1. Công ty đo đạc là gì?
Theo Khoản 3 Điều 3 Luật Đo đạc và Bản đồ 2018 thì đo đạc được hiểu là việc thu nhận, xử lý thông tin, dữ liệu để xác định vị trí, hình dạng, kích thước và thông tin thuộc tính của đối tượng địa lý.
Như vậy, công ty đo đạc là một doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan đến việc đo đạc, khảo sát và lập bản đồ các đối tượng địa lý, địa hình, ranh giới đất đai, công trình xây dựng và các yếu tố liên quan khác.
Công ty đo đạc thường thực hiện các hoạt động sau:
- Đo đạc địa chính: Xác định ranh giới, diện tích, lập bản đồ địa chính phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), giải quyết tranh chấp đất đai, phân lô tách thửa.
- Đo đạc địa hình: Khảo sát địa hình, thu thập dữ liệu độ cao, địa vật để lập bản đồ địa hình phục vụ quy hoạch, thiết kế công trình.
- Đo đạc công trình: Định vị công trình, kiểm tra độ chính xác trong quá trình thi công xây dựng, đo vẽ hoàn công.
- Đo đạc bản đồ: Thành lập, chỉnh lý bản đồ các loại (bản đồ địa hình, bản đồ quy hoạch...).
Như vậy, công ty đo đạc đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác về không gian và địa lý, là cơ sở cho nhiều hoạt động quản lý đất đai, quy hoạch phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng và giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai. Do vậy, nhu cầu thành lập công ty đo đạc hiện nay ngày càng cao.
2. Điều kiện thành lập và hoạt động công ty đo đạc
Kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020. Do vậy, để công ty đo đạc được thành lập và hoạt động trên thực tế, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện thành lập công ty nói chung và điều kiện cấp giấy phép hoạt động đo đạc. Cụ thể:
2.1. Điều kiện thành lập công ty đo đạc
Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định điều kiện thành lập công ty nói chung, trong đó có công ty đo đạc như sau:
(a); Về chủ thể thành lập công ty đo đạc: phải có đủ năng lực hành vi dân sự (đối với cá nhân), có tư cách pháp nhân (đối với tổ chức). Đồng thời, chủ sở hữu công ty đo đạc không thuộc trường hợp cấm thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam (như cán bộ, công chức, viên chức,...).
(b); Về tên công ty đo đạc: được đặt theo công thức: loại hình doanh nghiệp + tên riêng. Đồng thời, tên doanh nghiệp không vi phạm điều cấm của luật như không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên các doanh nghiệp khác; không vi phạm thuần phong mỹ tục….
(c); Về trụ sở công ty đo đạc: phải đặt trên lãnh thổ Việt Nam và thuộc quyền sử dụng hợp pháp của công ty đo đạc.
(d); Về mã ngành nghề: Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, để thành lập công ty đo đạc cần đăng ký mã ngành 71102: Hoạt động đo đạc và bản đồ. Chi tiết: Dịch vụ điều tra, đo đạc và lập bản đồ.
(e); Về vốn điều lệ: công ty đo đạc có thể lựa chọn mức vốn điều lệ đăng ký tùy theo khả năng kinh tế cũng như quy mô của công ty sau này. Mức vốn điều lệ phải đảm bảo phù hợp với các hoạt động của công ty.
2.2. Điều kiện xin Giấy phép hoạt động đo đạc
Căn cứ Điều 52 Luật Đo đạc và Bản đồ 2018, Điều 31 Nghị định 27/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 136/2021/NĐ-CP thì điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động đo đạc là:
- Là doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp có chức năng, nhiệm vụ hoạt động đo đạc và bản đồ.
- Người phụ trách kỹ thuật về đo đạc phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc chuyên ngành về đo đạc; có thời gian hoạt động thực tế ít nhất là 05 năm phù hợp với ít nhất một nội dung hoạt động đo đạc của công ty hoặc có chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ hạng I; không được đồng thời là người phụ trách kỹ thuật về đo đạc và bản đồ của tổ chức khác.
- Có 04 nhân viên kỹ thuật có trình độ trung cấp trở lên được đào tạo về đo đạc và bản đồ, trong đó có ít nhất 01 nhân viên kỹ thuật có thời gian hoạt động thực tế tối thiểu 05 năm phù hợp với nội dung đề nghị cấp phép.
- Có phương tiện, thiết bị, công nghệ đo đạc và bản đồ phù hợp với quy định trong định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc và bản đồ để thực hiện một sản phẩm đo đạc và bản đồ thuộc nội dung đề nghị cấp giấy phép.
