1. Hiểu như thế nào là Giấy phép quảng cáo mỹ phẩm?
Quảng cáo mỹ phẩm là việc cá nhân, tổ chức thực hiện giới thiệu các sản phẩm mỹ phẩm của mình thông qua các phương tiện truyền thông, nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.
Việc quảng cáo mỹ phẩm cần phải tuân theo quy định pháp luật thông qua giấy phép quảng cáo mỹ phẩm. Đây là một tài liệu do Sở Y tế cấp cho các tổ chức, cá nhân để xác nhận đầy đủ nội dung quảng cáo mỹ phẩm, là điều kiện để các doanh nghiệp được phép thực hiện việc quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm của mình trên thị trường.
2. Các trường hợp cần giấy phép quảng cáo mỹ phẩm
Sản phẩm mỹ phẩm được định nghĩa cụ thể trong khoản 1 Điều 2 Thông tư 06/2011/TT-BYT, được xác định là một chất hay một chế phẩm tiếp xúc trực tiếp với cơ thể con người như: da, lông tóc, móng chân, móng tay, môi hay cơ quan sinh dục ngoài,... hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích giúp làm thơm, làm sạch, thay đổi diện mạo, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể và giữ cơ thể luôn trong trạng thái tốt hơn.
Mỹ phẩm bao gồm:
- Các loại mặt nạ;
- Các sản phẩm phấn trang điểm, phấn phủ, phấn dùng sau khi tắm, bột vệ sinh,...
- Các sản phẩm mỹ phẩm dùng cho môi;
- Nước hoa, nước thơm, xà phòng tắm, khử mùi,...
- Các sản phẩm sữa tắm, dầu, gel,...
- Các sản phẩm chống nhăn da, chống lão hóa, kem chống nắng,...
- Sản phẩm tẩy lông;
- Sản phẩm chăm sóc, làm trắng da, cấp ẩm,...
- Sản phẩm chăm sóc tóc: thuốc nhuộm, uốn, duỗi tóc, dầu hấp tóc, kem ủ,...
- Sản phẩm dùng cạo râu: kem, xà phòng, sữa...
- Các sản phẩm chăm sóc răng miệng;
- Các sản phẩm dưỡng móng tay, móng chân,...
- ...
Căn cứ theo quy định tại Điều 1, Điều 2 Thông tư 09/2015/TT-BYT thì tất cả các sản phẩm mỹ phẩm trước khi thực hiện quảng cáo bắt buộc phải xin giấy phép quảng cáo mỹ phẩm theo quy định. Điều này chứng tỏ rằng, việc xin giấy phép quảng cáo thực phẩm mỹ phẩm không loại trừ sản phẩm mỹ phẩm nào.
Bất cứ cá nhân, tổ chức muốn quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm của mình đều phải xin giấy phép quảng cáo mỹ phẩm. Mọi hành vi quảng cáo không có giấy phép đều là hành vi vi phạm pháp luật.
3. Không có giấy phép quảng cáo mỹ phẩm thì có bị xử lý không?
Mỹ phẩm được coi là danh mục hàng hóa đặc biệt do có sự tác động trực tiếp đến cơ thể, sức khỏe con người. Do vậy, việc các tổ chức, cá nhân tự ý thực hiện việc quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm mà không có giấy phép được coi là hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo và có mức phạt cụ thể.
Theo quy định tại Điều 49 Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì hành vi vi phạm quảng cáo các hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức đó còn bị áp dụng biện pháp khắc phục: buộc tháo dỡ, gỡ bỏ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo khi vi phạm các quy định về quảng cáo.
Việc xử phạt các hành vi vi phạm làm cho cá nhân, tổ chức đảm bảo tuân thủ pháp luật và góp phần hạn chế vi phạm, nhằm giúp doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu vững chắc, củng cố niềm tin đối với người tiêu dùng.
