1. Tịch thu tài sản là gì?
Tịch thu tài sản là một trong những hình phạt bổ sung trong luật hình sự, theo đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước, được quy định cụ thể tại Điều 45 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Từ định nghĩa trên có thể rút ra một số đặc điểm hình phạt tịch thu tài sản như sau:
- Tịch thu tài sản là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc được pháp luật quy định do Tòa án áp dụng căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi, đặc điểm nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ,…
- Không được áp dụng biện pháp tịch thu tài sản một cách độc lập đối với mỗi tội phạm cụ thể mà chỉ được áp dụng với tư cách bổ sung cho hình phạt chính để cải tạo, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.
- Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng với người bị kết án về các tội nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác được quy định cụ thể ở từng tội danh.
- Tịch thu tài sản không áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội xuất phát từ đặc điểm, sự phát triển về thể chất, nhân cách, năng lực của những người phạm tội ở trong giai đoạn tuổi này. Ngoài ra, người chưa thành niên phạm tội thường là những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi chưa có hoặc có hạn chế về tài sản,… nên không đảm bảo cho việc thi hành hình phạt tịch thu tài sản.
- Tịch thu tài sản chỉ áp dụng với những trường hợp người phạm tội có thu nhập bất chính, có tài sản do hành vi phạm tội mà có, hoặc trong trường hợp nhận thấy nếu không tịch thu tài sản thì người đó sẽ sử dụng tài sản đó như tiềm lực kinh tế để tiếp tục phạm tội, gây nguy hiểm cho xã hội, thông qua đó giáo dục, răn đe người phạm tội không phạm tội mới cũng như có tác dụng phòng ngừa tội phạm.
- Tài sản bị tịch thu không phải là những vật, tiền bạc trực tiếp liên quan đến tội phạm mà được hiểu là những tài sản thuộc quyền sở hữu của người bị kết án bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền về tài sản như quyền sử dụng đất, nhà ở, trụ sở, tài sản cho vay, mượn, cầm cố, thế chấp; tiền được bồi thường thiệt hại về tài sản, trái phiếu, tín phiếu, các khoản tiền, giấy tờ có giá của người bị kết án đang được người thứ ba nắm giữ, quản lý,.. Trường hợp tài sản là tài sản chung vợ chồng hoặc tài sản góp vốn thì cần xác định rõ khối lượng tài sản và chỉ tịch thu phần tài sản mà người bị kết án được hưởng.
- Trường hợp tịch thu toàn bộ tài sản thì phải bảo đảm để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống. Đó là những tài sản liên quan đến việc duy trì đời sống tối thiểu của người bị kết án và gia đình của họ như phương tiện lao động chính, công cụ cần thiết cho nghề nghiệp hoặc công việc nhất định của người bị kết án và gia đình mà nếu bị tịch thu công cụ, phương tiện đó, gia đình người bị kết án sẽ lâm vào tình trạng khốn khổ tột cùng.
- Mặc dù tiền cũng là một loại tài sản nhưng xét trên góc độ luật hình sự, hình phạt tiền và tịch thu tài sản là hai hình phạt khác nhau.
- Tịch thu tài sản chỉ có thể là một trong những hình phạt bổ sung trong khi phạt tiền vừa có thể là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung.
- Tịch thu tài sản chỉ áp dụng đối với một số loại tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trong khi phạt tiền có thể áp dụng cho cả những tội phạm ít nghiêm trọng.
- Tịch thu tài sản không bị giới hạn về giá trị tài sản mà pháp luật chỉ quy định tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản trong khi mức phạt tiền bị giới hạn không dưới 1.000.000 đồng.
2. Những tài sản không là đối tượng của hình phạt tịch thu tài sản
- Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Đây là những vật chứng quan trọng của vụ án, mang dấu vết của tội phạm như vũ khí, hung khí, xe máy, xe ô tô sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có, khoản thu bất chính từ việc phạm tội là những tài sản người phạm tội có được từ hành vi phạm tội hoặc sử dụng tài sản đó thực hiện các hoạt động giao dịch dân sự khác… Nghĩa là tất cả mọi tài sản có nguồn gốc do hành vi phạm tội thì đều thuộc trường hợp này. Nếu không thực hiện hành vi phạm tội thì người phạm tội không thể chiếm giữ, nắm giữ tài sản này.
- Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành là những vật, tài sản nằm trong danh mục được nhà nước độc quyền quản lý, sử dụng và bị cấm kinh doanh, tàng trữ như ma túy, chất cháy, chất nổ, chất độc,..
3. Các trường hợp bị tịch thu tài sản trong tố tụng hình sự
Tịch thu tài sản được áp dụng với người bị kết án về các tội nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật Hình sự quy định.
- Tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là các tội phạm có tính chất và nguy hiểm lớn cho xã hội với mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 03 năm tù trở lên:
- Tội phạm nghiêm trọng: mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 03 năm từ đến 07 năm tù;
- Tội phạm rất nghiêm trọng: mức cao nhất từ 07 năm tù đến 15 năm tù
- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: mức cao nhất từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tư hình.
