1. Vi phạm hình sự là gì?
Hiểu một cách đơn giản, vi phạm hình sự là hành vi vi phạm pháp luật do cá nhân, pháp nhận thực hiện mà hành vi vi phạm đó được quy định tại Bộ luật Hình sự.
Về mặt pháp lý, hành vi vi phạm hình sự được gọi là tội phạm và được định nghĩa tại Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.
Ví dụ: Cùng đối với hành vi dùng tay đánh người khác nhưng chia thành 02 trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Gây thương tích cho nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thế từ 11% trở lên thì đây là có thể là hành vi vi phạm hình sự (tội phạm) theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp 2: Gây thương tích dưới 11% thì được coi là hành vi có dấu hiệu vi phạm hình sự nhưng chưa thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự 2015 thì hành vi này có thể bị xử lý bằng các biện pháp pháp lý khác, thường là xử phạt hành chính.
2. Ví dụ về vi phạm hình sự
A và B là hàng xóm, trong lúc A xây nhà đã xây lấn sang đất của nhà B khoảng 2m theo chiều ngang vì vậy đã làm phát sinh mâu thuẫn giữa A và B. Do các bên không thống nhất được phương án giải quyết nên mâu thuẫn ngày càng sâu sắc. Trong lúc tranh cãi, vì quá tức giận, B đã nhặt viên gạch bên đường ném vào đầu A khiến A bị thương nặng.
Trong trường hợp này, hành vi của B có thể bị coi là hành vi vi phạm pháp luật hình sự theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (Tội cố ý gây thương tích). Các dấu hiệu cụ thể như sau:
- Khách thể: Quyền được bảo hộ về sức khoẻ của A
- Chủ thể: B - có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự
- Mặt khách quan:
- Hành vi: B dùng viên gạch ném vào đầu A
- Hậu quả: A bị thương nặng
- Mặt chủ quan:
- Lỗi: B thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp
- Động cơ, mục đích: Do tức giận
3. Các dấu hiệu của hành vi vi phạm hình sự
Việc xác định hành vi có vi phạm hình sự (cấu thành tội phạm) hay không có ý nghĩa rất quan trọng để xác định chế tài đối với những hành vi đó.
Bởi lẽ, trách nhiệm hình sự được coi là trách nhiệm pháp lý nặng nhất đối với hành vi vi phạm pháp luật.
Khi bị áp dụng các hình phạt, cá nhân có thể bị hạn chế quyền tự do (đối với hình phạt tù) và thậm chí là quyền được sống (đối với hình phạt tử hình) và nhiều quyền lợi khác.
Để một hành vi được coi là hành vi vi phạm hình sự (tội phạm) thì hành vi đó phải có đủ các dấu hiệu như sau:
3.1. Khách thể
Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội bị xâm phạm. Nếu một hành vi không xâm phạm đến các quan hệ xã hội thì không được coi là hành vi vi phạm và tất nhiên sẽ không được coi là hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Ví dụ:
- Tội trộm cắp, cướp giật tài sản: Xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác (nạn nhân)
- Tội giết người: Xâm phạm đến quyền được sống, quyền được bảo hộ về tính mạng của người khác (nạn nhân)
3.2. Chủ thể
Chủ thể của tội phạm được hiểu là người thực hiện hành vi phạm hình sự. Chủ thể này có thể là một trong những chủ thể sau:
- Pháp nhân: có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự 2015
- Cá nhân: Có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi quy định (thường là người từ đủ 16 tuổi).
Trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm hình sự nhưng không thoả mãn các điều kiện như trên
Ví dụ: Điều 146 Bộ luật Hình sự quy định về Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi như sau:
“1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác [...]”
Như vậy chủ thể của hành vi vi phạm hình sự này phải là người từ đủ 18 tuổi. Do đó, nếu trong trường hợp người chưa đủ 18 tuổi thực hiện những hành vi như tại điều luật trên quy định thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm hình sự này.
