Luật Ánh Ngọc

Hướng dẫn cách xử lý khi bị người khác quấy rối qua điện thoại

Tư vấn luật hình sự | 2024-01-02 16:48:33

1. Quấy rối người khác sẽ phạm tội gì?

Tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể và mức độ của hành vi quấy rối người khác qua điện thoại, người có hành vi này có thể phải chịu các hình phạt tương ứng trong các trường hợp dưới đây theo Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

Trường hợp 1: Hành vi quấy rối vi phạm nghiêm trọng danh dự và nhân phẩm của người khác có thể bị truy cứu về tội làm nhục người khác, theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi 2017;

Trong trường hợp hành vi này cấu thành tội phạm tăng nặng, hình phạt có thể bao gồm án tù từ 03 tháng đến 2 năm hoặc mức hình phạt nặng hơn, tuỳ thuộc vào đặc điểm và mức độ của hành vi cụ thể.

Trường hợp 2: Nếu hành vi quấy rối đạt mức đủ cấu thành tội phạm để bị xem xét là tội vu khống theo Điều 156 của Bộ luật hình sự hiện hành (Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi 2017);

Trường hợp 3: Đối với các hành vi quấy rối liên quan đến tình dục, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tính chất của hậu quả, các hành vi này có thể bị xem xét là tội hiếp dâm, hoặc cưỡng dâm đối với những người dưới 16 tuổi, có quan hệ tình dục hoặc thực hiện các hành vi giao cấu với những người dưới 16 tuổi, được quy định từ Điều 141 đến Điều 146 của Bộ luật hình sự năm 2015;

Trường hợp 4: Hành vi gây rối trật tự công cộng có thể bị xử lý vì làm mất trật tự công cộng, theo quy định tại Điều 318 của Bộ luật hình sự. Người vi phạm có thể bị áp dụng các hình phạt

Như vậy, sẽ phụ thuộc vào mức độ hành vi của vụ việc mà quy định khung phạt. 

 

Quấy rối người khác sẽ phạm tội gì?

 

2. Thẩm quyền xử lý hành vi quấy rồi người khác qua điện thoại

Người bị quấy rối qua điện thoại có thể thông báo về tình huống này cho doanh nghiệp viễn thông mà họ đang là khách hàng (thuê bao), bằng cách gửi trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại, văn bản hoặc thư điện tử, hoặc có thể nộp đơn khiếu nại đến Sở Thông tin và Truyền thông địa phương để yêu cầu hỗ trợ giải quyết vấn đề.

Khi nhận được khiếu nại, doanh nghiệp viễn thông cần tiến hành theo dõi, kiểm tra và xác minh thông tin liên quan, sau đó sẽ yêu cầu chủ thuê bao ngừng ngay việc quấy rối.

Trong trường hợp chủ thuê bao tiếp tục quấy rối một cách cố ý và vi phạm quy tắc, doanh nghiệp viễn thông có quyền tạm ngừng cung cấp dịch vụ cho họ. Đồng thời, doanh nghiệp cần báo cáo kết quả xử lý cho Sở Thông tin và Truyền thông địa phương, thông báo về vi phạm này để xử lý theo quy định.

3. Cách xử lý khi bị người khác "quấy rối qua điện thoại"

3.1. Cách xử lý với tình huống bị gọi điện quấy rối

Trong trường hợp bạn đối diện với tình huống bị gọi điện quấy rối liên tục, bạn cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Bình tĩnh kiểm tra thông tin của số thuê bao gây phiền.

Cố gắng tìm hiểu thông tin về số điện thoại bằng cách tìm kiếm trên các nền tảng như Zalo. Tuy nhiên, lưu ý rằng không phải lúc nào cũng có thể tìm thấy thông tin cá nhân của người gọi, vì một số người có thể không sử dụng Zalo hoặc không cho phép tìm kiếm thông tin của họ.

Bước 2: Liên hệ với nhà mạng hoặc tổng đài ngân hàng để được hỗ trợ.

Nếu bạn không có mối quan hệ nợ nần và nhận đe dọa đòi nợ một cách không rõ ràng cụ thể, hãy gọi điện thoại cho nhà mạng mà số thuê bao đang sử dụng hoặc tổng đài ngân hàng để được hỗ trợ từ nhân viên chuyên nghiệp. Điều này sẽ giúp bảo vệ tài khoản của bạn khỏi sự xâm phạm và lợi dụng cho các mục đích xấu.

Bước 3: Trong trường hợp bạn đã thực hiện Bước 1 và 2 nhưng vẫn gặp đối tượng xấu đe dọa và quấy rối, hãy liên hệ với cơ quan chính quyền hoặc cơ quan Công An gần nhất để thông báo vụ việc

Hãy gọi điện hoặc đến cơ quan Công An gần nhất để báo cáo về tình huống bạn đang phải đối mặt. Điều này sẽ giúp bảo vệ quyền và an toàn của bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể liên hệ với cơ quan thanh tra và giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước để đề nghị họ xem xét và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài chính, thu hồi nợ.

