Có xử lý hình sự đối với người đánh lô đề hay không?


Có xử lý hình sự đối với người đánh lô đề hay không?
Hiện nay, hình thức đánh lô đề ngày càng trở nên phổ biến với nhiều với nhiều hình thức không chỉ gây mất trật tự an ninh xã hội, thất thoát tiền bạc mà còn là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm khác như cho vay lãi nặng trộm cắp tài sản. Với những ảnh hưởng tiêu cực của hành vi này, thì người đánh lô đề có bị xử lý hình sự không? Trong bài viết hôm nay, Luật Ánh Ngọc sẽ giải đáp câu hỏi trên.

1. Đánh lô đề là gì?

"Đánh lô đề" là một trong những hình thức đánh bạc dưới hình thức số lô, số đề với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép dựa trên kết quả xổ số kiến thiết mỗi ngày.

Cả hành vi đánh lô và hành vi đánh đề đều là việc người chơi lựa chọn 02 số bất kì từ 00 đến 99 để đánh số lô số đề. Tuy nhiên, kết quả để xác định người chơi có trúng lô, trúng đề là khác nhau:

  • Đối với hình thức đánh đề, người chơi sẽ dựa vào kết quả của 02 số cuối cùng của giải đặc biệt kết quả xổ số kiến thiết cùng ngày chơi để xác định thắng – thua. Nếu hai số trùng nhau thì người chơi sẽ nhận được số tiền bằng 80 lần số tiền người chơi bỏ ra để đánh đề
  • Đối với hình thức đánh lô, người chơi sẽ dựa vào kết của của 02 số cuối cùng các giải còn lại của xổ số kiến thiết. Trường hợp hai con số người chơi chọn trùng với 02 số cuối cùng của bất kì giải nào theo kết quả xổ số kiến thiết thì người chơi sẽ nhận được số tiền tương ứng 70 lần số điểm lô mà người đó đã bỏ tiền mua.

Xem thêm bài viết: Bàn về việc xác định tội danh đối với người phạm tội đánh lô, đề

2. Có xử lý hình sự đối với người đánh lô đề không?

 

Có xử lý hình sự đối với người đánh lô đề không
Có xử lý hình sự đối với người đánh lô đề không

Căn cứ theo Điều 5 Nghị định số 30/2007/NĐ-CP, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là sử dụng kết quả xổ số do các doanh nghiệp kinh doanh xổ số phát hành để tổ chức các chương trình dự thưởng.

Mặt khác, căn cứ theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, hành vi mua số lô số đề là một trong những hành vi đánh bạc trái phép.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 321 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kì hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật [….] bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Như vậy, hành vi đánh lô đề là hành vi vi phạm pháp luật và bị pháp luật nghiêm cấm. Do đó, người đánh lô đề có thể bị xử lý hình sự về tội Đánh bạc. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp người đánh lô đề đều phạm "tội đánh lô đề" và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc. Người đánh lô đề chỉ bị xử lý hình sự khi người đó có đầy đủ các dấu hiệu sau:

  • Người đánh lô đề là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Tại thời điểm đánh lô đề, người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi
  • Người đánh lô đề đã có hành vi mua số lô đề từ chủ lô đề bằng tiền hoặc hiện vật từ 5.000.000 đồng trở lên
  • Người đánh lô đề nhận thức được hành vi đánh lô đề bị pháp luật nghiêm cấm, ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội và có quyền lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện hành vi đánh lô đề. Tuy nhiên, vì mục đích vụ lợi, mong muốn nhận được số tiền lợi lớn từ hành vi này mà người đó đã cố tình thực hiện
  • Hành vi đánh lô đề của người đó đã xâm phạm đến trật tự quản lý của nhà nước, làm biến tướng hình thức kinh doanh xổ số kiến thiết được Nhà nước cho phép hoạt động. Đồng thời, hành vi đánh lô đề còn là nguyên nhân phát sinh các tội phạm mới như trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản,…

Trường hợp người đánh lô đề với số tiền đánh lô đề dưới 5.000.000 đồng thì bị xử lý hình sự trong trường hợp người đó đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đánh bạc, tội Tổ chức đánh bạc theo các Điều 321, Điều 322 Bộ luật hình sự.

3. Người đánh lô đề bị xử lý hình sự như thế nào?

 

Người đánh lô đề bị xử lý hình sự như thế nào
Người đánh lô đề bị xử lý hình sự như thế nào

Căn cứ theo Điều 321 Bộ luật Hình sự, người đánh lô đề bị xử lý hình sự bằng các hình phạt sau:

  • Người đánh lô đề bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu có hành vi đánh lô đề với số tiền đánh bạc từ 5.000.0000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng
  • Trường hợp người đánh lô đề với số tiền đánh bạc từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc có một trong các hành vi dưới đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm tù:
    • Người đánh lô đề từ 05 lần trở lên, mỗi lần đánh lô đề với số tiền từ 05.000.000 đồng trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự. Người đánh lô đề coi số tiền có được từ hành vi đánh lô đề là nguồn sống chính
    • Người phạm tội sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để đánh lô đề như sử dụng các trang web mà máy chủ được đặt ở nước ngoài, thanh toán tiền đánh lô đề bằng tài khoản thanh toán quốc tế,..
  • Trường hợp người đánh lô đề với số tiền đánh bạc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc bị kết án về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thì bị áp dụng hình phạt tương tự như người đánh số lô đề với số tiền đánh bạc từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Xem thêm bài viết: Khung hình phạt nào đối với tội đánh lô đề

4. Trường hợp nào người đánh lô đề không bị xử lý hình sự?

Không phải mọi trường hợp người đánh lô đề đều bị xử lý hình sự. Trong trường hợp hành vi của người đó không đủ dấu hiệu cấu thành tội đánh lô đề thì người đó sẽ không bị xử lý hình sự mà bị xử phạt vi phạm hành chính.

Căn cứ theo Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, trường hợp người đánh lô đề chưa đủ dấu hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.

Đồng thời, người đánh lô đề còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi đánh lô đề.

Ngoài ra, trường hợp người đánh lô đề có đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên tại thời điểm phát hiện, thời hiệu truy cứu trách nhiệm đã hết thì người đó không bị xử lý hình sự. Đối với tội đánh bạc thuộc tội phạm nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm.

Xem thêm bài viết: Xử phạt hành chính đối với tội đánh lô đề như thế nào?

5. Một số câu hỏi liên quan đến việc xử lý hình sự người đánh lô đề

5.1. Người đánh lô đề được miễn xử lý hình sự trong trường hợp nào?

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự, người đánh lô đề có thể được miễn xử lý hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người đánh lô đề không còn nguy hiểm cho xã hội nữa hoặc người đánh lô đề mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa
  • Trước khi hành vi đánh lô đề bị phát giác, người phạm tội đánh lô đề tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

5.2. Người đánh lô đề là người dưới 15 tuổi thì có bị xử lý hình sự không?

Hiện nay, tội đánh bạc có khung hình phạt cao nhất là từ 03 năm tù đến 07 năm tù. Trong khi đó, căn cứ Điều 12 Bộ luật hình sự về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Vì vậy, người đánh lô đề là người dưới 15 tuổi thì không bị xử lý hình sự.

Trên đây là toàn bộ giải đáp của Luật Ánh Ngọc với câu hỏi “Có xử lý hình sự đối với người đánh lô đề hay không?”. Như vậy, để có thể xác định người đánh lô đề có bị xử lý hình sự hay không thì cần dựa vào độ tuổi, số tiền đánh lô đề, tính chất hành vi đánh lô đề và năng lực trách nhiệm hình sự của người đó.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.