩu sang Mỹ
Như vậy, trước khi xin C/O cho hàng xuất khẩu sang Mỹ, thương nhân phải kiểm tra hàng xuất khẩu có đáp ứng được một trong các tiêu chí xuất xứ hàng hóa (WO, CTC hoặc LVC) hay không. Trường hợp không đáp ứng được tiêu chí trên đồng nghĩa với việc hàng hóa đó không được cấp C/O.