Luật Ánh Ngọc

Thủ tục ly hôn theo yêu cầu của một bên theo quy định mới nhất

Tư vấn hôn nhân gia đình | 2024-10-07 22:14:21

1. Ly hôn theo yêu cầu của một bên là gì?

Ly hôn theo yêu cầu một bên

Ly hôn theo yêu cầu của một bên hay còn được gọi là đơn phương ly hôn, là một hình thức ly hôn tương đối phổ biến khi đời sống quan hệ vợ chồng khó có thể tiếp tục duy trì, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Khác với thuận tình ly hôn, ly hôn theo yêu cầu của một bên là trường hợp chỉ có một trong hai vợ chồng, hoặc cha, mẹ, người thân thích của một trong hai bên yêu cầu được chấm dứt quan hệ hôn nhân.

Trường hợp này, Tòa án sẽ phải xem xét kỹ càng để cân nhắc có cho ly hôn trong tình trạng hôn nhân giữa hai người hay không? Điều này phải dựa vào các căn cứ nhất định được quy định cụ thể trong Luật hôn nhân gia đình và các luật khác liên quan.

2. Người có quyền yêu cầu ly hôn đơn phương

Người có quyền yêu cầu ly hôn đơn phương

Theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình thì các đối tượng sau có quyền yêu cầu ly hôn đơn phương:

- Vợ hoặc chồng có đẩy đủ năng lực hành vi dân sự;

- Cha, mẹ, người thân thích khác của vợ hoặc chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Trường hợp này chỉ áp dụng khi người được yêu cầu ly hôn đơn phương là người vừa bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình vừa là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ (khoản 2 Điều 51, khoản 3 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình).

 - Một bên vợ hoặc chồng mà chồng hoặc vợ của họ bị Tòa án tuyên bố mất tích.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình còn quy định chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, mới sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Nếu thuộc 03 trường hợp trên yêu cầu đơn phương ly hôn của người chồng sẽ không được tòa án chấp thuận.

3. Các căn cứ để Tòa án giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên

Tòa án khi giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên sẽ phải căn cứ vào Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật phòng chống bạo lực gia đình,… Theo đó, khi có một trong các căn cứ sau mà có đơn yêu cầu ly hôn từ một bên thì Tòa án sẽ thụ lý giải quyết:

3.1. Bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. (Khoản 2, Điều 1 Luật Phòng chống bạo lực gia đình)

Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định có rất nhiều hành vi bị coi là bạo lực gia đình tại khoản 1 Điều 3, trong đó thường xuyên xảy ra như: 

- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

- Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

- Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;

- Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;

- Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi,...

Và nhiều hành vi khác cũng bị coi là bạo lực gia đình.

3.2. Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được

 Về căn cứ vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng hiện nay vẫn chưa có một cách đánh giá cụ thể nào, Tòa án sẽ căn cứ vào Điều 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn một số nội dung Luật hôn nhân và gia đình 2000 đã đưa ra hướng dẫn khá chi tiết về vấn đề này. Tuy quy định này đã hết hiệu lực thi hành nhưng vẫn được sử dụng với tính chất định hướng trong thực tiễn xét xử, trong đó đưa ra một số trường hợp như:

– Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

– Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

– Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;

Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì Tòa án phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như trên chưa, Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được. 

Mục đích của hôn nhân không đạt được có thể hiểu là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.

Chẳng hạn như vụ sau: Người chồng có nhiều  lần đánh đập và có lời lẽ xúc phạm chị vợ trước bố mẹ vợ, mặc dù được gia đình hai bên khuyên can nhưng người chồng vẫn không thay đổi. Vì vậy, vợ chồng đã sống ly thân và không còn quan tâm đến nhau đã được hơn 01 năm đến thời điểm xét xử, trước đó vợ cũng đã nhiều lần gửi đơn khởi kiện ly hôn với chồng, nhưng vì con cái nên chị đã rút lại đơn kiện (Bản án dân sự sơ thẩm số 31/2023/HNGĐ-ST của TAND huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Hay trường hợp vợ chồng sống chung đã phát sinh mâu thuẫn từ lâu, nguyên nhân do chồng thường uống rượu, say, đánh đập vợ con trong một khoảng thời gian dài trên 10 tháng (Bản án số 54/2022/HNGĐ-ST của TAND huyện Na Hang, Tuyên Quang). Cả hai vụ án Tòa án đều nhận định: tình trạng hôn nhân của vợ chồng không thể hàn gắn hạnh phúc, không còn thương yêu, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau; làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài cuộc sống chung đã không còn tồn tại, mục đích hôn nhân không đạt được nên đã giải quyết ly hôn.

Như vậy, Tòa án sẽ căn cứ vào những tình trạng trên của vợ chồng để quyết định cho vợ chồng ly hôn.

