1. Pháp nhân là gì?
Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định rõ ràng các điều kiện để một tổ chức được coi là một pháp nhân. Từ những điều kiện đó và các văn bản, quy định pháp luật liên quan, có thể rút ra được khái niệm về pháp nhân như sau:
Pháp nhân là một tổ chức độc lập, thống nhất, được thành lập và có hoạt động hợp pháp, có tài sản của riêng mình và chịu trách nhiệm bằng tài sản đó. Khi tham gia vào các quan hệ pháp luật, pháp nhân sẽ nhân danh mình tham gia các quan hệ đó một cách độc lập.
2. Các loại pháp nhân
Theo quy định tại Điều 75 và Điều 76 của Bộ luật dân sự năm 2015, có hai loại pháp nhân đó là pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Tuy đều là pháp nhân nhưng vì căn cứ vào sự khác nhau về nhiệm vụ, mục đích hoạt động, hình thức sở hữu và các yếu tố khác thì những pháp nhân được phân chia riêng biệt theo những đặc tính đó của mình.
2.1. Pháp nhân thương mại (Điều 75 Bộ luật dân sự năm 2015)
Đầu tiên, khoản 1 Điều 75 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định pháp nhân thương mại là pháp nhân đáp ứng được đầy đủ hai điều kiện: một là có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; hai là lợi nhuận được chia cho các thành viên. Như vậy, nếu tổ chức không đáp ứng được một trong hai hoặc cả hai điều kiện trên thì không phải là pháp nhân thương mại.
Các pháp nhân thương mại này tồn tại với những tên gọi riêng biệt, khác nhau, đó có thể là doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác hoặc các hợp tác xã,…Mục đích của các pháp nhân dạng này là hướng tới các hoạt động kinh doanh, mua bán, thương mại. Và tùy theo từng trường hợp cụ thể thì mỗi pháp nhân thương mại sẽ được thành lập theo những trình tự, thủ tục khác nhau.
Ví dụ về pháp nhân thương mại: Công ty H được thành lập trong lĩnh vực giáo dục – tư vấn, giảng dạy tiếng anh pháp lý; tư vấn du học ngành luật. Mục tiêu chính của Công ty H là tìm kiếm được nguồn thu, lợi nhuận từ các hoạt động giảng dạy, tư vấn tiếng anh pháp lý, tư vấn du học ngành luật và các thành viên, nhân viên thuộc các bộ phận tương ứng của công ty H được hưởng những lợi nhuận kiếm được từ các hoạt động đó nên công ty H là một pháp nhân thương mại.
Có thể thấy rằng tuy tài sản của các pháp nhân này thuộc các hình thức sở hữu tài sản khác nhau nhưng chúng đều được coi là tài sản riêng của các pháp nhân đó và chính vì vậy mà các pháp nhân thương mại sẽ phải chịu trách nhiệm với tài sản riêng đó của mình.
Cuối cùng, việc các pháp nhân thương mại này được thành lập, hoạt động hay chấm dứt thì đều phải tuân thủ theo các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan đến vấn đề này.
2.2. Pháp nhân phi thương mại (Điều 76 Bộ luật dân sự năm 2015)
Trái ngược lại với pháp nhân thương mại, pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận mà nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Như vậy, trong hoạt động của pháp nhân phi thương mại, mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận chỉ là mục tiêu phụ. Và mặc dù không có chủ đích tìm kiếm lợi nhuận nhưng trong quá trình hoạt động của các pháp nhân này vẫn có thể phát sinh lợi nhuận. Tuy vậy, các thành viên là cá nhân hoạt động trong pháp nhân phi thương mại này chỉ có thể được hưởng lương theo quy chế chi tiêu nội bộ của pháp nhân phù hợp với quy định của pháp luật. Trường hợp nếu năm tài chính của pháp nhân mà thu nhập được dư lợi nhuận thì số lợi nhuận dư ra này cũng không được đem đi chia cho các thành viên mà sẽ phải sử dụng vào việc đầu tư để tiếp tục phát triển, hoàn thiện pháp nhân.
Tiếp đó, nói đến pháp nhân phi thương mại tức là nói đến các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.
