Bạo lực gia đình: Vấn đề đáng lên án trong Luật hôn nhân và gia đình


Bạo lực gia đình: Vấn đề đáng lên án trong Luật hôn nhân và gia đình
Bạo lực gia đình là một cụm từ khá quen thuộc đối với chúng ta, nhắc đến bạo lực gia đình thì đa phần mọi người nghĩ đến các hành vi dùng bạo lực như đánh đập giữa những người thân trong gia đình mà nạn nhân thường là những người yếu thế hơn như vợ, cha mẹ già, con nhỏ. Tuy nhiên, không chỉ hành vi đánh đập mà còn nhiều hành vi khác cũng bị coi là bạo lực gia đình theo Luật hôn nhân và gia đình.

1. Bạo lực gia đình là gì?

Theo quy định của Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023) của nước ta, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Trong đó, thành viên trong gia đình có thể là vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.

2. Các hành vi bạo lực gia đình cụ thể

 

các hành vi bạo lực gia đình
Các hành vi bạo lực gia đình

Việc bạo lực gia đình được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: bạo lực về tình dục, thể chất, tinh thần, tài chính được thực hiện bằng nhiều hành vi khác nhau. Hiện nay, pháp luật quy định có rất nhiều hành vi bị coi là bạo lực gia đình.

2.1. Nhóm bạo lực về thể chất

  • Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
  • Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;
  • Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức;
  • Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi.

2.2. Nhóm bạo lực về tinh thần

  • Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
  • Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
  • Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;
  • Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
  • Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
  • Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
  • Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;
  • Cô lập, giam cầm thành viên gia đình.

2.3. Nhóm bạo lực tình dục

  • Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;
  • Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;

2.4. Nhóm bạo lực tài chính

  • Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
  • Cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
  • Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật. 

Lưu ý: những hành vi trên mà được thực hiện giữa người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau cũng được xác định là hành vi bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ.

3. Chế tài nào cho hành vi bạo lực gia đình?

Theo Điều 22 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022, có các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình gồm: 

- Buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình;

- Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

- Cấm tiếp xúc;

- Bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu;

 - Chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình;

- Trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực gia đình;

- Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình;

- Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư;

- Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng;

- Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ người bị hại theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình.

Đồng thời, Luật phòng chống bạo lực gia đình cũng quy định người có hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình (điểm d khoản 1 Điều 10).

Từ các quy định trên có thể xác định các chế tài được áp dụng đối với người có hành vi bạo lực gia đình gồm: các biện pháp mang tính chất phòng, ngừa; Xử lý hành chính; Xử lý hình sự; Bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự.

3.1. Nhóm các chế tài mang tính chất phòng, ngừa

Các chế tài mang tính chất phòng ngừa là những chế tài được áp dụng khi có dấu hiệu của bạo lực gia đình hoặc hành vi chỉ vừa mang tính chất ít nghiêm trọng, chưa ảnh hưởng nhiều đến trạng thái tinh thần, sức khỏe của người nạn nhân.

  • Buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình: Người có thẩm quyền giải quyết vụ việc bạo lực gia đình được áp dụng ngay các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để chấm dứt hành vi bạo lực gia đình. Người có mặt tại nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình theo khả năng của mình và tính chất của hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình.
  • Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình: Khi được phân công giải quyết vụ việc, Trưởng Công an xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc trong các trường hợp mà Luật phòng, chống bạo lực quy định. Việc này phải được lập biên bản và có người trong cộng đồng dân cư chứng kiến. Nếu người có hành vi bạo lực gia đình không chấp hành yêu cầu thì Công an xã được sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để đưa người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã.

  • Cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, theo quyết định của Tòa án. 
  • Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư.
  • Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Các biện pháp này sẽ áp dụng khi mà người thực hiện hành vi bạo lực gia đình chưa đến phức bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự, nhằm ngăn chặn, hạn chế, giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình.

3.2. Xử lý hành chính

 

xử lí hành chính hành vi bạo lực gia đình
Xử lý hành chính hành vi bạo lực gia đình

Theo quy định tại Mục 4 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình như sau: 

  • Phạt từ 5.000.000 đến 20.000.000 đối với các hành vi xâm hại sức khỏe của thành viên trong gia đình; hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên trong gia đình; hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ; hành vi bạo lực đối với người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình.
  • Phạt từ 5.000.000 đến 10.000.000 đối với các hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng; 
  • Phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đối với hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên trong gia đình.
  • Phạt từ 5.000.000 đến 30.000.000 đối với hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý.
  • Phạt từ 20.000.000 đến 30.000.000 đối với hành vi bạo lực về mặt kinh tế.