Ngoài ra, Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP còn quy định cụ thể các mức xử phạt đối với các hành vi không đảm bảo về nội dung quảng cáo mỹ phẩm, có thể kể đến như:
- Trường hợp một trong các nội dung quảng cáo mỹ phẩm không được đọc rõ ràng thì người quảng cáo bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng;
- Trường hợp quảng cáo thiếu các nội dung bắt buộc của sản phẩm, quảng cáo mỹ phẩm không phù hợp với công năng đã công bố, quảng cáo khi chưa được cấp số phiếu công bố sản phẩm hoặc phiếu công bố sản phẩm đã hết hạn,... thì bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
- Trường hợp quảng cáo mỹ phẩm có nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Lưu ý rằng, mức phạt trên được áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp các hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện thì áp dụng mức phạt gấp 02 lần mức phạt cá nhân.
4. Một số câu hỏi thường gặp
4.1. Hiệu lực của giấy phép quảng cáo mỹ phẩm
Pháp luật hiện hành không quy định thời hạn cố định đối với giấy phép quảng cáo mỹ phẩm. Thời hạn của giấy phép quảng cáo mỹ phẩm có thể thay đổi tùy theo điều kiện cụ thể và theo từng loại mỹ phẩm.
Tuy nhiên, giấy phép quảng cáo mỹ phẩm có thể bị hết hiệu lực nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 23 Thông tư 09/2015/TT-BYT:
- Sản phẩm mỹ phẩm hết hiệu lực do số tiếp nhận của phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hết hiệu lực;
- Sản phẩm mỹ phẩm bị thu hồi, hay đình chỉ lưu hành, hay bị rút số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Sản phẩm có sự thay đổi về thông tin dẫn đến vấn đề không đảm bảo tính an toàn, chất lượng sản phẩm và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng mỹ phẩm.
Ví dụ: Hiệu lực của phiếu công bố mỹ phẩm hiện nay theo quy định là 05 năm. Ngày 01/10/2020, công ty A được cấp phép phiếu công bố mỹ phẩm và có hiệu lực đến ngày 01/10/2025. Ngày 01/10/2022, công ty A thực hiện xin cấp giấy phép quảng cáo mỹ phẩm và được chấp thuận.
Theo đó, hiệu lực của giấy phép quảng cáo mỹ phẩm của công ty này còn 03 năm và có hiệu lực đến ngày 01/10/2025. Bởi lẽ, hiệu lực của giấy phép quảng cáo mỹ phẩm phụ thuộc vào phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đó.
4.2. Thủ tục xin cấp giấy phép quảng cáo mỹ phẩm
Thủ tục xin cấp giấy phép quảng cáo mỹ phẩm tuân theo quy định chung về thủ tục quảng cáo được quy định tại Điều 20 Thông tư 09/2015/TT-BYT, bao gồm các bước cụ thể sau:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm
Cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép quảng cáo mỹ phẩm đầy đủ theo quy định pháp luật. Hồ sơ bao gồm:
+ Văn bản đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm;
+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài;
+ Các tài liệu phù hợp với từng cách thức quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm;
+ Mẫu nhãn sản phẩm;
+ Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm;
+ Các tài liệu hợp lệ chứng minh tính năng, công dụng khác của sản phẩm mà không được liệt kê trong phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm;
+ Các tài liệu tham khảo, xác thực thông tin (nếu có);
+ Tài liệu ủy quyền (nếu có).
- Bước 2: Nộp hồ sơ và giải quyết hồ sơ
+ Cá nhân, tổ chức nộp 01 bộ hồ sơ tại Sở y tế có thẩm quyền;
+ Sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ thì được cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong vòng 05 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cá nhân, tổ chức được thông báo bằng văn bản để hoàn thiện hồ sơ trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Quá thời hạn trên mà tổ chức, cá nhân không hoàn thiện hồ sơ thì hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm hết giá trị;
+ Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Y tế xem xét, thẩm định và cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm.
Trên đây là toàn bộ nội dung về các trường hợp phải có giấy phép quảng cáo mỹ phẩm. Quý khách còn vấn đề thắc mắc hay có nhu cầu sử dụng dịch vụ xin giấy phép quảng cáo mỹ phẩm tại Luật Ánh Ngọc, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ và tư vấn.