Trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp và đa dạng, việc lập và thực hiện hợp đồng dịch vụ nghiêm túc đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho hai bên tham gia đều đạt được lợi ích tối ưu. Vậy làm thế nào để bảo vệ quyền lợi và tránh các tranh chấp có thể xảy ra cũng như đảm bảo rằng việc tuân thủ thực hiện hợp đồng đúng và đầy đủ theo các quy định pháp luật?
1. Hợp đồng dịch vụ là gì
1.1. Khái niệm Hợp đồng dịch vụ
Công ty TNHH A là công ty chuyên cung cấp các nguyên liệu về bao bì, bìa, hộp carton. công ty TNHH B là công ty chuyên sản xuất sữa dành cho trẻ em. Công ty B muốn tìm một công ty sản xuất loại hôp giấy để chứa đựng loại sữa do công ty A sản xuất. Do đó, hai bên ký kết hợp đồng dịch vụ về cung cấp số lượng hộp giấy đựng sữa. Trong đó công ty A sẽ cung cấp các loại hộp giấy theo yêu cầu và thiết kế của công ty B, công ty B sẽ phí dịch vụ cho việc cung cấp hộp sữa đó cho công ty B. Đó chính là một ví dụ về hợp đồng dịch vụ.
Như vậy, Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa Bên A và Bên B, theo đó Bên A cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, Bên B sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên A cung ứng dịch vụ.
Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Trong trường hợp vi phạm, hợp đồng dịch vụ có thể bị vô hiệu, đồng thời các bên tham gia hợp đồng có thể phải đối mặt với các hậu quả và chịu trách nhiệm pháp lý theo luật quy định.
1.2. Một số loại hợp đồng dịch vụ
Một số ví dụ khác về các loại hợp đồng dịch vụ phổ biến:
- Hợp Đồng Dịch Vụ Kỹ Thuật:
Các công ty công nghệ thường ký hợp đồng dịch vụ kỹ thuật với nhà cung cấp dịch vụ để nhận hỗ trợ kỹ thuật hoặc bảo trì sản phẩm hoặc phần mềm. Hợp đồng này có thể bao gồm việc cung cấp hỗ trợ qua điện thoại hoặc trực tuyến, việc cài đặt và cấu hình sản phẩm, cung cấp các bản cập nhật và bảo trì định kỳ.
- Hợp Đồng Dịch Vụ Tư Vấn:
Các chuyên gia tư vấn hoặc công ty tư vấn thường ký hợp đồng dịch vụ tư vấn với khách hàng để cung cấp kiến thức và lời khuyên trong một lĩnh vực cụ thể. Hợp đồng này có thể xác định phạm vi dịch vụ tư vấn, thời gian thực hiện dự án, mức giá, và mọi cam kết về bảo mật thông tin.
- Hợp Đồng Dịch Vụ Vận Chuyển:
Các công ty vận tải thường ký hợp đồng dịch vụ vận chuyển với khách hàng để vận chuyển hàng hóa hoặc những dịch vụ liên quan đến vận chuyển. Hợp đồng này thường bao gồm thông tin về loại hàng hóa, địa điểm lấy hàng và giao hàng, thời gian giao hàng, và mức giá vận chuyển.
- Hợp Đồng Dịch Vụ Y Tế:
Các bác sĩ, bệnh viện hoặc cơ sở y tế có thể ký hợp đồng dịch vụ với bệnh nhân hoặc các công ty bảo hiểm y tế để cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Hợp đồng này có thể xác định các dịch vụ y tế cụ thể được cung cấp, phương thức thanh toán, và các quy định về quyền riêng tư và bảo mật.
- Hợp Đồng Dịch Vụ Tiếp Thị:
Các doanh nghiệp có thể ký hợp đồng dịch vụ tiếp thị trực tuyến với các công ty tiếp thị để tăng sự nhận diện thương hiệu và bán hàng trực tuyến. Hợp đồng này có thể xác định phạm vi các dịch vụ tiếp thị, ngân sách quảng cáo, mục tiêu tiếp thị, và thời gian thực hiện chiến dịch.
- Hợp Đồng Dịch Vụ Sửa Chữa:
Các công ty sửa chữa hoặc bảo dưỡng có thể ký hợp đồng dịch vụ sửa chữa với khách hàng để cung cấp dịch vụ sửa chữa cho thiết bị hoặc cơ sở hạ tầng. Hợp đồng này có thể xác định các loại thiết bị hoặc cơ sở cần sửa chữa, thời gian phục vụ, mức giá, và các cam kết về chất lượng công việc.
Các hoạt động quảng cáo ngày càng phổ biến. Chính vì vậy, hợp đồng dịch vụ quảng cáo là cơ sở để xác định rõ quyền và nghĩa vụ của bên thuê quảng cáo và bên cung cấp dịch vụ quảng cáo.
