1. Thế nào là vận tải hành khách?
Vận tải hành khách là hoạt động di chuyển người từ một địa điểm xuất phát đến một địa điểm đích bằng các phương tiện vận tải khác nhau. Hoạt động này thường được thực hiện bởi các đơn vị kinh doanh vận tải như doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.
Hiện nay, vận tải hành khách ngày càng được chú trọng bởi tiềm năng cũng như vị trí quan trọng của nó trong xã hội.
- Tăng trưởng kinh tế: Khi kinh tế phát triển và thu nhập của người dân tăng lên, nhu cầu đi lại, du lịch cũng tăng theo, tạo ra thị trường lớn cho vận tải hành khách.
- Phát triển du lịch: Ngành du lịch tăng trưởng mạnh mẽ kéo theo nhu cầu lớn về vận chuyển hành khách đến các điểm du lịch.
- Gia tăng dân số và đô thị hóa: Dân số tăng và xu hướng di cư về các đô thị lớn làm phát sinh nhu cầu di chuyển ngày càng cao cho mục đích làm việc, học tập, sinh hoạt và giải trí.
Tóm lại, sự phát triển của ngành này đã kéo theo sự quan tâm của nhiều người tới việc thành lập công ty vận tải hành khách.
2. Điều kiện thành lập công ty vận tải hành khách
Theo Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 158/2024/NĐ-CP thì để thành lập công ty vận tải hành khách, chủ thể có nhu cầu phải đảm bảo các điều kiện thành lập doanh nghiệp nói chung và điều kiện để hoạt động trong ngành nghề này nói riêng. Cụ thể:
2.1. Điều kiện thành lập doanh nghiệp
(a); Chủ thể thành lập: cần đáp ứng điều kiện
- Cá nhân đủ năng lực hành vi dân sự hoặc tổ chức có tư cách pháp nhân.
- Không được rơi vào trường hợp cấm của pháp luật như cán bộ, công chức, viên chức nhà nước,...
(b); Tên doanh nghiệp: Theo Luật Doanh nghiệp 2020, tên của công ty phải bao gồm 2 bộ phận: loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Bên cạnh đó, tên đặt không được trùng, gây nhầm lẫn với tên công ty đã thành lập trước đó.
Đồng thời, tên của công ty cũng không được rơi vào điều cấm của luật như sử dụng tên của cơ quan nhà nước khi chưa được sự cho phép….
(c); Vốn điều lệ: Theo Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Đối với các ngành không đặt ra quy định về mức vốn pháp định thì việc để vốn điều lệ bao nhiêu phụ thuộc vào quy mô và nhu cầu kinh doanh của chính doanh nghiệp.
(d); Trụ sở chính: Theo Điều 42 Luật doanh nghiệp 2020 thì trụ sở chính của doanh nghiệp phải đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải có quyền sử dụng hợp pháp với địa điểm đặt trụ sở chính.
(d); Mã ngành nghề: Doanh nghiệp được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Do vậy, để hoạt động vận tải hành khách, công ty cần đăng ký mã ngành phù hợp với cơ quan chức năng.
Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg thì để thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, doanh nghiệp có thể đăng ký những mã ngành sau:
STT |
Mã ngành |
Tên ngành |
1 |
4932 |
Vận tải hành khách đường bộ khác (trừ vận tải bằng xe buýt theo tuyến cố định) |
2 |
4931 |
Vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định |
3 |
5011 |
Vận tải hành khách ven biển và viễn dương Chi tiết: Hoạt động của tàu thuyền du lịch hoặc thăm quan. |
4 |
5229 |
Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải |
2.2. Điều kiện hoạt động công ty vận tải hành khách
Theo Nghị định 158/2024/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách phải đáp ứng các điều kiện để hoạt động ngành nghề này. Cụ thể:
(a); Điều kiện chung:
Căn cứ Điều 13 Nghị định 158/2024/NĐ-CP thì trường hợp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, pháp luật yêu cầu xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã.
- Lắp thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
- Có sức chứa từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) và không quá 15 năm đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300km, còn lại không quá 20 năm đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định.
- Có sức chứa trên 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) không quá 15 năm đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300km, còn lại không quá 20 năm. Nếu sức chứa dưới 08 chỗ thì niên hạn sử dụng không quá 12 năm với vận tải hành khách theo hợp đồng.
- Có sức chứa từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) và có niên hạn sử dụng không quá 20 năm với vận tải hành khách bằng xe buýt.
- Có sức chứa dưới 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm với vận tải hành khách bằng xe taxi.
Bên cạnh đó, trường hợp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe bốn bánh có gắn động cơ, phương tiện cần đáp ứng điều kiện sau:
- Xe thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe bốn bánh có gắn động cơ với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe bốn bánh có gắn động cơ thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã.
- Xe phải có niên hạn sử dụng không quá 20 năm.
(b); Điều kiện về phù hiệu phương tiện vận tải: Theo Nghị định 158/2024/NĐ-CP thì tùy loại hình mà yêu cầu về phù hiệu có sự khác nhau. Cụ thể:
- Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định: có phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe.
- Đối với xe ô tô sử dụng để vận tải trung chuyển hành khách: có phù hiệu “XE TRUNG CHUYỂN” dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe.
- Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt: có phù hiệu “XE BUÝT” được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe.
- Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi: có phù hiệu “XE TAXI” được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định.
- Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng: có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe và phải niêm yết đầy đủ các thông tin khác trên xe.
