Phạt nguội có giữ bằng không? Tìm hiểu quy định về "phạt nguội"


Phạt nguội có giữ bằng không? Tìm hiểu quy định về
Phạt nguội là lỗi vi phạm giao thông được phát hiện bằng các phương tiện điện tử, thiết bị giám sát hành trình nhưng chưa được xử lý ngay khi người vi phạm thực hiện hành vi vi phạm. Vậy có bao nhiêu loại phạt nguội? Tra cứu phạt nguội thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các vấn đề liên quan đến phạt nguội.

1. Phạt nguội là gì?

Tại những đoạn đường có camera giám sát an ninh, khi người tham gia giao thông thực hiện hành vi vi phạm an toàn giao thông, camera sẽ ghi lại hình ảnh vi phạm và trích xuất để lưu lại thông tin về phương tiện vi phạm, thời gian vi phạm, tuyến đường thực hiện hành vi, lỗi vi phạm,.. và được chuyển cho Cảnh sát giao thông để làm căn cứ xử phạt hành chính. Khi đó, phát sinh hình thức xử phạt "phạt nguội".

Phạt nguội hay hình thức xử phạt áp dụng đối với lỗi vi phạm giao thông được phát hiện bằng các phương tiện điện tử, thiết bị giám sát hành trình nhưng chưa được phát hiện hoặc dừng xe ngay khi người vi phạm thực hiện hành vi vi phạm. 

2. Một số lỗi vi phạm bị phạt nguội

Hầu hết mọi hành vi vi phạm giao thông đều sẽ bị phạt nguội nếu tại thời điểm người tham gia giao thông thực hiện hành vi vi phạm chưa bị xử lý. Có thể kể đến một số hành vi vi phạm giao thông phổ biến sẽ bị phạt nguội như sau:

2.1. Lỗi phạt nguội vượt đèn đỏ

Trường hợp người tham gia giao thông vượt đèn đỏ thì bị phạt nguội từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với xe máy và từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.

2.2. Phạt nguội quá tốc độ

  • Trường hợp người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến 10hm/h thì bị phạt nguội từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu người điều khiển xe ô tô.
  • Trường hợp chạy quá tốc độ từ 10 km/h đến 20km/h thì người điều khiển xe ô tô bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 và đối với người điều khiển xe máy thì bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng..
  • Trường hợp chạy quá tốc độ từ 20 km/h đến 35 km/h thì người điều khiển xe ô tô bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe máy.
  • Trường hợp chạy quá tốc độ trên 35 km/h thì người điều khiển xe ô tô bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng và từ từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xe máy.
  • Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe tối đa 04 tháng.

2.3. Phạt nguội hành vi đi ngược chiều

Đối với xe ô tô:

  • Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” trừ các trường hợp ưu tiên thì bị phạt nguội từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và tước Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng;
  • Nếu người điều khiển xe ô tô đi ngược chiều trên đường cao tốc thì bị phạt nguội từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 05 đến 07 tháng.

Đối với xe máy: Người điều khiển xe bị phạt nguội từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng. 

2.4. Phạt nguội hành vi đi sai làn, chuyển hướng làn

Đối với người điều khiển xe ô tô:

  • Khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy mà không đặt báo hiệu nguy hiểm, chuyển làn không nhường đường cho các xe đi ngược chiều, người đi bộ, xe lăn đang qua đường thì người điều khiển bị phạt nguội số tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng;
  • Trường hợp chuyển làn không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước thì bị phạt nguội số tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng;
  • Trường hợp đi không đúng phần đường hoặc làn đường, chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc, chuyển làn đường không đúng khi chạy trên cao tốc thì bị phạt nguội từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Đối với người điều khiển xe máy chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu chỉ dẫn thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

3. Tra cứu phạt nguội như thế nào?

Nếu trong trường hợp bạn đã lỡ vi phạm luật giao thông tại nơi có gắn camera giám sát nhưng không biết mình có bị phạt nguội hay không, bạn có thể kiểm tra thông qua các cách sau:

3.1. Tra cứu trên trang thông tin của Cục Cảnh sát giao thông của Bộ Công an

 

Tra cứu trên trang thông tin của Cục Cảnh sát giao thông của Bộ Công an
Tra cứu trên trang thông tin của Cục Cảnh sát giao thông của Bộ Công an
  • Truy cập vào website của cục Cảnh sát giao thông, bạn tìm mục “Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh” bên góc phải màn hình.
  • Nhập đầy đủ thông tin về biển số xe
  • Chọn loại phương tiện (ô tô hoặc xe máy)
  • Nhập mã bảo mật.
  • Nhấn tra cứu để tìm kết quả. Nếu không tìm thấy kết quả có nghĩa là bạn không bị phạt nguội.

3.2. Tra cứu trên Cục Đăng kiểm Việt Nam

Nếu bạn tham gia giao thông bằng xe ô tô thì có thể tra cứu trên webiste của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

  • Truy cập trang web của Cục Đăng kiểm Việt Nam,
  • Tại phần Tra cứu dữ liệu bên góc phải dưới màn hình, bạn lựa chọn mục “Phương tiện xe cơ giới cho chủ phương tiện”.
  • Nhập biển kiểm soát xe tại ô Biển đăng ký. Nếu biển xe màu trắng thì thêm chữ T cuối biển kiểm soát, nếu biển xanh thêm chữ X (ví dụ: 29B99999T)
  • Nhập số trên Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc số tem kiểm định dán trên kính lái vào ô “Số tem, giấy chứng nhận hiện tại
  • Nhập mã xác thực
  • Nhấn Tra cứu. Nếu xe bị phạt nguội thì mọi thông tin sẽ được liệt kê ở phần thông báo của cơ quan chức năng liên quan đến phương tiện ở dưới cùng, nếu phần thông tin này trống nghĩa là bạn không bị phạt nguội.

