Tội giả mạo chữ ký nhằm chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?


Tội giả mạo chữ ký nhằm chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?

Tội giả mạo chữ ký là hành vi cố tình sao chép, mô phỏng lại chữ ký của người khác để thực hiện mục đích nhất định. Pháp luật quy định hai trường hợp phạm tội giả mạo chữ ký gồm: Tội giả mạo trong công tác và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong bài viết hôm nay, Luật Ánh Ngọc sẽ giải đáp cụ thể.

1. Phạm tội giả mạo chữ ký bị truy cứu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1.1. Đặc điểm của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

  • Thứ nhất, hành vi của người phạm tội là làm cho chủ sở hữu tài sản mất khả năng thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản;
  • Thứ hai, tài sản bị người phạm tội chiếm đoạt phải đang có người quản lý;
  • Thứ ba, người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là sai trái, nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả nhưng vẫn mong muốn hậu quả xảy ra với mục đích là chiếm đoạt tài sản.

1.2. Dấu hiệu pháp lý của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

  • Khách thể của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung là xâm phạm quyền sở hữu tài sản, cụ thể là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu. 
  • Đối tượng tác động là tài sản (vật, tiền).  Theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ cấu thành tội phạm khi người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc các trường hợp luật quy định thì chịu trách nhiệm hình sự với những mức phạt khác nhau.

Lưu ý, nếu tài sản bị tác động không đủ định lượng và cũng không thuộc trường hợp luật định thì người thực hiện hành vi này không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

  • Mặt khách quan gồm có 2 hành vi đó là hành vi lừa dối (thủ đoạn gian dối) và hành vi chiếm đoạt tài sản. Hai hành vi này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hành vi dùng thủ đoạn gian dối là tiền đề cho hành vi chiếm đoạt tài sản:
    • Thủ đoạn gian dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật. Cụ thể, là hành vi đưa ra những thông tin giả, người phạm tội biết thông tin là giả nhưng mong muốn người khác tin đó là sự thật. Người phạm tội sử dụng nhiều cách thức khác nhau như bằng lời nói, giả mạo giấy tờ, giả mạo chữ ký, giả danh tổ chức, hình ảnh…làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản tin tưởng, từ đó tự nguyện chuyển giao tài sản cho người phạm tội
    • Cần lưu ý thời điểm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản luôn xảy ra trước thời điểm có việc giao nhận tài sản giữa người bị hại và người phạm tội;
    • Hành vi chiếm đoạt tài sản: Người phạm tội thực hiện hành vi gian dối với mục đích làm cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đó tin là sự thật mà giao tài sản cho người phạm tội. Sau đó, người phạm tội sẽ chuyển dịch tài sản của người đó thành tài sản của mình 1 cách trái pháp luật.
    • Dấu hiệu bắt buộc là phải có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản. Bởi, nếu có hành vi gian dối mà không chiếm đoạt tài sản mà chỉ nhằm sử dụng tài sản thì tùy trường hợp có thể truy cứu TNHS về tội sử dụng trái phép tài sản,…
    • Hậu quả là thiệt hại về tài sản cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải có định lượng từ 2.000.000 đồng trở lên trong trường hợp thông thường hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng phải thuộc trường hợp luật định.
  • Chủ thể: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chủ thể thường. Theo quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015 thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội này;
  • Mặt chủ quan: Thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là sai trái, nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả nhưng vẫn mong muốn hậu quả xảy ra với mục đích là chiếm đoạt tài sản.

2. Giả mạo chữ ký bị truy tố về tội Giả mạo trong công tác

2.1. Đặc điểm của tội Giả mạo trong công tác

  • Thứ nhất, về chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; để làm, cấp giấy tờ giả hoặc để giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn khác. Hành vi phạm tội phải là hành vi phạm tội thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của người phạm tội;
  • Thứ hai, về lỗi thực hiện hành vi với lỗi cố ý, tức là họ nhận thức rõ hành vi của mình là sai trái, nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả nhưng vẫn có ý thức nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra;
  • Thứ ba, về động cơ vì vụ lợi. Trong đó, vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.