Dưới đây là các trường hợp người phạm tội bị tịch thu tài sản trong tố tụng hình sự:
3.1. Tịch thu tài sản của người bị kết án về tội nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia
Tội xâm phạm an ninh quốc gia là những tội phạm xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa và nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm, người phạm tội thực hiện cách hành vi, thủ đoạn phạm tội nhằm mục đích chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người bị kết án về một trong các tội dưới đây thì bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tài sản:
- Tội phản bội Tổ quốc.
- Tội gián điệp
- Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ
- Tội bạo loạn
- Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân
- Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội
- Tội pháp hoại chính sách đoàn kết
- Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Tội phá rối an ninh
- Tội chống phá cơ sở giam giữ
- Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân
- Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân
3.2. Tịch thu tài sản của người bị kết án về tội nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến ma túy
Đây là những loại tội phạm mà người phạm tội đã vi phạm chính sách độc quyền quản lý của nhà nước về ma túy và cá chất gây nghiện, xâm phạm trật tự an toàn xã hội và là một trong những nguyên nhân gây ra các tệ nạn xã hội, từ ma túy dẫn đến nhiều căn bệnh hiểm nghèo khác.
Người phạm tội bị tịch thu tài sản khi bị kết án về một trong số những tội sau:
- Tội trồng cây thuốc phiên, cây cooca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy với hành vi phạm tội có tổ chức, số lượng 3.000 cây trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm.
- Tội sản xuất trái phép chất ma túy
- Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
- Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
- Tội mua bán trái phép chất ma túy
- Tội chiếm đoạt chất ma túy
- Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy
- Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy
- Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
- Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy
- Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy
- Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy
- Tội vi phạm quy định về quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần
Xem thêm bài viết: Luật hình sự và tội phạm về ma túy: Các biện pháp phòng ngừa và xử lý
3.3. Tịch thu tài sản của người bị kết án về tội nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến tham nhũng
Các tội phạm về tham nhũng là những tội phạm do người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện các hành vi nhằm mục đích thu lợi bất chính đồng thời xâm phạm đến các hoạt động đúng đắn của nhà nước cũng như gây thiệt hại về tài sản cho Nhà nước, cá nhân, tập thể.
Người bị kết án về một trong các tội tham ô, tội nhận hối lộ, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; tội giả mạo trong công tác thì đều bị tịch thu tài sản.
3.4. Tịch thu tài sản của người bị kết án về tội nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác
Bên cạnh những loại tội phạm pháp luật quy định hình phạt bổ sung tịch thu tài sản là hình phạt bắt buộc như đã nêu trên, người bị kết án về tội nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác có thể bị tịch thu tài sản nếu trường hợp pháp luật quy định cụ thể trong từng tội danh.
Có thể liệt kê một số loại tội phạm mà người bị kết án bị tịch thu tài sản như nhau:
- Tội mua bán người
- Tội mua bán người dưới 16 tuổi
- Tội cướp tài sản
- Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
- Tội cưỡng đoạt tài sản
- Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
- Tội buôn lậu trừ trường hợp trị giá tài sản buôn lậu dưới 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính, kết án chưa xóa án tích hoặc vật phạm pháp là di vật, cổ vật
- Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
- Tội trốn thuế trừ trường hợp số tiền trốn thuế từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án chưa được xóa án tích.
- Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
- Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
Ngoài ra, còn rất nhiều loại tội phạm khác cũng có thể bị áp dụng hình phạt tịch thu tài sản.
4. Phân biệt tịch thu tài sản và biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến hành vi phạm tội
Tiêu chí phân biệt |
Tịch thu tài sản |
Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm |
Bản chất |
Hình phạt bổ sung |
Biện pháp tư pháp |
Tài sản tịch thu |
tài sản thuộc quyền sở hữu và không liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội |
Công cụ, phương tiện phạm tội, vật nhà nước cấm lưu thông, lưu hành và có thể không thuộc sở hữu của người phạm tội |
Đối tượng áp dụng |
Tội phạm nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng |
Có hành vi phạm tội không phân biệt tính chất, mức độ của hành vi phạm tội |
Xử lý tài sản tịch thu |
Tịch thu sung vào ngân sách nhà nước |
Tịch thu sung ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy |
Cách thức áp dụng |
Áp dụng bổ sung bên cạnh hình phạt chính |
Áp dụng độc lập khi có hành vi phạm tội |
Có thể bạn quan tâm: Hình phạt trong luật hình sự: Các loại hình phạt và nguyên tắc áp dụng
Như vậy, tịch thu tài sản là một trong những hình phạt bổ sung được áp dụng bên cạnh hình phạt chính trong tố tụng hình sự. Mặc dù không hạn chế quyền tự do thân thể của người phạm tội nhưng hình phạt này đã góp phần hạn chế, triệt để những điều kiện giúp đỡ người bị kết án tiếp tục phạm tội. Nếu độc giả còn bất kì vấn đề nào liên quan đến Tịch thu tài sản là gì? Khi nào thì bị tịch thu tài sản? cũng như có nhu cầu tư vấn các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với Luật Ánh Ngọc theo thông tin dưới đây để được hỗ trợ, tư vấn kịp thời và nhanh chóng.