1. 06 sản phẩm phải xin giấy phép quảng cáo sản phẩm
Giấy phép quảng cáo sản phẩm là văn bản pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp nhằm xác nhận doanh nghiệp đã đáp ứng đủ điều kiện để thực hiện quảng cáo sản phẩm của mình trong khuôn khổ điều chỉnh của pháp luật.
Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể sản phẩm nào được phép quảng cáo, mà quy định các trường hợp bị cấm quảng cáo như: thuốc lá; rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; các loại sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, hoặc sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; thuốc kê đơn; sản phẩm kích dục; đạn, súng săn, vũ khí thể thao, sản phẩm bạo lực, và các sản phẩm khác theo quy định. (Điều 7 Luật quảng cáo 2012).
Theo đó, có thể hiểu, ngoài các trường hợp bị cấm, tất cả các trường hợp còn lại đều có thể thực hiện việc quảng cáo sản phẩm khi đáp ứng điều kiện luật định.
Tuy nhiên, có những sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa đặc biệt bắt buộc phải xin giấy phép quảng cáo theo quy định tại Luật Quảng cáo.
- Các sản phẩm thuốc và liên quan đến thuốc không thuộc trường hợp bị cấm quảng cáo; các loại vắc xin, sinh phẩm y tế và thiết bị y tế;
- Sữa và các sản phẩm dinh dưỡng không thuộc trường hợp bị cấm;
- Quảng cáo các loại mỹ phẩm: kem dưỡng da, kem chống nắng, mặt nạ, phấn phủ, son môi, nước hoa, sữa tắm,...
- Quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe;
- Các loại hóa chất diệt côn trùng, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học, phân bón;
- Thuốc, thực phẩm và vật tư thú y.
Việc quảng cáo có thể thực hiện thông qua nhiều hình thức: báo chí, phương tiện truyền thông, quảng cáo trên các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình, trên bảng quảng cáo, biển hiệu,...
2. Thủ tục đăng ký quảng cáo sản phẩm thành công từ lần đầu tiên
Thủ tục xin giấy phép quảng cáo sản phẩm được tuân theo quy định tại Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP bao gồm các bước:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép quảng cáo sản phẩm
Khoản 4 Điều 27 Nghị định này quy định hồ sơ bao gồm:
- Đơn đăng ký xin xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm theo mẫu số 10 ban hành kèm theo Nghị định này;
- Bản sao hợp lệ Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc bản công bố sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp;
- Mẫu nhãn sản phẩm đã được cá nhân, tổ chức xác nhận;
- Bản sao hợp lệ kịch bản và nội dung dự kiến quảng cáo ghi trên đĩa hình, đĩa âm thanh (đối với quảng cáo trên báo nói, báo hình) hoặc ma két dự kiến quảng cáo (đối với phương tiện quảng cáo khác);
- Bản sao có xác nhận của cá nhân, tổ chức các tài liệu khoa học chứng minh đối với nội dung quảng cáo ngoài công dụng, tính năng của sản phẩm đã được ghi trong bản công bố.
Lưu ý các tài liệu trên phải được thể hiện bằng tiếng Việt, trường hợp có tài liệu nước ngoài thì phải chuyển dịch sang tiếng Việt và công chứng.
- Bước 2: Nộp hồ sơ
Cá nhân, tổ chức nộp 01 bộ hồ sơ xin cấp giấy phép đến cơ quan cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thông qua 03 hình thức:
+ Nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền;
+ Nộp hồ sơ online;
+ Nộp qua đường bưu điện.
- Bước 3: Kiểm tra và cấp giấy phép
- Đối với hồ sơ hợp lệ: Trong vòng 10 ngày làm việc ( tính từ ngày đóng dấu hồ sơ đến của cơ quan hoặc ngày hồ sơ hoàn chỉnh được tiếp nhận trên hệ thống trực tuyến), cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét và cấp giấy phép cho cá nhân, tổ chức. Giấy xác nhận nội dung quảng cáo được trả theo Mẫu số 11 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
- Đối với hồ sơ chưa hợp lệ: Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm yêu cầu sửa đổi, bổ sung duy nhất 01 lần bằng văn bản và nêu rõ căn cứ của việc yêu cầu. Cá nhân, tổ chức phải thực hiện việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ xin cấp giấy phép quảng cáo trong vòng 90 ngày. Quá thời hạn trên, hồ sơ không còn giá trị. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ sửa đổi bổ sung, cơ quan có thẩm quyền phải thẩm định, kiểm tra và cấp giấy phép;
- Trường hợp từ chối hồ sơ: Cơ quan có thẩm quyền từ chối hồ sơ phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do để cá nhân, tổ chức được biết.
- Bước 4: Công khai quảng cáo
Sau khi đã hoàn thành thủ tục đăng ký quảng cáo sản phẩm, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo công khai thông tin về tên, sản phẩm của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép quảng cáo sản phẩm trên trang thông tin điện tử của mình cũng như trên cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.