2.2. Dấu hiệu pháp lý của tội Giả mạo trong công tác

 

Dấu hiệu pháp lý tội giả mạo trong công tác
Dấu hiệu pháp lý tội giả mạo trong công tác

 

  • Khách thể của tội Giả mạo trong công tác đó là xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín.
  • Đối tượng tác động: chữ ký của người có thẩm quyền;
  • Mặt khách quan:
  • Hành vi khách quan: Có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Cần lưu ý, chức vụ, quyền hạn chính là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc giả mạo; nếu không có chức vụ, quyền hạn thì họ không thực hiện được hành vi phạm tội

  • Chủ thể: Phải là người có chức vụ, quyền hạn. Cần lưu ý, người phạm tội giả mạo công tác phải là người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình để để giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn khác.
  • Mặt chủ quan: Thực hiện hành vi phạm tội cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả nhưng vẫn mong muốn hậu quả xảy ra
  • Động cơ phạm tội (dấu hiệu bắt buộc): vì mục đích vụ lợi, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để đạt được lợi ích vật chất đó là chiếm đoạt tài sản.

3. Hình phạt áp dụng đối với tội giả mạo chữ ký nhằm chiếm đoạt tài sản

3.1. Đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Người phạm tội giả mạo chữ ký bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị áp dụng các hình phạt sau: 

  • Quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: áp dụng cho người phạm tội ở khung cơ bản, không có tình tiết định khung tăng nặng TNHS.
  • Quy định hình phạt tù từ 2 năm đến 7 năm
  • Quy định hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm
  • Quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm và tù chung thân

Ba hình phạt còn lại áp dụng đối với người phạm tội có một trong các tình tiết định khung tăng nặng:

  • Có tổ chức: Là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm,
  • Có tính chất chuyên nghiệp,
  • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng;
  • Tái phạm nguy hiểm: Là trường hợp đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức: nghĩa là người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản dựa trên chức vụ, quyền hạn của người phạm tội là người khác tin tưởng rồi giao tài sản cho người phạm tội;
  • Dùng thủ đoạn xảo quyệt: có thể hiểu là người phạm tội sử dụng thủ đoạn dối trá một cách tinh vi, sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi phạm tội, che giấu tội phạm, đổ tội cho người khác hoặc gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.;
  • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  • Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh: là những hiện tượng đặc biệt khó khăn của xã hội và người phạm tội đã lợi dụng hiện tượng đó để phạm tội; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

3.2. Đối với tội Giả mạo trong công tác

Trường hợp người phạm tội giả mạo chữ ký mà truy tố về tội Giả mạo trong công tác thì bị truy tố cao nhất là 20 năm tù. Mức phạt cụ thể như sau:

  • Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm
  • Quy định hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm
  • Quy định hình phạt phạt tù từ 07 năm đến 15 năm
  • Quy định hình phạt phạt tù từ 12 năm đến 20 năm

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Trường hợp người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị truy cứu với khung hình phạt tăng nặng: 

  • Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu: là hành vi tẩy xóa, thêm bớt hoặc thủ đoạn khác để sửa chữa, làm sai lệch bản chất ban đầu của nội dung giấy tờ, tài liệu vốn có.
  • Làm, cấp giấy tờ giả: là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để làm giả giấy tờ.
  • Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn: là hành vi người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giả mạo chữ ký của người khác (người khác ở đây là người có chức vụ, quyền hạn).
  • Có tổ chức: Là có sự kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Đây là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển của người đứng đầu.
  • Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu.
  • Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
  • Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả  đến 10 giấy tờ giả.
  • Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
  • Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên.
  • Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

4. Một số câu hỏi thường gặp: 

4.1. Hành vi giả chữ ký khi công chứng bị phạt bao nhiêu tiền?

Hành vi giả mạo chữ ký trong lĩnh vực công chứng, chứng thực bị xử lý như sau:

  • Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng trong trường hợp giả mạo chữ ký của công chứng viên;
  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp giả mạo chữ ký của người thực hiện chứng thực.

Trên đây là toàn bộ giải đáp của Luật Ánh Ngọc liên quan đến tội giả mạo chữ ký nhằm chiếm đoạt tài sản. Có thể thấy, pháp luật chưa quy định cụ thể về tội danh "Giả mạo chữ ký", tuy nhiên, tuỳ vào từng trường hợp mà người phạm tội giả mạo chữ ký có thể bị truy cứu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội Giả mạo trong công tác.

4.2. Giả mạo chữ ký trong phiếu kê biên, giải toả kê biên thì bị phạt bao nhiêu tiền?

Căn cứ Khoản 2 Điều 54 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, giả mạo chữ ký của người yêu cầu đăng ký trong phiếu yêu cầu đăng ký hoặc chữ ký trong văn bản thông báo về việc kê biên hoặc giải toả kê biên tài sản để thi hành án dân sự thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng - 5.000.000 đồng.

4.3. Giả mạo chữ ký của tác giả để xin cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ thì bị xử lý thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm để xin cấp văn bằng sở hữu trí tuệ thì phạt tiền từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng, đồng thời, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.