1. Tiềm năng phát triển công ty may mặc
Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới, duy trì vị trí trong top 3 cùng với Trung Quốc và Bangladesh. Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam liên tục tăng trưởng qua các năm. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt khoảng 43,5 tỷ USD và tăng trưởng 11% so với năm 2023.
Những số liệu này phần nào chứng tỏ, ngành may mặc đang là thị trường có khá nhiều cơ hội, thu hút những doanh nghiệp mới vào phát triển. Do vậy, vấn đề thành lập công ty may mặc ngày càng được nhiều người quan tâm.
2. Điều kiện thành lập công ty may mặc
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, để thành lập công ty may mặc cần đáp ứng các điều kiện sau:
(a); Chủ thể thành lập: Theo Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, chủ thể thành lập phải là những người đảm bảo 02 yêu cầu sau:
- Có đủ năng lực hành vi dân sự (đối với cá nhân) hoặc có tư cách pháp nhân (đối với tổ chức).
- Không thuộc trường hợp cấm quản lý và thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam theo Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 (như là cán bộ, công chức nhà nước, sĩ quan, hạ sĩ quan…)
(b); Tên doanh nghiệp: Công ty may mặc phải đặt tên gồm 2 bộ phận: loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Trong đó, loại hình doanh nghiệp có thể ghi rõ hoặc viết tắt theo quy định pháp luật (như công ty TNHH, CTCP…). Cùng với đó, tên riêng là thành tố tạo tính độc nhất cho công ty khi thành lập.
Ví dụ: Công ty TNHH may mặc ABC…
(c); Trụ sở chính của doanh nghiệp: Theo Điều 42 Luật doanh nghiệp 2020, trụ sở chính của doanh nghiệp phải đặt trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, công ty phải có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm đặt trụ sở (qua hợp đồng thuê mướn hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
(d); Vốn điều lệ: May mặc là ngành nghề kinh doanh không có điều kiện, do vậy, pháp luật không đặt ra yêu cầu về mức vốn pháp định cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Việc vốn điều lệ cao hay thấp tùy theo quy mô kinh doanh cũng như khả năng tài chính của doanh nghiệp.
(e); Mã ngành nghề: Để thành lập công ty may mặc, mã ngành cần đăng ký cũng là điều kiện mà tổ chức, cá nhân có nhu cầu cần quan tâm. Theo Phụ lục Quyết định 27/2018/QĐ-TTg thì để hoạt động trong lĩnh vực may mặc, doanh nghiệp có thể đăng ký mã ngành sau:
- Mã ngành 1410 - May trang phục (trừ trang phục từ da lông thú).
- Mã ngành 1430 - Sản xuất trang phục dệt kim, đan móc.
- Mã ngành 4641 - Bán buôn vải, hàng may mặc, giày dép.
- Mã ngành 4771 - Bán lẻ hàng may mặc, giày dép, hàng da và giả da trong các cửa hàng chuyên doanh.
Trên đây là 05 điều kiện mà tổ chức, cá nhân có nhu cầu cần đáp ứng để thành lập công ty may mặc. Về cơ bản, nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên, chủ thể có thể thực hiện thủ tục thành lập công ty. Gọi ngay
3. Các bước thành lập công ty may mặc
Theo Luật doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP, quy trình thành lập công ty may mặc gồm các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Chủ thể có nhu cầu thành lập công ty may mặc cần chuẩn bị bộ hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp gồm các giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo Phụ lục I-2 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT.
- Điều lệ công ty may mặc.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật. Đối với đại diện theo ủy quyền thì chủ thể cần cung cấp thêm văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của chủ sở hữu công ty (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chủ thể có nhu cầu thành lập công ty may mặc nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp tới Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ, trong vòng 03 ngày làm việc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho người nộp hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày kể từ khi nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước ra thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ, trong đó nêu rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung để chủ thể có thể bổ sung.
4. Kinh nghiệm thành lập công ty may mặc
Để thành lập công ty may mặc thành công, bên cạnh những thủ tục pháp lý cần hoàn thiện, doanh nghiệp còn cần quan tâm tới các chiến lược phát triển. Cụ thể:
4.1. Về thủ tục pháp lý
Sau khi thành lập công ty, để doanh nghiệp có thể đi vào hoạt động một cách hợp pháp và hiệu quả, chủ thể phải thực hiện các thủ tục sau:
- Công bố thông tin: Trong 30 ngày từ khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải công bố thông tin trên Cổng thông tin quốc gia. Theo Điều 45 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, nếu doanh nghiệp không công bố thông tin có thể bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.
