Cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô: Quy trình và Yêu cầu


Cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô: Quy trình và Yêu cầu
Qua bài viết dưới đây của Luật Ánh Ngọc, hy vọng rằng Qúy khách hàng sẽ có cái nhìn tổng quan về quy trình và yêu cầu để cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Điều này sẽ giúp Qúy khách hàng nắm bắt thông tin cần thiết và chuẩn bị tốt hơn khi tiến hành thủ tục xin cấp giấy phép cho doanh nghiệp của mình.

1. Thế nào là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô?

 

Thế nào là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Thế nào là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Đơn vị kinh doanh vận tải bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là hoạt động kinh doanh liên quan đến việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa hoặc người bằng xe ô tô. Người kinh doanh trong lĩnh vực này sở hữu và điều hành một hoặc nhiều xe ô tô để chuyên chở hàng hóa từ một địa điểm đến địa điểm khác, hoặc chở khách đi lại giữa các địa điểm. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đòi hỏi người kinh doanh phải có kiến thức về quản lý vận tải, quy định pháp luật liên quan đến an toàn giao thông và vận tải, cũng như quản lý tài chính và khách hàng.

2. Các hình thức kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là một hoạt động kinh doanh được quy định và quản lý chặt chẽ bởi pháp luật liên quan. Tùy vào từng hình thức kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, pháp luật sẽ có những quy định cụ thể để đảm bảo hoạt động kinh doanh được thực hiện đúng quy trình và đáp ứng yêu cầu đầy đủ về an toàn giao thông, quyền lợi của khách hàng và nhà kinh doanh. Dưới đây là một số hình thức kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật:

- Vận tải hàng hóa: Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô nhằm chuyển giao các loại hàng từ nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp đến khách hàng cuối cùng. Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa thường thuê hoặc sở hữu các xe ô tô và cung cấp dịch vụ vận chuyển cho các công ty sản xuất, nhà phân phối hoặc cá nhân.

- Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình nhất định. Các hình thức kinh doanh vận tải hành khách bao gồm: 

+ Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định, bao gồm tuyến xe buýt nội tỉnh và tuyến xe buýt liên tỉnh. Trong đó:

  •  Tuyến xe buýt nội tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
  •  Tuyến xe buýt liên tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của hai hoặc ba tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

+ Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử.

+ Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách bằng văn bản giấy hoặc điện tử (sau đây gọi là hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng điện tử) giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).

+ Kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng lữ hành bằng văn bản giấy hoặc điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe) để vận chuyển khách du lịch theo chương trình du lịch.

3. Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

3.1. Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô

Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô cần tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật như sau: 

(1) Phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã;

(2) Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải có sức chứa từ 09 chỗ trở lên (kể cả người lái xe) và có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300 ki-lô-mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống;

(3) Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt có niên hạn sử dụng không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất);

(4) Xe taxi phải có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất);

(5) Xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất). Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 300 ki-lô-mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống. Riêng xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách du lịch và xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) sử dụng hợp đồng điện tử có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).

(6) Trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:

  •  Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;
  •  Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.

(10) Không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

3.2. Điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

Pháp luật Việt Nam quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô nhằm đảm bảo các điều kiện về chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng hóa đến đúng địa chỉ, đúng thời gian, đúng số lượng cùng tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng. Ngoài ra, quy định điều kiện kinh doanh còn giúp tăng cường sự cạnh tranh trong ngành vận tải hàng hóa, cải thiện chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải. Thương nhân kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô cần đáp ứng các điều kiện theo quy định, như sau:

(1) Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã.

(2) Trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:

  •  Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;
  •  Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.

4. Thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

4.1. Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh

- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bao gồm:

  •  Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định 10/2020/NĐ-CP;
  •  Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải;
  •  Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử).

- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đối với hộ kinh doanh vận tải gồm:

  •  Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định 10/2020/NĐ-CP;
  •  Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh trong trường hợp thay đổi nội dung, bị mất hoặc bị hư hỏng, do bị thu hồi hoặc bị tước quyền sử dụng:

  • Đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh do thay đổi nội dung của Giấy phép kinh doanh, hồ sơ bao gồm: Giấy đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh trong đó nêu rõ lý do xin cấp lại theo mẫu quy định tại Phụ lục I củaNghị định 10/2020/NĐ-CP; Tài liệu chứng minh sự thay đổi của những nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều 17 của Nghị định này (việc thay đổi liên quan đến nội dung nào thì bổ sung tài liệu về nội dung đó).
  • Cấp lại Giấy phép kinh doanh do bị mất hoặc bị hư hỏng, hồ sơ gồm: Giấy đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
  • Cấp lại Giấy phép kinh doanh do bị thu hồi hoặc bị tước quyền sử dụng, hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình chuẩn bị hồ sơ như đối với trường hợp cấp mới giấp phép kinh doanh và tài liệu chứng minh việc khắc phục vi phạm là nguyên nhân bị thu hồi hoặc bị tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh.

