Luật Ánh Ngọc

Cách để xác định thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ một vụ án hình sự

Tư vấn luật hình sự | 2024-03-17 10:23:44

1. Quy định về thẩm quyền điều tra, xét xử vụ án hình sự

 

Quy định về thẩm quyền điều tra, xét xử vụ án hình sự

 

1.1. Thẩm quyền điều tra vụ án hình sự

Thẩm quyền điều tra vụ án hình sự là nhiệm vụ, quyền hạn của những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền được tiến hành những hoạt đồng điều tra do pháp luật quy định để tiến hành một số hoạt động điều tra sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm, người phạm tội và các vấn đề khác có liên quan đến vụ án làm cơ sở cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.

Thẩm quyền điều tra bao gồm thẩm quyền điều tra theo loại tội phạm, theo cấp và thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ.

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thẩm quyền điều tra vụ án hình sự tại Điều 163 như sau:

- Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của các cơ quan khác quy định.

- Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

- Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV BLHS  xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là Cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

Phân cấp thẩm quyền điều tra trong vụ án hình sự

Việc phân cấp thẩm quyền điều tra vụ án hình sự theo khoản 5 Điều 163 Bộ luật TTHS 2015 quy định như sau:

- Cơ quan điều tra cấp huyện hoặc tương đương có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện;

 - Cơ quan điều tra cấp tỉnh có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều cấp huyện (hoặc tương đương), phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;

- Cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; Vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều cấp tỉnh, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.Thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ sẽ được trình bày ở phần sau.

1.2. Thẩm quyền xét xử vụ án hình sự

Về thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự:

- Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc tương đương xét xử vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh, các tội quy định tại các điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của BLHS 2015. Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc tương đương có thẩm quyền xét xử vụ án về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện, tòa án quân sự khu vực như đã nêu ở trên là những vụ án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng,..., vụ án có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc có tài sản liên quan đến vụ án ở nước ngoài; vụ án có bị cáo là Thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người; tòa án cấp tỉnh cũng có thể xét xử sơ thẩm các vụ án thuộc thẩm quyền của tòa cấp huyện nếu thấy cần thiết.

Về thẩm quyền xét xử phúc thẩm:

- Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.

- Tòa án nhân dân cao cấp xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của tòa án nhân dân cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị.

2. Cách xác định thẩm quyền điều tra, xét xử vụ án hình sự theo lãnh thổ

 

Cách xác định thẩm quyền điều tra, xét xử vụ án hình sự
theo lãnh thổ

 

Về nguyên tắc, để có thể xác định được thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ, thẩm quyền xét  xử theo lãnh thổ trước tiên phải xác định thẩm quyền theo loại việc, theo cấp, phải xác định được việc điều tra thuộc cơ quan điều tra của Công an nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân hay Quân đội nhân dân và thuộc cấp điều tra nào; việc xét xử thì cũng phải xem xét thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh hay cấp huyện, khi đó mới tiến hành xác định thẩm quyền theo lãnh thổ.

Theo quy định thì Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình, tuy nhiên không phải mọi vụ án đều xảy ra ở một nơi mà có thể tội phạm được thực hiện ở nhiều nơi khác nhau.  

2.1. Trường hợp vụ án xảy ra ở trong một huyện

Căn cứ khoản 4 Điều 163 BLTTHS thì thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ được quy định như sau:

- Nếu là vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà không thuộc các trường hợp thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra Công an nhân dân cấp tỉnh thì sẽ do cơ quan điều tra công an huyện giải quyết.

- Còn là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các vụ án thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra cấp tỉnh thì do Cơ quan điều tra công an cấp tỉnh trên huyện đó giải quyết.

Khi đó xác định thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ đối với vụ án hình sự xảy ra trong một huyện là Cơ quan điều tra cấp huyện hoặc tỉnh nơi xảy ra tội phạm.

Ví dụ: A và B đang ngồi chơi với nhau ở ngoài quán gần nhà, C đi qua (cả A, B, C đều trú tại xã HT, huyện BT, tỉnh SL) A, B thấy C thì bắt đầu nói xấu và bị C nghe thấy, C lại gần chửi bới A và B rồi hai bên xảy ra xô xát. Sau đó C bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu, C bị gậy đập vào đầu, chấn thương sọ não nên đã chết sau 02 ngày nằm viện.