>>>> Xem thêm bài viết: Thành lập công ty vận tải ở Việt Nam
3. Hồ sơ cần chuẩn bị để thành lập công ty vận tải hành khách
Để đặt nền móng cho quy trình diễn ra thuận lợi thì khâu chuẩn bị hồ sơ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Theo đó, chủ thể muốn thành lập công ty vận tải hành khách cần chuẩn bị 02 bộ hồ sơ sau:
3.1. Hồ sơ xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị định 01/2021/NĐ-CP và Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT, bộ hồ sơ xin Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh gồm các giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp vận tải hành khách theo Mẫu I-2 ban hành kèm theo Thông tư này.
- Điều lệ công ty vận tải hành khách.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và chủ sở hữu công ty. Hoặc bản sao giấy tờ pháp lý và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền nếu là đại diện theo ủy quyền.
3.2. Hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Theo Nghị định 158/2024/NĐ-CP, để xin Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, chủ thể có nhu cầu cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.
- Bản sao hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản chính các giấy tờ sau: Văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải; Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ bộ phận quản lý an toàn của doanh nghiệp; Quyết định giao nhiệm vụ đối với người điều hành vận tải.
>>>> Xem thêm bài viết: Thành lập công ty về giáo dục
4. Quy trình thành lập công ty vận tải hành khách
Căn cứ Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị định 01/2021/NĐ-CP và Nghị định 158/2024/NĐ-CP, quy trình thành lập công ty vận tải hành khách được thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký thành lập công ty vận tải hành khách
Sau khi chuẩn bị đủ giấy tờ, chủ thể nộp 01 bộ hồ sơ tới Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đặt trụ sở chính theo một trong hai hình thức sau:
- Trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Trực tuyến qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 2: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho chủ thể nộp hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan nhà nước ra thông báo bằng văn bản nêu rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người nộp hồ sơ.
Bước 3: Xin Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách
Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty vận tải hành khách cần xin Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo đó, sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ theo phân tích trên, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đến Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan nhà nước thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến doanh nghiệp.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan thực hiện cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho doanh nghiệp.
Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì cơ quan trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
5. Những thủ tục pháp lý cần hoàn thiện sau khi thành lập công ty vận tải hành khách
Sau khi thành lập công ty, để doanh nghiệp có thể đi vào hoạt động một cách bình thường thì chủ thể phải thực hiện các thủ tục sau:
- Công bố thông tin: Trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty có trách nhiệm tiến hành công bố thông tin về doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
- Khắc dấu công ty: Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty cần tiến hành khắc dấu pháp nhân. Mẫu dấu và thông tin về con dấu cần được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo tính pháp lý cho các giao dịch, ký kết hợp đồng và các văn bản do doanh nghiệp phát hành.
- Mua chữ ký số: Nhiều hoạt động liên quan đến thuế (như nộp tờ khai thuế, nộp thuế điện tử…) và các giao dịch trực tuyến khác hiện nay đều yêu cầu sử dụng chữ ký số. Do đó, doanh nghiệp nên hoàn thành thủ tục này sớm để thuận tiện cho các hoạt động sau này.
- Treo biển bảng: Sau khi được cấp mã số doanh nghiệp và mã số thuế, công ty có nghĩa vụ làm biển hiệu công ty và treo tại địa chỉ trụ sở chính đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Biển hiệu cần đảm bảo các thông tin cơ bản theo quy định.
- Đăng ký thuế: Sau khi hoàn tất thủ tục thành lập, doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế địa phương nơi đặt trụ sở chính. Đồng thời, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế theo quy định của pháp luật trong suốt quá trình hoạt động.
- Hóa đơn điện tử: Theo luật quản lý thuế 2019 thì hiện nay các doanh nghiệp bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử. Do đó, doanh nghiệp cần tiến hành mua hóa đơn điện tử từ các nhà cung cấp được cấp phép và thực hiện thủ tục thông báo phát hành hóa đơn điện tử với cơ quan thuế để có thể xuất hóa đơn cho khách hàng.
Trên đây là một số thủ tục Luật Ánh Ngọc đưa ra để hoàn thiện thêm quy trình thành lập công ty vận tải hành khách, quý bạn đọc có thể tham khảo và thực hiện để đảm bảo công ty hoạt động đúng pháp luật.
6. Câu hỏi thường gặp
Chi phí để thành lập công ty vận tải hành khách là bao nhiêu?
Để thành lập công ty vận tải hành khách, quý khách hàng dự trù những khoản phí sau:
- Lệ phí cấp giấy phép kinh doanh vận tải mới: 200.000 VND/lần cấp.
- Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp: 100.000 đồng.
- Lệ phí đăng ký doanh nghiệp: 50.000 đồng (trừ nộp trực tuyến).
Vận tải hành khách mà không lắp thiết bị giám sát hành trình bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ điểm c Khoản 6 Điều 20 Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì hành vi vận tải hành khách mà không lắp thiết bị giám sát hành trình có thể bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng
Thời gian trung bình để hoàn thành thủ tục thành lập công ty vận tải hành khách?
Để hoàn tất các thủ tục thành lập công ty vận tải hành khách, quý khách hàng thường mất trung bình 01 - 02 tháng.
Như vậy, qua bài viết về thành lập công ty vận tải hành khách, chúng tôi hy vọng đã giải đáp được thắc mắc của quý khách hàng. Nếu có thắc mắc cần giải quyết hãy liên hệ ngay với Luật Ánh Ngọc để được tư vấn miễn phí!