1. Căn cứ pháp lý
2. Truy cứu trách nhiệm hình sự là gì?
2.1. Khái niệm truy cứu trách nhiệm hình sự
Truy cứu trách nhiệm hình sự là quá trình áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự qua các giai đoạn từ khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử để buộc tội phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi ấy. Người có năng lực trách nhiệm hình sự và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu người đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.
2.2. Những trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự
- Người thực hiện hành vi phạm tội nhưng thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết (Điều 27 Bộ luật hình sự năm 2015).
- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015).
- Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự năm 2015 nhưng bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết không yêu cầu khởi tố (Khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015)
- Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố (bao gồm bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết) rút yêu cầu thuộc các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 226 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức. Điều này có nghĩa người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Khoản 2 Điều 155 của BLTTHS năm 2015).
- Trường hợp đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm (Điểm b khoản 1 Điều 230 BLTTHS năm 2015).
Ngoài ra, trong một số tình huống, cá nhân hoặc tổ chức tuy đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng vẫn sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự do hành vi đó được coi là hợp lý và cần thiết để bảo vệ lợi ích chung của xã hội. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam quy định về những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhằm mục đích dành sự khoan hồng cho người thực hiện hành vi phạm tội.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là gì?
3.1. Khái niệm
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3.2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là bao lâu?
Theo khoản 2 Điều 27 Bộ luật hình sự 2015 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
- 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
- 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
- 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
- 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Xem thêm bài viết tại:
Trộm cắp tài sản từ bao nhiêu tiền thì bị đi tù? Khung xử phạt đối với tội trộm cắp tài sản
Tội che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm và trách nhiệm hình sự
4. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo Điều 28 Bộ luật hình sự 2015 quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật này đối với các tội phạm sau đây:
- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này;
- Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này;
- Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.
- Trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự
- Các trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự:
- Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành. (Khoản 4 Điều 15 BLHS 2015)
- Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này. (Khoản 2 Điều 18 BLHS 2015)
- Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này. (Khoản 3 Điều 19 BLHS 2015)
- Người thực hiện hành vi phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự quy định từ Điều 20 đến Điều 26 Bộ luật hình sự 2015
Hãy liên hệ ngay với Luật Ánh Ngọc qua email: lienhe@luatanhngoc.vn hoặc điện thoại: 0878.548.558 nếu có bất kì thắc mắc nào liên quan đến "Truy cứu trách nhiệm hình sự là gì? Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là bao lâu?" hoặc các vấn đề pháp lý khác để được tư vấn, giải đáp nhanh chóng. Luật Ánh Ngọc rất mong khi nhận được sự phản hồi của Qúy khách. Xin cảm ơn!