Ví dụ như: quỹ từ thiện cho trẻ em khuyết tật, tự kỉ A mặc dù có thể thu được nhiều lợi nhuận trong hoạt động kinh tế nhưng những lợi nhuận thu được này chỉ sử dụng với mục đích để duy trì tôn chỉ của quỹ là giúp đỡ, hỗ trợ cho trẻ em tự kỉ, khuyết tật, duy trì việc tổ chức các hoạt động của quỹ chứ không được phân chia cho các thành viên trong quỹ.
Còn về việc các pháp nhân phi thương mại này được thành lập, hoạt động hay chấm dứt thì cũng đều phải tuân thủ, thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan đến vấn đề này.
3. Trách nhiệm của pháp nhân
3.1. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân
Điều 87 Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định rất rõ về các trách nhiệm dân sự của pháp nhân. Theo đó, trước hết, khi người đại diện có các hoạt động liên quan đến việc xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ của pháp nhân nhân danh pháp nhân thì sẽ phát sinh trách nhiệm dân sự của pháp nhân. Và khi sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện nghĩa vụ để thành lập, đăng ký pháp nhân thì cũng làm phát sinh trách nhiệm dân sự của pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Ví dụ: Trước khi thành lập công ty A, các thành viên sáng lập của công ty A phải thực hiện rất nhiều thủ tục liên quan đến việc thành lập công ty như: bàn bạc, thỏa thuận về điều lệ, vốn góp, thực hiện các giao dịch cho việc thành lập pháp nhân nên sau khi công ty A được chính thức thành lập, thì công ty A phải thực hiện các nghĩa vụ mà các thành viên sáng lập công ty hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập nên.
Tiếp đó, pháp nhân sẽ sử dụng tài sản riêng của mình để chịu trách nhiệm dân sự. Việc chịu trách nhiệm dân sự của pháp nhân là độc lập, không liên quan đến trách nhiệm dân sự của cá nhân là thành viên của pháp nhân khi cá nhân đó tự xác lập nghĩa vụ và thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp pháp luật quy định khác. Và ngược lại, cá nhân là thành viên của pháp nhân sẽ không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân khi pháp nhân tự xác lập, thực hiện nghĩa vụ, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.
Xem thêm: Trách nhiệm hình sự của pháp nhân
3.2. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân
3.2.1. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Trước hết, theo khoản 2 Điều 2 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì chỉ có pháp nhân thương mại nào phạm một tội quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Có thể thấy rằng, mặc dù Bộ luật dân sự năm 2015 quy định hai loại pháp nhân nhưng chỉ có pháp nhân thương mại mới phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có hành vi vi phạm trên còn bộ luật hình sự hiện hành không quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân phi thương mại.
Căn cứ vào Điều 75 Bộ luật hinh sự hiện hành, pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi đáp ứng đủ các điều kiện như sau:
Thứ nhất, hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại. Điều kiện này có thể hiểu theo hai trường hợp. Trường hợp đầu tiên là một cá nhân thực hiện công việc được pháp nhân thương mại giao cho hoặc ủy quyền thực hiện công việc. Khi thực hiện công việc này thì cá nhân đó nhân danh pháp nhân thương mại để thực hiện và vi phạm pháp luật. Còn trường hợp tiếp theo là người đứng đầu pháp nhân thương mại, người đại diện, người trong ban lãnh đạo, những người có quyền năng, sự kiểm soát và chỉ đạo pháp nhân thương mại nhân danh pháp nhân thương mại để thực hiện một công việc và vi phạm pháp luật. Sở dĩ có thể hiểu như vậy bởi vì một cá nhân bình thường trong pháp nhân thương mại không thể tự nhiên có được đầy đủ tư cách, đặc quyền để nhân danh pháp nhân thương mại thực hiện nhiệm vụ được mà họ phải được cấp trên ủy quyền thực hiện công việc thì mới được coi là nhân danh pháp nhân thương mại. Hoặc chính người đứng đầu, đại diện cho pháp nhân thương mại thì mới có sẵn đặc quyền để tự mình nhân danh pháp nhân thương mại thực hiện công việc;