- Khắc dấu pháp nhân và đăng ký mẫu dấu: Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty cần tiến hành khắc con dấu pháp nhân chính thức. Mẫu con dấu và thông tin liên quan đến việc sử dụng con dấu cần được đăng ký tại cơ quan công an có thẩm quyền.
- Mua và đăng ký chữ ký số (Token): Mặc dù không phải là thủ tục bắt buộc ngay sau khi thành lập nhưng việc mua chữ ký số cho doanh nghiệp là vô cùng cần thiết. Chữ ký số được sử dụng để thực hiện các giao dịch điện tử, nộp tờ khai thuế điện tử, nộp thuế online, bảo hiểm xã hội điện tử và nhiều giao dịch trực tuyến khác…
- Làm và treo biển hiệu công ty: Sau khi công ty được cấp mã số doanh nghiệp và mã số thuế, doanh nghiệp có nghĩa vụ làm biển hiệu công ty. Biển hiệu cần được treo tại địa chỉ trụ sở chính đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và tuân thủ quy định pháp luật về nội dung, kích thước biển hiệu.
- Mua và thông báo phát hành hóa đơn điện tử: Pháp luật hiện hành quy định các doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ. Do đó, doanh nghiệp cần liên hệ với các nhà cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử để mua hóa đơn điện tử và thực hiện thủ tục thông báo phát hành hóa đơn điện tử với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
- Đăng ký thuế và các nghĩa vụ thuế ban đầu: Sau khi hoàn tất thủ tục thành lập, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải tiến hành đăng ký thuế với Chi cục Thuế hoặc Cục Thuế địa phương nơi công ty đặt trụ sở chính. Đồng thời, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật thuế hiện hành.
Việc hoàn thành đầy đủ và kịp thời các thủ tục pháp lý này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật mà còn tạo nền tảng vững chắc cho quá trình hoạt động kinh doanh ổn định và phát triển lâu dài.
>>>> Xem thêm bài viết: Thành lập công ty về giáo dục
4.2. Chiến lược phát triển
Để một công ty may mặc phát triển bền vững trong bối cảnh thị trường ngày càng năng động, doanh nghiệp không chỉ cần hoàn thiện thủ tục pháp lý mà còn phải xây dựng một chiến lược toàn diện và linh hoạt. Cụ thể:
- Nghiên cứu xu hướng thời trang: Theo dõi sát sao các xu hướng mới nhất trên thế giới và trong nước, dự đoán sự thay đổi trong thị hiếu của người tiêu dùng để đưa ra các thiết kế phù hợp.
- Đa dạng hóa dòng sản phẩm: Mở rộng danh mục sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và giảm sự phụ thuộc vào một vài dòng sản phẩm chủ lực.
- Nâng cao chất lượng sản phẩm: Đầu tư vào công nghệ, quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt và đào tạo tay nghề công nhân để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao.
- Xây dựng và phát triển thương hiệu: Đầu tư vào việc xây dựng câu chuyện thương hiệu, tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp, uy tín và khác biệt trong tâm trí khách hàng.
Trên đây là một số kinh nghiệm Luật Ánh Ngọc đưa ra nhằm hỗ trợ khách hàng thành công khi xây dựng công ty may mặc. Quý bạn đọc có thể tham khảo cũng như thực hiện các thủ tục pháp lý.
5. Câu hỏi thường gặp
Công ty may mặc có cần xin giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực may mặc không?
Không. May mặc không phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên không cần xin giấy phép con.
Thành lập công ty may mặc với mức vốn dưới 200 triệu đồng được không?
Có. May mặc là ngành nghề không đặt ra yêu cầu về mức vốn pháp định nên mức vốn điều lệ doanh nghiệp để phụ thuộc vào quy mô kinh doanh.
Thành lập công ty may mặc mất những chi phí nào?
Để thành lập công ty may mặc, chủ doanh nghiệp cần dự trù các khoản phí, lệ phí sau:
- Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp: 100.000 đồng.
- Lệ phí đăng ký doanh nghiệp: 50.000 đồng (miễn phí với hình thức nộp trực tuyến).
Như vậy, qua bài viết về thành lập công ty may mặc, chúng tôi hy vọng đã giải đáp được thắc mắc của quý khách hàng. Nếu có thắc mắc cần giải quyết hãy liên hệ ngay với Luật Ánh Ngọc để được tư vấn miễn phí!