3. Quy trình thành lập công ty đo đạc
Để thành lập công ty đo đạc và có thể hoạt động trên thực tế, chủ thể thành lập doanh nghiệp phải thực hiện các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp
Chủ thể nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Tài chính nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hoặc trực tuyến qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Theo Điều 21 Luật doanh nghiệp 2020 và Điều 24 Nghị định 01/2021/NĐ-CP bộ hồ sơ đầy đủ bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục I-2 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT.
- Điều lệ công ty đo đạc.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và văn bản ủy quyền với trường hợp người đại diện theo ủy quyền.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của chủ sở hữu công ty.
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có)
Bước 2: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các hoạt động sau:
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ: cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp.
- Trường hợp không cấp phải thông báo cho chủ thể thành lập bằng văn bản.
Bước 3: Nộp hồ sơ xin Giấy phép hoạt động đo đạc
Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty chuẩn bị 01 bộ hồ sơ xin Giấy phép hoạt động đo đạc gồm các giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ theo Mẫu số 04 Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 27/2019/NĐ-CP.
- Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ đối với các tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ.
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính văn bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành về đo đạc và bản đồ, bản khai quá trình công tác của người phụ trách kỹ thuật hoặc chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ hạng I; hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng; quyết định bổ nhiệm của người phụ trách kỹ thuật.
- Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính văn bằng, chứng chỉ chuyên môn về đo đạc và bản đồ kèm theo hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng của các nhân viên kỹ thuật đo đạc và bản đồ; bản khai quá trình công tác của ít nhất 01 nhân viên kỹ thuật có thời gian hoạt động thực tế tối thiểu 05 năm.
- Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính hóa đơn hoặc giấy tờ chứng minh sở hữu phương tiện đo, thiết bị, chứng minh sở hữu hoặc quyền sử dụng phần mềm, công nghệ đo đạc và bản đồ; giấy kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo còn hiệu lực.
Khi đã chuẩn bị đủ hồ sơ, công ty đo đạc tiến hành nộp hồ sơ xin Giấy phép hoạt động đo đạc tới cơ quan có thẩm quyền. Theo pháp luật hiện hành, thẩm quyền cấp giấy phép được quy định như sau:
- Cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Văn phòng tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường: với tổ chức đề nghị cấp giấy phép thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập….
- Cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: trường hợp còn lại (không do cơ quan nhà nước thành lập).
Bước 4: Nhận Giấy phép hoạt động đo đạc
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp giấy phép. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa đúng theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hoặc thư điện tử cho tổ chức đề nghị cấp giấy phép về việc hoàn thiện hồ sơ.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thẩm định hồ sơ, lập biên bản thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ của các tổ chức.
Trong thời hạn 06 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thẩm định, gửi biên bản thẩm định kèm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ đến cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được biên bản thẩm định kèm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, thủ trưởng cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ.
4. Quyền và nghĩa vụ của công ty đo đạc
Theo Điều 55 Luật Đo đạc và bản đồ 2018, công ty đo đạc có các quyền và nghĩa vụ sau:
(a); Quyền:
- Hoạt động đo đạc và bản đồ.
- Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về đo đạc.
- Hợp tác về đo đạc và bản đồ với tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài.
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
(b); Nghĩa vụ:
- Báo cáo theo quy định của Chính phủ.
- Chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kiểm tra, thanh tra
- Tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
>>>> Xem thêm bài viết: Thành lập công ty cầm đồ
5. Một số lưu ý khi thành lập công ty đo đạc
Để thành lập công ty đo đạc, chủ thể thành lập cần lưu ý một số vấn đề sau:
5.1. Lệ phí Nhà nước
Theo Thông tư 47/2019/TT-BTC và Văn bản hợp nhất số 43/VBHN-BTC, để thành lập công ty đo đạc cần dự trù các khoản chi phí sau:
(a); Lệ phí thành lập doanh nghiệp:
- Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp: 100.000 đồng
- Lệ phí đăng ký doanh nghiệp: 50.000 đồng với trường hợp nộp trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính.
(b); Phí thẩm định cấp mới giấy phép hoạt động đo đạc: tùy cơ quan thực hiện việc thẩm định mà mức phí có sự khác nhau.
Mức phí đối với hồ sơ do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam thẩm định |
Số hoạt động dịch vụ đo đạc và bản đồ đề nghị cấp phép theo quy định |
Mức thu phí (1.000 đồng/hồ sơ) |
||
Khu vực I |
Khu vực II |
Khu vực III |
||
Dưới 03 |
7.280 |
12.900 |
23.140 |
|
Từ 03 đến 05 |
8.730 |
14.350 |
24.260 |
|
Từ 06 đến 08 |
9.210 |
14.840 |
24.670 |
|
Từ 09 đến 11 |
9.700 |
15.320 |
25.070 |
|
Từ 12 đến 14 |
10.190 |
15.810 |
25.480 |
Mức phí đối với hồ sơ do Sở Tài nguyên và môi trường thẩm định |
Số hoạt động dịch vụ đo đạc và bản đồ đề nghị cấp phép theo quy định |
Mức thu phí (1.000 đồng/hồ sơ) |
Dưới 03 |
4.090 |
|
Từ 03 đến 05 |
5.540 |
|
Từ 06 đến 08 |
6.030 |
|
Từ 09 đến 11 |
6.510 |
|
Từ 12 đến 14 |
7.000 |
Trong đó, các khu vực được quy định như sau:
- Khu vực I: Tổ chức đề nghị cấp phép có trụ sở chính tại Đồng bằng sông Hồng và Trung du, miền núi phía Bắc.
- Khu vực II: Tổ chức đề nghị cấp phép có trụ sở chính tại Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
- Khu vực III: Tổ chức đề nghị cấp phép có trụ sở chính tại Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
5.2. Các loại thuế cần lưu ý
Khi thành lập công ty đo đạc cần chú ý đến 3 loại thuế chính:
(a); Thuế môn bài: Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC thì mức nộp thuế môn bài quy định như sau:
- 3.000.000/ năm nếu vốn điều lệ từ trên 10 tỷ.
- 2.000.000/ năm nếu vốn điều lệ dưới 10 tỷ.
(b); Thuế giá trị gia tăng: Đây là loại thuế gián thu đánh vào phần giá trị tăng thêm của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong quá trình sản xuất, lưu thông và tiêu dùng.
(c); Thuế thu nhập doanh nghiệp: Đây là loại thuế trực thu đánh vào thu nhập của doanh nghiệp trong năm tài chính. Mức thuế suất phổ biến của thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%.
>>>> Xem thêm bài viết: Thành lập công ty môi giới bất động sản
6. Câu hỏi thường gặp
Giấy phép hoạt động đo đạc có thời hạn bao lâu?
Theo Điều 30 Nghị định 27/2019/NĐ-CP thì Giấy phép hoạt động đo đạc có thời hạn là 05 năm, mỗi lần gia hạn là 05 năm.
Có mấy loại chứng chỉ hành nghề đo đạc?
Theo Khoản 4 Điều 53 Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018, có 02 loại chứng chỉ hành nghề đo đạc:
- Hạng I được cấp cho cá nhân có trình độ từ đại học trở lên, có thời gian ít nhất là 05 năm liên tục tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ.
- Hạng II được cấp cho cá nhân có trình độ từ đại học trở lên, có thời gian ít nhất là 02 năm liên tục tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ; cá nhân có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng, có thời gian ít nhất là 03 năm liên tục tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ.
Dịch vụ thành lập công ty đo đạc của Luật Ánh Ngọc có gì nổi bật?
Sử dụng dịch vụ thành lập công ty đo đạc của Luật Ánh Ngọc, chủ thể sẽ nhận được những quyền lợi sau:
- Tư vấn toàn diện về điều kiện thành lập: Không chỉ đơn thuần làm thủ tục, Luật Ánh Ngọc có thể tư vấn chi tiết về các điều kiện cần đáp ứng để thành lập công ty đo đạc hợp pháp, giúp khách hàng chuẩn bị đầy đủ và chính xác ngay từ đầu.
- Soạn thảo hồ sơ chuyên nghiệp và tối ưu: Với kinh nghiệm soạn thảo hồ sơ pháp lý, Luật Ánh Ngọc sẽ giúp khách hàng chuẩn bị bộ hồ sơ thành lập công ty đo đạc đầy đủ, chính xác và tối ưu về mặt pháp lý, tăng khả năng được chấp thuận.
- Tiết kiệm thời gian và công sức: Thay vì bạn phải tự mình nghiên cứu quy định, chuẩn bị hồ sơ và làm việc với cơ quan nhà nước, Luật Ánh Ngọc sẽ đảm nhận toàn bộ quy trình, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và tập trung vào việc xây dựng kế hoạch kinh doanh.
Như vậy, qua bài viết về thành lập công ty đo đạc chúng tôi hy vọng đã giải đáp được thắc mắc của quý khách hàng. Nếu có thắc mắc cần giải quyết hãy liên hệ ngay với Luật Ánh Ngọc để được tư vấn miễn phí!