Các mức phạt đối với từng hành vi cụ thể được quy định chi tiết tại các điều từ Điều 52 - Điều 63 của Nghị định này. Ngoài ra, người thực hiện hành vi bạo lực gia đình còn phải buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi của mình như buộc xin lỗi công khai.

Lưu ý: Đối với những người là Đảng viên nếu có hành vi bạo lực gia đình ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính còn bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức (nếu có) hoặc khai trừ tủy theo mức độ bạo lực của hành vi (theo Điều 50 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 Vi phạm quy định về phòng, chống bạo lực gia đình).

3.3. Xử lý hình sự

 

Xử lí hình sự hành vi bạo lực gia đình
Xử lý hình sự hành vi bạo lực gia đình

Trường hợp hành vi bạo lực gia đình gây ra hậu quả nghiêm trọng, hành vi đủ cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự với các tội quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm:

  • Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện (Điều 181): Nếu có các hành vì trên mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
  • Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185):

    - Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau: 

    a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

    b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

    -  Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

    a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

    b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

  • Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác (Điều 134): mức phạt cao nhất là tù chung thân. Tuy nhiên, nếu hành vi bạo lực gia đình phạm vào tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà khung hình phạt tương ứng với Khoản 1 Điều 134 BLHS thì không được khởi tố vụ án hình sự nếu người bị bạo lực không yêu cầu (theo khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015)
  • Tội giết người (Điều 123): mức phạt cao nhất của tội này là tử hình trong đó nếu người nào giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình (điểm c khoản 1) thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. 
  • Tội làm nhục người khác (Điều 155): theo đó người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Nếu phạm tội đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

3.4. Bồi thường thiệt hại

Người thực hiện hành vi bạo lực gia đình sẽ phải bồi thường thiệt hại một cách kịp thời, nhanh chóng nhằm khắc phục hậu quả và bảo đảm lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình. Họ sẽ phải bồi thường các thiệt hại sau đây theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015

  • Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm theo Điều 589: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị bạo lực; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị bạo lực; chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị bạo lực; thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài ra, còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho người bị bạo lựuc(mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định).
  • Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo Điều 591: bao gồm thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; chi phí mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị bạo lực có nghĩa vụ cấp dưỡng và thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài ra, còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất hoặc những người mà người bị bạo lực trực tiếp nuôi dưỡng, người nuôi dưỡng người bị bạo lực (mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định).
  • Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo Điều 592: bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài ra, còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho người bị bạo lực (mức bồi thường do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định).

4. Làm sao để có các chứng cứ về hành vi bạo lực gia đình khi muốn ly hôn đơn phương

 

Thu thập chứng cứ bạo lực gia đình
Thu thập chứng cứ bạo lực gia đình

Khi ly hôn đơn phương, Tòa án cần phải có các căn cứ về hành vi bạo lực gia đình của vợ hoặc chồng, và những tổn hại về mặt kinh tế, sức khỏe, tinh thần của người bị bạo lực. Chúng ta có thể thu thập các chứng cứ này bằng các hình thức như sau:

  • Video, hình ảnh: có thể trích xuất thông qua camera tại gia đình, máy ảnh, điện thoại đã quay, chụp lại được về hành vi bạo lực, thời điểm xảy ra, các vết thương tích do hành vi bạo lực gây ra.
  • Hồ sơ bệnh án: hồ sơ bệnh án sẽ cung cấp các kết quả về tổn thương thể chất, tinh thần của người bị bạo lực; các chi phí chữa trị để xác định chi phí bồi thường.
  • Nhân chứng: những người chứng kiến hành vi bạo lực, biết về hành vi này có thể đến làm chứng về hành vi bạo lực.

Có thể thấy rằng, hành vi bạo lực gia đình không chỉ đơn giản là hành vi đánh đập người trong gia đình mà còn bao gồm nhiều hành vi khác như xúc phạm, ép buộc làm điều sai trái, điều mà người ta không tự nguyện thông qua các hình thức bạo lực tình dục, thể chất, tinh thần và tài chính. Người thực hiện hành vi này phải bồi thường thiệt hại, có thể bị xử lý hành chính, xử lý hình sự tùy theo mức độ của hành vi. Nếu bạn có những thắc mắc liên quan hãy liên hệ tới Luật Ánh Ngọc để được đội ngũ luật sư uy tín, nhiều năm kinh nghiệm hỗ trợ.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.