Ngoài ra, bạn có thể tra cứu trên trang website của Sở Giao thông vận tải nếu những tỉnh, thành phố có tích hợp tra cứu phạt nguội trên website. Hiện nay chỉ tại một số thành phố mới tích hợp tính năng này như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,….

4. Ba bước xử lý phạt nguội

4.1. Thu thập, trích xuất, lập hồ sơ vi phạm

Thông qua hệ thống camera giám sát tự động hoặc camera của người dân hoặc hình ảnh, thông tin được đăng tải trên phương tiện đại chúng, các hình ảnh ghi lại người vi phạm giao thông được truyền dẫn về trung tâm giám sát.

Sau khi trích xuất được các hình ảnh, Cảnh sát giao thông sẽ xác minh, tra cứu, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định hành chính đối với hành vi vi phạm.

Trường hợp người vi phạm không cư trú tại nơi Cơ quan phát hiện hành vi vi phạm đóng trụ sở thì kết quả phạt nguội có thể chuyển về Công an cấp xã hoặc Công an cấp huyện nơi người đó cư trú

4.2. Thông báo và xử phạt

Sau khi tra cứu được thông tin chủ phương tiện của xe bị phạt nguội, Cảnh sát giao thông tiến hành thông báo yêu cầu chủ phương tiện, người vi phạm đến trụ sở Công an nơi phát hiện hành vi vi phạm để giải quyết. Trường hợp người vi phạm không thể đến trực tiếp trụ sở trên thì có thể đến trụ sở Công an cấp xã, huyện nơi người vi phạm cư trú để giải quyết

Sau khi nhận được thông báo có hành vi vi phạm, người vi phạm hoặc chủ phương tiện mang theo các giấy tờ xe và CCCD đến trụ sở Cảnh sát giao thông để nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc các ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước ủy quyền thu tiền phạt và được nhận biên lai xác nhận đã nộp phạt.

Khi đã có biên lai xác nhận thì người vi phạm nộp lại biên lai cho cán bộ tại Trụ sở Cảnh sát điều tra và nhận lại giấy tờ bị thu giữ.

4.3. Cập nhật kết quả và xử lý hồ sơ

Sau khi người vi phạm đã chấp hành nộp phạt, cơ quan Công an cấp xã, huyện hoặc Cảnh sát giao thông trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm phải thông báo kết quả và gửi thông báo kết thúc cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho Cục Đăng kiểm và cập nhật trạng thái đã giải quyết, xử lý trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát Giao thông.

5. Một số câu hỏi thường gặp

5.1. Vượt đèn vàng có bị phạt nguội không?

Theo quy định pháp luật, vượt đèn vàng là hành vi vi phạm pháp luật giao thông nên có thể bị phạt nguội. Theo đó:

Đối với xe máy, mức phạt từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng;

Đối với ô tô, mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;

Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.

5.2. Không nộp phạt nguội có bị xử lý không?

Trường hợp người vi phạm cố tình không nộp phạt thì có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế như sau:

  • Nếu người vi phạm là cán bộ, công chức hoặc người đang được hưởng lương tại cơ quan, tổ chức hoặc được hưởng bảo hiểm xã hội thì bị khấu trừ một phần lương hoặc thu nhập không quá 30% tổng số lương/lần hoặc không quá 50% tổng số thu nhập khác/lần khấu trừ;
  • Nếu cá nhân, tổ chức có tiền gửi ở các tổ chức tín dụng thì có thể bị khấu trừ tiền từ tài khoản tải tổ chức tín dụng;
  • Ngoài ra, nếu người vi phạm không được hưởng lương, thu nhập tại cơ quan, đơn vị, tổ chức và không có tiền được gửi tại tổ chức tín dụng hoặc có nhưng không đủ áp dụng khấu trừ tiền thì có thể bị kê biên tài sản;
  • Nếu xe bị phạt nguội là ô tô, người vi phạm còn bị hạn chế việc đăng kiểm do xe đã nằm trong phương tiện bị cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định. Khi đó, người vi phạm khi đi đăng kiểm chỉ được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có hiệu lực trong 15 ngày.

5.3. Nộp phạt nguội muộn thì có sao không?

Nếu đến hạn nộp phạt nguội được ghi trên Quyết định xử phạt mà người vi phạm không nộp phạt thì sẽ bị cưỡng chế nộp phạt và bị tính lãi chậm nộp phạt. Cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, người vi phạm sẽ phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Số ngày chậm nộp phạt được tính từ ngày tiếp theo sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp phạt nguội đến trước ngày người vi phạm nộp tiền phạt, bao gồm cả ngày nghỉ, lễ tết theo quy định.

5.4. Xe máy có bị phạt nguội không?

Phạt nguội về bản chất vẫn là một hình thức xử phạt hành chính thông thường, chỉ khác về thời điểm xử lý vi phạm giao thông được tiến hành sau khi người vi phạm thực hiện hành vi một khoảng thời gian. Do đó, phạt nguội vẫn áp dụng đối với người điều khiển xe máy. Khi đó, người vi phạm sẽ nhận được giấy phạt xe máy. 

Trên đây là toàn bộ giải đáp của Luật Ánh Ngọc liên quan đến vấn đề phạt nguội. Như vậy, mọi hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ đều có thể bị phạt nguội.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.