4.2. Thủ tục cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh

- Thủ tục đối với trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh, cấp lại Giấy phép kinh doanh khi có sự thay đổi liên quan đến nội dung của Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép kinh doanh bị thu hồi, bị tước quyền sử dụng được:

  • Đơn vị kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đến cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ;
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thẩm định hồ sơ, cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.

- Thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh đối với trường hợp Giấy phép kinh doanh bị mất, bị hỏng:

  •  Đơn vị kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh đến Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ;
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thực hiện cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.

- Hình thức thực hiện:

  • Trực tiếp tại trụ sở cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh
  • Qua đường bưu điện
  • Qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải

5. Thu hồi Giấy phép kinh doanh

Thu hồi giấy phép kinh doanh là việc tước đi giấy phép kinh doanh của một doanh nghiệp vận tải trong các trường hợp không đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Thu hồi giấy phép kinh doanh được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và quyền lợi của khách hàng, cũng như quản lý hiệu quả ngành kinh doanh vận tải. Các trường hợp để thu hồi giấy phép kinh doanh bao gồm:

  •  Cung cấp bản sao không đúng với bản chính hoặc thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh: Đơn vị kinh doanh vận tải phải đảm bảo tính chính xác và đầy đủ của thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh. Nếu phát hiện có thông tin sai lệch hoặc cung cấp bản sao không đúng với bản chính, giấy phép kinh doanh sẽ bị thu hồi.
  • Không kinh doanh vận tải trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh vận tải trong thời gian 06 tháng liên tục: Đơn vị kinh doanh vận tải phải đảm bảo tính liên tục và nghiêm túc trong hoạt động kinh doanh vận tải. Nếu không kinh doanh trong vòng 6 tháng kể từ ngày cấp giấy phép hoặc ngừng kinh doanh trong vòng 6 tháng liên tục, giấy phép kinh doanh sẽ bị thu hồi.
  • Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải: Nếu giấy phép kinh doanh bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc do chính đơn vị kinh doanh vận tải đề nghị, giấy phép kinh doanh sẽ bị thu hồi.
  • Sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe trước, trong và sau khi truyền dữ liệu: Camera lắp trên xe là một trong những thiết bị quan trọng để đảm bảo an toàn giao thông cũng như quản lý hoạt động kinh doanh vận tải. Nếu đơn vị kinh doanh vận tải sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu hình ảnh từ camera trong quá trình truyền dữ liệu, giấy phép kinh doanh sẽ bị thu hồi.

Cơ quan có thẩm quyền: Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thu hồi Giấy phép kinh doanh do cơ quan mình cấp.

Trình tự thu hồi Giấy phép kinh doanh:

  •  Ban hành quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh;
  •  Gửi quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh cho đơn vị kinh doanh vận tải và phải đăng tải thông tin trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải;
  •  Báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thông báo quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh đến các cơ quan có liên quan để phối hợp thực hiện;
  •  Khi cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh ban hành quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh thì đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 07 ngày kể từ khi quyết định có hiệu lực phải nộp lại Giấy phép kinh doanh và phù hiệu, biển hiệu cho cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh, phải dừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh vận tải theo quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh ngay sau khi quyết định có hiệu lực.

Trong trường hợp giấy phép kinh doanh bị thu hồi, đơn vị kinh doanh vận tải sẽ không được phép tiếp tục hoạt động kinh doanh vận tải. Do đó, đơn vị cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo hoạt động thực hiện đúng quy trình, đáp ứng yêu cầu về an toàn giao thông và quyền lợi của chính khách hàng và nhà kinh doanh. Sau khi hết thời hạn tước quyền sử dụng, nếu đơn vị kinh doanh vận tải có nhu cầu tiếp tục tham gia kinh doanh vận tải thì phải làm thủ tục để được cấp lại Giấy phép kinh doanh. Trong thời gian đơn vị kinh doanh vận tải bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì Sở Giao thông vận tải không thực hiện cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải và các loại phù hiệu, biển hiệu đối với loại hình kinh doanh đã bị tước quyền sử dụng.

Hãy liên hệ ngay với Luật Ánh Ngọc nếu có bất kì thắc mắc nào liên quan đến Cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô: Quy trình và Yêu cầu hoặc các vấn đề pháp lý khác để được tư vấn, giải đáp nhanh chóng. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Ánh Ngọc.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.


Ý kiến

()
Bình luận
Các bình luận khác