Trường hợp này, ban đầu xác định là tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người nên Cơ quan điều tra công an huyện BT là cơ quan có thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ đối với vụ án hình sự. Tuy nhiên sau khi điều tra thì phát hiện có dấu hiệu của tội giết người thuộc Điều 123 BLHS thì cơ quan có thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ lúc này là Cơ quan điều tra công án tỉnh SL. Khi này, Cơ quan điều tra huyện nào, tỉnh nào có thẩm quyền điều tra thì Tòa án nơi đó sẽ có thẩm quyền.

Với những vụ án xảy ra trong địa bàn một huyện thì do tòa án nhân dân huyện hoặc tỉnh đó giải quyết phụ thuộc vào cơ quan cấp nào điều tra có thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ.

2.2. Trường hợp vụ án xảy ra ở nhiều nơi hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm

Trường hợp này được hiểu là người thực hiện hành vi phạm tội và hành vi này diễn ra ở nhiều nơi khác nhau thì việc xác định thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ như sau: 

- Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ là cơ quan điều tra cấp huyện hoặc tỉnh nơi phát hiện tội phạm.

Ví dụ: D bị bắt về tội mua bán trái phép chất ma túy tại huyện MN, tỉnh HY lúc đang thực hiện hành vi phạm tội, khi lấy lời khai, D khai nhận mình mua ma túy của một người tên Y tại huyện HC, tỉnh HY để mang sang huyện MN bán, đồng thời D cũng đã bán cho một số người khác ở huyện HC rồi. Vì vậy Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ là cơ quan điều tra cấp huyện nơi phát hiện tội phạm – Cơ quan điều tra công an huyện MN.

- Cơ quan có thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ là cơ quan điều tra nơi bị can cư trú.

 Ví dụ: trường D không bị bắt mà tự thú, khai nhận hành vi được thực hiện ở nhiều nơi thì Cơ quan điều tra cấp huyện nơi D cư trú sẽ có thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ và sẽ tiến hành điều tra.

- Cơ quan có thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ là cơ quan điều tra nơi bị can bị bắt.

Ví dụ: G trộm xe máy ở huyện MN, tỉnh HY và bỏ trốn xuống huyện KL, tỉnh VB thì bị công an huyện KL, tỉnh VB bắt giữ thì khi này thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ đối với vụ án hình sự này sẽ là của cơ quan điều tra nơi bị can bị bắt – Cơ quan điều tra Công an huyện KL, tỉnh VB sẽ thụ lý giải quyết.

 Đối những trường hợp này, Tòa án có thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ là không phải là tòa án tòa án nơi cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ xét xử nữa mà là tòa án nơi kết thúc việc điều tra. Ví dụ, A bị B đánh ngất, tưởng là A đã chết nên B đã chở A sang một nơi khác để vứt xác (thuộc một huyện khác – huyện HT), người dân ở đó phát hiện đã báo công an, cơ quan công an nơi phát hiện A đã lập hồ sơ thụ lý, tuy nhiên sau khi A tỉnh lại và nói địa điểm xảy ra tội phạm là ở nhà B ở huyện QT, khi này đã xác định được địa điểm xảy ra tội phạm nên cơ quan điều tra huyện QT nên cơ quan điều tra huyện HT không có thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ nữa mà chuyển cho cơ quan điều tra huyện QT giải quyết và đưa ra kết luận điều tra. Cho nên Tòa án có thẩm quyền giải quyết sẽ là Tòa án nhân dân huyện QT.

Vậy là trong trường hợp này, có nhiều cơ quan có thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ vụ án hình sự. Còn Tòa án có thẩm quyền lại không phụ thuộc vào lãnh thổ của cơ quan có thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ mà là nơi kết thúc điều tra vụ án.

 2.3. Trường hợp vụ án xảy ra ở nước ngoài

Theo khoản 2 Điều 269 BLTTHS 2015 bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy trường hợp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hoặc Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử đối với tội phạm xảy ra ở nước ngoài thuộc thẩm quyền. Cũng theo đó, căn cứ vào quy định tại điểm b Khoản 5 Điều 163 BLTTHS thì trong trường hợp này sẽ do cơ quan điều tra cấp tỉnh có thẩm quyền điều tra, thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ đối với vụ án hình sự này là Cơ quan điều tra cấp tỉnh nơi cuối cùng mà bị can cư trú ở Việt Nam hoặc nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can bị bắt.