Các ví dụ trên chỉ là một số trong rất nhiều loại hợp đồng dịch vụ khác nhau, và mỗi hợp đồng sẽ có nội dung cụ thể dựa trên loại dịch vụ cung cấp và điều kiện của thỏa thuận giữa các bên.
Xem thêm bài viết tại:
Chiếm hữu ngay tình là gì và lợi ích thu được từ chiếm hữu ngay tình
Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phòng ngừa tranh chấp hợp đồng
2. Quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng dịch vụ
Việc xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dịch vụ là điều rất quan trọng để đảm bảo tính công bằng và tính minh bạch trong quá trình giao dịch mà còn là cơ sở để bảo vệ cho các bên nếu có tranh chấp xảy ra. Theo đó, các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng dịch vụ đã được quy định cụ thể trong bộ luật dân sự.
2.1. Bên cung ứng dịch vụ
2.1.1. Quyền của bên cung ứng dịch vụ
Thứ nhất, yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp các thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc.
Thứ hai, được phép điều chỉnh các điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải có sự đồng tình từ bên sử dụng nếu việc chờ ý kiến có thể gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, tuy nhiên, bên cung ứng dịch vụ phải thông báo kịp thời cho bên sử dụng dịch vụ.
Thứ ba, yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả phí dịch vụ theo đúng thỏa thuận. Nếu bên sử dụng không đáp ứng các yêu cầu thanh toán hoặc không tuân thủ các điều khoản và điều kiện trong hợp đồng bên cung cấp dịch vụ có thể từ chối hoặc tạm dừng cung cấp dịch vụ.
(Hình ảnh minh họa)
2.1.2. Nghĩa Vụ của bên cung cấp dịch vụ
Thứ nhất, đảm bảo rằng việc thực hiện công việc phải đáp ứng đúng chất lượng, số lượng, tuân thủ hoàn thành các quy định thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác trong hợp đồng. Nghĩa là bên cung ứng dịch vụ phải cung cấp các dịch vụ hoặc sản phẩm theo đúng chất lượng, không được thêm bớt số lượng mà không có sự đồng ý của bên còn lại, hoàn thành công việc theo đúng lịch trình, thời gian và địa điểm đã thống nhất theo quy định trong hợp đồng đã giao kết.
Thứ hai, không được giao công việc theo yêu cầu cho bên thứ ba hoặc người khác thực hiện thay khi không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ. Trường hợp bên sử dụng dịch vụ biết và đồng ý cho bên cung ứng dịch vụ giao công việc đó cho bên thứ ba thì bên cung ứng dịch vụ được phép chuyển giao công việc.
Thứ ba, khi bên cung cứng dịch vụ có sử dụng các thông tin và phương tiện mà bên sử dụng dịch vụ cung cấp thì bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ phải quản lý, bảo quản về số lượng, chất lượng và tình trạng, sử dụng đúng mục đích các tài liệu và phương tiện được giao đó trong suốt quá trình thực hiện công việc; và bàn giao, trả lại khi kết thúc công việc theo thỏa thuận.
Thứ tư, khi phát hiện các thông tin, tài liệu và phương tiện chưa được cung cấp đầy đủ dẫn đến không thể đảm bảo chất lượng để thực hiện và hoàn thành công việc, bên cung ứng dịch vụ phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ để có thể kịp thời cung cấp bổ sung nếu có hoặc cần thiết.
Thứ năm, đảm bảo thông báo trước thời điểm bắt đầu thực hiện công việc. Thời điểm thông báo có thể xác định trên cơ sở thỏa thuận của các bên hoặc theo tính chất của thông tin, tài liệu tròng trường hợp các bên không có thỏa thuận.
Thứ sáu, bảo mật thông tin trong quá trình thực hiện công việc. Bên cung ứng dịch vụ phải bảo mật bí mật thông tin trong thời gian thực hiện công việc, đặc biệt các dịch vụ có tính chất nhạy cảm, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người sử dụng dịch vụ như: dịch vụ y tế, dịch vụ pháp luật…. Việc này sẽ được hai bên cam kết và quy định trong thỏa thuận bảo mật.
Thứ bảy, bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin. Nếu bên cung ứng dịch vụ làm mất, hư hỏng các tài liệu, phương tiện được bên sử dụng dịch vụ giao hoặc có lỗi (có thể là lỗi vô ý hoặc lỗi cố ý) trong việc bảo mật thông tin gây ra thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ thì bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Đồng thời, bên sử dụng dịch vụ sẽ phải chứng minh có thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm của bên cung ứng dịch vụ thì mới có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2.2. Bên sử dụng dịch vụ
2.2.1. Quyền của bên sử dụng dịch vụ
Thứ nhất, yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác. Việc yêu cầu của bên sử dụng dịch vụ đặt ra tiêu chuẩn cho sự thực hiện của bên cung ứng dịch vụ và đảm bảo rằng họ nhận được giá trị tối ưu từ hợp đồng dịch vụ theo đúng các điều khoản đã thỏa thuận. Đồng thời khuyến khích bên cung ứng dịch vụ tập trung vào việc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ có chất lượng cao và tuân thủ các tiêu chuẩn đã cam kết hoặc quy định của luật pháp liên quan.