3.3. Mặt khách quan
Mặt khách quan của hành vi vi phạm hình sự là những biểu hiện bên ngoài của hành vi vi phạm. Ví dụ: hành vi khách quan (đấm, chém, đâm, …); công cụ, phương tiện (dao, kéo, súng, …); hậu quả (người chết, người bị thương, …), … Thông qua biểu hiện bên ngoài ở mặt khách quan của tội phạm có thể đánh giá được tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm. Mặt khách quan của tội phạm bao gồm:
- Hành vi: Đây là dấu hiệu bắt buộc cần phải có thể xác định hành vi vi phạm hình sự. Hành vi bao gồm 02 dạng:
- Hành vi hành động (ví dụ: hành vi đâm, chém trong tội giết người)
- Hành vi không hành động (ví dụ: hành vi bỏ mặc trong tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng,…)
- Hậu quả: Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc ở tất cả tội phạm. Ví dụ:
- Đối với tội trộm cắp tài sản thì hậu quả chính là yếu tố bắt buộc vì bắt buộc phải trộm được tài sản thì mới được xác định là hành vi trộm cắp tài sản.
- Đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thì hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm chủ thể bắt cóc người khác làm con tin và thực hiện các hành vi đe dọa, ép buộc, … để chiếm đoạt tài sản mà không phụ thuộc đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa.
- Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm. Tức là, hành vi phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả.
Ví dụ: Vì biết A không biết bơi, nhân lúc vắng người, B đẩy A xuống nước khiến A chết đuối. Trong trường hợp này, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc A chết đuối là việc B đẩy A xuống hồ.
3.4. Mặt chủ quan
Mặt chủ quan của tội phạm là những biểu hiện tâm lý bên trong của tội phạm được phản ánh qua hình thức động cơ, mục đích của tội phạm.
Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm:
- Lỗi: Lỗi là dấu hiệu bắt buộc ở tất cả các tội phạm. Lỗi bao gồm:
- Lỗi cố ý trực tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
- Lỗi cố ý gián tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
- Lỗi vô ý vì quá tự tin: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
- Lỗi vô ý do cẩu thả: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
- Động cơ, mục đích chính là động lực thúc đẩy chủ thể thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ: trả thù, giải quyết mâu thuẫn, …
4. Phân biệt vi phạm hành chính và vi phạm hình sự
Tiêu chí |
Vi phạm hành chính |
Vi phạm hình sự |
Luật điều chỉnh |
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 |
Bộ luật Hình sự 2015 |
Định nghĩa |
Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. |
Vi phạm hình sự (hay còn gọi là tội phạm) và được định nghĩa tại Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 (tại phần 1 nêu trên) |
Đối tượng xâm phạm |
Xâm phạm các quy định trong quản lý hành chính nhà nước. |
Xâm phạm các mối quan hệ được Bộ luật Hình sự bảo vệ: tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, … |
Mức độ nguy hiểm cho xã hội |
Nhẹ hơn |
Nặng hơn |
Biện pháp xử lý |
Bị xử lý bởi các biện pháp xử phạt hành chính và không để lại án tích. Bao gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu tang vật, … được quy định tại Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 |
Bị xử lý bằng các hình phạt và có để lại án tích. Bao gồm: phạt tù, tử hình, … |
Thẩm quyền xử phạt |
Có cơ quan ngoài cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Ví dụ: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Công an nhân dân, Bộ trưởng, … |
Tòa án |
Tiền án, tiền sự |
Bị ghi tiền sự nếu vi phạm các hành vi có tính chất hình sự nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Người phạm tội có bản án xét xử của Tòa án thì bị xem là có tiền án. |
Chủ thể thực hiện |
Chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hành chính là tổ chức, cá nhân. |
Chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hình sự là cá nhân, pháp nhân thương mại. |
Như vậy, thông qua một số ví dụ về vi phạm hình sự, Luật Ánh Ngọc đã chia sẻ tới bạn đọc những thông tin pháp lý cơ bản về vấn đề này. Nếu còn vướng mắc hoặc có nhu cầu tư vấn pháp lý. Bạn đọc hãy liên hệ với Luật Ánh Ngọc để được hỗ trợ kịp thời.