Chiếm hữu ngay tình là gì và lợi ích thu được từ chiếm hữu ngay tình


Chiếm hữu ngay tình là gì và lợi ích thu được từ chiếm hữu ngay tình

Một trong những yếu tố quan trọng để thể hiện sự sở hữu của một người đối với một vật, tài sản là quyền chiếm hữu. Nhưng không phải lúc nào việc chiếm hữu cũng khẳng định người đó có quyền sở hữu đối với tài sản? Đó là lý do vì sao pháp luật đặt ra quy định “chiếm hữu ngay tình”. Vậy chiếm hữu ngay tình là gì? Chiếm hữu ngay tình khác gì với chiếm hữu không ngay tình? Việc chiếm hữu ngay tình mang lại những lợi ích gì cho người đang nắm giữ, quản lý tài sản? Trong phạm vi bài viết hôm nay, Luật Ánh Ngọc cung cấp một số thông tin để làm rõ.

1. Chiếm hữu ngay tình là gì

Theo quy định tại Điều 278 Bộ luật dân sự, chiếm hữu được hiểu là quyền năng của chủ thể được nắm giữ, chi phối tài sản như là có quyền đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của pháp luật, xã hội. Có nghĩa là một người chỉ coi là có quyền chiếm hữu tài sản khi họ biểu hiện ra bên ngoài là một người đang có quyền hợp pháp với tài sản đó.

Chủ thể của quyền chiếm hữu bao gồm chủ sở hữu, người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản và người được chủ sở hữu giao tài sản thông qua các giao dịch hợp pháp.

Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đó. Bên cạnh thuật ngữ “ngay tình” còn có chiếm hữu không ngay tình. Chiếm hữu không ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu biết rõ hoặc đáng lẽ ra phải biết việc nắm giữ, chi phối tài sản là không có căn cứ pháp luật. Do đó, người chiếm hữu không ngay tình sẽ không được pháp luật bảo vệ, không thể trở thành chủ sở hữu tài sản và buộc phải chấm dứt việc chiếm hữu tài sản trên thực tế.

Việc nắm giữ, chi phối tài sản có thể diễn ra trực tiếp hoặc gián tiếp. Nắm giữ, chi phối tài sản trực tiếp là việc người chiếm giữ bằng hành vi của mình cầm giữ, tác động lên tài sản theo ý chí, mong muốn của mình. Quyền chiếm hữu được thực hiện gián tiếp là việc chủ thể thực hiện việc chi phối tài sản thông qua hành vi của người khác, khi chủ sở hữu giao tài sản cho người khác nhưng không chuyển quyền sở hữu cho họ.

2. Đặc điểm của chiếm hữu ngay tình là gì ?

Đặc điểm của chiếm hữu ngay tình
Đặc điểm của chiếm hữu ngay tình là gì
  • Có tồn tại việc chiếm hữu trên thực tế. Một người chiếm hữu tài sản là khi người đó nắm giữ, chi phối tài sản. Nắm giữ tài sản là việc họ khống chế tài sản về mặt thực tế. Người chiếm giữ tự mình nắm giữ, cầm giữ tài sản một cách minh bạch, công khai, liên tục. Bằng khả năng, hành vi của mình, người chiếm hữu tác động vào tài sản theo mong muốn của mình trong một giới hạn theo pháp luật quy định. Chi phối tài sản là việc người đó quản lý, tác động vào tài sản trên phương diện pháp lý. Nghĩa là dù tài sản đã được chuyển giao sang cho người khác cầm giữ, người chiếm giữ tài sản vẫn tiếp tục được chi phối, giám sát tài sản.
  • Người chiếm hữu tài sản có căn cứ cho rằng mình có quyền đối với tài sản chiếm hữu. Người chiếm hữu nhận thức, tin tưởng họ có quyền nắm giữ, chi phối đối với tài sản. Về mặt chủ quan, họ tin rằng mình là chủ sở hữu đối với tài sản đó. Người chiếm hữu không biết hoặc không thể biết việc chiếm hữu là không có căn cứ pháp luật. 
  • Người chiếm giữ tài sản ngay tình được suy đoán là ngay tình. Sự suy đoán này dựa trên cơ sở sự chiếm hữu thực tế đối với tài sản của người sở hữu, bao gồm:
    • Người chiếm hữu là người kiểm soát thực tế tài sản nhưng thừa nhận mình không có quyền sở hữu đối với tài sản. Việc chiếm hữu dựa trên ý chí của chủ sở hữu.
    • Người chiếm hữu tài sản dựa trên quy định của pháp luật hoặc thông qua các hành vi bất hợp pháp. Họ chiếm giữ tài sản và cũng mong muốn chiếm hữu tài sản theo ý chí của mình.
    • Người nào cho rằng người chiếm hữu tài sản không ngay tình thì phải chứng minh để phủ nhận quyền chiếm hữu thực tế của người đang nắm giữ tài sản.