Thứ hai, Nếu phát hiện vi phạm nghĩa vụ từ bên cung ứng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Hành vi vi phạm nghiêm trọng là hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của bên kia, dẫn đến họ không thể đạt được lợi ích từ hợp đồng đã giao kết. Các hành vi này có thể là bên cung ứng dịch vụ không đáp ứng được chất lượng của dịch vụ hoặc sản phẩm theo cam kết, không thực hiện dịch vụ đúng thời hạn hoặc không cung cấp dịch vụ theo lịch trình đã thỏa thuận, hoặc vi phạm các điều khoản quan trọng khác trong hợp đồng.
Bên cạnh đó, bên sử dụng dịch vụ còn có nghĩa vụ thông báo cho bên cung ứng dịch vụ về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng, những phần nghĩa vụ trước đó mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện vẫn phải chuyển giao cho bên sử dụng, đồng thời bên sử dụng phải thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ phần nghĩa vụ đã hoàn thành.
Ngoài việc chấm dứt hợp đồng, bên sử dụng dịch vụ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại mà họ đã phải chịu do việc vi phạm từ bên cung cấp dịch vụ. Điều này đảm bảo rằng bên sử dụng dịch vụ không phải chịu những tổn thất trong trường hợp bên cung ứng dịch vụ không thực hiện nghĩa vụ của họ một cách nghiêm túc. Bên sử dụng dịch vụ sẽ phải chứng minh có thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm của bên cung ứng thì mới có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường thường thiệt hại được quy định theo thỏa thuận của các bên, dựa trên mức độ thiệt hại được xác định.
(Hình ảnh minh họa)
2.2.2. Nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ
Thứ nhất, cung cấp thông tin, các tài liệu liên quan và các phương tiện cần thiết đầy đủ, chính xác và dễ hiểu cho bên cung ứng dịch vụ.
Bên sử dụng dịch vụ sẽ phải cung cấp các thông tin có thể bao gồm yêu cầu, mục tiêu, và các thông tin liên quan đến dự án hoặc dịch vụ. Và bất kỳ tài liệu, tài sản, phương tiện hoặc tài liệu định kỳ nào cần thiết cho bên cung ứng dịch vụ để tạo điều kiện cho việc thực hiện công việc dược tốt nhất theo thỏa thuận hoặc theo yêu cầu của cấc bên.
Bên cạnh đó, bên sử dụng dịch vụ có trách nhiệm hỗ trợ bên cung cấp trong việc thực hiện công việc. Điều này có thể bao gồm cung cấp sự phê duyệt, phản hồi, hoặc hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết. Nếu có bất kỳ sự thay đổi trong yêu cầu hoặc thông tin cần thiết mà bên cung cấp cần biết để thực hiện công việc thì bên sử dụng dịch vụ cần thông báo cho bên cung ứng dịch vụ.
Thứ hai, trả phí dịch vụ cho bên cung ứng theo thỏa thuận. Bên sử dụng dịch vụ phải thanh toán tiền dịch vụ theo đúng số tiền, phương thức thanh toán và thời hạn mà hai bên đã thỏa thuận. Nếu nghĩa vụ thanh toán là định kỳ (ví dụ: hàng tháng), bên sử dụng dịch vụ cần theo dõi và đảm bảo rằng họ thực hiện thanh toán đúng lịch trình. Quên trả tiền có thể dẫn đến vi phạm hợp đồng và các hậu quả liên quan.
Lưu ý rằng, quyền và nghĩa vụ cụ thể có thể thay đổi dựa trên nội dung cụ thể của hợp đồng dịch vụ và các điều khoản đã thỏa thuận giữa các bên. Điều quan trọng là hai bên cần xác định rõ ràng các quyền và nghĩa vụ phải được thể hiện cụ thể trong hợp đồng để tránh những hiểu lầm hoặc tranh chấp.
3. Quy định về trả tiền dịch vụ
Để đảm bảo thêm quyền lợi cho hai bên và hợp đồng được thực hiện và tuân thủ nghiêm túc, Bộ luật Dân sự 2015 còn quy định về việc trả tiền dịch vụ khi giao kết hợp đồng dịch vụ như sau:
Thứ nhất, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ theo thỏa thuận.