 3. Cách xác định thẩm quyền điều tra, xét xử trong quân đội theo lãnh thổ

 

Cách xác định thẩm quyền điều tra, xét xử trong quân đội
theo lãnh thổ

 

3.1. Quy định chung về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự

Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử đối với những vụ án thuộc các trường hợp sau:

- Bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân;

- Bị cáo không thuộc đối tượng trên nhưng liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.

- Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật (là địa bàn được áp dụng các biện pháp quản lý đặc biệt do Quân đội thực hiện khi mà chính quyền ở địa phương đó không còn kiểm soát được tình hình).

Về phân cấp xét xử của Tòa án quân sự tương tự với Tòa án nhân dân, theo đó:

- Tòa án quân sự khu vực xét xử những vụ án như thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện;

- Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử những vụ như thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh mà thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự; 

- Tòa án quân sự quân khu có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.

- Tòa án quân sự trung ương có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự cấp quân khu bị kháng cáo, kháng nghị.

Thẩm quyền điều tra theo thổ đối với vụ án hình sự của cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, theo đó:

Thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ đối với vụ án hình sự của Cơ quan điều tra quân sự khu vực những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự khu vực; 

 - Thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ đối với vụ án hình sự của Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu là những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp khu vực nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;

 - Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng điều có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự (trong đó có thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ) về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; Vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.

3.2. Cách xác định thẩm quyền điều tra, xét xử vụ án hình sự trong quân đội

Việc xác định thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ trong quân đội nhân dân cũng như cách xác định thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ như trên, chỉ khác là không chia đơn vi hành chính cấp huyện, tỉnh mà là khu vực và quân khu trong quân đội.

Theo Điều 269 Bộ luật hình sự 2015, xác định thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ của cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Tòa án quân sự có thể hiểu như sau:

- Những vụ án hình sự mà xảy ra trên địa bàn của Tòa án quân sự nào thì thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự đó. Và sẽ thuộc cơ quan điều tra khu vực, quân khu đó là cơ quan có thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ đối với vụ án hình sự.

- Người phạm tội thuộc đơn vị của Quân chủng Hải quân thì thuộc thẩm quyền xét xử của các Tòa án quân sự thuộc Quân chủng Hải quân không phụ thuộc vào nơi thực hiện tội phạm.

- Trường hợp không xác định được nơi thực hiện tội phạm hoặc người phạm tội thực hiện tội phạm ở nhiều nơi thì Cơ quan điều tra quân sự khu vực hoặc cấp quân khu nơi phát hiện tội phạm, hoặc nơi bị cáo đóng quân là cơ quan có thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ vụ án hình sự giải quyết. Còn Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra.

- Trường hợp bị cáo phạm tội ở nước ngoài thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử theo quyết định của Chánh án Tòa án quân sự trung ương. Cũng theo đó, căn cứ vào quy định tại Điểm b khoản 5 Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự thì trong trường hợp này sẽ do cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu là cơ quan có thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ.

>> Xem thêm: Luật hình sự và tội phạm có tính chất quốc tế: Quy tắc và hiệu lực

 Đây là các trường hợp xác định khi không có tranh chấp về thẩm quyền, nếu có tranh chấp về thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ đối với vụ án hình sự thì việc giải quyết tranh chấp do Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết.

Có thể thấy để có thể xác định được thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ, xét xử theo lãnh thổ thì trước tiên ta phải xác định được thẩm quyền theo loại tội phạm, thẩm quyền theo cấp rồi mới xác định thẩm quyền theo lãnh thổ. Về nguyên tắc thì vụ án xảy ra trên địa bàn nào thì cơ quan điều tra, tòa án nơi đó sẽ giải quyết. Nếu không xác định được địa điểm xảy ra vụ án hoặc vụ án xảy ra ở nhiều nơi khác nhau thì Cơ quan điều tra nơi phát hiện ra tội phạm hoặc nơi bị can cư trú hoặc bị bắt có thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ đối với vụ án và Tòa án có thẩm quyết xét xử sẽ là Tòa án nơi mà kết thúc điều tra.

Trên đây là tư vấn của Luật Ánh Ngọc về các cách xác định thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ đối với vụ án hình sự, thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ đối với vụ án hình sự theo quy định của BLTTHS năm 2015. Nếu bạn còn có những câu hỏi, thắc mắc khác liên quan đến thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ của cơ quan điều tra hoặc để tìm hiểu thêm nhiều nội dung khác, vui lòng liên hệ đến Luật Ánh Ngọc để được tư vấn, hỗ trợ thêm.

 

 




Bài viết khác