Thứ hai, hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại. Điều kiện này nghĩa là khi một cá nhân được pháp nhân thương mại ủy quyền thực hiện một công việc với mục đích là đem lại lợi nhuận, gia tăng lợi ích, vì lợi ích của pháp nhân thương mại, hoặc người đại diện của pháp nhân thương mại nhân danh pháp nhân thương mại để thực hiện một công việc vì mục đích tương tự. Lợi ích ở đây có thể là về mặt vật chất, tiền bạc hoặc sự thăng tiến về vị thế, vị trí và lợi thế cho pháp nhân thương mại. Và khi thực hiện công việc này, các chủ thể nói trên bất chấp việc vi phạm pháp luật, miễn là công việc đó có thể đem lại được lợi ích cho pháp nhân thương mại. Trường hợp nếu cá nhân ngoài thực hiện công việc đem lại lợi ích cho pháp nhân thương mại ra mà còn thực hiện công việc vì lợi ích cá nhân thì pháp nhân sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân, còn cá nhân sẽ chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi có mục đích là lợi ích của cá nhân mình;
Thứ ba, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Trước hết là pháp nhân thương mại có chủ đích chỉ đạo, điều hành các cá nhân để thực hiện hành vi phạm tội, tức là các cá nhân không tự ý thực hiện mà có sự tham gia điều phối của pháp nhân thương mại đối với cá nhân để họ nhân danh pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội. Còn trường hợp kế tiếp là cá nhân trình bày ý kiến, dự định về việc làm phạm tội của mình và được pháp nhân thương mại chấp thuận, đồng ý cho cá nhân thực hiện hành vi phạm tội đó nhân danh pháp nhân thương mại. Tuy rằng trường hợp thứ hai này là do ý kiến, mục tiêu riêng của các cá nhân nhưng vì pháp nhân thương mại có tham gia chấp thuận nên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự;
Thứ tư, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này. Điều kiện này cho thấy thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại sẽ được áp dụng hoàn toàn giống với thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của cá nhân quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật hình sự hiện hành. Theo đó, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: đối với tội phạm ít nghiêm trọng là 05 năm; đối với tội phạm nghiêm trọng là 10 năm; đối với tội phạm rất nghiêm trọng là 15 năm; đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là 20 năm. Và thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Trường hợp nếu trong thời hạn trên, pháp nhân thương mại lại có hành vi phạm tội mới mà Bộ luật hình sự hiện hành quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù thì thời hiệu đối với tội cũ sẽ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Cần lưu ý một điều quan trọng là khi tiến hành xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại thì sẽ không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân nếu cá nhân đó đã thực hiện hành vi đủ để cấu thành một tội phạm cụ thể trong Bộ luật hình sự hiện hành.
3.2.2. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Căn cứ theo Điều 76 Bộ luật hình sự hiện hành thì pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm quy định tại một trong các điều: 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này. Như vậy, pháp nhân thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 33 tội danh như trên. Có thể phân loại các tội trên thành ba nhóm tội danh cụ thể như sau:
Thứ nhất, nhóm các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (gồm 22 tội): Điều 188 (Tội buôn lậu); Điều 189 (Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (Tội đầu cơ); Điều 200 (Tội trốn thuế); Điều 203 (Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ); Điều 209 (Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (Tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (Tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng); Điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã);
Thứ hai, nhóm các tội phạm về môi trường (gồm 9 tội): Điều 235 (Tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (Tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản); Điều 243 (Tội huỷ hoại rừng); Điều 244 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại);
Thứ ba, nhóm tội phạm xâm phạm trật tự công cộng (gồm 2 tội): Điều 300 (Tội tài trợ cho khủng bố); Điều 324 (Tội rửa tiền).
Xem thêm bài viết: Pháp nhân có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
4. Các loại hình phạt áp dụng đối với pháp nhân phạm tội
4.1. Hình phạt chính
Bộ luật hình sự hiện hành quy định có 03 hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại phạm tội:
Thứ nhất là phạt tiền (Điều 77): mức tiền phạt dành cho pháp nhân thương mại phạm tội được quyết định dựa vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.
Thứ hai là đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 78): khi áp dụng hình phạt này thì pháp nhân thương mại sẽ bị tạm dừng hoạt động trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế. Thời hạn đình chỉ hoạt động của pháp nhân thương mại phạm tội là từ 06 tháng đến 03 năm.