Thứ hai, khi giao kết hợp đồng, giá dịch vụ được xác định căn cứ vào giá thị trường của dịch vụ cùng loại tại thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng nếu không có thỏa thuận về giá dịch vụ, phương pháp xác định giá dịch vụ và không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ.
Thứ ba, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ tại địa điểm thực hiện công việc khi hoàn thành dịch vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Thứ tư, trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt được như thỏa thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên sử dụng dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Có thể bạn quan tâm: Xử lý khi có tranh chấp về đề nghị giao kết hợp đồng
4. Các dạng rủi ro thường phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng và cách phòng tránh
Dưới đây là một số dạng rủi ro phổ biến thường gặp trong hợp đồng dịch vụ:
Rủi ro liên quan tới chủ thể tham gia giao kết hợp đồng
Khi giao kết hợp đồng, nếu chủ thể ký hợp đồng là người không đủ điều kiện và quyền hạn ký, dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu. Khi này sẽ có rất nhiều rủi ro cho bên đối tác nếu xảy ra tranh chấp hoặc chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng.
Rủi ro về đối tượng của hợp đồng
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu đối tượng mua bán nằm trong danh sách bị pháp luật cấm hoặc hạn chế, hoặc không đủ điều kiện để mua bán các bên có thể sẽ phải đối mặt với các rủi ro bị thu giữ các sản phẩm, phạt hoặc chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, cần tìm hiểu và lưu ý về sản phẩm, đối tượng mua bán. Ví dụ: Pháo nổ, chất kích thích, thuốc thuộc nhóm hàng đặc biệt, các nguyên vật liệu sản xuất bị nhà nước cấm như quặng bôxit,...
Rủi ro về mặt hình thức của hợp đồng
Khi hợp đồng được giao kết hợp pháp, ngoài tuân thủ những điều trên, hợp đồng còn phải tuân thủ các hình thức theo pháp luật quy định như công chứng/chứng thực hợp đồng nếu bắt buộc, phải xác lập thành văn bản đối với các hợp đồng đặc biệt theo quy định.... Và lẽ dĩ nhiên, trường hợp các bên thành lập hợp đồng dưới hình thức không phù hợp như trên thì hợp đồng vô hiệu.
Rủi ro liên quan đến nội dung, điều khoản của hợp đồng
Rủi ro liên quan đến nội dung điều khoản của hợp đồng là dạng rủi ro phổ biến nhất mà các chủ thể gặp trong thực hiện hợp đồng, bao gồm:
-
Rủi ro về điều khoản đối tượng
-
Rủi ro về điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng
-
Rủi ro liên quan tới khả năng thanh toán, thời hạn thực hiện
-
Rủi ro về điều khoản giải quyết tranh chấp
-
Rủi ro về điều khoản phạt vi phạm và điều khoản bồi thường
-
Rủi ro do đối tác vi phạm nghĩa vụ hợp đồng
Khi các rủi ro có thể xảy ra sẽ dẫn đến vi phạm hợp đồng và gây ra thiệt hại cho bên bị vi phạm. (tham khảo bài viết Vi phạm hợp đồng) Đồng thời, sẽ kéo theo các tranh chấp và các hậu quả pháp lý mà các bên phải gánh chịu. Đó là điều mà không bên nào mong muốn xảy ra, tuy nhiên khi giao kết hay thực hiện hợp đồng các bên cần phải chủ động tìm hiểu, sáng suốt để bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất và đạt được lợi ích tối ưu nhất, Luật Ánh Ngọc đưa một số cách giảm thiểu và phòng tránh các rủi ro như sau:
-
Xây dựng hợp đồng chặt chẽ về chủ thể giao kết, đối tượng của công việc
-
Xác định rõ các nội dung trong hợp đồng về nghĩa vụ, khả năng thanh toán, thời hạn công việc, phạt vi phạm, bồi thường,...
-
Thực hiện kiểm tra và đánh giá định kỳ về tiến trình và chất lượng của dịch vụ.
-
Bảo mật thông tin quan trọng và nhạy cảm của bạn khỏi sự truy cập trái phép hoặc rò rỉ thông tin.
-
Tư vấn với chuyên gia pháp lý để đảm bảo rằng hợp đồng của bạn tuân thủ các quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi của bạn.
-
Nắm rõ các quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời tuân thủ thực hiện hợp đồng nghiêm túc theo thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.
-
Tham khảo các hợp đồng dịch vụ trước đó.
Trên đây là bài viết pháp lý về Hợp đồng dịch vụ: Bảo vệ quyền lợi và tránh rủi ro cho các bên mà Công ty Luật Ánh Ngọc cung cấp cho bạn đọc. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hoặc muốn tìm hiểu sâu về vấn đề này, vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.