1. Tiềm năng phát triển công ty rau sạch
Công ty rau sạch ngày càng có nhiều cơ hội phát triển, nhất là trong xã hội ngày nay. Theo đó, tiềm năng của ngành này thể hiện qua những yếu tố sau:
- Người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của thực phẩm sạch đối với sức khỏe. Các vấn đề về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng... khiến họ tìm kiếm các sản phẩm rau sạch, có nguồn gốc rõ ràng.
- Lối sống lành mạnh, gần gũi với thiên nhiên đang trở thành xu hướng, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp bền vững, trong đó có rau sạch.
- Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, xúc tiến thương mại.
Vì những lý do trên, việc phát triển công ty rau sạch đang là sự lựa chọn đáng cân nhắc hiện nay.
2. Điều kiện cần thiết để thành lập công ty rau sạch
Theo Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020 thì kinh doanh rau sạch là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực này phải đáp ứng các điều kiện chung để thành lập doanh nghiệp và các yêu cầu trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể:
2.1. Điều kiện thành lập công ty rau sạch
Theo Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập công ty rau sạch cần đáp ứng các điều kiện sau:
(a); Về chủ thể thành lập: Theo Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 thì chủ thể thành lập phải có đủ năng lực hành vi dân sự (đối với cá nhân), có tư cách pháp nhân (đối với tổ chức).
Đồng thời, chủ sở hữu công ty không thuộc trường hợp cấm thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 như cán bộ, công chức, viên chức,...
(b); Về tên doanh nghiệp: Luật Doanh nghiệp 2020 quy định tên của công ty phải bao gồm 2 bộ phận: loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Đồng thời, tên doanh nghiệp không vi phạm điều cấm của luật như không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên các doanh nghiệp khác đã thành lập hay tên của cơ quan nhà nước….
(c); Về trụ sở công ty: Điều 42 Luật doanh nghiệp 2020 quy định, trụ sở công ty phải trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và công ty phải có quyền sử dụng hợp pháp với địa điểm đó.
(d); Về mã ngành nghề: Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, để thành lập công ty rau sạch cần đăng ký mã ngành sau:
- Mã ngành 4632: Buôn bán thực phẩm. Chi tiết: Buôn bán rau, quả.
- Mã ngành 4722: Bán lẻ thực phẩm trong các cửa hàng chuyên doanh. Chi tiết: Bán lẻ rau, quả trong các cửa hàng chuyên doanh.
- Mã ngành 1030: Chế biến và bảo quản rau quả. Chi tiết: Bảo quản rau, quả, hạt bằng phương pháp đông lạnh, sấy khô, ngâm dầu…
(e); Về vốn điều lệ: Pháp luật không đặt ra mức vốn tối thiểu để kinh doanh rau rạch. Do vậy, việc để vốn điều lệ của công ty rau sạch cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào tổ chức, cá nhân thành lập công ty. Tuy nhiên, mức vốn điều lệ phải đảm bảo cho các hoạt động của công ty được diễn ra thuận lợi, tương ứng với giá trị tài sản của công ty.
2.2. Điều kiện xin Giấy phép an toàn thực phẩm
Căn cứ Điều 34 Luật an toàn vệ sinh thực phẩm 2010 thì doanh nghiệp muốn xin giấy phép phải có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Cụ thể:
(a); Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rau sạch; cơ sở sơ chế, chế biến rau sạch: Điều 19 Luật an toàn vệ sinh thực phẩm 2010 quy định điều kiện với các cơ sở này như sau:
- Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác.
- Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại.
- Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
(b) Đối với cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống: Căn cứ Điều 23 Luật an toàn vệ sinh thực phẩm 2010, cơ sở này phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Bảo đảm các điều kiện về đất canh tác, nguồn nước, địa điểm sản xuất để sản xuất thực phẩm an toàn.
- Tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng giống cây trồng; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản thực phẩm và các chất khác có liên quan đến an toàn thực phẩm.
- Tuân thủ quy định về về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt.
- Thực hiện việc xử lý chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Chất tẩy rửa, chất diệt khuẩn, chất khử độc khi sử dụng phải bảo đảm an toàn cho con người và môi trường.
- Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất thực phẩm tươi sống.
>>>> Xem thêm bài viết: Thành Lập Công Ty Cổ Phần Xuất Khẩu Nông Sản (Lúa Gạo) Tại Vĩnh Hưng
3. Hồ sơ thành lập công ty rau sạch
Để công ty rau sạch được thành lập và hoạt động trên thực tế, tổ chức, cá nhân thành lập phải chuẩn bị 02 bộ hồ sơ: xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và xin Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể:
(a); Hồ sơ xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Điều 21 Luật doanh nghiệp 2020 và Điều 24 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định các giấy tờ cần thiết bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục I-2 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT.
- Điều lệ công ty rau sạch.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và văn bản ủy quyền với trường hợp người đại diện theo ủy quyền.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của chủ sở hữu công ty.
