1. Phạm tội chưa đạt là gì?
Phạm tội cố ý có 03 trường hợp cơ bản là: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành. Tại Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về khái niệm phạm tội chưa đạt như sau:
Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Như vậy, về mặt ý chí, người phạm tội muốn thực hiện hành vi phạm tội đến cùng và mong muốn hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, vì nguyên nhân khách quan (như bị bắt giữ, bị nạn nhân chống trả, bị người khác phát hiện,...) nên không thể tiếp tục thực hiện tội phạm hoặc hậu quả của tội phạm chưa xảy ra.
Ví dụ: A vào nhà B để trộm tài sản. Tuy nhiên, do có camera cảnh báo nên B biết có người vào nhà mình và ra kiểm tra. Khi đó, B đã thấy A lén lút chuẩn bị dắt chiếc xe máy trong sân ra ngoài nên B đã hô hoán và giành lại chiếc xe máy. Thấy vậy, A sợ quá nên đã chạy ra khỏi nhà B để tẩu thoát.
Trong trường hợp này, hành vi của A được xác định là phạm tội chưa đạt. Bởi lẽ, A muốn lấy trộm chiếc xe máy và đã thực hiện bằng cách lẻn vào nhà B và dắt chiếc xe máy trong sân của B ra ngoài. Tuy nhiên, do B đã phát hiện và hô hoán (điều này không nằm trong ý chí của B) nên B không thể tiếp tục thực hiện hành vi trộm chiếc xe máy.
2. Phân loại phạm tội chưa đạt
Hiện nay, pháp luật không phân loại phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, trên thực tiễn, dựa trên hậu quả của hành vi phạm tội, phạm tội chưa đạt được chia thành 02 loại như sau:
2.1. Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành
Người phạm tội vì những nguyên nhân khách quan mà chưa thực hiện hết các hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả của tội phạm, do đó, hậu quả của tội phạm đã không xảy ra. Tức là, chủ thể chưa hoàn thành về mặt hành vi và hậu quả chưa xảy ra.
Ví dụ: A cầm dao định đâm vào người B. Tuy nhiên, B đã kịp thời né và chống trả và chạy đi. A không đuổi kịp nên từ bỏ việc đâm B. Trong trường hợp này, hành vi đâm B chưa được thực hiện và hậu quả B bị chết, bị thương do A đâm chưa xảy ra nên được xác định là phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.
2.2. Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành
Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành được hiểu là người phạm tội đã thực hiện được hết những hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả, nhưng hậu quả đã không xảy ra do nguyên nhân ngoài ý muốn.
Ví dụ: A muốn giết B để trả thù nên đã dùng dao đâm nhiều nhát vào người B. Thấy B bất tỉnh, A tưởng B đã chết nên đã kéo B vào khu vực vắng người và bỏ đi. Tuy nhiên, sau đó có người phát hiện ra B và đưa đi cấp cứu kịp thời nên B không chết.
Xem thêm: Quy định hình phạt đối với hành vi phạm tội giết người chưa đạt
Trong trường hợp này, A đã thực hiện các hành vi cần thiết như: đâm nhiều nhát vào người B, kéo B vào khu vực vắng người khi B bất tỉnh để mong muốn hậu quả (B chết) xảy ra. Tuy nhiên, yếu tố khách quan (có người phát hiện và đưa B đi cấp cứu) khiến hậu quả (B chết) không thể xảy ra.
3. Phạm tội chưa đạt có bị xử lý hình sự không?
3.1. Đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên
Tại Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015 quy định rõ ràng: Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.
Theo quy định tại Điều 57 Bộ luật Hình sự 2015, nguyên tắc quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt như sau:
- Nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm;
- Nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
Ngoài ra, việc quyết định hình phạt trong trường hợp này cần căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
Như vậy, phạm tội chưa đạt vẫn bị xử lý hình sự theo quy định. Tuy nhiên, có thế thấy, phạm tội chưa đạt tức là hậu quả của tội phạm vẫn chưa xảy ra, mức độ nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội có phần nhẹ hơn so với trường hợp phạm tội hoàn thành.
3.2. Đối với người dưới 18 tuổi
Theo nguyên tắc đảm bảo có lợi cho người dưới 18 tuổi tại Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015, pháp luật hình sự cũng có những quy định riêng biệt trong việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt. Cụ thể như sau:
- Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: Mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng là không quá một phần hai mức hình phạt quy định tại các điều 99, 100 và 101 của Bộ luật hình sự 2015.
- Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: Mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng là không quá một phần ba mức hình phạt quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Bộ luật Hình sự 2015.
4. Phân biệt phạm tội chưa đạt và tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
Phạm tội chưa đạt và tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội đều có sự tương đồng vì trong 02 trường hợp này, hậu quả của tội phạm vẫn chưa xảy ra. Do đó, có rất nhiều người nhầm lẫn giữa phạm tội chưa đạt và tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Dưới đây là một số điểm khác biệt giữa 02 trường hợp này. Cụ thể như sau:
Tiêu chí |
Phạm tội chưa đạt |
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội |
Khái niệm |
Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. |
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là trường hợp tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng mặc dù không có gì ngăn cản. |
Ý chí chủ quan của người phạm tội |
Mong muốn thực hiện hành vi đến cùng và mong muốn hậu quả xảy ra |
Tự động chấm dứt hành vi phạm tội, không tiếp tục thực hiện đến cùng |
Nguyên nhân dẫn đến hành vi |
Do nguyên nhân khách quan, không nằm trong ý muốn của người phạm tội. |
Do nguyên nhân chủ quan, xuất phát từ ý chí của người phạm tội nhận ra hành vi của mình là sai trái nên tự ý dừng việc phạm tội. |
Hậu quả pháp lý |
Vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt |
Được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. |
Ví dụ |
A định cầm dao chém B nhưng C đã kịp thời ngăn cản nên A không thể tiếp tục thực hiện hành vi của mình. Sự ngăn cản của C là nguyên nhân khách quan khiến A không thể thực hiện hành vi phạm tội đến cùng. |
Trong lúc mất bình tĩnh, A về nhà lấy dao định chém B tuy nhiên, trên đường đến nhà B, A đã bình tĩnh hơn và suy nghĩ lại nên quay trở về nhà, không tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. A chấm dứt việc phạm tội là do suy nghĩ chủ quan của B, không có yếu tố khách quan tác động. |
5. Luật sư bào chữa trường hợp phạm tội chưa đạt
So với tội phạm hoàn thành, phạm tội chưa đạt có mức độ nguy hiểm thấp hơn. Thậm chí có những tội phạm chưa thể hiện rõ các dấu hiệu cấu thành của tội phạm đó.
Trong trường hợp này, cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng, Luật sư đóng vai trò quan trọng trong việc làm rõ các tình tiết của vụ án để đảm bảo bị can, bi cáo được hưởng một bản án có lợi nhất.
Trong trường hợp có nhu cầu hỗ trợ, Luật Ánh Ngọc xin cung cấp những dịch vụ Luật sư hình sự dưới đây, bao gồm:
- Gặp, hỏi người bị buộc tội;
- Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can;
- Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định;
- Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;
- Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;
- Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
- Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
- Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
- Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản;
- Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;
- Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
Như vậy, Luật Ánh Ngọc đã chia sẻ những thông tin quan trọng về Phạm tội chưa đạt. Hy vọng bài viết có thể giúp ích cho bạn đọc trong quá trình tìm hiểu pháp luật.