1. Thông tin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm
1.1. Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm là gì?
Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm là thuật ngữ mà nhiều người sử dụng để chỉ Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được quy định tại Luật An toàn thực phẩm 2010. Đây là loại tài liệu do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (trừ những cơ sở được miễn giấy phép theo quy định) để kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở đó.
1.2. Mẫu giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm
Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm những thông tin cơ bản sau đây:
- Cơ quan cấp giấy phép;
- Thông tin cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy phép;
- Danh sách sản phẩm thực phẩm đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh;
- Số, thời gian cấp và hiệu lực giấy phép;;
- Số, thời gian cấp của giấy phép bị thay thế (trường hợp cấp lại);
- Chữ ký, dấu của thủ trưởng cơ quan cấp giấy phép.
Dưới đây là mẫu giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT.
2. Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm do ai cấp?
Theo quy định tại Điều 35 Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định 15/2018/NĐ-CP và Điểm 5 và Điểm 6 Công văn 5845/BCT-KHCN, thẩm quyền cấp Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm:
- Bộ trưởng Bộ Y tế: Đối với những sản phẩm thực phẩm, hàng hoá được liệt kê tại Phụ lục II Nghị định 15/2018/NĐ-CP;
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đối với những sản phẩm thực phẩm, hàng hoá được liệt kê tại Phụ lục III Nghị định 15/2018/NĐ-CP;
- Bộ trưởng Bộ Công thương: Đối với những sản phẩm thực phẩm, hàng hoá được liệt kê tại Phụ lục IV Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
Theo đó, tại địa phương, cơ quan được ủy quyền để cấp Giấy vệ sinh an toàn thực phẩm cụ thể như sau:
- Cục An toàn Thực phẩm: Cung cấp giấy chứng nhận cho những đơn vị kinh doanh thuộc những lĩnh vực thực phẩm chức năng, những chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, những dụng cụ đựng thực phẩm,…
- Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm: Có thẩm quyền hỗ trợ, quản lý và cấp giấy phép những đơn vị kinh doanh nước đóng chai, những cơ sở nhỏ lẻ sản xuất thực phẩm chức năng, những dịch vụ ăn uống như quán nước, bếp ăn tập thể, nhà hàng khách sạn,…
- Sở Nông nghiệp cấp giấy chứng nhận cho những trường hợp: Các cơ sở sản xuất và kinh doanh, thu gom giết mổ, vận chuyển, bảo quản các sản phẩm có nguồn gốc động thực vật;
- Cục thú y cấp giấy chứng nhận cho những trường hợp: Các cơ sở nuôi trồng thủy sản do trung ương quản lý,…
- Chi cục thú y cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho những cơ sở sản xuất và kinh doanh gia cầm tươi sống.
- Vụ khoa học và công nghệ, Vụ thị trường trong nước;
- Phòng chức năng tại Sở Công Thương của các tỉnh/thành phố trên cả nước.
Lưu ý: Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm do từ 2 Bộ quản lý trở lên:
- Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sản xuất, kinh doanh cho đối tượng doanh nghiệp này;
- Trong thời gian Thông tư chưa được ban hành, việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sản xuất, kinh doanh đối với các sản phẩm do Bộ Công Thương quản lý đề nghị thực hiện theo Thông tư số 29/2012/TT-BCT;
- Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm có quy mô vừa do Bộ Công Thương và Sở Công Thương thụ lý hồ sơ có thể nộp hồ sơ theo phân cấp hoặc nộp hồ sơ về Bộ Công Thương thụ lý.
3. Hồ sơ xin cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm
Hồ sơ xin cấp giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm những tài liệu, giấy tờ như sau:
- Hồ sơ đề để xin giấy vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Giấy xác nhận đủ sức khỏe/Danh sách tổng hợp xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp (bản sao có xác nhận của cơ sở);
- Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm/Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (bản sao có xác nhận của cơ sở).
4. Làm giấy vệ sinh an toàn thực phẩm hết bao nhiêu tiền?
Tại biểu phí trong công tác an toàn thực phẩm Ban hành kèm theo Thông tư số 67/2021/TT-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phí xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm:
Nội dung |
Mức phí |
1. Thẩm định cơ sở kinh doanh thực phẩm |
1.000.000 đồng/lần/cơ sở |
2. Thẩm định cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống: |
|
2.1. Phục vụ dưới 200 suất ăn |
700.000 đồng/lần/cơ sở |
2.2. Phục vụ từ 200 suất ăn trở lên |
1.000.000 đồng/lần/cơ sở |
3. Thẩm định cơ sở sản xuất thực phẩm (trừ cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe) |
|
3.1. Đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm |
500.000 đồng/lần/cơ sở |
3.2. Đối với cơ sở sản xuất khác (bao gồm cả cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh) được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm |
2.500.000 đồng/lần/cơ sở |
3.3. Thẩm định cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo hướng dẫn thực hành sản xuất tốt (GMP) |
22.500.000 đồng/lần/cơ sở |
4. Thẩm định điều kiện cơ sở kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy, cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu: |
|
4.1. Đánh giá lần đầu, đánh giá mở rộng |
28.500.000 đồng/lần/đơn vị |
4.2. Đánh giá lại |
20.500.000 đồng/lần/đơn vị |
Trên đây là những Thông tin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm mà Luật Ánh Ngọc muốn chia sẻ tới bạn đọc. Hi vọng những thông tin có thể giúp ích cho bạn đọc trong việc nghiên cứu pháp luật và thực hiện thủ tục cấp giấy phép.