Luật Ánh Ngọc

Cho người khác mượn xe vi phạm giao thông, chủ sở hữu có bị phạt?

Tư vấn luật giao thông | 2024-03-18 10:07:00

Chào Công ty Luật Ánh Ngọc, tôi vừa mới mua 01 chiếc xe máy Honda Vision đăng ký tên tôi, hôm qua bạn tôi (tên là Nguyễn Văn D) có qua mượn để đi chơi với bạn, sau đó D đã bị Cảnh sát giao thông bắt giữ vì vi phạm nồng độ cồn, nên đã giữ xe máy và tước bằng và yêu cầu nộp tiền phạt. Trường hợp này tôi là chủ xe mà bị giữ xe như vậy thì có bị sao không? Tôi có bị phạt gì nữa không? Công ty hãy giải đáp thắc mắc này cho tôi.

Chào bạn, để bạn có thể hiểu rõ vấn đề cho mượn xe mà vi phạm giao thông để có thể trả lời cho câu hỏi trên, trước tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu các quy định của pháp luật như sau:

1. Những trường hợp chủ xe bị phạt khi cho mượn xe mà có hành vi vi phạm luật giao thông

 

Những trường hợp chủ xe bị phạt khi cho mượn xe
mà có hành vi vi phạm luật giao thông

 

Có nhiều người còn lầm tưởng rằng, việc mình cho người khác mượn phương tiện để tham gia giao thông mà vi phạm giao thông thì mình sẽ không phải chịu trách nhiệm hay bị phạt gì, tuy nhiên pháp luật đã quy định rất rõ, có những trường hợp bạn là chủ sở hữu của xe máy, cho người khác mượn xe và người này vi phạm giao thông thì bạn vẫn phải bị phạt, theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lình vực giao thông đường bộ và đường sắt.

1.1. Quy định chung của Luật giao thông đường bộ về những trường hợp chủ xe bị phạt

Theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt cá nhân, tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô; Cá nhân, tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi giao xe, cho người khác mượn xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định của Luật giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông.

Điều kiện theo quy định để tham gia giao thông được quy định trong Luật giao thông đường bộ gồm:

Thứ nhất, điều kiện về tuổi. Bạn có thể bị phạt trong các trường hợp như sau:

- Bạn giao xe cho người chưa đủ 16 tuổi trở lên (D dưới 16 tuổi) đối với xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;

- Bạn giao xe cho D nhưng D là người chưa đủ 18 tuổi trở lên đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;

- Giao xe cho người chưa đủ 21 tuổi trở lên đối (D dưới 21 tuổi) với xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);

- D chưa đủ 24 tuổi trở lên đối với xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);

- D chưa đủ 27 tuổi trở lên đối với xe xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);

- D là nam thì không được quá 55 tuổi, nếu là nữ thì không được quá 50 tuổi đối với xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi.

Nếu bạn là chủ sở hữu mà cho người khác mượn xe thuộc trường hợp không đủ điều kiện như trên  mà vi phạm giao thông thì bạn có thể zẽ bị phạt.

Thứ hai, điều kiện về sức khỏe. Bạn cho D mượn xe thì D phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe.

Thứ ba, điều kiện về giấy phép lái xe. D phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Chẳng hạn đối với xe có dung tích xi-lanh từ 50cm3 đến dưới 175cm3 thì phải có bằng lái xe hạng A1.

Thứ tư, ngoài điều kiện được quy định trong Luật giao thông đường bộ thì theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, nếu bạn là chủ sở hữu xe thì sẽ phải xử phạt nếu giao phương tiện, cho người khác mượn xe để tham gia giao thông mà vi phạm nếu chủ sở hữu biết hoặc phải biết là người họ cho mượn xe (là D) không có đủ các điều kiện để điều khiển phương tiện giao thông như các điều kiện trên.

Xem thêm>>: Người chưa đủ tuổi mà điều khiển xe máy thì bị xử phạt như thế nào?

1.2. Các trường hợp mà bạn có thể bị phạt

Với trường hợp của bạn cho mượn người khác mượn xe mà D là không đáp ứng được đủ các điều kiện này thì được coi là giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông theo quy định của Luật giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp như:

Trường hợp 1, mặc dù D có đủ sức khỏe, trên 18 tuổi, vì xe của bạn là xe Vision có dung tích xi-lanh trên 50cm3 mà D lại không có bằng lái xe hạng A1 hoặc A2 và bạn biết được điều này. Việc biết này có thể là do hai người là bạn thân với nhau, chưa thấy D đi thi bằng lái xe máy bao giờ hoặc D đã từng bị phạt vi phạm vi không có bằng lái xe máy, hoặc đã có bằng nhưng nghe D kể là bằng đã hết hạn chưa được làm lại hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng. Nếu không phải là bạn thân mà nhà hai người gần nhau, hàng xóm xung quanh ai cũng đều biết thì trường hợp này bạn cũng phải biết mà bạn vẫn cho mượn xe.

Trường hợp 2, D chưa đủ 18 tuổi thì không đủ điều kiện đi xe máy Vision của bạn, và điều này bạn biết rõ hoặc phải biết giống như trường hợp 1 và vẫn cho mượn xe.

