Luật Ánh Ngọc

Ai là người có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn?

Tư vấn hôn nhân gia đình | 2024-03-19 12:42:09

1. Khái niệm ly hôn

Theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì ly hôn là chấm dứt quan hệ thời kỳ hôn nhân do Tòa án quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng để hủy bỏ các trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm của hôn nhân và các ràng buộc dân sự khác. Phán quyết ly hôn của Tòa án thể hiện dưới hai hình thức: bản án hoặc quyết định. Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn thỏa thuận với nhau thì phán quyết thể hiện dưới hình thức là quyết định. Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn. 

Phán quyết cuối cùng cho việc ly hôn là do Tòa án và chỉ Tòa án là cơ quan nhà nước duy nhất có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn. Điều này chứng tỏ ly hôn là do sự tự nguyện của vợ chồng nhưng cũng bị đứng dưới sự kiểm soát của Nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích cho các thành viên gia đình, bảo vệ lợi ích của xã hội. 

2. Khái niệm quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

Quyền yêu cầu ly hôn được xuất phát từ quyền tự do ly hôn của vợ chồng được Nhà nước ghi nhận tại Điều 36 Hiến pháp năm 2013 như sau "Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau."  nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng và các chủ thể liên quan.

Hôn nhân hiện nay đã dựa theo sự tự nguyện và tiến bộ hơn rất nhiều, pháp luật Nhà nước ta đã bảo đảm quyền tự do kết hôn và ly hôn và coi nguyên tắc hôn nhân tự nguyện là một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình trên cơ sở nam nữ bình đẳng trong việc kết hôn và ly hôn theo quy định của pháp luật. Như vậy khi có quyền tự do ly hôn thì Nhà nước cũng trao quyền yêu cầu ly hôn cho vợ chồng, Nhà nước không thể thực hiện điều này một cách tùy tiện. Việc ly hôn cũng phải được kiểm soát bởi Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền xử lý việc này là Tòa án. 

Quyền yêu cầu ly hôn là quyền nhân thân, nó gắn liền với vợ, chồng, không thể chuyển giao cho người khác trừ trường hợp vợ, chồng bị mất năng lực hành vi dân sự, cha mẹ hoặc người thân khác của một bên vợ hoặc chồng là người bị mất năng lực hành vi dân sự cũng có quyền.

Có thể thấy, quyền yêu cầu ly hôn là quyền nhân thân của vợ chồng, tuy nhiên trong nhiều trường hợp vợ chồng bị mất năng lực hành vi dân sự mà không thể thực hiện được quyền này nên cha, mẹ hoặc người thân thích của họ có thể yêu thay họ yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.

Vì vậy có thể hiểu quyền yêu cầu giải quyết ly hôn là quyền mà vợ, chồng, bố mẹ hoặc người thân thích khác của vợ chồng mất năng lực hành vi dân sự yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho mình hoặc cho con, em mình.

3. Ai là người có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

 

Ai là người có quyền yêu cầu giải quyết li hôn

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, những người có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn gồm vợ, chồng, cha mẹ hoặc người thân thích của vợ chồng.

3.1. Vợ hoặc chồng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Để có thể thực hiện được quyền này vợ và chồng phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Nếu bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng dân sự thì không thể thực hiện yêu cầu này.

3.2. Cha, mẹ hoặc người thân thích khác của vợ hoặc chồng

 

Cha mẹ, người thân thích

Trường hợp khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ pháp luật quy định cha, mẹ hoặc người thân thích của bên vợ, chồng đó có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn.

Đối chiếu với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, đây thuộc trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự tại Điều 22 “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần…” và những giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Và cũng theo Điều 25 Bộ luật Dân sự, việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của , người mất năng lực hành vi dân sự vi phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc theo quyết định của Tòa án.

Quy định về người có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn là cha, mẹ, người thân thích khác của vợ, chồng bị mất năng lực hành vi dân sự là hoàn toàn hợp lý.

Đối với cha, mẹ:

Cha, mẹ ở đây được hiểu là cha, mẹ đẻ là người trực tiếp sinh ra người con là người vợ, chồng bị mất năng lực hành vi dân sự và người con mang trong mình huyết thống của người cha, mẹ đó.

Đối với người thân thích khác:

Theo Bộ luật Dân sự, tại  Điều 51, Người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người được giám hộ.

Và theo Luật Hôn nhân và gia đình, người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.
Từ đây, chúng ta có thể liệt kê ra người thân thích khác có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn gồm: bố mẹ nuôi, ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ, con chú, con bác.

Đối với cha, mẹ, người thân thích khác này để thực hiện quyền yêu cầu ly hôn thì phải chứng minh được việc người chồng hoặc vợ bị mất năng lực hành vi dân sự phải là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra là ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Do vậy, căn cứ ly hôn do yêu cầu của cha, mẹ người thân thích khác có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đảm bảo các điều kiện ly hôn mang tính thuyết phục, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mất năng lực hành vi. 

4. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn trong các trường hợp ly hôn cụ thể

 

Quyền yêu cầu ly hôn trong các trường hợp cụ thể

Trên cơ sở quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về các trường hợp ly hôn và căn cứ ly hôn trong từng trường hợp cụ thể. Khi vợ hoặc chồng trong quan hệ hôn nhân đã được xác lập trước đó có quyền ly hôn cụ thể như sau:

Một là, trường hợp thuận tình ly hôn.

Hai là, trường hợp đơn phương ly hôn.

Ba là, trường hợp ly hôn với người bị tuyên bố mất tích.

Với mỗi trường hợp ly hôn như trên, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 lại quy định các căn cứ ly hôn khác nhau và người có quyền yêu cầu ly hôn khác nhau.

4.1. Ly hôn thuận tình

Trường hợp thuận tình ly hôn thì người có quyền yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là cả hai bên vợ chồng. Do đó, sau khi cả hai bên vợ chồng đã thỏa thuận và thống nhất được về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân, về quyền nuôi con và chia tài sản khi ly hôn thì có quyền yêu cầu tòa án công nhận thuận tình ly hôn.

4.2. Ly hôn đơn phương và ly hôn do một bên bị tuyên bố mất tích

Với trường hợp ly hôn đơn phương, ly hôn do một bên bị tuyên bố mất tích thì người có quyền yêu cầu không chỉ là vợ, chồng mà còn có cha, mẹ, người thân thích khác của vợ, chồng bị mất năng lực hành vi dân sự và bị bạo lực gia đình.

Xem thêm tại>>: Thủ tục ly hôn theo yêu cầu của một bên theo quy định mới nhất

Trên đây là tư vấn của Luật Ánh Ngọc trả lời cho câu hỏi “Ai là người có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn?”. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ đến 0878.548.558 hoặc lienhe@luatanhngoc.vn , Luật Ánh Ngọc với đội ngũ luật sư dày dặn kinh nghiệm sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn.


Bài viết khác