Tình huống pháp lý: Gia đình tôi mọi người đều bận rộn đi làm và có những công việc khác. Vì vậy, tôi muốn thuê người giúp việc gia đình để giảm bớt việc nhà. Vậy nếu tôi thuê lao động là người giúp việc gia đình thì cần lưu ý những quy định nào của pháp luật; tôi có cần kí hợp đồng lao động với họ không? Trường hợp người giúp việc muốn đưa cháu hay người thân từ đủ 15 tuổi trở lên đi nhận việc cùng thì tôi có được nhân không? Mong quý công ty giải đáp.
1. Lao động là người giúp việc gia đình được hiểu như thế nào?
Khái niệm về lao động giúp việc gia đình được quy định tại Điều 161 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau: “Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại”.
Như vậy, bạn có thể hiểu rằng người giúp việc gia đình bạn thuê có thể làm các công việc như nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, người bệnh, chăm sóc người giầ, lái xe, làm vườn,...không liên quan đến hoạt động thương mại. Họ có thể vừa là người lao động giúp việc cho gia đình bạn vừa giúp việc cho nhiều hộ gia đình khác.
2. Hợp đồng đối với lao động là người giúp việc gia đình
2.1. Hợp đồng lao động có phải lập thành văn bản không?
Điều 162 Bộ luật lao động 2019 quy định về hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình như sau:
"1. Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.
2. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.
3. Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở."
Như vậy theo quy định trên, nếu gia đình bạn muốn thuê lao động giúp việc gia đình thì bạn bắt buộc phải kí hợp đồng bằng văn bản với người lao động đó. Trong trường hợp bạn quá bận mà không thể gặp người lao động, bạn có thể ủy quyền cho một người khác để kí hợp đồng lao động với người bạn đang muốn thuê. Thời hạn của hợp đồng sẽ dựa trên ý chí và mong muốn của các bên mà không bị gò bó theo quy định của pháp luật. Nếu bạn không ký kết hợp đồng bằng văn bản với người lao động giúp việc sẽ bị phạt cảnh cáo và buộc phải giao kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định 28/2020.
2.2. Hợp đồng lao động phải gồm những nội dung gì?
Theo Điều 21 của Bộ luật Lao động năm 2019, một hợp đồng lao động thường phải có những nội dung cơ bản sau đây:
- Thông tin của hai bên: Trong hợp đồng lao động phải có thông tin cơ bản của chủ nhà và người lao động như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số điện thoại, số căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân do cơ quan có thẩm quyền cấp…
- Thời hạn của hợp đồng lao động: Hợp đồng lao động đều có thời gian bắt đầu và thời gian hợp đồng hết hiệu lực. Đối với hợp đồng lao động không có thời hạn thì chỉ cần ghi thời gian bắt đầu công việc của người lao động.
- Mô tả nội dung công việc và địa điểm làm việc:
- Mô tả công việc cụ thể mà người lao động giúp việc gia đình phải thực hiện.
- Địa điểm người lao động làm việc theo thỏa thuận, trong trường hợp nếu công việc phải thực hiện ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi đầy đủ các địa điểm đó.
- Mức lương và những khoản đãi ngộ của người lao động giúp việc gia đình.
- Quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động.
- Điều khoản về chấm dứt hợp đồng: Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động trước một khoảng thời gian nhất định và ngược lại, trừ khi các trường hợp khẩn cấp như bị sa thải vì hành vi vi phạm nghiêm trọng.
3. Chủ nhà có được giữ giấy tờ tùy thân của lao động là giúp việc gia đình không?
Theo Điều 165 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động khi thuê người giúp việc gia đình như sau:
- Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.
- Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.
- Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.
Giấy tờ tùy thân bao gồm Thẻ căn cước nhân dân, Chứng minh thư nhân dân, Hộ chiếu, là những giấy tờ cơ bản để thực hiện một số giao dịch như chuyển tiền tại ngân hàng, dự thi,…Với tình trạng lừa đảo nhiều như hiện nay, việc gia chủ mong muốn biết rõ danh tính của người lao động để đảm bảo tín nhiệm khi giao việc phụ giúp gia đình là điều có thể hiểu được . Tuy nhiên, việc giữ giấy tờ tùy thân của người lao động (đặc biệt đối với người giúp việc gia đình) là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Bộ luật Lao động 2019. Vì vậy, bạn không thể giữ giấy giờ tùy thân của lao độgn giúp việc là gia đình. Nếu bạn thực hiện hành vi này thì sẽ bị phạt tiền và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
4. Trẻ em đủ 15 tuổi có được làm giúp việc gia đình không?
Khoản 1 Điều 3 Bộ luật lao động 2019 quy định: "Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật này.". Như vậy, bạn được phép nhận trẻ em từ 15 tuổi trở lên để làm giúp việc gia đình.
5. Quyền lợi của lao động là người giúp việc gia đình
5.1. Chế độ lương, thưởng cho người lao động là giúp việc gia đình
Về tiền lương và các chế độ thưởng, chủ nhà và người giúp việc sẽ cùng nhau thỏa thuận về nội dung này theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Trong đó tiền lương của người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động bao gồm mức lương theo công việc, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác (nếu có).
- Mức lương theo công việc gồm: chi phí tiền ăn, ở của người lao động tại gia đình người sử dụng lao động (nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.
- Mức chi phí ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có), tối đa không quá 50% mức lương theo công việc ghi trong hợp đồng lao động.
5.2. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
Chủ nhà phải cho người giúp việc nghỉ ít nhất ít nhất 4 ngày/tháng và ít nhất 8 giờ/ngày theo quy định tại khoản 3 Điều 89 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Cụ thể:
- Vào ngày làm việc bình thường, ngoài thời giờ làm việc thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định, chủ nhà phải bảo đảm, tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ liên tục trong 24 giờ liên tục;
- Hàng tuần, người giúp việc phải được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục.
Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
Đồng thời, nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết thì phải được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Như vậy, nếu thuê người giúp việc gia đình bạn phải tạo điều kiện để họ được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ liên tục trong 24 giờ liên tục; hàng tuần thì người giúp việc được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp bạn không đảm bảo thời giờ làm việc và nghỉ ngơi cho người giúp việc gia đình thì theo Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, bạn sẽ bị phạt tiền lên đến 25.000.000 triệu đồng tùy vào từng mức độ vi phạm.
Trường hợp Quý khách hàng cần tư vấn và thắc mắc về quy định của pháp luật liên quan đến người lao động là giúp việc gia đình, xin hãy liên hệ với Luật Ánh Ngọc để được tư vấn.