1. Công ty quản lý tài sản là gì?
Theo Khoản 8 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 thì Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.
Mặt khác, căn cứ Nghị định 53/2013/NĐ-CP thì Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam được hiểu là một doanh nghiệp nhà nước đặc thù, được thành lập với mục đích chính là mua, thu hồi, xử lý và bán nợ xấu cũng như các tài sản đảm bảo liên quan.
Như vậy, tùy theo chủ thể thành lập là Nhà nước hay tư nhân mà phạm vi hoạt động của Công ty quản lý tài sản có sự khác nhau. Do vậy, quy định của pháp luật đặt ra cho công ty cũng có sự khác biệt.
2. Điều kiện thành lập công ty quản lý tài sản
Để thành lập công ty quản lý tài sản, tùy theo chủ thể thành lập là các tổ chức tín dụng Việt Nam hay tư nhân mà pháp luật đặt ra những điều kiện riêng cho từng trường hợp. Cụ thể:
2.1. Điều kiện chung khi thành lập doanh nghiệp
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, các doanh nghiệp nói chung khi thành lập đều phải đảm bảo các điều kiện sau, trong đó có công ty quản lý tài sản.
(a); Chủ thể thành lập: Căn cứ Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 thì tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, trừ một số trường hợp cụ thể như Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình…
(b); Tên doanh nghiệp: Theo Điều 27, 28 Luật Doanh nghiệp 2020, tên doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện sau:
- Phải bao gồm hai thành phần: Loại hình doanh nghiệp và tên riêng.
- Không được vi phạm các điều cấm của pháp luật như đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký…
(c); Trụ sở chính của công ty: Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định rõ trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
(d); Mã ngành nghề kinh doanh: Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam và Luật Doanh nghiệp 2020 đều ghi nhận các tổ chức, cá nhân trong xã hội được tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm. Do vậy, doanh nghiệp muốn hoạt động trong lĩnh vực nào cần đăng ký mã ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh.
Theo Phụ lục của Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, để thành lập công ty quản lý tài sản, doanh nghiệp cần đăng ký mã ngành 6240 - Hoạt động quản lý tài sản để có thể thực hiện hoạt động kinh doanh.
2.2. Điều kiện với công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam
Theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP, để thành lập công ty quản lý tài sản, chủ thể có nhu cầu cần đảm bảo các yêu cầu sau:
(a); Về loại hình doanh nghiệp: Công ty Quản lý tài sản là doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
(b); Về vốn điều lệ: Căn cứ Điều 9 Nghị định 53/2013/NĐ-CP, vốn điều lệ của Công ty Quản lý tài sản là 500 tỷ đồng Việt Nam.
2.3. Điều kiện với công ty thanh lý, quản lý tài sản của tư nhân
Theo Điều 13 Luật Phá sản 2014, công ty quản lý tài sản muốn thành lập cần đáp ứng các điều kiện sau:
(a); Về loại hình doanh nghiệp: Pháp luật hiện hành ghi nhận các doanh nghiệp được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản phải tổ chức dưới loại hình sau:
- Công ty hợp danh.
- Doanh nghiệp tư nhân.
(b); Về cơ cấu, tổ chức: tùy theo loại hình doanh nghiệp mà pháp luật đặt ra yêu cầu khác nhau. Cụ thể:
- Công ty hợp danh: có tối thiểu hai thành viên hợp danh là Quản tài viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty hợp danh là Quản tài viên.
- Doanh nghiệp tư nhân: chủ doanh nghiệp là Quản tài viên, đồng thời là Giám đốc.
3. Giấy tờ cần thiết để thành lập công ty quản lý tài sản
Để thành lập công ty quản lý tài sản, tổ chức, cá nhân thành lập cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
3.1. Hồ sơ thành lập công ty quản lý tài sản
Theo Luật Doanh nghiệp 2020 và chương IV Nghị định 01/2021/NĐ-CP, bộ hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp đầy đủ bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu 01 Phụ lục đi kèm Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên của công ty hợp danh, công ty TNHH 2 thành viên trở lên.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Đối với người đại diện theo ủy quyền thì cần bổ sung thêm văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước).
3.2. Hồ sơ đăng ký hành nghề quản lý tài sản
Căn cứ Điều 12 Nghị định 22/2015/NĐ-CP, để đăng ký hành nghề quản lý tài sản, công ty phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo mẫu TP-QTV-05 ban hành kèm theo Nghị định 22/2015/NĐ-CP.
- Bản chụp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Bản chụp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của thành viên hợp danh, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty hợp danh, chủ doanh nghiệp tư nhân .
- Bản chụp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của những người khác hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân (nếu có).
- Phiếu lý lịch tư pháp.