Xem thêm bài viết: Các trường hợp đình chỉ thi hành án hình sự theo quy định hiện hành

 

Cách xử lý khi bị người khác quấy rối qua điện thoại

3.2. Chặn các tin nhắn, cuộc gọi làm phiền bạn

Để đối phó nhanh chóng với các số thuê bao quấy rối đòi nợ, bạn có thể thực hiện việc chặn trực tiếp cuộc gọi và tin nhắn từ họ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu đối tượng biết số điện thoại của bạn, họ có thể thay đổi số liên tục để tiếp tục làm phiền. Bạn có thể sử dụng chức năng chặn số không nằm trong danh bạ điện thoại để tránh bị quấy rối.

Tuy nhiên, cần cân nhắc để không chặn những số điện thoại quan trọng như số giao hàng, người thân sử dụng số mới. Nếu bạn sử dụng mạng xã hội, hãy điều chỉnh cài đặt bảo mật để đảm bảo tính riêng tư hoặc chế độ bạn bè để ngăn người lạ tiếp cận và gây phiền phức.

3.3. Liên hệ tới tổ chức đòi nợ để khiếu nại

Nếu bạn biết rõ tổ chức nào đang đòi nợ bạn, hãy tiến hành liên hệ trực tiếp với văn phòng của công ty đó để nộp khiếu nại. Để làm điều này, bạn cần chuẩn bị một đơn khiếu nại chứa đầy đủ thông tin và bằng chứng liên quan, bao gồm cả mô tả chi tiết về hành vi đe dọa hoặc vi phạm.

Trong trường hợp bạn không rõ ràng về tổ chức đòi nợ, hãy gửi đơn khiếu nại đến Sở Thông tin và Truyền thông địa phương để yêu cầu họ xem xét và xử lý. Sở sẽ có trách nhiệm kiểm tra và thực hiện các biện pháp xử lý hành chính đối với các tổ chức vi phạm các quy định về hoạt động trên môi trường mạng.

4. Tình huống nhờ Luật sư tư vấn

4.1. Tình huống

Tôi mua lại sim điện thoại cũ để sử dụng. Tuy nhiên, khi sử dụng được một thời gian tôi được biết chủ cũ đã dùng số này đăng ký vay tiền ngân hàng. Nên mỗi ngày, tôi đều  nhận ít nhất 5 cuộc gọi đòi tiền và đe doạ.

Nhân viên thu hồi nợ của Ngân hàng nhất định không đồng ý khi tôi nói mình không phải là người vay. Họ yêu cầu tôi viết đơn, mang thông tin cá nhân (chứng minh nhân dân) lên phòng chăm sóc khách hàng tận TP HCM để được yêu cầu xóa số khỏi hệ thống.

Tôi thấy yêu cầu này rất vô lý vì tôi là nạn nhân, không việc gì phải viết đơn và cung cấp thông tin. Trong trường hợp này, tôi nên làm sao để bảo vệ mình và tố cáo hành vi trái pháp luật của bên cho vay tiền? Cảm ơn Luật sư.

4.2. Luật sư tư vấn

Việc nhân viên ngân hàng có hành vi sử dụng số điện thoại của bạn để gọi điện quấy rối nhằm đòi một khoản nợ mà bạn không có liên quan là hành vi trái pháp luật quy định.

Theo điểm a khoản 3 Điều 66 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, hành vi sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị phạt tiền 10.000.000 -20.000.000 triệu đồng.

Trong trường hợp hành vi quấy rối có tính chất nghiêm trọng, người có hành vi quấy rối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội danh tương ứng như tội làm nhục người khác quy định tại điều 155 Bộ luật Hình sự đối với hành vi “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác” với hình phạt cảnh cáo, phạt tiền 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Nếu phạm tội hai lần trở lên hoặc “sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Để ngăn chặn tình trạng này, trước hết bạn cần chủ động ghi âm các cuộc gọi đến quấy rối số điện thoại của mình để xác định đối tượng quấy rối đó là ai, thuộc ngân hàng hay doanh nghiệp nào để làm bằng chứng tố cáo kẻ quấy rối cũng như bảo vệ quyền lợi của mình. Tiếp theo, bạn cần có văn bản yêu cầu ngân hàng hay doanh nghiệp này phải chấm dứt ngay việc gọi điện cho bạn. Trường hợp vẫn tiếp tục bị gọi điện quấy rối, bạn có thể khiếu nại bằng văn bản hoặc thư điện tử cho doanh nghiệp viễn thông mà mình là khách hàng (thuê bao) để yêu cầu giải quyết.

Theo đó, doanh nghiệp viễn thông khi nhận được khiếu nại, tố cáo của khách hàng về việc quấy rối qua điện thoại có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, xác minh và yêu cầu chủ thuê bao ngừng ngay việc quấy rối hoặc khóa chiều gọi đi của thuê bao gọi quấy rối. Trong nội dung khiếu nại, bạn cần cung cấp họ tên, số điện thoại của mình; tên của Ngân hàng có hành vi quấy rối và tóm tắt nội dung sự việc để cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành giải quyết vụ việc trên.

 

Tình huống nhờ Luật sư tư vấn

Bài viết trên đây nói về chủ đề cách xử lý khi bị người khác quấy rối qua điện thoại. Để biết thêm các thông tin và được tư vấn chuyên sâu, hãy liên hệ tới Luật Ánh Ngọc để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời về vấn đề này, hoặc những vấn đề khách mà Quý khách cần được tư vấn. Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm sẽ hỗ trợ Quý khách.


Bài viết khác