3. Các hình thức chiếm hữu ngay tình là gì

Việc chiếm hữu ngay tình chỉ căn cứ vào sự suy đoán của người chiếm hữu, nghĩa là họ có căn cứ tin rằng mình có quyền đối với tài sản đó. Dựa vào đặc điểm này, ta có thể chia chiếm hữu ngay tình thành chiếm hữu có căn cứ pháp luật ngay tìnhchiếm hữu không có căn cứ pháp lý nhưng ngay tình.

  • Chiếm hữu có căn cứ pháp luật ngay tình là việc người chiếm hữu biết việc chiếm hữu, nắm giữ tài sản là có căn cứ pháp luật, đó là các trường hợp:
    • Là chủ sở hữu của tài sản thông qua các hoạt động mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp.
    • Người chiếm hữu phát hiện và chiếm giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, chôn, giấu, bị chìm đắm.
    • Người chiếm giữ là người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc.
  • Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật ngay tình là việc chiếm hữu của một người không có căn cứ pháp luật nhưng người đó không biết và không thể biết việc chiếm hữu là không có căn cứ pháp luật, ví dụ như mua tài sản do phạm tội mà có nhưng không biết và không thể biết tài sản đó là tang vật,…

4. Một số lợi ích thu được từ việc chiếm hữu ngay tình là gì

Một số lợi ích thu được từ chiếm hữu ngay tình
Một số lợi ích thu được từ chiếm hữu ngay tình
  • Tạo sự suy đoán có lợi cho người chiếm hữu mỗi khi có tranh chấp về quyền đối với tài sản. Khi xảy ra tranh chấp về quyền đối với tài sản, người chiếm hữu ngay tình được ưu tiên thừa nhận là người có quyền đối với tài sản. Việc chứng minh người đó không có quyền thuộc về người tranh chấp người người chiếm hữu. Kể cả chủ sở hữu của tài sản phủ nhận quyền của người chiếm hữu tài sản thì cũng phải đưa ra căn cứ chứng minh quyền sở hữu tài sản của mình cũng như chứng minh người đang chiếm hữu không có quyền đối với tài sản.
  • Nhờ sự suy đoán mà người chiếm hữu được hưởng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản mà không cần chứng minh sự ngay tình của mình, được hưởng thời hiệu xác lập sở hữu mà không cần chứng minh. Tuy nhiên, để được hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản mang lại, người chiếm hữu tài sản ngay tình phải chiếm hữu tài sản liên tục, công khai.
  • Nếu phát sinh tranh chấp về sự chiếm hữu, người chiếm hữu được pháp luật bảo vệ thông qua yêu cầu khởi kiện buộc người xâm phạm phải chấm dứt hành vi chiếm hữu, trả lại tài sản cho người chiếm hữu và bồi thường thiệt hại.
  • Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức nếu giao dịch dân sự vô hiệu. Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại, do chính tài sản tạo ra không có sự tác động của con người, lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản. Giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; hoặc một bên trong giao dịch là người chưa thành niên, người mất hoặc khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; một bên trong giao dịch bị lừa dối, đe doạn, cưỡng ép,…
  • Người chiếm giữ tài sản ngay tình được xác lập quyền sở hữu tài sản theo thời hiệu nếu việc chiếm giữ tài sản công khai, liên tục trong một thời gian nhất định. Chiếm giữ tài sản công khai là việc người chiếm hữu sử dụng tài sản minh bạch, không giấu diếm, sử dụng theo công năng, tính chất của tài sản và bảo quản, giữ gìn tài sản đó như tài sản của chính mình. Tính liên tục thể hiện ở việc người chiếm hữu tài sản sử dụng tài sản trong khoảng thời gian dài mà không có bất kỳ tranh chấp nào về quyền đối với tài sản đó, hoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một quyết định, bản án có hiệu lực của pháp luật. Nghĩa là, trong khoảng thời gian giải quyết, người chiếm hữu tài sản vẫn mặc nhiên được thừa nhận là người có quyền đối với tài sản. Nếu người chiếm hữu ngay tình, công khai, liên tục động sản trong 10 năm hoặc bất động sản trong 30 năm thì người chiếm giữ không có căn cứ pháp luật được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó.
  • Đối với người chiếm hữu ngay tình là người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự vô hiệu. Người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự vô hiệu là người được chuyển giao tài sản thông qua một giao dịch mà người đó không biết, không buộc biết tài sản đó do người chuyển giao có được từ một giao dịch dân sự vô hiệu như người chuyển giao không có quyền sở hữu đối với tài sản, có sự lừa dối, giả tạo,… Bản thân người thứ ba ngay tình trung thực, ngay thẳng và không có lỗi dẫn đến giao dịch dân sự vô hiệu. Nếu tài sản trong giao dịch dân sự đó là tài sản phải đăng ký và đã chuyển giao cho người thứ ba thì giao dịch với người thứ ba ngay tình vẫn có hiệu lực. Nghĩa là việc người thứ ba chiếm hữu tài sản là có căn cứ, trừ khi giao dịch dân sự có đền bù. Giao dịch dân sự có đền bù là giao dịch mà sau khi thực hiện nghĩa vụ, bên thực hiện nghĩa vụ sẽ nhận được lợi ích vật chất (vật, tiền) từ phía bên kia.
  • Trong trường hợp bị đòi lại tài sản, người chiếm hữu ngay tình có quyền được thanh toán những chi phí đã bỏ ra để bảo quản và tăng giá trị cho tài sản chiếm hữu.

