1. Giấy phép hoạt động điện lực là gì?
Căn cứ Điều 1 Thông tư 21/2020/TT-BCT, giấy phép hoạt động điện lực là giấy phép được cấp cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực trong các lĩnh vực: tư vấn chuyên ngành điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện.
- Tùy thuộc vào từng lĩnh vực hoạt động điện lực sẽ tương ứng với mỗi loại giấy phép riêng, cụ thể, các loại giấy phép hoạt động điện lực gồm:
- Giấy phép tư vấn chuyên ngành điện lực;
- Giấy phép hoạt động phát điện;
- Giấy phép truyền tải điện;
- Giấy phép phân phối điện;
- Giấy phép bán buôn điện;
- Giấy phép bán lẻ điện.
- Giấy phép điện lực bao gồm các nội dung sau:
- Tên, địa chỉ trụ sở của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực;
- Loại hình hoạt động điện lực;
- Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực;
- Phạm vi hoạt động điện lực;
- Kỹ thuật, công nghệ sử dụng trong hoạt động điện lực;
- Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực.
- Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể những trường hợp nào tổ chức, cá nhân được phép hoạt động điện lực mà chỉ quy định từng điều kiện cấp phép đối với từng lĩnh vực. Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 3 Thông tư 21/2020/TT-BCT quy định một số trường hợp miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. Như vậy, ngoài những trường hợp dưới đây, mọi tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực đều phải xin giấy phép:
- Phát điện để tự sử dụng không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác;
- Phát điện có công suất lắp đặt đến 01 MW để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác;
- Kinh doanh điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo mua điện với công suất nhỏ hơn 50 kVA từ lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo;
- Điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện lực.
2. Xử phạt trong trường hợp không xin Giấy phép hoạt động điện lực
Theo quy định tại Điều 7 Luật Điện lực hiện hành, một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện là hoạt động điện lực không có giấy phép theo quy định của Luật Điện lực. Như vậy, mọi trường hợp tổ chức hoạt động điện lực trong trường hợp phải có giấy phép nhưng không xin cấp giấy phép hoạt động thì đều bị xử phạt.
Căn cứ theo Khoản 6 Điều 5 Nghị định 134/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP), trường hợp tổ chức hoạt động điện lực mà không có giấy phép hoạt động điện lực thì bị phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trừ trường hợp hoạt động điện lực khi giấy phép đã hết thời hạn sử dung. Ngoài ra, tổ chức vi phạm có thể buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hoạt động điện lực không phép.
Bên cạnh việc bị xử phạt do hoạt động điện lực không giấy phép, tổ chức, đơn vị điện lực có thể bị xử phạt hành chính liên quan đến giấy phép hoạt động điện lực như sau:
- Trường hợp đơn vị điện lực không lưu giữ bản chính Giấy phép hoạt động điện lực tại trụ sở hoặc bản sao giấy phép tại văn phòng giao dịch của tổ chức thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
- Trường hợp có sự thay đổi tên, địa chỉ trụ sở nhưng tổ chức không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép trong thời hạn 30 ngày thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
- Trường hợp có sự thay đổi các nội dung còn lại của giấy phép nhưng tổ chức không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thay đổi hoặc tự ý sửa chữa, cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn giấy phép thì bị phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng;
- Trường hợp không thực hiện báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn chế độ báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình hoạt động thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
- Trường hợp tổ chức hoạt động điện lực trong thời gian bị mất, thất lạc giấy phép hoạt động mà không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền hoặc không báo cáo chậm nhất 60 ngày trước khi ngừng hoạt động điện lực hoặc chuyển giao hoạt động điện lực trong trường hợp giấy phép còn thời hạn thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
- Trường hợp đơn vị điện lực có các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng:
- Cung cấp hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép không chính xác, không trung thực;
- Hoạt động điện lực khi Giấy phép hoạt động điện lực đã hết thời hạn sử dụng;
- Không đảm bảo một trong các điều kiện hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật trong suốt thời gian hoạt động.
Ngoài ra, đối với trường hợp tổ chức cung cấp hồ sơ xin cấp phép không chính xác, không trung thực hoặc tự ý sửa chửa, cho thuê hoặc mượn thì còn bị áp dụng biện pháp bổ sung nộp lại giấy phép hoạt động điện lực đã cấp và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
Theo pháp luật hiện hành, các cơ quan sau có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm liên quan đến giấy phép hoạt động điện lực:
- Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành cấp bộ của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực điện lực;
- Chánh Thanh tra Sở Công Thương, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực điện lực;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực;
3. Giải đáp một số thắc mắc
3.1. Thủ tục xin cấp Giấy phép hoạt động điện lực là gì?
Tuy có nhiều loại giấy phép hoạt động điện lực nhưng các giấy phép này đều được cấp theo một trình tự, thủ tục chung.
Căn cứ theo Điều 11 Thông tư 21/2020/TT-BCT, tổ chức xin cấp phép điện lực phải thực hiện các thủ tục sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép. Tùy thuộc vào từng lĩnh vực mà pháp luật quy định thành phần hồ sơ khác nhau, nhưng đều cần có chung các tài liệu sau:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận thành lập
- Danh sách trích ngang người trực tiếp quản lý kinh doanh
Bước 2: Nộp hồ sơ. Tùy thuộc vào lĩnh vực và quy mô hoạt động mà thẩm quyền cấp phép khác nhau. Do đó, tùy thuộc vào từng lĩnh vực, quy mô hoạt động mà tổ chức nộp hồ sơ tại:
Đối với trường hợp xin giấy phép thuộc thẩm quyền cấp của Bộ Công Thương hoặc Cục Điều tiết điện lực, tổ chức nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến;
Đối với trường hợp xin giấy phép thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì tổ chức có thể nộp trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc qua nộp trực tuyến trên trang điện tử của cơ quan (nếu có).
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ:
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, tổ chức xin cấp nhận được thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do và yêu cầu bổ sung, sửa đổi tài liệu để hoàn thiện hồ sơ và phải hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận thông báo. Nếu quá thời hạn trên mà tổ chức vẫn chưa sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì cơ quan có thẩm quyền trả lại hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ cơ quan cấp phép tiến hành thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép hoạt động.
Giấy phép hoạt động điện lực được cấp gồm 03 bản chính: 01 bản giao cho đơn vị điện lực xin cấp phép, 02 bản còn lại lưu tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
3.2. Giấy phép hoạt động điện lực bị thu hồi trong trường hợp nào?
Căn cứ theo Điều 37 Luật Điện lực, tổ chức, đơn vị điện lực bị thu hồi giấy phép trong các trường hợp sau:
- Không triển khai hoạt động sau sáu tháng kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động điện lực;
- Không bảo đảm các điều kiện hoạt động điện lực theo quy định của Luật Điện lực;
- Không thực hiện đúng các nội dung ghi trong giấy phép hoạt động điện lực;
- Cho thuê, cho mượn, tự ý sửa chữa giấy phép hoạt động điện lực.
Như vậy, có thể thấy, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm liên quan đến giấy phép hoạt động điện lực có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền tối đa lên tới 200.000.000 đồng. Vì vậy, tổ chức, cá nhân cần lưu ý trong suốt quá trìn hoạt động điện lực để tránh bị xử lý và thu hồi giấy phép.