1. Tội cố ý làm hư hỏng tài sản là gì
Tội cố ý làm hư hỏng tài sản là tội phạm mà trong đó, người phạm tội đã có hành vi tác động trực tiếp vào tài sản gây ra những thiệt hại nhất định cho tài sản nhưng không khiến tài sản mất hẳn giá trị sử dụng. Người phạm tội chỉ cố ý tác động lên tài sản khiến tài sản giảm giá trị sử dụng nhưng có thể khôi phục lại như ban đầu hoặc có thể khôi phục lại được một phần.
2. Phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản bị phạt bao nhiêu?
2.1. Phạt tiền đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù
Trường hợp cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có trị giá thấp từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu đồng thời thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người phạm tội trước đó đã bị xử lý hành chính về hành vi hủy hoại tài sản hoặc hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác mà còn tiếp tục vi phạm;
- Người phạm tội đã bị kết án về tội phạm này, chưa được xóa án tích nhưng lại tiếp tục vi phạm;
- Hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội như gây khiếu kiện đông người, gây biểu tình, gây rối tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động chống pháp chính quyền,.....
- Người phạm tội đã hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. Trường hợp người phạm tội chỉ tác động vào tài sản là phương tiện kiếm sống của người bị hại, trong khi thành viên gia đình vẫn có việc làm và duy trì được cuộc sống thì không áp dụng tình tiết này;
- Người phạm tội thực hiện hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là di vật, cổ vật. Đây là những tài sản không chỉ có ý nghĩa với một cá nhân cụ thể mà nó mang giá trị văn hóa, tư tưởng của mỗi khu vực. Việc hủy hoại tài sản hoặc làm hư hỏng di vật, cổ vật sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng mà không có gì có thể bù đắp và khôi phục được.
2.2. Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm
Trong đó,
- Tài sản bị hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng có trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
- Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiểm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Hiện nay, nước ta có 237 bảo vật quốc gia và được lưu giữ nhiều nơi trên khắp cả nước, như trống đồng Ngọc Lũ, Ấn đồng “Môn Hạ Sảnh ấn”, cuốn “Đường Kách mệnh”, ...
- Chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác là những chất hóa học có sức công phá lớn, có tính nguy hiểm cao đối với con người như xăng, dầu,… Hành vi này không chỉ gây thiệt hại trực tiếp đến tài sản mà còn có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người khác;
- Che giấu tội phạm khác là trường hợp người phạm tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nhằm mục đích che giấu một tội phạm mà người phạm tội đã thực hiện trước đó nhưng chưa bị phát hiện hoặc có nguy cơ bị phát hiện;
- Lý do công vụ của người khác là trường hợp phạm tội nhằm mục đích trả thù vì người thi hành công vụ đã thực hiện các công vụ ảnh hưởng đến quyền lợi của người phạm tội. Nếu không có hành vi thi hành công vụ thì cũng sẽ không có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.
- Tái phạm nguy hiểm là:
- Người phạm tội đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trước đó do lỗi cố ý, chưa được xóa án tích nhưng lại tiếp tục phạm tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo khoản 2, khoản 3 Điều 178 Bộ luật Hình sự
- Người phạm tội trước đó đã bị kết án hai lần về bất kì tội danh nào, trong lần bị kết án thứ hai đã áp dụng tình tiết tăng nặng tái phạm nhưng hiện chưa được xóa án tích lại tiếp tục phạm tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.
Có thể bạn quan tâm: Tội che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm và trách nhiệm hình sự
2.3. Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm hoặc từ 10 năm đến 20 năm
Nếu tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng có trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm, trường hợp trị giá tài sản từ 500.000.000 đồng trở lên thì người phạm tội bị phạt từ từ 10 năm đến 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng
- Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm nếu có căn cứ cho rằng nếu để người phạm tội tiếp tục đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề sau khi chấp hành xong hình phạt thì họ có thể có điều kiện để phạm tội mới. Thời gian cấm tính từ khi bản án có hiệu lực pháp luật nếu người phạm tội bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc từ khi người đó chấp hành xong án phạt tù.
3. Xử phạt hành chính hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản
Trong trường hợp người vi phạm chưa đủ dấu hiệu bị truy cứu về tội cố ý làm hư hỏng tài sản thì có thể bị xử phạt hành chính. Một số vi phạm hành chính liên quan đến hành vi này cụ thể như sau:
- Người thực hiện hủy hoại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ, tài liệu về cư trú thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
- Người thực hiện hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác là Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước Công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của người khác thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
- Người thực hiện hành vi hủy hoại, cố ý làm hư hỏng vũ ký, công cụ hỗ trợ được giao và pháo thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đên 5.000.000 đồng.
- Người hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức trừ trường hợp gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, người thi hành công vụ thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
- Người thực hiện hành vi hủy hoại hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC của người khác thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
- Người thực hiện hành vi hủy hoại tài sản của người ngăn chăn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân của bạo lực gia đình thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
- Người thực hiện hành vi phá hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản, hiện vật tại mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
4. Ví dụ bản án về tội cố ý làm hư hỏng tài sản
Bản án 32/2019/HS-ST ngày 30/05/2019 của huyện Mường La, tỉnh Sơn La
Cấp xét xử: Sở thẩm
Nội dung vụ án:
Ngày 03/3/2019 LVM trú tại: Bản Kham, xã MC, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, đi ra phía sau trụ sở Ủy ban nhân dân xã MC dùng đá ném làm vỡ 2 tấm kính chắn cầu thang tầng 2 và 07 tấm kính chắn tầng 3. Sau đó LVM đi về nhà lấy dao đi vào trụ sở dùng dao chặt phá các ô cửa kính.
Tổng cộng làm hỏng 30 tấm kính của các ô cửa của trụ sở Ủy ban nhân dân xã MC, huyện ML, tỉnh SL. Ủy ban nhân dân xã MC, huyện ML, tỉnh SL yêu cầu bồi thường và khắc phục hậu quả là 8.060.000.
Kết quả xét xử:
- Xử phạt bị cáo LVM 12 (mười hai) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam, ngày 03/3/2019.
- Không áp dụng hình phạt Bổ sung - Phạt tiền đối với bị cáo.
Trên đây là giải đáp của Luật Ánh Ngọc liên quan đến tội cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Với mức độ nguy hiểm của tội danh này, pháp luật đặt ra các mức hình phạt từ nhẹ như phạt tiền đến mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù nhằm mục đích răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.