1. Ghi nhớ 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm
1.1. Mười (10) quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của WHO
Hiện nay, những vụ việc liên quan đến ngộ độc thực phẩm tập thể ngày càng gia tăng và có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tại các trường hợp, xí nghiệp, …
Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mỗi người nên ghi nhớ 10 quy định về an toàn thực phẩm của WHO.
Cụ thể:
(1) Chọn thực phẩm an toàn
- Chọn thực phẩm tươi mới, có tem đảm bảo chất lượng sản phẩm
- Tránh các thực phẩm ôi thiu, nấm mốc, hết hạn sử dụng
- Ăn thực phẩm sống phải được ngâm, rửa sạch sẽ
(2) Nấu chín kỹ thức ăn:
- Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn
- Đảm nhiệt độ của thực phẩm phải từ 70°C trở lên.
(3) Ăn ngay sau khi nấu:
- Tránh để lâu thức ăn vì thực ăn càng để lâu càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe.
(4) Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín:
- Giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, có thể bảo quản nóng (duy trì nhiệt độ 60°C) hoặc bảo quản lạnh (duy trì nhiệt độ dưới 10°C).
- Đối với thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
(5) Nấu lại thức ăn thật kỹ:
- Thức ăn chỉ nên bảo quản trong vòng 02 giờ sau khi nấu
- Các thức ăn chín dùng lại sau 2 - 5 tiếng, phải được đun kỹ lại.
(6) Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống:
- Hạn chế để thức ăn sống tiếp xúc với thức ăn chín trực tiếp hoặc gián tiếp qua các mặt bẩn.
(7) Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn:
- Cần để tay sạch sẽ khi chế biến thức ăn và trước khi ăn
- Nếu tay có vết thương hãy băng kỹ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn.
(8) Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn:
- Tất cả bề mặt dùng để chế biến thức ăn phải được giữ sạch sẽ
- Các loại dao, kéo, thìa, bát, đũa, … đểu phải được vệ sinh sạch sẽ
- Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
(9) Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác:
- Nên để thức ăn trong hộp kín, tủ, lồng màn
- Nếu dùng khăn thì khăn đã dùng phải được giặt sạch lại.
(10) Sử dụng nguồn nước sạch an toàn:
- Nước sạch là nước không màu, không mùi, không vị
- Hãy đun sôi trước khi làm đá uống
1.2. Bảy (07) nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm
Ngoài 10 nguyên tắc cho Tổ chức Y tế thế giới công bố, 07 nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng được tuyên truyền rộng rãi.
(1) Quản lý an toàn thực phẩm
- Thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm có hiệu suất cao.
- Đảm bảo rằng toàn bộ nhân viên có hiểu biết và tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.
- Thực hiện kiểm tra định kỳ và đánh giá về an toàn thực phẩm.
(2) Vệ sinh cá nhân
- Nhân viên đều phải biết và thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên và đúng cách
- Cung cấp đủ trang thiết bị bảo vệ cá nhân, bao gồm áo măng, khẩu trang và găng tay.
- Tất cả nhân viên đều khỏe mạnh và không có triệu chứng của bệnh lây truyền qua thực phẩm.
(3) Kiểm soát ô nhiễm thực phẩm
- Tất cả nguyên liệu thực phẩm được mua từ các nguồn đáng tin cậy và đã qua kiểm định vệ sinh.
- Lưu trữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn và đúng cách.
- Làm sạch và xử lý thực phẩm đúng quy trình
- Thực hiện kiểm tra chất lượng thực phẩm định kỳ.
(4) Quản lý vệ sinh môi trường
- Môi trường làm việc và sản xuất thực phẩm luôn được vệ sinh và duy trì sạch sẽ.
- Các bề mặt tiếp xúc với thực phẩm được làm sạch và khử trùng định kỳ.
- Quản lý chất thải thực phẩm và chất thải độc hại một cách an toàn và hiệu quả.
(5) Đào tạo và giáo dục
- Đào tạo đầy đủ và liên tục cho tất cả nhân viên về vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy trình liên quan.
- Giám sát và đánh giá kiến thức và thực hiện của nhân viên đối với vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Thực hiện chương trình giáo dục cho khách hàng về vệ sinh an toàn thực phẩm và cách sử dụng sản phẩm một cách an toàn.
(6) Xử lý sản phẩm thực phẩm an toàn
- Phương pháp nấu nướng và chế biến thực phẩm phải đảm bảo an toàn.