Trường hợp 3, D không có đủ điều kiện về sức khỏe, trường hợp bạn không biết về các loại giấy khám sức khỏe thì có những tình huống mà bạn phải biết là D không đủ điều kiện sức khỏe để điều khiển phương tiện giao thông như là thấy D mấy hôm nay có biểu hiện ốm yếu, không ăn uống được gì nằm miên man, hoặc D đang điều trị ở bệnh viện, D là người tâm thần…mà bạn vẫn cho mượn xe thì bạn sẽ bị phạt vi phạm. 

2. Những trường hợp chủ xe không bị phạt khi cho người khác mượn xe mà có hành vi vi phạm giao thông

2.1.  Đối với trường hợp D không đủ điều kiện tham gia giao thông

Ngược lại với trường hợp bị xử phạt thì nếu mà bạn không biết hoặc không thể biết việc người bạn cho mượn xe là D không đủ điều kiện điều khiển phương tiện và bạn phải chứng minh được điều này.

Chẳng hạn như bạn mới chuyển đến sinh sống gần D, do là hàng xóm gần nên chỉ chào hỏi qua lại chứ chưa biết rõ D bao nhiêu tuổi (hơn nữa nhìn mặt của D rất trưởng thành, thuộc dạng người lớn hơn tuổi), không biết việc D bị bệnh không đủ điều kiện lái xe nên đã cho mượn xe; không biết D đã có bằng lái chưa hoặc là do đi làm ăn xa mới về vì D không nói nên không hề biết việc bằng của D đã hết hạn hay việc D bị tước bằng lái nên khi D hỏi mượn đã đồng ý ngay mà không hề nghi ngờ gì. Vơi các trường hợp này bạn là chủ sở hữu xe cho người khác mượn xe mà vi phạm giao thông thì sẽ không bị xử phạt.

Ngoài ra, trong trường hợp D vi phạm giao thông gây thiệt hại cho người khác thì để tránh phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên đới với D thì bạn phải chứng minh được thời điểm D gây thiệt hại thì bạn không có mặt, không ngồi cùng xe đi với D bằng các chứng cứ ngoại phạm như lúc đấy bạn đang làm gì, ở chỗ nào khác và có người nào chứng kiến.

2.2. Đối với trường hợp D đã đủ điều kiện tham gia giao thông

Trường hợp mà D đủ tuổi từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe và có giấy phép lái xe, thì D đã hoàn toàn có đủ điều kiện theo những quy định về Luật giao thông đường bộ 2008 để tham gia giao thông. Luật giao thông đường bộ quy định D điều khiển phương tiện giao thông phải chịu trách nhiệm về hành vi của chính mình. Vì bản thân D có đủ điều kiện tham gia giao thông theo những quy định của luật giao thông đường bộ nên việc cho người khác mượn xe của bạn không vi phạm quy định của pháp luật. D sẽ phải chịu toàn bộ những hình thức xử phạt theo quy định của nhà nước và bạn không phải chịu bất cứ hình phạt liên đới nào, cũng như việc bạn là chủ sở hữu cho người khác mượn xe mà vi phạm giao thông thì sẽ không bị phạt.

3. Mức phạt đối với chủ xe khi cho người khác mượn xe mà vi phạm giao thông

 

Mức phạt đối với chủ xe khi cho người khác mượn xe
mà vi phạm giao thông

 

Theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP có các mức xử phạt như sau:

- Cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy cho người khác mượn xe không đủ các điều kiện theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 800.000 – 2.000.000.

- Tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy cho người khác mượn xe không đủ các điều kiện theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 1.600.000 – 4.000.000.

- Cá nhân là chủ xe ô tô, xe máy chuyên dùng cho người khác mượn xe mà người đó không đủ các điều kiện lái xe thì bị phạt từ 4.000.000 – 6.000.000.

- Tổ chức là chủ xe ô tô, xe máy chuyên dùng cho người khác mượn xe mà người đó không đủ điều kiện lái xe thì bị phạt từ 8.000.000 – 12.000.000.

Trường hợp của bạn, nếu D đã có đủ điều kiện lái xe thì bạn xẽ không bị phạt theo Nghị định này, còn nếu sau khi bị kiểm tra giấy tờ xe và giấy tờ về giấy phép lái xe của D mà thiếu các điều kiện để điều khiển phương tiện giao thông thì bạn có thể bị phạt từ 800.000 – 2.000.000 nếu bạn không chứng minh được là bạn không biết hoặc không thể biết là D không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông về hành vi cho người khác mượn xe của mình.

Xem thêm>>: Phạt nguội có giữ bằng không? Tìm hiểu quy định về "phạt nguội"

Trên đây là tư vấn của Luật Ánh Ngọc về Cho người khác mượn xe vi phạm giao thông, chủ sở hữu có bị phạt? Với trường hợp của bạn thì cần phải xác minh được là D có đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ chưa? Bằng lái xe có còn hạn sử dụng hay là có bị tước không? Và nếu D không đủ điều kiện thì bạn phải chứng minh được là bạn không biết hoặc không thể biết việc này thì bạn sẽ không bị xử phạt. Nếu bạn còn có vấn đề thắc mắc vui lòng liên hệ với Luật Ánh Ngọc để được đội ngũ luật sư nhiều năm kinh nghiệm tư vấn và giải đáp cho mình.

 


Bài viết khác