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có)
(b); Hồ sơ xin Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm: Theo khoản 1 Điều 36 Luật an toàn vệ sinh thực phẩm 2010, bộ hồ sơ đầy đủ bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Phụ lục kèm theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP.
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
- Giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
4. Thủ tục thành lập công ty rau sạch hiện nay
Theo quy định của pháp luật hiện hành, thủ tục thành lập công ty rau sạch gồm các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp
Chủ thể nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Tài chính nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hoặc trực tuyến qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 2: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp không cấp phải thông báo cho chủ thể thành lập bằng văn bản.
Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp.
Bước 3: Xin Giấy phép an toàn thực phẩm
Doanh nghiệp rau sạch nộp hồ sơ xin cấp giấy phép an toàn thực phẩm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua 03 phương thức:
- Trực tiếp tại cơ quan nhà nước.
- Qua dịch vụ bưu chính.
- Trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử quốc gia.
Sau khi nhận hồ sơ, trong vòng 05 - 10 ngày, cơ quan có thẩm quyền tiến hành xét duyệt hồ sơ. Nếu hồ sơ không hợp lệ thì thông báo bằng văn bản cho chủ thể có yêu cầu xin giấy phép để tiến hành bổ sung, sửa đổi.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại công ty rau sạch. Nếu đủ điều kiện thì cấp giấy phép an toàn thực phẩm. Nếu từ chối cấp giấy phép thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối.
5. Một số lưu ý khi thành lập công ty rau sạch
Để quá trình thành lập công ty rau sạch diễn ra hợp pháp, nhanh chóng, chủ thể thành lập cần lưu ý một số vấn đề sau:
(a); Thẩm quyền cấp giấy phép an toàn thực phẩm: Căn cứ Điều 35 Luật an toàn vệ sinh thực phẩm 2010 và Văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BCT thì thẩm quyền cấp giấy phép an toàn thực phẩm được quy định như sau:
- Bộ Công Thương: Chuỗi cơ sở kinh doanh thực phẩm (trừ chuỗi siêu thị mini và chuỗi cửa hàng tiện lợi có diện tích tương đương siêu thị mini theo quy định của pháp luật); Cơ sở bán buôn thực phẩm (bao gồm cả thực phẩm tổng hợp) trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
- Sở Công Thương: Cơ sở bán buôn, bán lẻ thực phẩm (bao gồm cả thực phẩm tổng hợp) của thương nhân trên địa bàn 01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chuỗi siêu thị mini và chuỗi cửa hàng tiện lợi có diện tích tương đương siêu thị mini theo quy định của pháp luật;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: có thẩm quyền cấp giấy phép cho trường hợp xin giấy phép cho cơ sở sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản, muối.
(b); Phí, lệ phí: Đây cũng là vấn đề chủ thể thành lập cần quan tâm để xác định được chi phí cũng như chuẩn bị hồ sơ để kịp thời điểm kinh doanh. Theo Thông tư 47/2019/TT-BTC và Thông tư 279/2016/TT-BTC lệ phí hoàn tất thủ tục được quy định như sau:
Tên lệ phí |
Lệ phí |
||
Thủ tục thành lập doanh nghiệp |
1 |
Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp |
100.000 đồng |
2 |
Lệ phí đăng ký doanh nghiệp |
50.000 đồng |
|
Thủ tục xin giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm |
1 |
Phí thẩm định cơ sở kinh doanh thực phẩm |
1.000.000 đồng /lần/cơ sở |
2 |
Thẩm định cơ sở sản xuất thực phẩm (trừ cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe) |
3.000.000 đồng /lần/cơ sở |
|
3 |
Thẩm định cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo hướng dẫn thực hành sản xuất tốt (GMP) |
22.500.000 đồng /lần/cơ sở |
|
4 |
Phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm |
30.000 đồng /lần/người |
>>>> Xem thêm bài viết: Thành lập công ty sản xuất thực phẩm
6. Câu hỏi thường gặp
Mọi trường hợp kinh doanh rau sạch đều cần Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm?
Không. Theo Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì các cơ sở sau đây không cần phải xin giấy phép an toàn thực phẩm:
- Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.
- Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: GMP, HACCP, Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế, Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm, Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Nếu kinh doanh rau sạch không có giấy phép an toàn thực phẩm thì bị phạt bao nhiêu?
Theo Điều 18 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, khoản 8 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP thì nếu có hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có giấy phép an toàn thực phẩm thì bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Thời hạn của giấy phép an toàn thực phẩm là bao lâu?
Theo Điều 37 Luật an toàn vệ sinh thực phẩm thì giấy phép an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời hạn 03 năm.
Như vậy, qua bài viết về thành lập công ty rau sạch chúng tôi hy vọng đã giải đáp được thắc mắc của quý khách hàng. Nếu có thắc mắc cần giải quyết hãy liên hệ ngay với Luật Ánh Ngọc để được tư vấn miễn phí!