- Thực phẩm phải được nấu chín đầy đủ để tiêu diệt vi khuẩn và vi sinh vật gây hại.
- Lưu trữ thực phẩm đúng cách để duy trì chất lượng và an toàn.
(7) Truy xuất sản phẩm
- Thiết lập hệ thống truy xuất sản phẩm để có thể xác định và rút lại sản phẩm nhanh chóng trong trường hợp cần thiết.
2. Cần làm gì để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
2.1. vệ sinh an toàn thực phẩm có vai trò như thế nào?
Thực phẩm chính là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng, năng lượng sống cho thể con người.
Chính vì vậy, vệ sinh an toàn thực phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe và tính mạng của con người, nhất là trước thực trạng đáng báo động của vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay.
Việc duy trì vệ sinh thực phẩm giúp ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn và các loại vi trùng gây hại từ thực phẩm, giúp ngăn chặn sự nhiễm trùng và các bệnh liên quan đến thực phẩm.
Ngoài ra, việc tuân thủ các quy tắc vệ sinh cũng giúp tăng cường chất lượng và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.
2.2. Các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Có thể nói, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta hiện nay đang ở mức đáng báo động. Thực phẩm bẩn được bày bán tràn lan trên thị trường. Vậy, chúng ta cần làm gì để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Dưới đây là một số biện pháp giữ an toàn vệ sinh thực phẩm :
A. Về phía cá nhân, tổ chức
- Ghi nhớ và thực hiện nghiêm chỉnh 07 nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất kinh doanh và 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm trong đời sống hằng ngày (đã nêu tại phần trên)
- Các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm phải nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm tại Luật An toàn thực phẩm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành
- Khi phát hiện cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, các cá nhân, tổ chức phải nhanh chóng trình báo với cơ quan có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn và xử lý.
B. Về phía cơ quan quản lý nhà nước
- Xây dựng hệ thống pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ
- Tổ chức hệ thống chuyên trách về an toàn thực phẩm tới các địa phương
- Xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
- Tập trung quản lý điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở
- Phát hiện sớm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm và những cá nhân tổ chức buông lỏng trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động vệ sinh an toàn thực phẩm
- Nâng cao chất lượng, giáo dục các quy định, nguyên tắc về vệ sinh an toàn thực phẩm
3. Một số câu hỏi thường gặp
3.1. Làm sao để biết địa điểm/quán ăn,.... có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Trả lời:
- Kiểm tra giấy phép an toàn thực phẩm của cơ sở. Bạn có thể kiểm tra tại Cổng thông tin điện tử Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế.
- Tra cứu tên địa điểm/ quán ăn, … trên nền tảng internet để xem các bài đánh giá của người tiêu dùng, cảnh báo của cơ quan chức năng về địa điểm/ quán ăn,… đó (nếu có)
- Tham khảo ý kiến từ người quen, bạn bè hoặc trên các diễn đàn trực tuyến về địa điểm/ quán ăn, … bạn quan tâm
- Đánh giá trực quan thông qua vị trí, dụng cụ ăn uống, cơ sở vật chất, người chế biến thực phẩm, … ngay tại quán ăn/ địa điểm ăn uống, ...
Xem thêm: Thông tin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm
3.2. Không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì có bị xử lý không?
Trả lời:
Theo Khoản 1 Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm sẽ xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ nghiêm trọng.
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm được quy định cụ thể tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP, bạn đọc có thể tham khảo.
Ngoài ra, việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác thì còn phải bồi thường.
3.3. Khi nào cần giấy vệ sinh an toàn thực phẩm
Trả lời:
Căn cứ Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều phải có giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ những cơ sở sau:
- Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
- Sơ chế nhỏ lẻ;
- Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
- Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
- Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
- Nhà hàng trong khách sạn;
- Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
- Kinh doanh thức ăn đường phố;
- Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Như vậy, ngoài những cơ sở được liệt kê ở trên thì tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải cần có giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm khi bắt đầu hoạt động. Nếu các cơ sở này hoạt động mà không có giấy phép an toàn thực phẩm theo quy định thì sẽ bị xử phạt.
Qua bài viết trên, Luật Ánh Ngọc đã gửi tới bạn đọc 10 điều quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và một số nội dung pháp lý liên quan. Trong quá trình tìm hiểu, nếu có vướng mắc, hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.