Thứ ba là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79): khi bị áp dụng hình phạt này thì pháp nhân thương mại sẽ phải chấm dứt hoạt động trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, sự cố môi trường hoặc ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục được hậu quả gây ra. Trường hợp nếu pháp nhân thương mại chỉ được thành lập với mục đích thực hiện tội phạm thì sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
4.2. Hình phạt bổ sung
Bộ luật hình sự hiện hành quy định có 03 hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội:
Thứ nhất là cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (Điều 80): hình phạt này được áp dụng khi xét thấy nếu kết án đối với pháp nhân thương mại được tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó thì có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe con người hoặc cho xã hội. Khi áp dụng hình phạt này, Tòa án sẽ quyết định lĩnh vực cụ thể mà pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động. Về thời hạn cấm pháp nhân thương mại kinh doanh, hoạt động trong một hoặc một số lĩnh vực nhất định là từ 01 năm đến 03 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Thứ hai là cấm huy động vốn (Điều 81): hình phạt này được áp dụng khi xét thấy nếu kết án đối với pháp nhân thương mại được huy động vốn thì có nguy cơ pháp nhân thương mại đó vẫn tiếp tục phạm tội. Có 05 hình thức cấm huy động vốn: (1) cấm vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc quỹ đầu tư; (2) cấm phát hành, chào bán chứng khoán; (3) cấm huy động vốn khách hàng; (4) cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; (5) cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản. Tòa án quyết định áp dụng một hoặc một số hình thức cấm huy động vốn nêu trên đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Thời hạn cấm pháp nhân thương mại phạm tội huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Thứ ba là phạt tiền (Điều 77): trường hợp nếu phạt tiền không được áp dụng làm hình phạt chính thì pháp nhân thương mại sẽ có thể nhận thêm hình phạt bổ sung là phạt tiền.
5. Nguyên tắc xử lý hình sự đối với pháp nhân phạm tội
Khoản 2 Điều 3 Bộ luật hình sự hiện hành quy định 04 nguyên tắc xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội:
Thứ nhất, mọi hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật. Nguyên tắc này thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, kiên quyết xử lý rõ ràng, hiệu quả tất cả những hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân thương mại để giữ gìn sự công bằng, bảo vệ được quyền lợi cho người dân và toàn thể xã hội.
Thứ hai, mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế. Nguyên tắc này có nghĩa là dù các pháp nhân thương mại phạm tội có hình thức sở hữu và thành phần kinh tế khác nhau, nhưng họ đều bình đằng với nhau về các quyền lợi và nghĩa vụ trong suốt quá trình giải quyết vụ án và trong cả quá trình tham gia tố tụng tại phiên tòa.
Thứ ba, nghiêm trị pháp nhân thương mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Có thể thấy rằng những pháp nhân thương mại có thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp hay cố tình gây ra hậu quả lớn, đặc biệt nghiêm trọng đều là những đối tượng vô cùng nguy hiểm đối với xã hội, có khả năng gây thiệt hại về vật chất, tài sản, thậm chí là sức khỏe, tính mạng của con người, cho nên những pháp nhân thương mại này nếu phạm tội hoặc thực hiện những hành vi gây nguy hiểm, nhiều hậu quả như trên phải bị trừng trị thích đáng, nghiêm ngặt để tăng tính giáo dục, răn đe và bảo vệ con người, xã hội.
Thứ tư, khoan hồng với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn, khắc phục hậu quả xảy ra. Nguyên tắc này thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật nước ta, tạo điều kiện thúc đẩy cho những pháp nhân thương mại phạm tội được tiến bộ tích cực, cố gắng hoàn thiện và phát triển theo hướng tốt để được giảm mức hình phạt. Những pháp nhân thương mại tích cực sửa chữa, chủ động thực hiện nghĩa vụ của mình thì luôn xứng đáng và sẽ được hưởng sự khoan hồng từ pháp luật.
Xem thêm: Xử lý hình sự đối với pháp nhân phạm tội
Trên đây là bài viết về vấn đề xử lý vi phạm, trách nhiệm và hình phạt của pháp nhân. Tham khảo thêm bài viết Quy định pháp luật về tội huỷ hoại rừng. Bạn đọc đang gặp phải vướng mắc và cần sự hỗ trợ pháp lý liên quan đến vấn đề này hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng: