1. Giấy phép phòng cháy chữa cháy là gì?
Giấy phép phòng cháy và chữa cháy hay còn gọi là giấy chứng nhận phê duyệt phòng cháy và chữa cháy là văn bản pháp lý xác nhận cơ sở đã được cấp đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Giấy phép chữa cháy là một trong những loại giấy phép con phổ biến và bắt buộc nhất đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động trong các ngành nghề có yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy.
Ví dụ: Khi mở quán karaoke, ngoài thủ tục thành lập doanh nghiệp, bạn cũng cần phải xin giấy phép phòng cháy chữa cháy để mọi hoạt động kinh doanh được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
2. Ai có thẩm quyền cấp Giấy phép phòng cháy chữa cháy?
Thẩm quyền cấp giấy phép chữa cháy khác nhau tùy thuộc vào người nộp đơn xin giấy phép phòng cháy chữa cháy. Trường hợp bạn không biết cơ sở của mình thuộc cơ quan nào cấp phép thì liên hệ ngay Luật Ánh Ngọc để được tư vấn. Sau đây hướng dẫn cách nhận biết cơ quan cấp phép giấy phép phòng cháy chữa cháy.
Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp giấy phép PCCC đối với các trường hợp sau:
- Dự án, công trình không phân biệt nguồn vốn đầu tư đáp ứng tiêu chí phân loại dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án, công trình nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công (trừ các dự án, công trình đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước do cấp tỉnh là chủ đầu tư);
- Công trình có chiều cao trên 100 m;
- Công trình xây dựng trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên;
- Phương tiện đường thủy có chiều dài từ 50 m trở lên vận chuyển hành khách, vận chuyển chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ;
- Dự án đầu tư xây dựng công trình do Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh đề nghị, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự;
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp cấp giấy phép PCCC đối với các trường hợp sau:
- Đồ án quy hoạch đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch trên địa bàn quản lý;
- Dự án, công trình không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý và những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền;
- Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn quản lý không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự.
3. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép phòng cháy chữa cháy
➤ Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ xin giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy:
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC;
- Bản sao giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC và văn bản nghiệm thu về PCCC;
- Danh sách nhân viên đã được huấn luyện về PCCC;
- Bảng thống kê các phương tiện PCCC;
- Phương án chữa cháy.
➤ Bước 2: Nộp hồ sơ
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ đăng ký giấy phép PCCC cho cơ quan thẩm quyền theo các hình thức:
- Trực tiếp tại Cục Cảnh sát PCCC hoặc Phòng Cảnh sát PCCC;
- Trực tuyến qua Cổng dịch vụ công (nếu có);
- Thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Theo đó, tùy vào trường hợp xin cấp phép phòng cháy chữa cháy mà cơ quan cấp phép được quy định như sau:
- Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Bộ Công an sẽ cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy cho các trường hợp do Cục thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC;
- Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh sẽ cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy cho các trường hợp được ủy quyền.
➤ Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ
Cơ quan thẩm quyền sẽ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra thành phần và tính hợp lệ của hồ sơ và thực hiện theo quy định.
➤ Bước 4: Thông báo kết quả
Thời hạn giải quyết thủ tục xin giấy phép PCCC từ 05 - 15 ngày làm việc, tính từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trong trường hợp không cấp phép sẽ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Lưu ý: Giấy phép PCCC có hiệu lực trong 03 năm, kể từ ngày cấp. Vì vậy doanh nghiệp, cá nhân cần lưu ý thời gian làm lại thủ tục xin cấp giấy phép mới để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
4. Một số câu hỏi liên quan
4.1. Không có giấy phép phòng cháy chữa cháy sẽ bị phạt bao nhiêu?
Quy định xử phạt hành chính về PCCC tại Mục 3 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:
- Hành vi không thực hiện đầy đủ hoặc không đúng thời hạn về yêu cầu PCCC; không xuất trình giấy tờ PCCC khi cơ quan thẩm quyền yêu cầu sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng;
- Hành vi không chấp hành quy định về PCCC; không thực hiện đầy đủ hoặc không đúng thời hạn về PCCC khi cơ quan thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản sẽ bị phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng;
- Hành vi không bố trí, niêm yết nội quy về PCCC sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
- Hành vi không thực hiện yêu cầu về PCCC khi cơ quan thẩm quyền đã yêu cầu bằng văn bản sẽ bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
4.2. Những đối tượng bắt buộc phải có giấy phép PCCC?
Các đối tượng phải có giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy gồm quán karaoke, vũ trường; dịch vụ thẩm mỹ viện; trường học; khách sạn, nhà nghỉ; bãi giữ xe/gara xe ô tô…
4.3. Thời gian cấp giấy phép PCCC là bao lâu?
Khoản 5 Điều 15 Nghị định 79 năm 2014 quy định thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy như sau:
- Dự án thiết kế quy hoạch: Không quá 10 ngày làm việc.
- Chấp thuận địa điểm xây dựng công trình: Không quá 05 ngày làm việc.
- Thiết kế cơ sở: Không quá 10 ngày làm việc đối với dự án nhóm A; không quá 05 ngày làm việc đối với dự án nhóm B và C.
- Thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công: Không quá 15 ngày làm việc đối với dự án, công trình nhóm A; không quá 10 ngày làm việc đối với dự án, công trình nhóm B và C.
4.4. Lệ phí cấp giấy phép PCCC
Theo Điều 5 Thông tư 258/2016/TT-BTC, mức thu phí thẩm định phê duyệt phải nộp đối với một dự án có mức tối thiểu là 500.000 đồng/dự án và tối đa là 150 triệu đồng/dự án.