1. Đánh lô đề bị phạt như thế nào?
Tùy thuộc vào độ tuổi của người thực hiện hành vi vi phạm mà người phạm tội đánh lô đề có thể bị áp dụng các hình thức xử lý với mức độ khác nhau.
1.1. Đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên đánh lô đề
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi mua các số lô, số đề bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi đánh lô đề được xác định là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đánh bạc.
Tuy nhiên, trong trường hợp người đánh lô đề có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì mức tiền phạt được áp dụng như sau:
- Trong trường hợp người phạm tội đánh lô đề có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt;
- Trường hợp có 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt là 200.000 đồng;
- Trường hợp người đánh lô đề có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
- Trường hợp người đánh lô đề có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên thì bị áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt là 500.000 đồng;
- Trường hợp người đánh lô đề vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc cứ một tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.
Ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt chính, người đánh lô đề còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu công cụ, phương tiện trực tiếp liên quan đến hành vi vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi đánh lô đề.
1.2. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi
Trong trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội đánh lô đề thì chỉ bị áp dụng mức tiền phạt không quá ½ mức phạt của người từ đủ 18 tuổi trở lên. Trường hợp người đó không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.
1.3. Đối với người dưới 16 tuổi đánh lô đề
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội đánh lô đề thì không bị áp dụng hình thức phạt tiền.
Căn cứ theo Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện mọi hành vi vi phạm hành chính đều bị áp dụng hình phạt cảnh cáo. Do đó, trong trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đánh lô đề thì bị phạt cảnh cáo. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.
Tuy nhiên, theo Điều 139 Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đánh lô đề tự nguyện khai báo, thừa nhận và thành thật hối lỗi về hành vi đánh lô đề của mình thì người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp nhắc nhở thay thế cho hình thức xử phạt cảnh cáo. Việc nhắc nhở được thực hiện bằng lời nói, ngay tại chỗ và không phải lập thành văn bản.
2. Biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa đủ 18 tuổi đánh lô đề
Bên cạnh việc xử phạt hành chính, người chưa thành niên – người chưa đủ 18 có thể bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có hành vi đánh lô đề, gồm:
2.1. Giáo dục tại xã, phường thị trấn
Biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn được áp dụng đối với:
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đánh lô đề thuộc các trường hợp:
- Hành vi đánh lô đề có tính chất chuyên nghiệp
- Số tiền đánh lô đề từ 50.000.000 đồng trở lên
- Tái phạm nguy hiểm
- Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để đánh lô đề
- Trong 06 tháng mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi đánh lô đề từ 02 lần trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.2. Đưa vào trường giáo dưỡng
Đưa vào trường giáo dưỡng áp dụng trong trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã bị áp dụng hình biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn vì tính chất nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi đánh lô đề 02 lần trong 06 tháng nhưng vẫn tiếp tục thực hiện.
2.3. Quản lý tại gia đình
Trong trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội đánh lô đề 02 lần trở lên trong 06 tháng có thể được áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình nếu thỏa mãn các điều kiện sau:
- Người đánh lô đề đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình
- Người vi phạm có môi trường số thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp quản lý tại gia đình
- Cha mẹ hoặc người giam hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình.
Xem thêm bài viết: Có xử lý hình sự đối với người đánh lô đề hay không?
3. Giải đáp một số câu hỏi
3.1. Người đánh lô đề nộp tiền phạt ở đâu?
- Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt
- Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước thông qua tài khoản ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia
- Nộp trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt.
3.2. Đánh lô đề như thế nào để không bị phạt?
Hành vi đánh lô đề đều là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, mọi trường hợp đánh lô đề đều bị xử phạt. Tuỳ vào số tiền đánh lôi đề mà người đánh lô có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3.3. Xử phạt hành chính đối với tội đánh lô đề phải đảm bảo nguyên tắc gì?
- Mọi hành vi phạm tội đánh lô đề đều phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh và khắc phục hậu quả do hành vi đó gây ra
- Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm. đối tượng vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ
- Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần
- Người bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính
- Xử lý người chưa thành niên đánh lô đề chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội; đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên
- Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn
- Việc áp dụng hình thức xử phạt đối với người chưa thành niên đánh lô đề phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi đánh lô đề.
Xem thêm bài viết: Bàn về việc xác định tội danh đối với người phạm tội đánh lô, đề
Thông qua nội dung bài viết, Luật Ánh Ngọc đã giải đáp thắc mắc "Đánh lô đề bị phạt như thế nào?". Có thể thấy, hành vi đánh lô đề dưới 5.000.000 đồng chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Trường hợp đánh lô đề với số tiền lớn hơn hoặc đã bị xử phạt hành chính trước đó thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.