3.3. Vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích

Ở trường hợp này, tuyên bố mất tích của Tòa án đối với một người sẽ là căn cứ để Tòa án cho ly hôn khi có yêu cầu ly hôn của vợ hoặc chồng của người mất tích.Trong đó, tuyên bố mất tích là một sự kiện pháp lý nhằm xác định một người cụ thể không còn biết rõ tung tích, cũng không rõ còn sống hay đã chết. Theo Điều 68 Bộ luật dân sự 2015 thì một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích. Sau khi Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng mất tích mà người còn lại có yêu cầu giải quyết ly hôn thì Tòa giải quyết ly hôn.  

4. Thủ tục ly hôn theo yêu cầu của một bên mới nhất

4.1. Hồ sơ cần chuẩn bị

Một bên khi có yêu cầu ly hôn muốn gửi đến Tòa án, để đảm bảo việc Tòa án xem xét và nhận đơn để xử lý ngay thì cần phải chuẩn bị đầy đủ những loại giấy tờ sau:

 + Đơn xin ly hôn (theo mẫu);

+ Bản chính giấy đăng ký kết hôn;

+ Bản sao hộ khẩu (nếu không giữ thì có thể xin giấy xác nhận cư trú ở Công an xã);

+ Bản sao chứng minh nhân dân của vợ và chồng ;

+ Bản sao giấy khai sinh của con chung;

+ Các giấy tờ chứng minh về tài sản;

+ Các văn bản liên quan đến việc đang thụ án tù giam của vợ hoặc chồng (bản án, quyết định thi hành án phạt tù).

(Đối với giấy tờ, tài liệu là bản sao thì cần phải công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền)

Ngoài ra, các bên có yêu cầu nên chuẩn bị các tài liệu liên quan đến hành vi bạo lực gia đình, chứng minh tình cảm không còn, một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của vợ chồng, mục đích của hôn nhân không đạt được để Tòa án có căn cứ thụ lý và việc giải quyết được nhanh chóng hơn.

4.2. Các bước tiến hành thủ tục ly hôn theo yêu cầu của một bên

Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại TAND có thẩm quyền (TAND cấp huyện hoặc tỉnh nếu có yếu tố nước ngoài nơi bị đơn cư trú, làm việc)

Bước 2: Nhận kết quả xử lý đơn;

Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí đơn phương cho Tòa án;

Bước 4: Tòa án ra thông báo thụ lý vụ án, triệu tập lấy lời khai, hòa giải và tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật Tố tụng dân sự. Nếu sau khi hòa giải mà bên yêu cầu vẫn muốn ly hôn thì Tòa án sẽ tiến hành bước 5.

Bước 5: Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Trong trường hợp, Tòa án không chấp nhận yêu cầu ly hôn, người yêu cầu ly hôn có quyền kháng cáo để Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử phúc thẩm theo quy định pháp luật.

 4.3. Thời hạn giải quyết của Tòa án

- Giải quyết ly hôn tại cấp sơ thẩm: khoảng từ 4 đến 6 tháng (nếu có tranh chấp tài sản, phức tạp thì có thể kéo dài hơn).

- Giải quyết ly hôn tại cấp phúc thẩm: khoảng từ 3 đến 4 tháng (nếu có kháng cáo).

5. Chia tài sản, con chung khi đơn phương ly hôn

5.1. Về tài sản

Về nguyên tắc, vợ chồng có thể tự thỏa thuận việc chia tài sản, không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Tòa án sẽ không can thiệp vào thỏa thuận của hai bên.

Nếu không thỏa thuận được và một trong hai bên hoặc cả hai bên vợ, chồng yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định thì Tòa giải quyết theo nguyên tắc chia đôi và có tính đến các yếu tố sau:

Khi xác định được các yếu tố trên thì sẽ chia tài sản. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Lưu ý: Tòa án khi chìa tài sản của vợ chồng còn phải đảm bảo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

5.2. Về con chung

Chia tài sản, con chung khi đơn phương ly hôn

Về vấn đề con chung, hai bên có thể tự thỏa thuận trên cơ sở đảm bảo mọi lợi ích, điều kiện để con có thể phát triển toàn diện.

Nếu không thỏa thuận được thì Tòa sẽ giải quyết theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình:

- Sau ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

- Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

 - Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Vợ chồng có thể thỏa thuận về việc thăm mom, chăm sóc con, trong một số trường hợp có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền đối với con của  người kia.

6. Án phí khi giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên

Tại khoản 4 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm như sau:

- Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm.

- Tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì mức án phí được quy định như sau: Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch: 300.000 đồng.

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Ánh Ngọc về thủ tục ly hôn theo yêu cầu của một bên mới nhất. Việc ly hôn theo yêu cầu của một bên thường rất phức tạp khi mà bên yêu cầu ly hôn phải cung cấp các chứng cứ chứng minh nguyên nhân là căn cứ để Tòa án giải quyết ly hôn cho mình. Nếu bạn gặp khó khăn, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ. Công ty Luật Ánh Ngọc là một trong những Văn phòng luật sư chuyên về ly hôn, với đội ngũ Luật sư giỏi, uy tín và chuyên nghiệp, công ty tự tin có thể giải đáp tất cả các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực này. Chúng tôi có thể hỗ trợ bạn giải quyết thủ tục một cách nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi tốt nhất tại Hà Nội. 


Bài viết khác