>>>> Gợi ý: Thành lập công ty phát hành sách
4. Thủ tục thành lập công ty quản lý tài sản
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tổ chức, cá nhân muốn thành lập công ty quản lý tài sản cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp
Sau khi chuẩn bị đủ các giấy tờ ở bước 1, chủ thể tiến hành nộp hồ sơ đăng ký thành lập tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo một trong các phương thức sau:
- Trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Qua dịch vụ bưu chính.
- Qua cổng thông tin điện tử về đăng ký doanh nghiệp.
Căn cứ Công văn số 24/CV-BCĐTKNQ18 và Công văn số 05/CV-BCĐTKNQ18 thì cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có sự khác nhau giữa các tỉnh, thành phố.
Ví dụ: Phòng Đăng ký Kinh doanh và Tài chính Doanh nghiệp (Sở Tài chính Thành phố Hà Nội).
Bước 2: Xử lý hồ sơ
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan có thẩm quyền xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp.
Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký hành nghề quản lý tài sản
Doanh nghiệp quản lý tài sản gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị đăng ký hành nghề quản lý tài sản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Sở Tư pháp và nộp lệ phí đăng ký hành nghề theo quy định của pháp luật.
Bước 4: Nhận kết quả
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp quyết định ghi tên doanh nghiệp vào danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý tài sản và thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp. Trong trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định ghi tên doanh nghiệp vào danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý tài sản, Sở Tư pháp gửi danh sách doanh nghiệp hành nghề quản lý tài sản cho Bộ Tư pháp.
Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản kể từ ngày được Sở Tư pháp quyết định ghi tên vào danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.
5. Phí, lệ phí và thời gian hoàn tất thành lập công ty quản lý tài sản
Một trong những vấn đề mà các chủ thể quan tâm khi thành lập doanh nghiệp là lệ phí Nhà nước phải nộp và thời gian ra kết quả. Theo Thông tư 47/2019/TT-BTC và Thông tư 224/2016/TT-BTC, lệ phí và thời gian hoàn tất thủ tục được quy định như sau:
Tên lệ phí |
Lệ phí |
Phương thức |
Thời gian xử lý |
||
Thủ tục thành lập doanh nghiệp |
1 |
Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp |
100.000VND |
trực tuyến, trực tiếp, bưu chính |
03 ngày làm việc |
2 |
Lệ phí đăng ký doanh nghiệp |
50.000VND |
trực tiếp, bưu chính |
||
Thủ tục đăng ký hành nghề quản lý tài sản |
1 |
Phí thẩm định điều kiện hoạt động quản lý tài sản |
500.000VND |
trực tiếp, bưu chính |
7 ngày làm việc |
6. Nghĩa vụ của doanh nghiệp quản lý tài sản sau khi thành lập
Để công ty quản lý tài sản hoạt động hiệu quả, cũng như đảm bảo việc quản lý của Nhà nước với doanh nghiệp, pháp luật đặt ra những nghĩa vụ mà công ty phải thực hiện. Theo Điều 13 Nghị định 22/2015/NĐ-CP, công ty quản lý tài sản sau thành lập phải có nghĩa vụ sau:
- Quản lý Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hoạt động nghề nghiệp do Quản tài viên mà doanh nghiệp cử quy định.
- Trách nhiệm xem xét, ký các văn bản do Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp mình thực hiện của người đại diện theo pháp luật.
- Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các Quản tài viên hành nghề.
- Báo cáo Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký hành nghề về hoạt động hành nghề quản lý tài sản.
- Các nghĩa vụ khác.
>>>> Xem thêm bài viết: Thành lập công ty cầm đồ
7. Câu hỏi thường gặp
Cho doanh nghiệp khác mượn giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của mình để hành nghề quản lý tài sản bị phạt bao nhiêu?
Theo Điều 80 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, hành vi cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng tên, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của mình để hành nghề quản lý tài sản có thể bị phạt từ 14 - 20 triệu đối với tổ chức.
Có phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các Quản tài viên?
Có. Điều 13 Nghị định 22/2015/NĐ-CP quy định một trong những nghĩa vụ sau khi thành lập của công ty quản lý tài sản là mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các Quản tài viên hành nghề.
Luật Ánh Ngọc có cung cấp dịch vụ hỗ trợ thành lập công ty quản lý tài sản?
Có. Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, Luật Ánh Ngọc cung cấp hỗ trợ cho quý khách hàng có nhu cầu thành lập công ty quản lý tài sản.
Như vậy, qua bài viết về thành lập công ty quản lý tài sản chúng tôi hy vọng đã giải đáp được thắc mắc của quý khách hàng. Nếu có thắc mắc cần giải quyết hãy liên hệ ngay với Luật Ánh Ngọc để được tư vấn miễn phí!