3. Điều kiện để được cấp giấy phép quảng cáo sản phẩm
Để có thể được cấp giấy phép quảng cáo, cá nhân, tổ chức phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Điều 20 Luật quảng cáo:
- Phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Phải có đầy đủ các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của các sản phẩm theo đúng các quy định của pháp luật;
- Ngoài ra, đối với các sản phẩm đặc biệt, cần phải đáp ứng các điều kiện cụ thể đối với từng loại sản phẩm đó:
- Đối với quảng cáo thuốc: Phải đáp ứng được yêu cầu về pháp luật Y tế và phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam và có tờ hướng dẫn sử dụng được Bộ Y tế phê duyệt;
- Đối với quảng cáo mỹ phẩm: Phải có phiếu công bố mỹ phẩm;
- Đối với quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng dùng trong gia đình và y tế: Cần có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành được Bộ Y tế cấp phép;
- Đối với quảng cáo sữa và các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ: Phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận tiêu chuẩn và giấy phép lưu hành (nếu là sản phẩm nhập khẩu);
- Đối với sản phẩm là thực phẩm hoặc phụ gia sản phẩm: Cần có thêm giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền cấp;
- Đối với trang thiết bị y tế: Trang thiết bị được sản xuất trong nước phải có giấy phép lưu hành hoặc trang thiết bị nhập khẩu phải có giấy phép nhập khẩu;
- Đối với quảng cáo thuốc thú y và vật tư thú y: Phải có bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm và giấy phép lưu hành sản phẩm đó;
- Đối với phân bón, chế phẩm sinh học: Phải có bản tự công bố sản phẩm hoặc giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm.
4. Giải đáp thắc mắc
4.1. Phải làm gì trong trường hợp hồ sơ xin cấp phép bị trả về?
Trên thực tế, không phải tất cả hồ sơ xin cấp giấy phép quảng cáo sản phẩm đều được chấp nhận. Việc bị trả hồ sơ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, trong trường hợp hồ sơ xin cấp phép bị trả về, doanh nghiệp cần thực hiện một số điều sau:
- Kiểm tra email, thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc từ chối hồ sơ xin cấp giấy phép để có thể biết được lý do bị trả về;
- Sau đó, cần xem xét kỹ nội dung thông báo để xác định lỗi trong hồ sơ của mình, trường hợp bị sai thông tin, sai nội dung thì phải sửa đổi hồ sơ, trường hợp hồ sơ bị thiếu thì cần chuẩn bị để bổ sung hồ sơ theo yêu cầu;
- Trong trường hợp chưa hiểu hoặc còn thắc mắc về phản hồi của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp cần liên hệ đến cơ quan đã nộp hồ sơ để được giải đáp thắc mắc;
- Theo dõi hạn sửa đổi, bổ sung hồ sơ để thực hiện việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ xin cấp giấy phép trong thời hạn đã được thông báo.
4.2. Quảng cáo sản phẩm mà không xin giấy phép thì có bị xử lý không?
Doanh nghiệp thực hiện việc quảng cáo các sản phẩm thuộc trường hợp phải xin giấy phép mà không có giấy phép quảng cáo bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, Điều 49 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định hành vi quảng cáo sản phẩm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo thì bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức đó còn bị áp dụng biện pháp khắc phục: buộc tháo dỡ, gỡ bỏ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo khi vi phạm các quy định về quảng cáo.
4.3. Cần lưu ý những gì để tránh bị thu hồi giấy phép sau khi được cấp?
Sau khi đã hoàn thành thủ tục xin giấy phép quảng cáo sản phẩm, doanh nghiệp được cấp giấy phép để quảng cáo sản phẩm của mình. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý việc tuân thủ quy định pháp luật để tránh bị thu hồi giấy phép quảng cáo:
- Tuân thủ đầy đủ quy định về quảng cáo, hình thức quảng cáo, nội dung quảng cáo, phạm vi quảng cáo,... theo thông tin đã được ghi trên giấy phép quảng cáo;
- Doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng đối với sản phẩm của mình luôn đạt tiêu chuẩn cam kết và tiến hành kiểm tra định kỳ sản phẩm đó theo quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn lao động;
- Cần lưu trữ và quản lý hồ sơ, giấy phép một cách khoa học và hợp lý;
- Trong trường hợp cần thiết, cần phối hợp và hợp tác với cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát, quản lý doanh nghiệp, xử lý vi phạm,...
- Phải quảng cáo đúng sự thật, luôn luôn cải tiến chất lượng và lắng nghe phản hồi của khách hàng để duy trì hoạt động quảng cáo, hạn chế tối đa khiếu nại của khách hàng về sản phẩm của doanh nghiệp.
Trên đây, Luật Ánh Ngọc đã thông tin đến quý khách hàng các thông tin liên quan đến việc tìm hiểu về đăng ký quảng cáo sản phẩm. Hy vọng với nội dung trên, quý khách hàng có thể tự tin xin giấy phép quảng cáo cho sản phẩm của mình thành công ngay từ lần đầu tiên.