1. Bốn khung hình phạt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Căn cứ theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự, đối với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, pháp luật áp dụng bốn mức khung hình phạt tội lừa đảo tùy thuộc vào mức độ, tính chất nguy hiểm của hành vi cũng như giá trị tài sản mà người phạm tội chiếm đoạt:
1.1. Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
Cải tạo không giam giữ là hình phạt mà trong đó, người phạm tội vẫn được sinh sống, làm việc trong điều kiện, môi trường sống vốn có của họ nhưng bị hạn chế các quyền tự do về thân thể và phải chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, chính quyền địa phương nơi người đó cư trú, sinh sống, làm việc.
Hình phạt tù là hình phạt tước quyền tự do của người phạm tội, biểu hiện bằng việc người phạm tội phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định.
Khung hình phạt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản này áp dụng đối với các hành vi sau:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
- Chiếm đoạt tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng phải thỏa mãn một trong số điều kiện sau:
- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn vi phạm.
- Đã bị kết án về một trong các tội lừa đảo, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, tội trộm cắp, cướp giật tài sản, tội công nhiêm chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm; tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tính mà còn vi phạm.
- Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình;
1.2. Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm
Người phạm tội sẽ bị áp dụng khung hình phạt này nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Hành vi lừa đảo có tổ chức. Hành vi lừa đảo không phải do một cá nhân duy thực hiện mà là sự câu kết, phân công rõ ràng vai trò, nhiệm vụ của những người đồng phạm.
- Hành vi lừa đảo có tính chất chuyên nghiệp là việc người phạm tội đã thực hiện hành vi lừa đảo từ năm lần trở lên, lấy tài sản chiếm đoạt là nguồn thu nhập chính và là phương tiện kiếm sống chính.
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
- Người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng chưa được xóa án tích mà lại phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Khoản 3, Khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự; đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội;
- Người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn xảo quyệt là những thủ thuật, mánh khóe, thủ đoạn dối trá một cách tinh vi hoặc sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi hoặc đổ tội cho người khác, khiến người bị hại không thể lường trước;
- Người phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội trong trường hợp này là người có chức, có quyền, được giao nhiệm vụ thực hiện một công việc nhất định và có những quyền hạn nhất định. Họ đã lợi dụng việc mình có chức vụ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trường hợp họ không có chức, có quyền nhưng sử dụng hành vi lừa dối, giả dạng là người có chức có quyền thì không bị truy cứu đối với tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”.
1.3. Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm
Khung hình phạt này áp dụng đối với người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác có trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Một người được coi là lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu thỏa mãn các điều kiện sau:
- Có thiên tai, dịch bệnh đang diễn ra trên thực tế. Người phạm tội nhận thức được việc có xảy ra thiên tai, dịch bệnh;
- Tình hình thiên tai, dịch bệnh là điều kiện để phát sinh tội phạm. Người phạm tội không thể thực hiện hành vi nếu không có sự xuất hiện của thiên tai, dịch bệnh. Người phạm tội đã lợi dụng những dự báo, tình hình về hoàn cảnh khó khăn trước khi thiên tai, dịch bệnh hoặc lợi dụng hậu quả của thiên tai, dịch bệnh để thự hiện hành vi phạm tội;
- Hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh của người đó có thể xuất hiện trước, trong hoặc sau khi dịch bệnh, thiên tai xảy ra, miễn là người đó đã khai thác hoàn cảnh khó khăn của thiên tai, dịch bệnh để làm điều kiện có lợi cho mình khi phạm tội.
1.4. Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân
Hình phạt tù chung thân là khung hình phạt tội lừa đảo cao nhất mà người phạm tội phải chịu và bị buộc cách ly ra khỏi đời sống xã hội, chịu hình phạt tại nhà giam giữ không thời hạn.
Đối với khung hình phạt tội lừa đảo này, trị giá tài sản mà người phạm tội chiếm đoạt 500.000.000 đồng trở lên hoặc người phạm tội đã lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để thực hiện hành vi phạm tội:
- Chiến tranh, tình trạng khẩn cấp là những hoàn cảnh mà khi nó xảy ra, mọi người đều tập trung để giải quyết, khắc phục để chấm dứt hoàn cảnh đó. Những hoàn cảnh này không phải do thiên tai, dịch bệnh, các yếu tố khách quan gây ra mà do hành vi của con người hoặc do hoàn cảnh của xã hội gây ra;
- Người phạm tội đã lợi dụng sự nguy cấp để lừa đảo nhằm vụ lợi cá nhân gây ảnh hưởng xấu tới tình hình chính trị, an ninh, khiến cho các biện pháp ngăn chặn, khắc phục chiến tranh, tình trạng khẩn cấp kém hiệu quả.
2. Khung hình phạt bổ sung
Ngoài việc phải chấp hành các khung hình phạt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
- Người đó có thể bị áp dụng khung hình phạt tội lừa đảo là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm khi có căn cứ cho rằng nếu tiếp tục được đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó, người phạm tội có thể tiếp tục thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Thời hạn từ 01 năm đến 05 năm được xác định từ khi người này chấp hành xong án hình phạt tù hoặc tính từ thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật nếu người đó bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.
- Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản liên quan đến tội phạm.
3. Đối tượng bị áp dụng khung hình phạt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Người thực hiện hành vi lừa đảo chỉ bị áp dụng khung hình phạt tội lừa đảo nếu đáp ứng đầy đủ các dấu hiệu sau:
- Đủ 16 tuổi trở lên và nhận thức được hành vi chiếm đoạt của mình là nguy hiểm cho xã hội, có khả năng quyết định có thực hiện hay không thực hiện hành vi chiếm đoạt nhưng vẫn thực hiệ
- Thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp;
- Xâm phạm trực tiếp đến quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của người khác;
- Thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội đã đưa ra những thông tin gian dối, người phạm tội biết đó là những thông tin giả nhưng mong muốn người khác tin đó là sự thật;
4. Ví dụ bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Bản án 13/2024/HS-ST ngày 20/03/2024 của TAND huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kom Tum
Nội dung vụ án:
Qua mối quan hệ xã hội, Nguyễn Văn U biết và nhờ Lê Thanh H để được hoãn thi hành án phạt tù. Lê Thanh H đã đưa ra thông tin không đúng sự thật là sẽ giúp anh Nguyễn Văn U được hoãn thi hành án.
Sau đó, H đã đề nghị U chuyển cho H một số tiền vào tài khoản của mình hai lần với tổng số tiền hai là 17.000.000 đồng. Sau khi nhận được tiền từ chị H, anh U, bị cáo lê Thanh H đã có ý định chiếm đoạt toàn bộ số tiền này để dùng vào mục đích cá nhân, chỉ đến khi cơ quan chức năng làm việc H mới trả lại cho bị hại số tiền mình chiếm đoạt, hành vi chiếm đoạt tài sản của bị cáo đã hoàn thành.
Kết quả xét xử: Xử phạt bị cáo Lê Thanh H 12 (mười hai) tháng cải tạo không giam giữ.
Trên đây là toàn bộ nội dung giải đáp của Luật Ánh Ngọc về khung hình phạt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Như vậy, tuỳ thuộc vào giá trị tài sản và mức độ nguy hiểm của hành vi, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ nhưng cũng có thể bị áp dụng hình phạt cao nhất là tù chung thân.