Ngoài ra, việc chiếm hữu ngay tình còn giúp cho người chiếm hữu tài sản tránh khỏi mọi quấy nhiễu từ bên ngoài khi mặc nhiên thừa nhận họ có quyền đối với tài sản, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích của người chiếm hữu.

5. Đòi lại tài sản của người chiếm hữu ngay tình là gì?

Đòi lại tài sản của người chiếm hữu ngay tình
Đòi lại tài sản của người chiếm hữu ngay tình là gì

Trong trường hợp người chiếm hữu tài sản ngay tình nhưng không có căn cứ pháp luật, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản. Việc đòi lại tài sản có được hay không phụ thuộc vào nguồn gốc có được tài sản, tính chất ngay tình trong chiếm hữu.

  • Đối với động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản nếu người chiếm hữu có được tài sản thông qua giao dịch không đền bù như tặng cho, thừa kế hoặc có đền bù nếu tài sản đó là tài sản bị mất, bị đánh cắp,…. Như vậy, dù người thứ ba có chiếm hữu ngay tình nhưng cũng không được pháp luật bảo về và phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu.
  • Đối với động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản trừ trường hợp tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền hoặc thông qua bán đấu giá,..
  • Việc đòi lại tài sản chỉ áp dụng đối với người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình và chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp phải chứng minh được tài sản được chiếm giữ không có căn cứ pháp luật là tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp của mình.
  • Khi hoàn trả tài sản, người chiếm hữu không có căn cứ pháp lý nhưng ngay tình phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc chiếm hữu của mình là không có căn cứ pháp luật và được thanh toán chi phí để bảo quản, quản lý hoặc gia tăng giá trị của tài sản.

Có thể bạn quan tâm:

Nói tóm lại, chiếm hữu ngay tình là việc một người được nắm giữ, chi phối, tác động lên tài sản như thể là họ có quyền đối với tài sản đó. Họ tin rằng và có căn cứ cho rằng mình có quyền đối với tài sản. Chính tính chất “ngay tình” đã tạo cơ hội cho người chiếm hữu tài sản được bảo vệ quyền lợi của mình khi mặc nhiên thừa nhận họ là người có quyền đối với tài sản khi phát sinh tranh chấp.

Trên đây là toàn bộ thông tin giải đáp của Luật Ánh Ngọc về câu hỏi "Chiếm hữu ngay tình là gì" và những lợi ích của nó đem lại. Nếu độc giả còn có những khúc mắc trong việc xác định việc chiếm hữu có ngay tình hay không, giải quyết tranh chấp liên quan đến chiếm hữu tài sản,…hoặc những vấn đề khác về hôn nhân gia đình, thương mại,… xin vui lòng liên hệ Luật Ánh Ngọc để được hướng dẫn, hỗ trợ nhanh nhất.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.